Truyền Đạt Niềm Vui Òa Vỡ Trong Lòng
Nghệ sĩ là người diễn ra được một cái gì mình bỗng thấy, chợt cảm nhận từ trong đáy lòng mình, sau nhiều trăn trở tìm tòi. Trước hết mình chẳng nhằm thuyết phục ai, cũng chẳng có ý “dạy” ai một điều gì! Vì mình cũng đúng là “tôi đang đi tìm tôi trên vách” trong cuộc sống đời thường.
Chỉ với mấy câu thơ, từ một “cái thấy”, nghệ sĩ Tagore đã chuyển đạt, đã lay động bao con tim:
Bao buổi sáng và bao buổi chiều tôi đã nghe thấy bước chân Người; thiên sứ Người sai đã đi vào tim tôi và bí mật gọi tên. Tôi không hiểu tại sao hôm nay đời mình lại xốn xang rộn rã. (Tagore, Lời Dâng #46)
Tagore đã bỗng thấy. Cái thấy này rất cá nhân, nhưng lại rất phổ quát, vì chạm được tới chính độ rung đó trong lòng nhiều người mà họ chưa sao diễn tả ra nổi hoặc đặt tên cho nó được.
Archimedes đã diễn tả niềm vui tương tợ khi ông đang tắm dưới nước mà cứ để tâm suy nghĩ về một điều gì đó. Bỗng ông nhẩy lên bờ với một tiếng la lớn: Eureka! Tôi đã thấy.
Đó là phút giây ông khám phá ra định luật về trọng lực của sức hút và sức đẩy. Đó cũng gọi là phút loé sáng, giây đốn ngộ, khoảnh khắc được “mạc khải” vén màn bí mật để thấy một điều gì rất ư hiển nhiên mà truớc đó tại sao mình có mắt mà không thấy.
SỨ MẠNG NÀO CHO NGƯỜI CẦM BÚT, CẦM CỌ, CẦM MÁY?
Tôi chẳng bao giờ hiểu sứ mạng văn học nghệ thuật theo cái kiểu “văn dĩ tải đạo”, dùng văn mà chuyển đạt cái ý hệ hay lý thuyết nào đó có sẵn trong kho chứa xuống theo “hàng dọc” hay “hàng ngang” để tôi phải moi nó ra mà hết sức nhào nặn để nhồi nhét vào đầu óc người khác bất chấp người ta có cần và sẵn sàng đón nhận hay không. Vì rất nhiều khi người ta dị ứng với những điều tôi đang muốn chuyển đạt.
Sứ mạng càng không phải như một người nhận lệnh từ bộ chỉ đạo trung ương để làm công tác văn công, phải đánh chỗ này, phang chỗ nọ theo điểm theo diện hay theo chiến thuật và chiến lược nào cả. Phải đồng loạt khen, phải nhất trí chửi, dù phải bóp méo mất lương thiện, miễn là đạt mục tiêu! Cái này thuộc diện tuyên truyền khiêu khích theo mưu đồ làm mất tính người.
Một bài thơ có thần, có hồn thì ai cũng thấy. Và người ta thấy cái thần mình, tìm lại được cái hồn mình trong đó nữa. Chẳng bảo thì người ta cũng tìm đọc.Vì thế mà một bài văn phải có hồn, một tấm hình chụp phải có thần, một bài nói chuyện, một bài giảng phải có thần thì mới có sức lay động lòng người, chạm được tới cái hồn của người khác. Có thần là vì chính mình đã phải bắt gặp được thần, chụp được thần, chộp được thần: Catch the Spirit.
Không phải bài thơ nào cũng là một nghệ phẩm, cũng không phải bài giảng nào, bức hình chụp nào cũng là một tác phẩm. Vì có thể chẳng có hồn gì cả, mà nhạt nhẽo vô duyên làm sao ấy.
Trong buổi hội thảo về đề tài Chuyển Đạt Tin Mừng qua Văn Học Nghệ Thuật vào tháng 10 năm 2008 tại Boston College, nhà văn Trà Lũ dám phán một câu nghe chiều “rùng rợn”: “Tôi nhìn một linh mục làm lễ mà có Chúa là thấy liền. Nhà thờ bỗng thấy có Chúa, sốt sắng hẳn ra.” Chả lẽ làm lễ mà không có Chúa? Câu nói rất buồn cười mà rất thật. Theo kinh nghiệm vào nhiều nhà thờ thấy rất linh thiêng có sức thu hút kỳ lạ, mà cũng vào một số nhà thờ thấy lỏng lẻo khô cằn làm sao ấy! Không phải chỉ từ phía các linh mục, mà từ phía có nhiều tín hữu đang bắt đựơc thần hay không có thần trong con mắt niềm tin của mình.
KHẤP KHỞI RỘN RÀNG
Một bài văn thơ phải cần là một tác phẩm. Một bài giảng cũng cần là một tác phẩm. Cả đời tôi đã nghe biết bao bài giảng, dự biết bao buổi diễn thuyết, có thể cũng đã mang đến nhiều lợi ích. Nhưng có một bài giảng ghi lại trong tôi đúng là một tác phẩm không bao giờ phai mờ, mà mỗi lần nhớ lại thì tôi thấy rõ “không hiểu tại sao hôm nay đời mình lại xốn xang rộn rã.”
Đó là thời điểm vào năm 1959 khi tôi mới là một chú bé hơn mười tuổi bước chân vào tiểu chủng viện ở Phú Nhuận, và dự buổi tĩnh tâm đầu đời, mà vị giảng tĩnh tâm dịp đó là linh mục Nguyễn Kim Điền còn rất trẻ. Nội dung những bài giảng trong những ngày đó như thế nào tôi chẳng nhớ bao nhiêu, nhưng một điều chắc chắn cho đến ngày hôm nay vẫn còn có sức lay động tim tôi, là cái gương mặt chan hòa niềm vui, là cái ánh mắt sáng lung linh, là cái nụ cười đầy tin yêu nhìn về phía trước. Câu nói thật nhẹ với giọng Nam ngọt sớt rót sâu vào gan phổi ruột phèo thấy mát rợi:
“Chúng con hảy tung chưn đi khắp giang... hồ...”
Đúng rồi. Tôi nhớ rõ lắm. Chữ “giang” ngài kéo dài ra một chút như là những dòng sông chảy đi muôn hướng...và chữ “hồ” thì chậm lại mở rộng ra mêng mang như là tình đất đã bắt gặp được tình trời...
Và cũng từ cảm nghiệm đó, tôi bỗng hiểu đựợc một cách diễn tả khác: “Khi niềm vui òa vỡ trong lòng.” Đó là niềm vui đã chụp, đã chộp được thần, đã bắt gặp được hồn... và tự nhiên nó cũng làm cho mọi người cùng “xốn xang rộn rã”, nôn nóng khấp khởi rộn ràng tung chưn đi chia sẻ, loan báo, truyền đạt...
SỨ VỤ LÀM PHÉP LẠ TỪ NGUỒN THẦN HỨNG
Có nhiều người Công giáo viết văn, làm thơ, cầm micro, cầm cọ, cầm máy chụp... nhưng có rất ít nhà văn, nhà thơ, nhà giảng thuyết... Công giáo. Thế là thế nào?! Rõ ràng là mỗi tín hữu nói chung, và cách riêng những người mang chất “phát ngôn” chuyển đạt thì tự căn bản phải là người đã có thần, đầy thần khí... Và khi đã đầy Thần Khí thì sứ mạng với một quyền năng làm phép lạ thật rõ:
18 “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." (Luca 4:18-21)
Rõ ràng Chúa bảo sứ mạng người cầm bút là chuyển đạt Tin Mừng và làm phép lạ chữa bệnh và giải thoát mà. Cũng đâu có phân loại “đối tượng” phải là người Công giáo, Phật giáo hay người Cộng sản! Người đang sầu khổ mà đọc một bài viết, một truyện ngắn, xem một bức tranh vẽ hay hình chụp, nghe một bài giảng... là tâm hồn mở lối thênh thang, lên ngôi được với thiên thu. Và người đang bị bóp méo bôi nhọ trấn áp được cứu thoát, làm cho người mù nhìn thấy được, phải từ cả nghĩa bóng đến nghĩa đen chứ. Chúa có bảo là chỉ nói nghĩa bóng đâu, nếu có thì Ngài đã phải nói rõ... là Thầy chỉ nói vậy cho nó đẹp thôi!
Bài viết của mình nhạt nhẽo vô duyên mất cảm hứng là vì thiếu thần. Nhiều người kinh nghiệm có những thời gian chẳng có một hứng sáng tác gì cả, hay viết văn thì nặng nề như đeo đá! Đó là lúc cần tìm nối lại được vào nguồn thần hứng, qua những giờ thinh lặng thẳm sâu, qua những khóa tĩnh tâm. Linh mục nhà thơ Trăng Thập Tự một hôm chia sẻ cái kinh nghiệm tìm được hứng sáng sáng tác mới của nhạc sĩ Hùng Lân:
“Về tĩnh tâm, xin đan cử một chứng từ: Đầu thập niên 1980, cố nhạc sĩ Hùng Lân dự một khoá Cầu Nguyện Thánh Linh. Suốt 10 ngày, ông chẳng có gì để chia sẻ với mọi người, thế nhưng chỉ mấy tuần lễ sau khoá ấy, ông đã ọc ra một loạt bài hoàn toàn mới, mới từ hứng nhạc, ý thơ và ca từ. Một Hùng Lân thoát xác với tập Trầm Thiêng Nhạc Thánh, với khoảng 30 bài mới, ký tên Nam Hoa.”
Bức tranh “Dr. Gachet” của Vincent van Gogh đã bán với giá 82 triệu Mỹ kim. Đó là bức vẽ chân dung ông bác sĩ chữa bệnh tâm thần cho Vincent vào những ngày cuối đời, mà chính ông bác sĩ này cũng đang bị chứng bệnh nội tâm hành hạ. Toàn thể bức tranh như toát ra một “bể khổ” là thân phận con người sinh, bệnh, lão, tử... oằn oại và quằn quại giữa hai bờ sinh tử, giữa hai bờ không gian và thời gian, giữa cõi sáng và cõi tối... Bức tranh quả là như một “icon” mở cửa sổ cho con người vô thường hữu hạn đang cố vươn tới tìm cõi vĩnh hằng.
Mạng Lưới Dũng Lạc cũng đã nhận được biết bao lời từ độc giả ghi lại những cảm nhận từ những bài viết về văn hóa cũng như văn học, qua những hình ảnh nghệ thuật và chiêm/niệm/thiền, hay trang slideshow... Thật là một điều thật khích lệ cho những anh chị em dấn thân cho tác vụ này. Những thắc mắc từ lâu như chuyển đạt gì, cho ai, chuyển bằng cách nào... tự nhiên cái nhận được một câu trả lời rất đơn giản mà thực tế. Cứ tưởng tượng, một linh mục hằng ngày làm lễ và giảng cũng chưa chắc được bao người nghe thực sự. Còn đây cả mấy ngàn người đang tìm đọc sách, tìm câu giải đáp vấn nạn đời sống, tìm luơng thực tinh thần, tìm vào cõi trầm lắng của phòng chiêm/niệm chứ không phải chỉ để tìm đọc tin tức cho qua. Đúng là mình đang được gọi để cùng với Chúa thi hành tác vụ loan báo Tin Mừng và chữa lành trông thấy được. Vậy mà mình chẳng cảm thấy có phúc lắm sao?!
Những bài viết, những ảnh chụp và slideshow trong trang văn hóa hay văn học nghệ thuật tự nó đâu có mang nhãn hiệu là Công giáo hay Phật giáo. Nó vượt ra khỏi ngưỡng cửa nhà thờ mà đi vào những cảm nghiệm đời thường. Hiện đã có một số nhà văn ngoài Công giáo cũng góp mặt một cách thoải mái vì coi như cũng là mảnh đất của mình triển nở. Một số nhà ảnh Phật giáo cũng diễn lên cái tâm của mình qua hình ảnh trong trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền. Ở “cõi tâm” này con người dễ gặp nhau lắm. Tất cả cùng chia sẻ nỗi trầm luân trăn trở phận người, cùng đi tìm cái bè qua sông để giải thoát, và cùng mở ra được tia sáng phía trước thì quả là đang cùng chia sẻ tin mừng thật.
Khi nghe Chúa bảo “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15) thì tôi cứ nghĩ đó chỉ là một kiểu nói theo ước mơ, chứ có ngờ đâu bây giờ các trang mạng đang làm được tác vụ này. Chỉ một ngày hay chỉ một khoảnh khắc thôi mà đã có thể sang tận Việt Nam, Đài Loan, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Anh, Ý, Đức ... sang cả Úc, Phi hay Nam Mỹ nữa, và đi vào tận phòng trong nhà nhiều người. Mà không phải mình đường đột đi vào. Chính người ta tìm mình và mời mình vào. May mắn quá cho sứ vụ ngày nay. Tầm phổ biến vừa nhanh vừa tiện. Ngay việc in sách bây giờ cũng còn giới hạn lắm, phải tốn kém tài chánh, hình ảnh cũng phải rất giới hạn về màu sắc. Vậy mà các trang mạng đang đảm trách được những tủ sách online, có thể đưa cả cuốn sách lên một cách dễ dàng, với đầy đủ hình ảnh màu sắc sống động.
Khi còn phải soạn giảng trong nhà thờ hay viết bài trên sách báo, nhiều người hoài nghi sợ rằng có truyền mà không có thông, có chuyển mà chưa chắc đã đạt. Bởi lẽ mình thì cứ viết, cứ giảng, mà chưa chắc đã ai thèm đọc hay nghe! Độ rung của mình với đài nhận chưa chắc đã gặp tần số của nhau!
TRUYỀN ĐẠT NIỀM VUI ÒA VỠ
Mình không thể khấp khởi rộn ràng ra đi truyền đạt Tin Mừng nếu chẳng có gì vui, và Tin thì chẳng có gì mới, lạ!
Đức Mẹ phải là một nghệ sĩ thứ thiệt đã diễn lên điệu vũ Tình Khúc Tạ Ơn đầy thần hứng để chuyển đạt Tin Mừng quá ư hữu hiệu đến nỗi ngay cả cái bào thai còn trong bụng người chị họ Elizabeth cũng còn biết nhảy mừng nữa. Khi được “Thánh Thần Chúa ngự xuống, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng” (Lc 1:35) thì khúc vũ của Đức Mẹ có thần, vì đã nhận đầy thần.
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa Thần Trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứ Độ tôi. Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng xót thương những ai kính sợ Người. (Mời xem SlideshowTruyền Đạt Tin Mừng- Bài Ca Ngợi Tạ Ơn Magnificat,nhạc Tuấn Kim, ca sĩ Thu Trang, do Nt Maria Goretti Võ Thị Sươngthực hiện (Bấm vào đây download xong rồi mở, nhạc và hình sẽ chạy tự động)
Mẹ đã bỗng thấy,đã trúng Chúa.Mẹ đã cảm nghiệmđược tình thương và quyền năng của Chúa, đã cảm nhận được quá nhiều ơn phúc, thì tự nhiên niềm vui òa vỡ trong lòng. Mẹ đã nếm được ngọt ngào của tình yêu, chứngnghiệm được phép lạ Chúa đang hiện diện chữa lành, giải thoát và cứu độ từ thânphận thấp cổ bé miệng vô danh tiểu tốt được lên ngôi làm con Vua Trời Đất. Thậtlà có phúc! Từ nay hết mọi đời sẽ phải khen là có phúc!
Thánh Thần Chúa không còn vô hình nữa, mà đãhiện hình được diễn ra những nét đầy sinh động có sức đánh động làm phép lạ:
Rạng rỡ, thênh thang, thanh thản, tươi mát, xốnxang, rộn rã, dồn dập, bừng nở, hút hồn, bừng nhiệt, bật sáng, bay bổng, nứctình, ứ trào, bùng nổ, tuôn chảy, tràn lan, hớn hở, vui mừng, hoan lạc...
Điều đó khiến không thể giữ lại trong mình đượcnữa, mà phải òa vỡ, rộn ràng, khấp khởi... chuyển đạt, truyền thông, diễn ra, vẽlên, làm chứng ... ĐƯỢC SAI ĐI ỌC THƠ RA TỪ NGUỒN RẤT THƠMTHO
Thì ra không phải là mình làm thơ, viết văn haychụp hình, mà mình chỉ na ná giống như một cái giây điện chuyển ra từ nguồnđiện. Hàn Mặc Tử thấy rõ như vậy trong Nguồn Thơm:
Trí đương no và khí xuân đương khoẻ, Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm, Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé Trong phút giây trân trọng của linh hồn... Ta cho ra một giòng thơ rất mát, Mới tinh khôi và thanh bạch bằng hương. Trời như hớp phải hơi men ngan ngát, Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương... Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt: Đường thơ bay sáng láng như sao sa... Trên lụa trắng mười hai giòng chữ ngọc Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa. Phút Loé Sáng (Ảnh Cao Tường)
(Mỗi tấm hình là một Icon mở ra tầm nhìn mớiđi vào Cõi Tâm, là một biểu tượng vượt không thời, vượt lên những bon chen hơnkém dưới kia, vượt cả bờ sinh tử mà nối vào cõi Vĩnh Hằng. Nhà ảnh cũng vịn vào"nhiệm tích" đó mà lên ngôi được với Thiên Thu. Đó là phút Đốn Ngộ, giây BừngTỉnh).
Không thể gọi là sáng tác ọc ra thơ nếu không đãđược ứ trào từ nguồn rất tinh khôi là Thánh Thần. Mà để có cảm nghiệm đó thìphải có những phút giây xuất thần như Hàn Mặc Tử, hay những ngày tĩnh tâm lắngđọng tâm hồn gắn vào nguồn thơ, nguồn nhạc như cảm nghiệm của Hùng Lân. Từ nhữngkinh nghiệm này, nhiều người ao ước có được những khóa tĩnh tâm đặc biệt về“Truyền Đạt Tin Mừng” để mở lối, định hướng văn học Công giáo, và khơi nguồnsáng tác. Có như vậy thì văn học nghệ thuật Công giáo sẽ có cơ pháttriển.
Năm 2008 đã có được một ngày hội thảo về đề tàinày như một dò đuờng mà thấy có hiệu quả, thì chắc chắn trong những năm tới sẽphải thành hình những chương trình cụ thể như vậy trong chiều kích mở tới.
Viết văn, chụp hình, vẽ tranh, giảngthuyết, làm thơ Công giáo đều phải là những ngành nghệ thuật. Mình không tự“làm” chuyện đó được, cũng như không thể tự “mần thơ”! Mà phải là một ơn gọi từ trời cao: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, saitôi đi truyền đạt Tin Mừng...”
Đối với tôi, viết, giảng hay chụp hình cũng chỉlà một động tác của ơn thánh ứ trào. Một kinh nghiệm nhỏ mà khắc ghi mãi trongtâm khảm tôi về một lần bị bánh xe xẹp bên đường vào ban đêm trong một vùng hẻolánh tối tăm! Loay hoay mãi tôi mới lôi được cái hộp bơm ra, kéo dây cắm vào chỗmồi lửa thuốc lá khi xe đang nổ máy. Thế là bật nút cho đèn sáng chiếu vào bánhxe và bật nút bơm hơi. Chỉ mấy phút thôi là đã “an toàn trên xa lộ”. Công việc“sáng tác” của tôi lúc đó là chiếu đèn, là bơm hơi... đâu do sức của tôi, mà làdo “ơn thánh” từ nguồn rất tinh khôi! Tôi nghĩ, Thánh Thần Chúa cũng đang gọinhững người làm văn học nghệ thuật Công giáo mang một sứ mạng tương tự: truyềnđạt Tin Mừng và chữa lành bằng chính Thần Lực Chúa.
Thánh Thần Chúa đang nhảy múa qua bàn keyboard,cây cọ, cái micro hay tay bấm máy chụp, như cái thấy của thánh Têrêsa Avila:“Chúa đang đi giữa những nồi niêu xoong chảo”, hay kiểu thơ phú ngọt ngào yêuthương của cái thấy trong Kinh Thánh Diễm Ca (2:8-9):
Người yêu đang tới đây rồi, Nhảy băng qua núi qua đồi như nai.
Lm. Trần Cao Tường.
(Từ bài giảng trong lễ bế mạc Thánh Thần Chúa Sai Đi Chuyển Đạt Tin Mừng, trong khóa hội thảo “Truyền Đạt Tin Mừng qua Văn Học NghệThuật” tại Boston College, ngày 4 tháng 10 năm 2008, do Mạng Lưới Dũng Lạc và Nhóm Sứ Điệp tổ chức với sự hỗ trợ của Ban Văn Hóa của Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ) Mời vào Mạng Lưới Dũng Lạc www.dunglac.org
|