“XIN HIỆP NHẤT CHÚNG CON NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU CHÚA... ”
(Ga 17,1-26)
Chuyện xưa kể rằng có người Cha già muốn dạy các con bài học HIỆP NHẤT : “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”. Ông đặt một túi tiền trên bàn, đưa cho các con một bó đũa bảo các con bẻ, ông nói: “Nếu trong các con, ai bẻ gãy được bó đũa này, cha sẽ thưởng cho túi tiền”. Mấy người con cố gắng dùng hết sức, nghiến răng, nghiến lợi để bẻ nhưng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Ông tháo bó đũa ra và bẻ từng chiếc thế là bó đũa bị bẻ gẫy dể dàng. Ông nói: “Nếu các con biết đoàn kết như vậy thì không ai làm gì được các con, nếu các con chia rẽ, thì các con cũng sẽ bị bẻ gãy như những chiếc đũa này. Đó là bài học HIỆP NHẤT : “ĐOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT” mà người cha đã dạy cho các con của ông. Đó cũng là bài học của mỗi người chúng ta hôm nay.
Trong bữa ăn cuối cùng với các Tông Đồ, Chúa Giê-su đã thiết tha cầu nguyện cho sự “HIỆP NHẤT”: “XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT NHƯ CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Ga 17, 21–23). Trước đó Chúa Giê-su đã lấy hình ảnh “Cây Nho” để mời gọi mọi người hãy liên kết chặt chẽ với Chúa và với nhau: “Thầy là Cây Nho chúng con là ngành nho, ngành nào “Hiệp Nhất” cùng cây sẽ sinh hoa kết quả, ngành nào lìa cây sẽ khô héo đi…” ( Ga 15, 5 ). Giáo Hội Chúa được ví như một “Thân Thể Mầu Nhiệm”. (Rm 12, 4 …) Chúa Giê-su là “Đầu” Giáo hội là “Thân Thể” và chúng ta là các “Chi Thể”. Tất cả đều sống tùy thuộc vào nhau, chia sẻ cùng một giòng máu lưu thông trong cơ thể, cùng một sức sống trong Chúa Thánh Thần. Trong Thánh Lễ, chúng ta cũng chia sẻ cùng một “Tấm Bánh” (hiệp nhất do muôn ngàn lúa miến), cùng một “Chén Rượu” (hiệp nhất do trăm ngàn trái nho). Trước đó chúng ta đã tuyên xưng cùng một “Đức Tin”, cùng một “Phép Rửa”, và cùng cầu nguyện chung kinh “Lạy Cha chúng con… ” rồi cùng chia sẻ dấu hiệu của sự “Hiệp Nhất” yêu thương bằng những cử chỉ chân thành “chúc bình an” cho nhau.
Chúa Kitô đã cầu nguyện cho Hội Thánh của Người nên một, nghĩa là nên dấu chỉ của sự hiệp nhất trong một thế giới bị phân hoá. Tuyên xưng Chúa Kitô chưa đủ, mà còn phải sống theo ý muốn của Chúa, thực thi lời Chúa dạy, như lời Chúa Phán: “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy Chúa là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 1,21).
Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy sống “Hiệp Nhất” và cầu nguyện cho sự “Hiệp Nhất” nơi gia đình, trong Giáo Hội và xã hội; đặc biệt trong “Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự Hiệp Nhất” vào tháng giêng hàng năm.
Hành trình trong đời sống là một cuộc “Đồng hành”. Chúng ta cùng đi với nhau, nâng đỡ nhau, dìu nhau đi “chị ngã em nâng” chia sẻ cho nhau “lá lành đùm lá rách” giữa bao khó khăn, thử thách của cuộc đời. Thiên Chúa luôn tôn trọng Tự do của con người. Chúng ta nên tôn trọng nhau để chung tay đắp xây thế giới hiệp nhất và bình an, trong gia đình, ngoài xã hội, như vậy, chúng ta mới được sống trong sự thanh bình, hạnh phúc của Tình yêu Thiên Chúa là Cha mọi người chúng ta. Là con Thiên Chúa ta phải luôn sống hiệp nhất, sống theo ý Chúa muốn: “Vì ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20). Ai sống hiệp nhất yêu thương là dấu chỉ người con Chúa, luôn có Chúa ở cùng.
Ai chia rẽ, giả dối là con cái, là học trò của ma quỷ, vì mà quỷ là “thầy của sự giả dối”, luôn luôn gây chia rẽ. Bất cứ một gia đình nào, một đoàn thể nào, sống chia rẽ, người nọ phân bì người kia thì gia đình đó, cộng đoàn đó chỉ là một tập đoàn ma quỷ, không bao giờ tồn tại. Với thế giới hôm nay, gây chia rẽ là việc làm thường ngày của ma quỷ, chúng tìm mọi thủ đoạn: dùng bạo lực áp đặt sự chia rẽ, dùng tiền để mua chuộc sự chia rẽ, gây chia rẽ giữa người này với người kia, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn kia, giữa giáo xứ này với giáo xứ nọ, dùng phương tiện này, phương tiện khác để gây chia rẽ, nên không thể tin vào các phương tiên truyền thông. Đức cố Hồng Y, Fx Nguyễn Văn Thuận đã cảnh báo rằng: “đài không phải là sự thật, tivi không phải là sự thật, báo chí không phải là sự thật” (ĐHV). Nhiều khi những phương tiện truyền thông này lại là những phương tiện tuyên truyền, bịa đặt sự giả dối, mục đích là gây chia rẽ.
Thánh Phan-xi-cô khó nghèo đã dâng hiến cả cuộc đời để phụng sự Chúa và nhân loại. Ngài luôn dâng lời cầu nguyện và tận tâm, tận lực gây dựng sự Hiệp nhất, Tình yêu thương và Hòa bình trên thế giới, trong gia đình và giữa mọi người thuộc mọi màu da, chủng tộc, tôn giáo và văn hóa. Bài “Kinh Hòa Bình” của Ngài rất nổi tiếng và đã đựơc dịch cũng như phổ nhạc ở nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta hãy luôn thành tâm cầu nguyện với Chúa cho chúng ta biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau… để trở nên những “Khí cụ bình an của Chúa…Sống Hiệp Nhất yêu thương và phụng sự Chúa trong mọi người... biết đem yêu thương vào nơi oán thù… Đem an hòa vào nơi tranh chấp…” (Kinh Hòa Bình, của lm Kim Long).
Như xưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha xin cho sự hiệp nhất: “để họ được nên một như chúng ta là môt. Con ở trong Cha và Cha ở trong con để họ được hoàn toàn nên một”. Ngày nay, chúng ta cũng cần theo gương Chúa Giêsu luôn biết cầu nguyện cho sự Hiệp Nhất trong tình yêu Chúa, sống kết hiệp mật thiết với Chúa và đoàn kết yêu thương tha nhân như chính mình.
Để làm cho triều đại Chúa mau đến, công lý, hoà bình sớm được triển nở trên thế gian này ta phải dứt khoát loại bỏ ma quỷ và những gì thuộc về ma quỷ: hận thù, chia rẽ, oán hờn, ghen ghét, gian tham tục tĩu, điêu ngoa, gian dối, vu khống, thoá mạ, thêm bớt cắt xén. Chính Chúa Giêsu đã chỉ cho ta thấy những gì thêm bớt cắt xén là do ma quỷ: “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. (Mt 5,37).
Joseph. Hiệp Nhất