VietCatholic News (Thứ Năm 02/10/2008)
Chúa nhật cầu bầu và nạn phá thai
Đức tổng giám mục Denis Hart của tổng giáo phận Melbourne, Úc, vừa công bố chọn Chúa nhật mồng 5 tháng 10 làm Chúa nhật Cầu bầu để dự luật phá thai không được thượng nghị viện của tiểu bang Victoria thông qua. Ngài khẩn khoản “xin anh chị em tham dự với tôi một giờ cầu nguyện tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Patrick và lúc 12 giờ 15 trưa hôm đó… Tôi muốn cùng anh chị em liên đới với phụ nữ và các trẻ chưa sinh đang bị dự luật kia đe dọa trực tiếp”.
Dự luật này đã được hạ nghị viện tiểu bang thông qua với đa số 47/35 phiếu. Ngày 7 tháng 10 này, nó sẽ được đem ra biểu quyết tại thượng nghị viện tiểu bang, nơi mà theo thủ hiến John Brumby nhận định, dự luật ấy sẽ được thông qua. Mục đích của dự luật là nới rộng các điều khoản phá thai đã có từ trước, đặc biệt cho phép phụ nữ phá thai hợp pháp những đứa con đã được 24 tuần trong bụng mình. Với ý kiến y khoa, họ cũng được phá những đứa con ở ‘hạn tuổi’ lớn hơn 24 tuần.
Các bệnh viện Công Giáo sẽ bất hợp pháp?
Bác sĩ Brigid Mckenna, chuyên viên chính sách của Trung Tâm Sự Sống, Hôn Nhân và Gia Đình tại tổng giáo phận Sydney cho hay: “Chẳng có gì là thông sáng hay giải phóng trong dự luật này cả. Nó nguyên tuyền chỉ là chết chóc và áp bức. Đây quả là một dự luật chống lại sự sống một cách đầy kinh hoàng. Nó lỏng lẻo hơn thực hành hiện nay và chắc chắn sẽ làm gia tăng tỷ số phá thai… Nếu được thông qua, luật pháp Victoria chắc chắn sẽ bỏ rơi những hữu thể nhân bản yếu ớt chưa sinh ra và các bà mẹ của các em. Đạo luật này cũng chống lại các nhà chuyên nghiệp trong ngành săn sóc y tế vì đã bỏ đi điều khoản cho phép các bác sĩ được quyền phản bác theo lương tâm, ngược lại còn buộc các y tá phải trợ lực trong các vụ phá thai vào giai đoạn cuối, ngược với lương tâm của họ”.
Bác sĩ McKenna nói rằng: “phá thai không phải là ‘một thủ tục y khoa thông thường’. Nó không bao giờ có tính điều trị, chữa chạy hay chăm sóc. Nó nguyên tuyền chỉ là kết liễu một mạng sống nhân bản và gây thương tích cho trái tim con người. Ta phải ra các đạo luật nhằm bảo vệ sự sống, chứ không tạo sự chết”.
Trước khi kêu gọi cầu nguyện vào Chúa nhật mồng 5 tháng 10, Đức tổng giám mục Denis Hart viết thư cho từng vị thượng nghị sĩ của Tiểu Bang khẩn khỏan yêu cầu họ bác bỏ dự luật trên vì nó vi phạm các nhân quyền căn bản nhất của con người. Bởi vì theo Ngài, nếu dự luật này được thông qua, thì không còn sự sống trong bụng mẹ nào được bảo vệ và các bà mẹ bị thai nghén ngoài ý muốn sẽ không được ai nâng đỡ nữa. Ngài cũng tái khẳng định: các bệnh viện Công Giáo sẽ không tiến hành các vụ phá thai và cũng sẽ không cung cấp giấy giới thiệu để đi phá thai. Ngài nói rằng dự luật này, nếu được thông qua, sẽ khiến “các bệnh viện và các bác sĩ Công Giáo, là các cơ quan và viên chức vốn chống đối việc phá thai từ trong lương tâm họ, phải hành động ngược lại luật pháp. Điều này là một đe doạ thực sự đối với sự hiện hữu của các bệnh viện Công Giáo”. Ngài cho các vị thượng nghị sĩ hay: dự luật này ngang ngược tấn công chính dịch vụ y tế mà Giáo Hội Công Giáo đang cung cấp cho công chúng Victoria, nơi Giáo Hội giúp ‘đỡ đẻ’ cho một phần ba các vụ sinh nở của Tiểu Bang. Sự sống còn của các bệnh viện Công Giáo quả tình đang bị đe dọa vậy.
Các chế độ độc trị như Cộng Sản Việt Nam bị toàn dân phản đối vì đã dùng bạo lực hạ cấp để ngăn chặn không cho các tôn giáo, nhất là Công Giáo, thực thi các nguyên tắc thực sự nhân bản, phục vụ con người của mình, qua công tác y tế, giáo dục và xã hội. Sự phản đối của họ không phải chỉ bằng lời bằng chữ, mà còn bằng chân và nhất là bằng máu như đang diễn ra tại Hà Nội, ở tòa Khâm sứ cũ, ở nhà thờ Thái Hà, và rất nhiều địa điểm trên khắp mọi miền đất nước. Còn các chế độ tự nhận là tự do, tôn trọng phẩm giá con người, như Úc thì sao? Hình như sự ngang ngược của họ cũng không thua gì mấy ‘tên’ cực đoan Cộng Sản. Kết cục: họ cũng sẽ từ từ loại chúng ta ra khỏi khu vực công, để tự quanh quẩn với cái thứ lương tâm cá nhân của mình? Trong khi ấy, thái độ chống đối của chúng ta hình như không có cùng một cường độ như đối với các chế độ độc trị.
Công Giáo hay không Công Giáo?
Nhiều người Công Giáo còn ngầm thỏa hiệp với các chiến thuật đánh phá của kim tiền, của tư dục. Như Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Mỹ, người tự nhận là “Công Giáo nhiệt thành từng nghiên cứu vấn đề [phá thai] từ lâu” nhưng không thấy vị tiến sĩ nào của Giáo Hội lên án nó. Và rồi Thượng Nghị Sĩ Joe Biden của tiểu bang Delaware và hiện đang tranh chức phó tổng thống Mỹ, người không ngớt cho rằng mình là “Công Giáo đạo hạnh”, thậm chí có lần còn nghĩ đến việc đi tu làm linh mục! Nhưng điều ấy không ngăn cản ông ‘phò phá thai’ vì ông nghĩ “quan điểm của tôi hoàn toàn nhất quán với giáo huấn xã hội của Giáo Hội”.
Nhưng một chính trị gia khác, hiện đang nổi như cồn là Thống Đốc Sarah Palin của Alaska, hiện là ứng cử viên phó tổng thống Mỹ của Đảng Cộng Hòa, người ít khi nói đến tôn giáo của mình, nhưng lại hết lòng phò sự sống. Có người cho rằng bà vốn được rửa tội trong Đạo Công Giáo nhưng sau đó đã theo một giáo phái khác. Điều ấy không biết thật hư ra sao, nhưng điều ai cũng biết là bà chẳng cần phải huênh hoang về tôn giáo của mình như các đối thủ kia, mà vẫn có được một đường đi thẳng tắp. Trig, đứa con thứ năm của bà, 5 tháng trước khi sinh ra, bị chẩn đoán mang hội chứng Down. 90% các bà mẹ đang mang thai mà nghe chẩn đoán ấy đều chọn phá thai đứa con ‘tật nguyền’. Sarah không đi vào vết chân của họ. Hai tuần lễ sau khi Trig sinh ra, bà nói với báo chí: “Lúc này nhìn ngắm cháu, tôi thấy cả một sự hoàn hảo. Chúng tôi cảm thấy được đặc ân vì Thiên Chúa đã trao cho chúng tôi quà phúc này và ban cho chúng tôi niềm vui khôn tả được tiếp nhận cháu vào cuộc đời chúng tôi”. Người ta cũng còn nhớ hồi tháng Mười Một năm 2006, khi đang tranh cử chức thống đốc Alaska, Sarah Palin từng tuyên bố rằng bà sẽ không ủng hộ phá thai dù con gái của bà có bị hiếp dâm đi chăng nữa. Con gái lớn của bà lúc đó mới 14 tuổi, và tỷ lệ hiếp dâm tại Alaska vốn cao hơn tỷ lệ toàn nước Mỹ đến 2.2 lần. Cô con gái ấy sau này cặp bồ và đã mang thai lúc chưa kết hôn. Nhưng Palin và gia đình không những ủng hộ cô trong quyết định giữ đứa con mà còn hãnh diện được làm ông bà ngoại!
Những con đường khác
Sarah Palin thuộc loại người con nói thì không nhưng làm thì có trong phúc âm. Nancy Pelosi và Joe Biden thuộc loại người con nói thì có mà làm thì không (theo ý người Cha).Trong số người con đầu, ta cũng thấy có thượng nghị sĩ Guy Barnett của Úc, theo tường thuật của Đức Hồng Y George Pell trên tờ The Catholic Weekly ngày 21 tháng 9 vừa qua.
Thượng nghị sĩ này tìm cách ‘hạn chế’ tác động của các đạo luật giống như dự luật đang được tranh luận tại Victoria. Ông vừa đưa ra một kiến nghị (motion) sẽ được thượng nghị viện bàn cãi nhằm ngăn cản không được dùng ngân qũy của Medicare tài trợ các vụ phá thai ở tam cá nguyệt thứ hai, nghĩa là lúc đứa con được từ 14 tới 26 tuần trong bụng mẹ. Các tiến bộ ý khoa gần đây đã cải thiện khả năng sống sót cho nhiều thai nhi đến độ các thai nhi 21 tuần ‘tuổi’ vẫn có cơ may sống thoát được. Kiến nghị của Thượng Nghị Sĩ Barnett cũng hạn chế không cho các ‘chuyên viên phá thai’ được lỏng lẻo giải thích “các bệnh đe doạ sinh mạng người mẹ” vì họ muốn liệt kê các lý do tâm lý và xã hội như đủ để biện minh cho việc phá thai, thực tế chỉ có nghĩa là ai muốn phá thai cũng được. Theo Đức Hồng Y Pell, hơn một nửa các vụ phá thai sau tuần lễ thứ 20 tại Victoria trong năm 2005 đã được tiến hành vì các lý do tâm lý và xã hội ấy. Kiến nghị của TNS Barnett cũng cấm không được dùng ngân khoản của Medicare để tài trợ những vụ phá thai vì thai nhi bị những điều kiện như thiếu ngón tay hay ngón chân, hay một điều kiện có thể chỉnh hình được như sứt môi chẳng hạn.
Nhận định của Đức Hồng Y Pell là càng hạn chế con số phá thai càng tốt. Thực ra, lý tưởng là không có phá thai. Lý tưởng ấy chỉ có thể đạt được, bao lâu các nhà lãnh đạo và cộng đồng Kitô giáo buộc được các chính khách phải chịu trách nhiệm chính trị trong vấn đề này, như nhận định của Tom King ở Brisbane trên mục ý kiến bạn đọc của tờ The Catholic Weekly số ngày 28 tháng 9 năm 2008.
Lời ân hận của Jane
Cũng trong số báo trên, linh mục Bernard McGravath ở Inglewood, Victoria cho hay: quyết định của Tối Cao Pháp Viện Mỹ hợp pháp hóa phá thai, qua vụ Roe v Wade vào năm 1973, đã đưa lại hậu quả ít nhất 50 triệu vụ phá thai có hồ sơ từ ngày ấy đến nay. Có điều, nguyên đơn vụ án là “Jane Roe”, tên thật là Norma McCorvey, đã xuất hiện trên một chương trình thương mãi, lần đầu tiên, tỏ ý ân hận về vai tuồng của mình. Bà nói rằng: “Năm 1973, tôi là một người đàn bà 21 tuổi hết sức mù mờ với một đứa con và một cái bầu không tính trước. Tôi tranh đấu để được quyền phá thai hợp pháp, nhưng xin thú thực, tôi chưa bao giờ phá thai và thực tế tôi có tới ba con gái. Tôi hiểu ra rằng trường hợp (tranh đấu) của tôi, tức việc hợp pháp hóa phá thai theo yêu cầu, là lỗi lầm lớn nhất trong đời tôi. Qúy vị đọc về tôi trong lịch sử nhưng giờ đây tôi hiến đời mình để truyền bá chân lý về việc duy trì sự sống con người từ lúc thụ thai tự nhiên tới lúc chết cách tự nhiên”. Bà McCorvey hiện nay là một Kitô hữu hoạt động. Ta có thể đọc bà trên trang mạng www.virtuernedia.org/television.htm.
Không riêng McCorney, rất nhiều những người không phải chỉ tranh đấu quyền được phá thai, mà chính những người từng hành nghề phá thai đã lên tiếng tỏ ý ân hận về các hành động “giết người của mình. Số đông thú nhận mình dối trá. “Chúng tôi thường phải nói dối. Một cố gái có thể hỏi xem đứa con của mình hiện nay ra sao: nó đã thành đứa nhỏ chưa? Ngay lúc mới 12 tuần, đứa nhỏ đã thành hình hoàn toàn rồi, đã có dấu tay, đã quay đầu được, đã xòe được ngón chân, đã cảm thấy đau. Nhưng chúng tôi thường nói: ‘chưa, chưa thành đứa nhỏ đâu. Mới chỉ là miếng thịt, giống như cục máu đông’”. Họ cũng thường dấu không cho các phụ nữ thấy màn ảnh trong đó đứa con của họ đang ‘tung tăng’ đó đây.
Có những bác sĩ phá thai cho rằng mình đã trở thành người phân tâm loạn trí (schizophrenic) như trường hợp được tờ Washington Post số ngày 1 tháng Tư năm 1988 thuật lại: “Tại phòng này, bạn khích lệ bệnh nhân rằng tim bào thai hơi bất thường một chút chả có chi quan trọng, bà sẽ có một đứa con tốt đẹp, khỏe mạnh. Rồi tại phòng kế bên, bạn phải làm yên lòng một phụ nữ khác mà bạn có nhiệm vụ phải tiến hành việc phá thai bằng chất muối độc (saline abortion) rằng thì là nhịp tim (đứa nhỏ) bắt đầu bất thường rồi… bà không việc gì phải lo lắng, bà sẽ không có đứa con còn sống nhăn đâu mà sợ… Bỗng nhiên bạn thấy rõ có rất nhiều sinh hoạt diễn ra trong tử cung lúc bạn dẫn chất muối đậc vào. Đó không phải là những chuyển động của dung dịch chất lỏng. Mà bào thai, vì bị dung dịch muối hành hạ, đang húc đạp tứ tung, dấu hiệu tử thần đang ập tới…một ai đó phải làm việc ấy, và bất hạnh thay, trong trường hợp này, chúng tôi lại là người hành quyết”.
Dù đã được huấn luyện hay “nhồi sọ” coi bào thai chỉ là một mớ tế bào, một khối thịt, một của nợ, một gánh nặng, thậm chí còn là một “thứ bệnh”, rất nhiều chuyên viên phá thai vẫn phải thú nhận họ đang giết “một ai đó” (somebody), một bé thơ (a baby), một con người (a person). Ta hãy nghe bác sĩ Dzenes:
"Và rồi phải nhìn, phải hiện diện với một ai đó lúc họ bị chích thuốc, lúc họ đã được 20 hay 24 tuần lễ, và thấy em bé chạy tứ tung, húc đạp khi mũi kim đi vào dạ dầy, thì bạn thấy…”.
Một chuyên viên phá thai khác là Susan Lindstrom, M.S.W thuật lại:
"Tôi nhìn vào chiếc chậu trước mặt tôi. Ở đấy là một con người bé nhỏ trần truồng, đang giật giờ trong vũng máu – nguyên tuyền là một nạn nhân khốn khổ của một tai nạn chết đuối. Có điều đây không hẳn là một tai nạn, vì cơ thể em bầm tím và khuôn mặt thì hốc hác như khuôn mặt một ai đó bị cưỡng bức phải chết. Tôi đã thấy khuôn mặt như thế trước đây, của một người lính Nga đang nằm trên một đỉnh đồi phủ tuyết, chết cứng khô lạnh”
Điều ấy khiến bác sĩ Neville Sender, một chuyên viên phá thai, tâm sự: “Cả bây giờ tôi cũng cảm thấy hơi kỳ, vì trong tư cách y sĩ, tôi vốn được huấn luyện để bảo vệ sự sống, ấy thế mà mình lại đang đi hủy diệt sự sống ấy”. Một chuyên viên phá thai khác thú thực: “Không một bác sĩ [phá thai] nào lại không có lúc phải thú nhận rằng đây qủa là việc sát nhân”.
Magda Denes, một bác sĩ và là một tác giả phò phá thai, trong hai năm tìm tòi để viết cuốn “ In Necessity and Sorrow; Life and Death Inside an Abortion Clinic”, cũng phải thú thực: “Tôi nghĩ phá thai là giết người, tuy là một thứ giết người hết sức đặc biệt và cần thiết. Và không một y sĩ nào can dự vào thủ tục này lại dám đùa dỡn về việc này. Vì bạn quả đang giết một sự sống”. Một chuyên viên phá thai khác, được Denes phỏng vấn, cho hay: “các nhân viên bệnh viện trong khi ủng hộ quyền lựa chọn (phá thai) của một người đàn bà nhưng vẫn cho hay họ không muốn nhìn thấy những bàn tay, những bàn chân tí hon…Có cả một dị biệt lớn giữa việc ủng hộ trí thức đối với quyền chọn lựa của người đàn bà và việc thực sự tham dự và việc tàn sát của phá thai”.
John Pekkanen, trong “M.D. Doctors Talk About Themselves” trang 93, nói về một chuyên viên phá thai:
"Trước đây tôi ủng hộ phá thai, tôi nghĩ người đàn bà có quyền kết liễu cái thai họ không muốn có. Bây giờ, tôi không chắc chắn như thế nữa. Hiện tôi đang là một sinh viên gần kết thúc thời kỳ học luận phiên về OB-GYN tại một bệnh viện và trung tâm giảng dạy lớn của thành phố. Đến mãi lúc tôi tận mắt thấy thế nào là phá thai, tôi mới thay đổi ý kiến. Sau tuần lễ đầu tiên tại một bệnh viện phá thai, nhiều người trong nhóm sinh viên của tôi bắt đầu mất hết các cảm nhận tích cực trước đây về phá thai. Thái độ mới này là kết quả việc chúng tôi được tận mắt thấy thủ tục phá thai “Prostaglandin” đại khái giống như thủ tục phá thai bằng dung dịch muối độc…phương pháp này dùng để phá những bào thai từ 16 tuần trở lên. Tôi hay đi tìm lý lẽ bào chữa như bào thai không sống thực, bụng dưới không có sưng lên…Nhưng nay thì hết bào chữa nổi. Tôi và cả lớp tôi hiện nay khá hoài nghi về phá thai. Nay tôi đã hiểu biết nhiều về nó. Phụ nữ cần hiểu biết đầy đủ hơn về phá thai, về các tác hại thực sự của nó đối với chính họ và đứa con chưa sinh ra của họ. Bất kể người ta đưa ra cơ chế tâm lý nào để khích lệ, chỉ cần nhìn thấy bào thai trong chiếc chậu nhà thương cũng đủ là lời cuối cùng”
Cuốn “ M.D. Doctors Talk About Themselves” đã nói ở trên cũng trích dẫn lời một bác sĩ phá thai viết trên tờ AAANews của Hiệp Hội Y Khoa Mỹ ngày 12 tháng 7 năm 1993 như sau: “Tôi cảm thấy giận mình hết sức… vì đã thấy an ổn khi thực hành một thủ tục kỹ thuật mà mình cho là tốt để hủy hoại một bào thai, một bé thơ”
Một chuyên viên phá thai khác ước ao: “Tôi không thể chối cãi đó là việc hủy diệt… Tôi mong được sống trong một thế giới không có phá thai”.
Một thế giới như thế chỉ có khi người ta biết nhìn nhận công trình sáng tạo của Thiên Chúa nơi những chủ thể tí hon mà hiện họ đang coi là trở ngại, một miếng thịt dư, một thứ ô nhục cần loại bỏ. Chúa nhật này, không biết nhà thờ chính tòa Thánh Patrick ở Melbourne có đông người đến cầu nguyện vào lúc 12 giờ 15 trưa hay không?
Vũ Văn An
|