Bất chấp giới hạn của tuổi tác, bất chấp sức ép của công việc … tình Mẹ con ở căn phòng nhỏ bé ở phố Đức Bà vẫn rực sáng và toả hương. Tình Mẹ con trong căn phòng nhỏ bé ấy càng nồng ấm khi tuổi Mẹ, tuổi con đã xế chiều.
Bất chấp hơi cay, dùi cui điện, phỉ nhổ, mạ lỵ, khủng bố ... tình Mẹ con bên hang đá ở phố Đức Bà vẫn son sắt. Tình Mẹ con bên hang đá ở phố Đức Bà ấy còn bừng cháy hơn nữa giữa những giới hạn của ngăn cản và cấm cách.
Tình Mẹ - con trong căn phòng nhỏ ở phố Đức Bà :
Dòng thời gian vẫn trôi qua nhẹ nhàng và êm ả, tiết trời Hà nội đã vào Thu, chiếc xe lăn nhỏ bé ngày ngày đưa một bà mẹ già tới tới lui lui dọc hành lang của phố Đức Bà. Mẹ đã một đời tần tảo lo toan cho con cái và giờ đây khi bóng chiều đã ngã Mẹ cũng chẳng yên lòng được khi thấy con mình còn đó những bận tâm của cuộc đời, bận tâm của con người. Dẫu người con ấy là linh mục như Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng con Mẹ, dẫu người ấy tóc cũng lấm tấm bạc đi chăng nữa trong lòng Mẹ vẫn là Mẹ và người con ấy vẫn là một “cậu bé” bé bỏng trong vòng tay của Mẹ già.
Có lẽ cha Matthêu cũng như mọi người con đều cảm nhận “Nay lớn khôn con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương … rồi lớn lên con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao, khi về nhà xưa với cha và với mẹ như là trẻ thơ bé như ngày nào …” để rồi tranh thủ thời gian có được để được đến và ở bên mẹ nhiều chừng nào tốt chừng đó. Dù học cao, dù hiểu rộng và dù có bay lên được trăng sao đi chăng nữa nhưng mãi mãi trong vòng tay yêu dấu của Mẹ, cha Matthêu vẫn là như đứa trẻ thơ ngày nào luôn cần đến tình Mẹ, luôn mong Mẹ chăm sóc vỗ về, yêu thương.
Cứ mỗi sáng, sau bữa điểm tâm và sau giấc ngủ trưa đến xế chiều người giúp Mẹ đưa Mẹ đi đi lại lại dọc hành lang. Cái hành lang nhỏ bé ở phố Đức Bà ấy như là điểm hẹn của tình mẹ con giữa bà Cố và Cha Matthêu.
Sáng nay, đợi mãi chẳng thấy con xuống, Mẹ thắc mắc với chị giúp việc : “Sao đến giờ này mà vẫn chưa thấy cha xuống !” Hình như linh cảm của Mẹ có điều gì chẳng lành đến với Cha Matthêu hay sao đó nên bà Cố mới hỏi. Thì ra là sáng nay công an mời Cha Matthêu lên làm việc nhưng tôi không dám nói cho bà Cố biết vì chỉ sợ bà thêm lo.
Chị giúp việc cho tôi biết thêm về Mẹ. Mẹ lo lắng lắm khi con Mẹ kêu gọi mọi người cầu nguyện cho công lý, cho sự thật. Chẳng biết có ai đến nói với Mẹ điều gì không nhưng sao Mẹ lo cho Cha lắm ! Mẹ ngồi xe lăn không làm được gì nhưng Mẹ lo lắm :
Nào là bảo người giúp việc mua đồ cho Cha Matthêu mặc vì Mẹ thấy Cha ăn mặc “lèng phèng” quá !
Nào là bảo người giúp việc dặn là khi Cha Matthêu đi đâu ra ngoài đường thì gọi taxi cho Cha đi chứ đừng đi xe ôm vì sợ kẻ xấu hãm hại !
Những ngày này, những ngày xảy ra biến cố tại Phố Đức Bà, thật sự ai ai cũng quan tâm và lo lắng cho Cha Matthêu nhiều. Một linh mục thường lang thang đây đó như Cha Matthêu, đồng hành với những người nghèo vậy mà phải chôn mình trong bốn bức tường của tu viện Thái Hà Ấp cảm thấy làm sao đấy. Thường ngày, Ngài vẫn dong duỗi trên mọi nẻo đường để đồng hành với những người nghèo : Có khi ta thấy Ngài vui vẻ chung chia phận nghèo với những chị đồng nát, có khi ta thấy Ngài gần gũi với các bạn sinh viên, có khi ta thấy Ngài gợi lên một nhóm nào đó như nhóm “Tiếng Vọng” chuyên lo cho các bệnh nhân sida đầu đường xó chợ, có khi ta lại thấy Ngài ẩn mình gần một tuần lễ tận Trung Tâm Mai Hoà - Củ Chi - để chung chia phận của những con người bị đẩy ra bên lề xã hội.
Với Cha Matthêu thì cảm thấy như bó buộc ở trong nhà nhưng với Mẹ thì Mẹ rất vui. Mẹ vui vì ngày ngày hai buổi sáng chiều con lại ghé qua căn phòng nhỏ bé của Mẹ để Mẹ con gặp nhau chốc lát. Có hôm xuống thăm Mẹ thì Mẹ vẫn còn ngủ nên Cha đành lên phòng tiếp tục làm “con mọt” trong đống sách vô cùng quý giá.
Quả thật, tình Mẹ thật lai láng tựa dòng sông cả thăm thẳm tựa biển sâu :
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghen con”.
Thế đấy ! Một mối tình thiêng liêng, mối tình nồng thắm Mẹ - con ngày ngày vẫn diễn ra ở căn phòng nhỏ bé phố Đức Bà. Dù đi đâu, Cha Matthêu cũng hướng lòng về người mẹ già đang chờ Ngài trở về với Mẹ trong căn phòng nhỏ bé và ấm cúng. Dù đi đâu, Cha Matthêu cũng không quên được tình của Mẹ. Và với Mẹ, dù tóc Mẹ có bạc, da Mẹ có mồi đi chăng nữa thì Mẹ vẫn dõi theo từng bước đường của người con dấu yêu.
Tình Mẹ - con bên hang đá ở phố Đức Bà :
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, trải qua không biết bao nhiêu biến chuyển của bể dâu thì Đức Bà Thái Hà ấp xưa kia vẫn là chỗ “hò hẹn” giữa Mẹ Maria kính yêu và của những con từ khắp mọi miền đất nước. Nơi Linh địa linh thiêng ấy Mẹ vẫn chờ để gặp các con và các con vẫn chờ để gặp Mẹ.
Thời thế thay đổi để rồi lòng người cũng đổi thay. Mảnh đất linh thiêng ấy được góp vào bởi biết bao nhiêu công khó của người nghèo. Mảnh đất ấy được thánh hiến để phụng vụ dân Thánh Chúa. Thế nhưng, do hoàn cảnh của đất nước mảnh đất ấy chưa kịp xây dựng ngôi Thánh đường khang trang để con cái có nơi phụng thờ Chúa, ca khen Mẹ cho phải lẽ.
Nhu cầu gặp gỡ giữa Mẹ và con cũng như giữa con và Mẹ ngày càng cao nên các vị mục tử phụ trách phố Đức Bà đã nhiều năm cũng như nhiều lần nộp đơn xin lại mảnh đất thiêng ngày nào đã thánh hiến phụng thờ Chúa. Năm lần bảy lượt, đến hẹn lại lên nhưng khi lên thì lại hẹn xuống và cuối cùng các vị mục tử cùng đoàn con cái của Mẹ ngậm ngùi cầm trong tay bản “quyết định thu hồi”. Một “quyết định thu hồi” bất nhân và bất nghĩa.
Bên cạnh cái “quyết định thu hồi” bất nhân bất nghĩa đó, họ đâu có để cho tình Mẹ con được yên ổn. Họ dùng quá nhiều thủ đoạn để ngăn cản tình Mẹ tình con : Nào là dùi cui điện, nào là hơi cay để ngăn những buổi cầu nguyện của con trước nhan Mẹ. Tưởng chừng dùi cui và hơi cay có thể ngăn được tình Mẹ - con ấy nhưng không !
Hơi cay và dùi cui như là phương tiện, như là chất làm tăng thêm tình Mẹ - con thì phải. Từ muôn phương con cái của Mẹ cứ vui vẻ dắt díu nhau trẩy hội lên Đền. Họ lại bày ra cái trò “ngăn sông cấm chợ” thời bao cấp không cho con cái về với Mẹ. Sau này, họ còn bày trò ác là đổ mắm tôm trộn hoá chất để cho các con cái của Mẹ không còn đến với Mẹ nữa nhưng họ đã lầm.
Tất cả những biện pháp bất nhân bất nghĩa ấy không thể nào dập tắt được tình nghĩa Mẹ - con. Giờ đây, tình Mẹ - con ở Phố Đức Bà toả lan như hương trầm bay lên nhan Chúa vậy. Dù đi đâu, ở bất cứ nơi nào, tình Mẹ tình con ở Phố Đức Bà đều được mọi người biết đến và noi theo.
Thời gian vẫn chạy, dòng đời vẫn trôi, Hà Thành vẫn ồn ào náo nhiệt theo nhịp sống nhưng ở Phố Đức Bà nhỏ bé vẫn còn đó những mối tình Mẹ - con thật thiêng liêng, thật quý báu. Phố Đức Bà như là điểm hẹn, như là chỗ hẹn hò để Mẹ chia sẻ tình cho con và con chia sẻ tình với Mẹ vậy.
Trong căn phòng nhỏ ở phố Đức Bà, Cha giáo kính mến Matthêu của tôi ngày ngày thỏ thẻ với Mẹ già dăm ba câu hiếu để thì bên hang đá Mẹ, con cái của Mẹ Maria cũng thỏ thẻ với Mẹ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp - của mình những tâm sự thầm kín của một người con thảo.
Dù đi muôn phương nhưng con cái vẫn mong quay về với Mẹ để thỏ thẻ, để thủ thỉ, để nhỏ to tâm sự với Mẹ những nổi trôi, những âu lo của phận người. Phần Mẹ, khi nghe những lời con trẻ đến bên Mẹ, chẳng lẽ nào Mẹ lại dửng dưng trước những lời thầm thĩ nguyện xin ấy. Kẻ xin ơn, người ban ơn : thế là tình Mẹ, tình con ngày một khắng khít giữa nhân gian đầy bạc nghĩa bội tình.