2. Lửa truyền giáo
Đức Cha GB. Bùi Tuần
TRUYỀN GIÁO, MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA LINH MỤC VIỆT NAM THỜI NAY (Bài giảng thánh lễ Truyền Dầu ngày 28 tháng 3 năm 2002) Một trong những niềm vui lớn của tôi, khi nhìn giáo phận nhà, là thấy số linh mục tương đối đông, đa số còn trẻ, tất cả đều hợp nhất.
Nói chung, tất cả các linh mục của chúng ta đều có thiện chí làm tốt bổn phận của mình.
Hiện nay, bổn phận linh mục tại Việt Nam nói chúng và tại địa phương chúng ta nói riêng không phải dễ dàng.
Ngoài những bổn phận thông thường vốn đi liền với chức linh mục, thì còn một số bổn phận mới.
Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp những giá trị truyền thống với những đổi mới có giá trị. Để sống đạo được nhìn nhận như một mời gọi hấp dẫn, thăng tiến, chứ không phải như một lối sống khép kín, lỗi thời.
Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp những kiến thức tôn giáo với những kinh nghiệm nội tâm. Để sống đạo được nhìn nhận như một chiều kích thiêng liêng đi sâu vào con người, chứ không phải chỉ là một lý thuyết suông.
Thí dụ bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp giáo lý với thực tế cuộc sống. Để sống đạo được coi như ánh sáng của đương thời, chứ không phải như bóng mờ của một cõi xa xôi, lạnh lùng, huyền ảo.
Nhất là bổn phận phải biết khôn ngoan phối hợp mục vụ và truyền giáo. Để linh mục là người ra khơi thả lưới, chứ không phải chỉ là người chủ chăn. Riêng về bổn phận trên đây, tôi muốn chúng ta cùng nhau dừng lại, để suy nghĩ thêm. Bởi vì truyền giáo là một trách nhiệm quan trọng, một tiếng gọi bức xúc. Nếu coi thường bổn phận này, tôi sợ chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm lớn, đạo sẽ cằn cỗi, bản thân ta sẽ chìm sâu xuống thung lũng vô hình cực kỳ nguy hiểm.
Suy nghĩ truyền giáo của chúng ta sẽ được gợi ý bằng mấy việc truyền giáo của Chúa Giêsu, để từ đó chúng ta sẽ thấy việc truyền giáo có thể thực hiện được trong hoàn cảnh mục vụ hiện nay.
Tôi xin nêu lên ba trường hợp của Chúa Giêsu. Trường hợp thứ nhất là cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria (Ga 4,7-42). Bà này là người ngoại giáo. Do đời sống gia đình lôi thôi, bà sống giữa xã hội như kẻ bị loại trừ. Bà không chủ ý đi gặp Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã như vô tình gặp bà. Bắt đầu là một đối thoại vắn về đời sống, về khổ đau, rồi sau đó Chúa làm một cử chỉ cứu độ. Chúa giúp bà vượt qua ranh giới mặc cảm tội lỗi. Bà tin vào Chúa. Hơn nữa, bà trở thành người đứng đầu một nhóm loan báo Tin Mừng giữa dân ngoại.
Trường hợp thứ hai là cuộc gặp gỡ với vị sĩ quan thành Caphanaum (Ga 4,46-54). Ông là người Rôma ngoại giáo. Ông thuộc lớp người có chức có quyền. Ông xin Chúa chữa con ông đang hấp hối. Cũng sau một đối thoại về khổ đau, Chúa đã làm một cử chỉ cứu độ. Chúa đã giúp ông vượt qua được biên giới phân biệt giai cấp, tôn giáo và dân tộc. Ông tin vào Chúa. Hơn nữa, ông trở thành người đứng dầu một nhóm loan báo Tin
Mừng giữa giai cấp chức quyền.
Trường hợp thứ ba là cuộc gặp gỡ với người bại liệt (Ga 5,1-18). Anh này sống chung với một đám người tật bệnh nghèo khổ. Đã 38 năm anh nằm một chỗ cô đơn, lầm lũi trên bờ hồ Bết-da-tha. Anh là kẻ bị xã hội loại trừ. Chính Chúa đã chủ động đến gặp anh. Cũng bắt đầu bằng một đối thoại về khổ đau, sau đó là cử chỉ cứu độ. Chúa đã giúp anh vượt qua biên giới cùng khổ. Anh tin vào Chúa. Hơn nữa, anh trở thành người đứng đầu một nhóm nhỏ loan báo Tin Mừng ngay giữa những người phản đối Chúa.
Ba trường hợp trên đây gồm một người ngoại đạo trong cảnh bê bối, một người quyền chức trong cảnh khó khăn, một người tật bệnh trong cảnh khốn cùng tuyệt vọng. Chúa đã gặp họ, đã nói chuyện với họ về các vấn đề thuộc về cuộc sống, rồi đã làm cho họ một việc cứu độ.
Tôi thấy các loại người như thế hiện nay vẫn còn rất nhiều trong xã hội chúng ta. Nhiều người công giáo đã gặp họ. Cũng đã có những chuyện trò về cuộc sống, về khổ đau, rồi trong lúc thuận tiện đã có những cử chỉ cứu độ. Kết quả rất bất ngờ: Nhiều người trước đây xa lạ nay nhận được Tin Mừng. Sau đó, chính họ gây dựng nhiều nhóm nhỏ để bàn về Tin Mừng và loan báo Tin Mừng. Có nhóm trong khuôn khổ giáo xứ. Có nhóm ngoài cơ chế giáo phận.
Tất cả những gì tôi vừa nêu trên đều làm chứng rằng: Trong mục vụ có vô số cơ hội để truyền giáo. Hơn nữa, trong sống đạo cũng có vô số dịp để làm việc truyền giáo. Linh mục làm, tu sĩ làm, giáo dân cũng làm. Thậm chí người ngoại giáo cũng làm. Làm qua những nẻo đường cuộc sống. Làm qua những vấn đề bức xúc của con người. Nếu không làm thì thiết tưởng không phải không có dịp để làm, nhưng là không có nhiệt tâm và tỉnh thức.
Như thế, điều quan trọng trong truyền giáo là người truyền giáo phải có hồn truyền giáo. Hồn đầy lửa mến Chúa. Hồn đầy lửa thương người. Lửa đó là lửa từ trái tim Chúa chia sẻ ra. Lửa đó được chia sẻ cho những hồn khiêm tốn, từ bỏ mình, thiện chí muốn gieo trồng sự thiện. Lửa đó là lửa thanh luyện, lửa cầu nguyện, lửa canh thức, lửa thương cảm, lửa cháy trong thánh giá.
Nhờ lửa như thế, người truyền giáo mới gần gũi được với con người, mới thương cảm được với thân phận từng người, mới hiểu được các vấn đề luôn mới trong dòng lịch sử đầy chuyển biến của xã hội và con người. Nhờ vậy, mà họ là người đáng tin. Đồng bào Việt Nam thời nay không còn dễ tin vào những người nói mạnh nói khéo. Nhưng họ tin vào những người có cái tâm yêu thương, chân thành, khiêm tốn, vừa sâu về đời sống thiêng liêng, vừa cởi mở thông cảm về phía con người.
Với vài suy nghĩ trên đây, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam được trở thành một Hội Thánh truyền giáo. Xin hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục của chúng ta, để mọi linh mục và từng linh mục, bất cứ trong chức vụ nào, ở tuổi nào, với hoàn cảnh nào, luôn coi bổn phận truyền giáo là một trách nhiệm mà Chúa đòi phải chu toàn. Chu toàn một cách khôn ngoan theo ý Chúa. Mình có trách nhiệm thì cố gắng chu toàn. Còn kết quả ra sao thì hãy để mặc Chúa. Chúng ta cần nâng đỡ các linh mục của chúng ta trong bổn phận truyền giáo. Bởi vì công việc truyền giáo thường được bắt đầu từ các ngài và được phát triển cũng nhờ các ngài.
Chớ chi thời nay truyền giáo trở thành một đặc điểm sáng chói của mọi linh mục tại Việt Nam chúng ta.
|