NGÀY 4 THÁNG MƯỜI THÁNH PHANXICÔ NGHÈO Lễ Nhớ
Thánh Phanxicô Asisi sinh năm 1182 trong một gia đình Công Giáo quí phái tại thành Asisi, nước Ý. Ngài là một nhà giảng thuyết không mỏi mệt về đức nghèo và lòng yêu thương vô biên Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài thành lập dòng Phanxicô, và cùng với thánh nữ Clara, thành lập dòng nữ Clara. Thánh nhân còn thành lập dòng ba Phanxicô cho các giáo dân nam nữ. Thánh Phanxicô qua đời vào năm 1226.
31.1 Đức nghèo của thánh Phanxicô - các tín hữu phải sống đức nghèo.
Vào một thời kỳ hàng giáo sĩ và giáo phẩm mải mê trong lối sống xa hoa, ham hố quyền lực chính trị và xã hội, Thiên Chúa đã muốn đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô trở nên một thứ men cho xã hội đã trượt khỏi những giá trị tinh thần vì quá dính bén với các của cải vật chất. Thi sĩ Dante đã ca ngợi thánh Phanxicô như một mặt trời được sinh ra cho thế giới.1 Thiên Chúa đã dùng đời sống của thánh nhân để tuyên bố cho mọi người về niềm hy vọng đích thực là một mình Thiên Chúa.
Một ngày kia đang lúc cầu nguyện tại nhà thờ thánh Damian đổ nát, Phanxicô đã được nghe những lời này: Con hãy đi sửa sang lại ngôi nhà của Ta đang hoang tàn. Thánh nhân làm theo từng chữ của lệnh truyền ấy. Ngài dùng hết sức để sửa sang lại ngôi thánh đường đổ nát ấy. Sau đó, ngài còn cố gắng trùng tu những thánh đường khác, và chẳng bao lâu sau, ngài đã hiểu rằng đức nghèo như một biểu hiệu trong toàn bộ cuộc sống ngài sẽ là một lợi ích lớn lao cho Giáo Hội. Thánh nhân đã gọi nhân đức này là Bà Chúa Nghèo,2 theo như lối xưng hô của các hiệp sĩ thời Trung Cổ dành cho người yêu của họ, và các tín hữu Công Giáo thường dành cho Mẹ Thiên Chúa.
Thánh Phanxicô nhận thức rằng công cuộc chấn hưng Giáo Hội sẽ được thực hiện nhờ tinh thần siêu thoát của cải trần thế. Nếu mọi tín hữu sống đức nghèo đúng bậc mình, nhân đức ấy sẽ cho phép chúng ta đặt trót hy vọng vào một mình Thiên Chúa. Vào một ngày tháng 2 năm 1209, khi được nghe những lời Phúc Âm: Đừng mang theo vàng, bạc, bao bị… thánh Phanxicô đã xúc động sâu xa và xác tín rằng không có gì trên đời này có thể sánh được với Thiên Chúa. Ngài đã bỏ tất cả trang phục đẹp đẽ để mặc một tấm áo thô, quấn một sợi dây thừng làm thắt lưng và ra đi trên các nẻo đường, làm nhân chứng cho Chúa Quan Phòng.
Đức nghèo là nhân đức Thiên Chúa muốn mọi người phải sống – tu sĩ, linh mục, cha mẹ trong gia đình, luật sư, học sinh. Theo ơn gọi của mình, các tu sĩ phải là chứng nhân công khai và chính thức về sự tận hiến cho Thiên Chúa. Thật vậy, mọi tín hữu đều được mời gọi sống nhân đức nghèo, cũng như các nhân đức khác, như tiết độ, vâng lời, khiêm nhượng, phù hợp theo bậc sống mỗi người.
Nhân đức nghèo đối với người tín hữu chính yếu dựa trên tinh thần siêu thoát của cải trần gian, tin tưởng vào Thiên Chúa, giữ tiết độ, và sẵn lòng chia sẻ với người khác.3 Như khách lữ hành phải biết rõ phương hướng trước lúc lên đường, người tín hữu phải học biết dung hòa hai khía cạnh xem ra có vẻ đối nghịch của nhân đức này; ‘đức nghèo đích thực’ phải là biểu hiện của niềm tin vào Thiên Chúa và là dấu chỉ minh chứng tâm hồn không thỏa mãn với các tạo vật, chỉ khát khao một mình Thiên Chúa. Tâm hồn chỉ muốn được đầy tràn tình yêu Chúa để có thể ban phát tình yêu ấy cho mọi người.4 Đàng khác, cuộc đời trần gian đòi hỏi người tín hữu phải sống giữa muôn người, chia sẻ cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc với họ, làm việc với họ, trân trọng trần thế và tất cả những gì tốt đẹp trong đó; dùng mọi tạo vật để giải quyết các vấn đề nhân sinh và tạo lập một môi trường tinh thần cũng như vật chất giúp cho cá nhân và xã hội thăng tiến.5
Những suy tư sau đây có thể giúp chúng ta thực hiện nhân đức nghèo mà Chúa mong đợi nơi chúng ta. Tôi có tinh thần siêu thoát của cải vật chất trong cuộc sống hằng ngày bằng các hành vi cụ thể không? Tôi có yêu thích những hy sinh mà đức nghèo đem lại không? Tôi có thể nói ‘tôi thực sự có tinh thần nghèo’ bởi vì tâm hồn tôi chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa và tha nhân, mặc dù tôi chịu trách nhiệm về nhiều của cải vật chất hay không? Bạn hãy siêu thoát khỏi của cải đời này. Hãy yêu mến và sống tinh thần nghèo: Hãy bằng lòng với những gì đủ để sống một cuộc sống giản dị và điều độ. Nếu không, bạn không bao giờ trở nên một tông đồ đâu.6
31.2 Nhu cầu đức nghèo và những phương thế để sống nghèo.
Lời Chúa vẫn vang vọng qua mọi thời đại: Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của.7 Chúng ta không thể làm vui lòng và không thể đem Thiên Chúa đến cho người khác, nếu chúng ta không sẵn lòng khước từ của cải và thói ham muốn hưởng thụ. Lời kêu gọi của Chúa, mặc dù có vẻ xa lạ, nhưng càng quan trọng hơn nữa cho thời đại chúng ta, giữa lúc khắp nơi ai cùng thèm muốn tiện nghi và sống ích kỷ. Nhiều người trong xã hội muốn sở hữu và tiêu xài thêm nữa, tôn thờ những thú vui như thể chúng là cứu cánh cuộc đời.
Đức nghèo đích thực được biểu lộ bằng nhiều cách. Trước hết, chúng ta hưởng dùng tạo vật như những quà tặng Thiên Chúa ban nhưng đừng coi chúng như điều duy nhất cần thiết cho sức khỏe hoặc sự nghỉ ngơi của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải biết làm chủ bản thân trong cuộc sống hằng ngày. Như thế, chúng ta sẽ không tạo thêm các nhu cầu giả tạo, chiều theo tính lừa dối, ngẫu hứng nhất thời, thói ươn lười và thích tiện nghi. Chúng ta hãy đến với Thiên Chúa bằng bước chân nhanh nhẹn, không mang vác bất kỳ gánh nặng trì trọng nào có thể làm chậm bước tiến của chúng ta.8 Chúng ta có thể ngã quị vì những nhu cầu bản thân, kể cả những vật dụng chúng ta sử dụng, chẳng hạn những những thiết bị nghề nghiệp, những đồ dùng thể thao và trang phục.
Thánh Augustine khuyên các tín hữu thời ngài: Hãy bằng lòng với những gì vừa đủ. Nhiều hơn là gánh nặng, chứ không phải dễ chịu. Nó sẽ đè nặng chứ không phải nâng đỡ anh em.9 Vị thánh tiến sĩ Giáo Hội quá hiểu về cuộc chiến đấu nơi tâm hồn con người. Quả thật, đức nghèo Kitô Giáo không thể tương hợp với việc sở hữu của cải dư thừa hoặc quá quan tâm đến những nhu cầu do trí tưởng tượng bày đặt ra. Thái độ thèm khát vô độ đối với của cải vật chất chính là dấu hiệu của một tâm hồn nguội lạnh và thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa.
Nhân đức nghèo còn được thể hiện khi chúng ta hoàn thành công việc một cách chu đáo và biết giữ gìn những vật dụng như y phục, nhà cửa, đồ đạc, cho dù chúng thuộc hay không thuộc sở hữu chúng ta. Nhân đức nghèo còn được biểu lộ khi chúng ta không tiêu xài quá đáng, khi tổ chức, cơ quan phải chi trả những khoản ấy. Nhân đức nghèo sẽ thể hiện khi chúng ta không coi bất cứ gì là của riêng,10 và chọn những vật dụng kém nhất, đặc biệt là khi sự lựa chọn ấy không được ai nhận ra.11 Trong cuộc sống gia đình, chúng ta có thể tìm được nhiều dịp để thực thi nhân đức nghèo. Chúng ta sống nhân đức này khi biết chấp nhận sự thiếu thốn trên phương tiện vật chất một cách thanh thản, và tránh những chi tiêu xa xỉ, háo danh, khườn lười, tùy hứng. Chúng ta sống tinh thần nghèo khi chúng ta điều độ trong việc ăn uống và lúc nào cũng sống quảng đại với người khác.
Một ngày kia, thánh Phanxicô truyền đặt một thánh giá lớn trong nhà nguyện của dòng. Khi thánh giá đã được đặt xong, thánh nhân nói: ‘Đây sẽ là quyển sách cho anh em suy niệm.’ Vị thánh thành Asisi hiểu sâu xa về giá trị tương đối của tài sản đời này, và biết sự giàu sang đích thực là cuộc sống đời sau. Ngày nay, khi xã hội đang sa đọa vì những giá trị vật chất, các tín hữu cần phải mến mộ nhân đức nghèo với một lòng cương quyết đặc biệt.
31.3 Những lợi ích của đời sống nghèo.
Nhân đức nghèo đem lại nhiều hoa trái. Trước tiên, linh hồn sẽ sẵn sàng đón nhận các ơn thánh siêu nhiên, và rộng mở vì biết quan tâm đến người khác.
Chúng ta hãy nài xin Chúa - qua lời cầu bầu của thánh Phanxicô - ban cho chúng ta ơn hiểu biết và thực hành đức nghèo Kitô Giáo một cách sâu xa hơn nữa. Ước chi chúng ta biết sống nhân đức này với tất cả những hệ quả và coi đó như những phần thưởng ở đời này. Chúa Giêsu ban cho linh hồn sống siêu thoát một niềm vui đặc biệt ngay cả khi thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu. Nhiều người cảm thấy khổ sở, chỉ vì họ có đầy đủ mọi thứ. Nếu sống đúng là những người con của Thiên Chúa, các tín hữu sẽ chịu bất tiện, nóng bức, mệt mỏi, lạnh lẽo… Nhưng họ không bao giờ thiếu niềm vui, bởi vì Đấng là nguồn vui đã tha phép những điều ấy xảy đến cốt để tạo niềm vui cho họ.12
Đức nghèo đích thực giúp chúng ta luôn sẵn sàng theo Chúa Kitô. Như Chúa đã dạy, việc hoàn toàn hiến thân là hình thức tối cao của tự do. Chúng ta lúc nào cũng mở rộng lòng để thực thi thánh ý Thiên Chúa trong đức ái và không giữ lại gì cho riêng mình. Để yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải ham thích sống nghèo, bất chấp mọi sự chung quanh dường như thúc đẩy chúng ta hãy sống giàu sang.13 Đức nghèo, cũng như các nhân đức khác, là một thái độ xác quyết tích cực. Nó giúp chúng ta sống theo thánh ý Chúa bằng cách sử dụng vật chất như một phương tiện để đạt đến thiên đàng. Như thế, chúng ta góp phần làm cho thế giới trở nên công bình và nhân ái hơn.
Đức nghèo là một hệ quả của đức tin. Theo Thánh Kinh, đó là trạng thái một người phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa vô điều kiện, và để Người điều hành cuộc đời họ mà không đòi bất kỳ sự đảm bảo nào. Như thế, ý hướng ngay lành là điều thiết yếu trong việc quyết tâm sống theo tinh thần nghèo khó. Con người không được đặt niềm tin của mình vào những của cải chóng qua, mặc dù họ có sở hữu chúng đi nữa.
Nhiều tín hữu bị quyến dũ trước sự hấp dẫn của chủ nghĩa hưởng thụ. Khi cuộc sống chỉ là chạy theo việc thu tích của cải, thì tiền bạc trở thành một thần minh. Việc thờ quấy như thế, theo lời thánh Phaolô cảnh báo cho các tín hữu tiên khởi, ngay tên của nó, cũng không nên nhắc đến. Khuynh hướng ham hưởng thụ khiến người ta quên đi kho tàng cao quí là tình yêu Thiên Chúa, sự thiện tuyệt đối duy nhất có thể lấp đầy tâm hồn con người. Chúng ta phải có một ý hướng cương quyết phụng sự một chủ, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ.14 Trong một xã hội thèm khát của cải và tiện nghi vô độ, cuộc sống điều độ của chúng ta sẽ nên một thứ men đem các linh hồn về với Thiên Chúa, như cuộc sống của thánh Phanxicô trong thời đại của ngài.
Kết thúc giờ suy niệm hôm nay, chúng ta nài xin Chúa - nhờ lời cầu bầu của vị thánh thành Asisi - cho chúng ta cũng trở nên một thứ men giữa xã hội. Trước mộ phần của vị thánh tổ phụ dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện: Thánh nhân đã đưa thời đại của ngài đến gần Chúa Kitô, xin giúp chúng con cũng lôi kéo thời đại nhiễu nhương và nghiêm trọng này đến cùng Chúa. Mọi người đang háo hức chờ đợi gương sáng của chúng ta, mặc dù họ không ý thức được điều ấy. Khi gần đến năm 2000, đó không phải là một thời điểm thuận tiện để khởi đầu một mùa vọng mới cho thế giới của chúng ta hay sao?15 Qua đời sống hiến thân, Đức Thánh Trinh Nữ, Hiền Mẫu của chúng ta, sẽ cho chúng ta nhìn thấy chúng ta cũng có thể góp phần vào cuộc chiến để đem lại một thời đại mới của Chúa Kitô, một thời đại mà hôm nay đã đang dần dần hiện lộ.
(source:dongcong.net)
|