VietCatholic News (Thứ Tư 08/10/2008)
Hỡi người Ga-li-lê, chính người đã chiến thắng ta!
Khi hoàng đế La Mã Constantine (274-337) sắp lâm trận với đạo quân kình địch của Maxentinus (?-312) ông nói đã nằm mơ thấy Chúa Ki-tô hiện ra với ông và dặn ông viết hai chữ XP (theo tiếng Hy Lạp là XPISTOS, tức là Chúa Ki-tô) trên các tấm khiên của binh lính. Sau đó ông đánh bại quân địch tại cầu Milvian gần Roma (năm 312). Bởi đó ông ra sắc chỉ chấm dứt việc bách hại Ki-tô giáo. Dưới sự bảo trợ của ông Ki-tô được lớn mạnh sau thời gian gần 300 năm bị bách hại dữ dội trong toàn đế quốc La Mã. Trước khi qua đời ông xin được rửa tội để thành Ki-tô hữu.
Hoàng đế Flavius Claudius Julianus lên ngôi năm 360, có biệt danh nổi tiếng là Julian Phản Ki-tô (Julian the Apostate). Ông căm thù Ki-tô giáo và muốn đảo ngược lại đường lối của Constantine. Ông bắt buộc toàn đế quốc La Mã quay lại việc thờ cúng các thần linh của La Mã và Hy Lạp. Nhưng triều đại của ông chỉ kéo dài trong 3 năm. Ông bị giết khi lâm chiến với quân Ba-Tư tại mặt trận Mesopotamia ngày 26-6 năm 363. Trước khi nhắm mắt ông chua xót thốt lên một câu lưu danh muôn thưở: Vicisti, Galilaee - Hỡi Người Ga-li-lê, chính người đã chiến thắng ta.
Người Ga-li-lê mà Jilian ám chỉ chính là Đức Giê-su, người miền Ga-li-lê, một tỉnh nhỏ xa xôi hẻo lánh trong đế quốc La Mã. Người Ga-li-lê này chỉ là một tử tội vô danh tiểu tốt phải chết ô nhục không quần không áo trên thập giá vào 330 năm trước thì có quan trọng gì đối với đương kim hoàng đế của đế quốc La-Mã đến nỗi ông phải bận tâm vào lúc sắp chết như thế? Suốt đời người Ga-li-lê lang thang đây đó, không có lấy một hòn đá để gối đầu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ trong miền Ga-li-lê. Chung quanh Người toàn là đám dân nghèo thất học cùng khổ và những người mà xã hội đương thời khinh chê là tội lỗi. Người làm được một số phép lạ chữa bệnh nhưng điều này không ngăn cản được đám đông cuồng nộ la ó yêu cầu quan Phi-la-tô: Đóng đinh nó vào thập giá. Rồi Người phải chết treo chung với hai thằng ăn cướp.
Nhưng sau khi chết người Ga-li-lê này lại sống lại và còn sống mãnh liệt hơn nữa nơi các Ki-tô hữu. Họ cam chịu bắt bớ, tù đầy, bị giết chết chứ không chịu từ bỏ niềm tin nơi Người. Tin vào Người thì mất tất cả nhưng để được cái gì? Người hứa ai tin vào Người sẽ không phải chết. Thế mà hằng hằng lớp lớp Ki-tô hữu bị kỳ thị soi mói lý lịch ba bốn đời, bị cắt hết đường công danh, bị nguyền rủa chửi bới, bị đưa ra pháp trường, bị đâm bị chém, bị thiêu bị đốt, bị thú dữ phanh thây xẻ thịt mà có thấy Người đến cứu đâu. Tin để rồi đi đến kết cuộc thảm thương như thế mà vẫn cứ tin. Chắc chắn họ phải thấy một cái gì khác. Không những đó là điều họ sẽ thấy sau khi chết, mà họ còn phải thấy ngay trong hiện tại thì mới dám chấp nhận bỏ tất cả để được một cái lớn hơn gấp bội. Họ thấy được Người đang sống với họ một cách huyền nhiệm lạ lùng. Thế gian không bao giờ hiểu được điều này.
Câu nói của Julian luôn đúng với mọi hôn quân bạo chúa và tất cả mọi người đã và đang muốn tiêu diệt Ki-tô giáo. Lịch sử cho thấy tất cả những vua chúa và triều đại hùng mạnh như đế quốc La Mã, các triều vua Trung quốc, Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam, khối Cộng sản Đông Âu…đã từng bách hại Ki-tô giáo khủng khiếp đều đã tiêu vong. Những triết gia vĩ đại, những văn nghệ sỹ lớn, và hằng hà sa số bồi bút đã suốt đời mất công bài bác Ki-tô giáo cũng đều đã qua đi mà Ki-tô giáo luôn còn đó.
Nhưng đó có phải là tất cả chiến thắng của người Ga-li-lê không?
Không ai biết được Julian nghĩ gì khi thốt lên câu đó. Điều chắc chắn là đứng trước cái chết mọi người đều phải sợ vì chết là một kết thúc bế tắc bi đát nhất cho thân phận một người. Khi vào thăm bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội tôi bàng hoàng đọc lại bút tích của ông trong một lá thư gởi cho một gia đình Công giáo có con tử trận trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đại khái ông viết rằng người chết đã được lên thiên đàng thì người còn sống cũng được an ủi nhiều. Tôi nghĩ rằng ông tin chứ không phải nói dối đâu.
Nhưng chiến thắng của người Ga-li-lê chỉ có ý nghĩa lớn lao nhất nơi từng thâm tâm sâu kín nhất của mỗi con người. Mọi người, dù là ai đi nữa, thậm chí không tin, chống đối, và muốn tiêu diệt Ki-tô giáo cũng đều được Người yêu mến và đổ máu ra mà cứu chuộc. Chỉ qua Người mà họ mới đạt được mục đích chính của kiếp người: được trở thành Con Thiên Chúa giống như Người. Hồng ân này Người ban tặng dễ dàng cho mọi người mà không cần những nghi thức rình rang mầu mè bên ngoài như Người đã ban cho tên ăn trộm cùng chết bên cạnh Người. Chỉ cần người ta tin thôi.
Có thể Julian thốt lên câu đó vì vào phút cuối cuộc đời, khi vinh hoa phú quý chỉ còn là phù vân, ông cảm thấy mình phải rơi vào một hố thẳm không đáy tối tăm, mọi triết lý ý thức hệ, tư tưởng cao siêu này nọ đều trở thành lố bịch, người Ga-li-lê chết trơ trọi thảm thương trên thập giá lại trở nên thân thương vô cùng đối với ông và ông bỗng tin vào Người. Người đã chiến thắng ông vì Người luôn yêu thương ông.
Có thể vào phút cuối đời các vị vua triều Nguyễn, Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Pôn Pốt… cũng bỗng tin vào Người.
Có rất nhiều quan Cộng sản Việt Nam vào cuối đời đã bí mật tiếp xúc với các linh mục. Không ai chống được sức mạnh tình yêu của Người Ga-li-lê.
Nhưng có khi Người lại qưở trách những Ki-tô hữu vì họ đã không bao giờ dám đi cầu nguyện để bênh vực các thai nhi đang bị tàn sát không thương tiếc và các người nghèo bị mất nhà cửa ruộng vườn bởi một chính quyền chủ trương ăn cướp đa số để cho một thiểu số trong phe đảng của họ được thụ hưởng tối đa.
Sau cùng, đến phút cuối cuộc đời, nhiều người cũng sẽ phải lập lại câu nói của Julian. Mong rằng, nhờ lòng thương xót của Người, họ sẽ thốt lên lời đó trong rạng rỡ hân hoan chứ không phải trong chua cay khốn nạn:
Hỡi Người Ga-li-lê, chính Người đã chiến thắng ta!
John Chang
|