PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA KHÔNG MUỐN NGĂN CẢN SỰ DỮ
Đỗ Trân Duy
Truyền thông hằng ngày đổ ra không biết bao nhiêu là tin tức về khủng bố, tai nạn, bệnh tật, áp bức, chiến tranh, và thiên tai… Nỗi đau khổ của con người thật vô tận từ khi sinh ra đến khi chết. Sa lầy trong đau khổ, con người hướng về Thiên Chúa với những mối hoang mang. Họ thành khẩn cầu xin Thiên Chúa cứu giúp, nhưng cũng thành khẩn không kém oán trách Người. Càng tin vào Thiên Chúa họ càng cay đắng thắc mắc, “Tại sao Thiên Chúa là Đấng toàn năng và từ ái lại để sự dữ lan tràn như thế. Không lẽ sự dữ nằm ngoài tầm kiểm soát của Người.” Trong cơn khủng hoảng, con người đòi hỏi một lối giải thích minh bạch về vị thế của Thiên Chúa.
Vướng Mắc Trong Lý Luận
Vấn đề gốc từ ngàn xưa là: tại sao lại có sự dữ? Phải chăng sự dữ do Thiên Chúa tạo ra? Vấn đề đưa tới những cuộc biện luận không thể tránh qua nhiều khuynh hướng khác nhau. Cuộc biện luận khởi đầu từ những khái niệm về Thiên Chúa của Kitô giáo. Theo ngôn ngữ thần học, tất cả mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Khởi Tác (theo Aquinas) là Hiện Hữu (theo Augustine) là Bản Thể Chúng Sinh (theo Tillich). Nếu Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự, vậy sự dữ không thể là cái gì ngoại lệ không do Thiên Chúa tạo ra. Người ta cũng có thể biện luận theo lối nghịch chiều rằng, nếu không có sáng thế thì cái gì cũng không có, kể cả sự dữ. Suy ra Thiên Chúa là Đấng phải chịu trách nhiệm về sự dữ. Nhưng không lẽ Thiên Chúa là Cha nhân từ lại tạo ra sự dữ để đầy đọa con cái của mình. Dân Babylon thủa xưa và Ngộ giáo (Gnosticsm) đã giải tỏa điều nghịch lý này qua tín lý có hai Thiên Chúa. Một Đấng tạo ra sự lành và một Đấng tạo ra sự dữ. Quan niệm nhị nguyên này có vẻ đã giải thích được nhiều vấn nạn trừ chính vấn đề gốc: Việc gì sẽ xảy ra khi Thiên Chúa tốt đối diện với sự dữ, và ngược lại khi Thiên Chúa xấu đối diện với sự lành. Lúc ấy cả hai Thiên Chúa đều bất lực không thể làm gì. Hiển nhiên một Thiên Chúa như vậy không thể bảo đảm cho công cuộc cứu chuộc nhân loại. Do Thái giáo với tín điều “công thưởng tội phạt” cho rằng sự dữ do Thiên Chúa tạo ra để trừng phảt kẻ bất chính. Niềm tin này đã đẩy họ vào ngõ bí khi họ chứng kiến thánh Gióp, một người công chính tuyệt hảo, lại chịu những đau khổ cùng cực. Do ảnh hưởng của văn hóa, một số Kitô hữu cũng đã có những ý niệm hỗn độn trong niềm tin Chúa quan phòng. Tuy niềm tin này không rõ rệt nhưng ít ra họ vẫn thường an ủi nạn nhân của sự dữ rằng, “Thôi, Thiên Chúa đã định như vậy thì biết làm sao…” Đức Giêsu, qua sự kiện cậu bé bị mù từ bẩm sinh và vụ 18 người bị tai nạn chết do tháp Silôam xụp đổ, đã phủ nhận niềm tin này (Gio 2:9; Luc 13:1-5).
Triết học, bắt đầu từ triết gia Hy Lạp Epicurus, đặt ra cuộc biện luận qua hai mệnh đề chính.
Mệnh đề thứ I: “Thiên Chúa là đấng toàn năng và trọn lành.” Mệnh đề này dẫn đến lập luận: “vậy tại sao lại có sự dữ?”. Nếu Thiên Chúa không thể hủy diệt sự dữ, vậy Người đâu phải là Đấng toàn năng. Nếu sự dữ tồn tại vì Thiên Chúa không muốn diệt nó, vậy Người đâu phải là Đấng trọn lành. Nếu cả hai điều trên đều sai, nó có nghĩa là không hề có Thiên Chúa.
Mệnh đề thứ II, “Thiên Chúa là Đấng thông biết mọi sự”. Thiên Chúa biết rõ quá khứ và tương lai của mọi sự. Thánh vịnh 139 ca tụng Thiên Chúa biết từng cá nhân ngay khi cá nhân ấy chưa sinh ra. Mệnh đề này đưa đến hệ luận: “Nếu cuộc đời đã có thể nhìn thấy, trước khi sanh ra, vậy mỗi cá nhân phải được tiền định cho một số mệnh.” Nếu thế con người làm gì có tự do. Điều này củng cố thêm trách nhiệm của Thiên Chúa, Đấng tạo ra số mệnh mang sẵn sự dữ để đầy đọa con người. Hoặc Đấng biết trước sẽ có sự dữ nhưng không ngăn cản. Nếu luận cứ này sai, vậy phải chấp nhận không hề có Thiên Chúa.
Một số đạo lý theo truyền thống cổ Đông Phương không có ý niệm về Thiên Chúa và sự dữ. Truyền thống Vaishnava (thuộc Ấn giáo) cho rằng sự dữ chỉ là ảnh ảo đánh lừa giác quan, nó do sự vô minh của con người tạo ra. Wiersbe đặt câu hỏi, khi giác quan cảm nhận đau khổ, chúng ta bảo trí óc rằng “đó là ảo ảnh”. Tại sao cùng cái ảo ảnh đó đối với thần kinh nó là thật mà đối với tư tưởng nó lại là giả (1). Có lẽ khó có thể khuyên một nạn nhân chiến tranh rằng nỗi đau khổ cháy nhà chết vợ mất con của ông chỉ là ảo ảnh. Truyền thống Hindu cho rằng sự dữ và đau khổ là nghiệp báo của luật nhân quả, do dục vọng của con người tác động mà thành. Giáo lý nghiệp quả đã giải thích được rất nhiều trường hợp đau khổ, nhưng lại không thể giải thích được ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Nói chung vì không nhìn ra bản thể của sự dữ, nên những biện luận đều nhằm mục đích phủ nhận vị thế đáng tôn thờ của Thiên Chúa. Điều sai lầm lớn nhất mà con người mắc phải là ý tưởng có thể phân tích bản tính Thiên Chúa thuần bằng lý luận. Tuy nhiên khi phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa thì mọi phản kháng cũng trở nên vô nghĩa. Không ai còn đối tượng để nêu ra bất cứ vấn đề gì, vì không lẽ họ sẽ tranh luận với hư vô. Đàng khác khi phủ nhận Thiên Chúa, họ phải công nhận sự dữ do chính con người tạo ra. Nếu vậy, oán trách Thiên Chúa (hay với ai đó) vì những đau khổ do mình tạo ra lại càng vô nghĩa hơn.
Tâm Điểm Của Vấn Đề
Trước hết chúng ta phải chấp nhận có Thiên Chúa. Người là Đấng tuyệt đối trọn lành. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ để đầy đọa con người. Không thể đặt câu hỏi tại sao, vì không hề có Thiên Chúa ác độc. Tín lý “Thiên Chúa là Đấng toàn năng, trọn lành, và thông biết mọi sự” đã nói lên căn tính của Thiên Chúa. Đại chúng hiểu khái niệm này một cách giản dị là không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được. Lối suy nghĩ này rất đúng nhưng người ta lại thường dựa vào những dữ kiện sai lầm, nên đã rơi vào những lý luận nằm ngoài nguyên lý công chính. Tuy Thiên Chúa là Đấng toàn năng nhưng vẫn có cái Thiên Chúa không thể làm. Đây không phải là vấn đề thiếu quyền năng nhưng vì Thiên Chúa không thể tự phản nghịch với chính nguyên lý của mình. Chúng ta không muốn sự dữ xảy ra, phải chăng chúng ta muốn cây gỗ phải cứng rắn khi được dùng làm cột nhà, nhưng lại mềm nhũn khi dùng làm khí giới. Công dụng của không khí là chuyên chở âm thanh, nhờ đó chúng ta có thể đối thoại. Nhưng có phải chúng ta muốn khi lời nói ác độc thốt ra, không khí không chuyên chở âm thanh của nó đi. Vũ trụ không thể làm vậy. Để duy trì trật tự thiên nhiên, luật lệ vũ trụ phải tuyệt đối vô tư. Thiên Chúa không thể cho chúng ta tự do rồi lại can thiệp vào sự lựa chọn của chúng ta. Chẳng hạn ta được quyền tự do bắn súng, nhưng nếu kẻ dữ dùng súng bắn người, viên đạn sẽ phải không nổ. Hoặc, tình tứ hơn, khi viên đạn ra khỏi nòng súng, nó biến thành bông hoa êm ái rơi vào tay đối phương. Nếu nhìn sự việc theo chiều hướng của lẽ phải, người ta cũng có thể nhận diện nguyên lý công chính qua luật “hợp lý”. Dĩ nhiên Thiên Chúa toàn năng, Người làm gì cũng được, nhưng Người không muốn tạo ra một vòng tròn hình vuông vì nó không hợp lý. Ngay chính chúng ta cũng không thể chấp nhận được những ý tưởng lạc logic thuộc loại: “Có bao nhiêu cây số trong màu xanh?” Thiên Chúa cũng không muốn biểu lộ quyền năng của Người theo chiều hướng vô lý ấy. Thiên Chúa thông biết hết mọi sự vì Người nắm giữ thời gian và không gian. Chúng ta là những sinh vật sống trong thế giới bốn chiều. Thời gian của chúng ta chỉ có một chiều từ quá khứ đến tương lai. Không gian của chúng ta chỉ có ba chiều. Chúng ta không thể hình dung được những gì nằm trong không gian có chiều thứ năm. Nếu có một vật ở chiều thứ năm lộ ra, chúng ta sẽ ngỡ ngàng thốt lên, “Ôi phép lạ”. Nhưng Thiên Chúa là Đấng hiện hữu trong không gian muôn chiều, không trở ngại nào có thể giới hạn Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn rõ tương lai của ta vì nhãn giới của Người vượt thời gian. Thiên Chúa không tiền định một số mệnh cho con người. Thiên Chúa không phải là vị bạo chúa sáng tạo ra con người là những kẻ nô lệ, hay những hình nộm cử động theo sự điều khiển của sợi dây. Thiên Chúa sinh ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Nghĩa là con người có tự do và khả năng vươn lên cõi siêu việt. Thiên Chúa muốn con người liên kết với Thiên Chúa để cùng sáng tạo thế giới trong yêu thương, để “theo Ý Cha dưới đất cũng như trên trời.” Nói cho cùng, nếu con người muốn Thiên Chúa chi phối mọi sự theo ý riêng từng người, hay thay đổi luật lệ vũ trụ theo cảm hứng, nhân loại sẽ không thể nào tồn tại trong một vũ trụ mà những nguyên lý cấu thành bị phá hỏng ngay từ nền tảng. Không hề có một Thiên Chúa tự phản nghịch với nền công chính của mình. Tâm điểm của vấn đề sự dữ không phải từ những nguyên lý tạo thành vũ trụ trong nền công chính của Thiên Chúa. Tâm điểm của vấn đề là ý chí tự do của con người. Sự dữ có nguồn gốc từ những hành động trong ý thức tự do của con người. Con người nắm quyền tự do tạo dựng nên lịch sử của mình. Thiên Chúa thấy có sự dữ trong tương lai của con người, nhưng vì yêu, Thiên Chúa vẫn không cắt bỏ tự do của con người.
Ý Chí Tự Do Của Con Người
Vũ trụ vốn không có sự dữ. Nó là một khối vật chất có trật tự. Sự dữ cũng không có trong chương trình sáng thế của Thiên Chúa. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dẫn giải rằng muốn nhận diện nguồn gốc của sự dữ ta phải bắt đầu từ biến cố nguyên tội. Theo Giáo Hoàng, trước khi có Evà, vũ trụ và Ađam sống trong thời kỳ thánh thiện đầy ân sủng. Sau khi Ađam và Eva kết hợp, tội lỗi mới có. Suy ra tội lỗi phải có nguồn gốc từ con người. Thần học mới nhận định rằng liên hệ Ađam-Eva cho thấy cá nhân trong liên đới sa đọa liên bản vị và với môi trường. Thánh Augustinô là người đầu tiên cho biết nguyên tội nảy sinh không phải từ việc Ađam ăn trái táo, nhưng từ ý chí tự do của Ađam. Ăn trái táo, hay làm cái gì đó, chỉ là dạng biểu lộ cái ý chí bên trong. Chính cái tâm ý mới là nguyên chính của mọi vấn đề. Ađam và Evà vì có tham vọng muốn bằng Thiên Chúa nên mới ăn trái táo. Ý muốn này dẫn tới hành vi lỗi phạm. Rồi từ đó sự dữ, bệnh hoạn, tai nạn, và cái chết là những hậu quả đến sau. Công đồng Cartha khảng định cái chết là án phạt cần phải có để phù hợp với ý chí tự do. Công Giáo đặt trọng tâm vào yếu tố ý chí tự do của con người. Khi khiển trách nhóm biệt phái và ký lục, Đức Giêsu nói, “Mọi sự dữ đều từ trong lòng mà ra” (Mac 7:23). Như vậy ý chí tự do là cái tạo nên nhân phẩm của con người. Nếu không có tự do, con người không bị ràng buộc bởi bất cứ trách nhiệm nào, cũng không ai có thẩm quyền phán xét con người. Nếu không có tự do, con người cũng không có nền tảng giá trị, vì mọi suy nghĩ và lời nói, dù là cầu nguyện hay chống đối, đều vô nghĩa. Chính trong ý chí tự do mà con người mới có tình trạng căng thẳng trong việc định hướng quay đi hay trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo ra con người do kết quả liên hệ tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng muốn con người yêu trở lại Thiên Chúa. Nhưng tình yêu không thể bị ép buộc, nó chỉ đầy đủ ý nghĩa khi được bộc lộ trong tự do. Vì vậy con người được ban cho ý chí tự do. Tuy nhiên có tự do cũng là có một sở đắc rất nguy hiểm. Vì con người có thể dùng chính ý chí tự do ấy để không yêu Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là con người có thể chọn làm điều lành và cũng có thể chọn làm điều dữ. Suy ra một thế giới có tự do sẽ không tránh khỏi tiềm năng tạo ra sự dữ. Vì vậy sử dụng quyền tự do đòi hỏi người hành xử phải có một trách nhiệm về luân lý. Trái cây “biết sự lành sự dữ” trong vườn Eđen là biểu tượng của tự do lựa chọn. Ăn trái cấm hay không ăn là tùy con người muốn theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa hay phủ nhận.(2) Ađam-Eva là biểu tượng chỉ loài người. (Tiếng hebrew: adam = người; av = mẹ). Lịch sử sa đọa của Ađam-Eva là mặc khải về nguyên nhân tội lỗi và nguồn gốc sự dữ của con người. Mẫu gốc Ađam Eva cho biết lý do tại sao loài người là những kẻ tội lỗi trước mặt Thiên Chúa. Nhiều người, như Archibald Macleish, biện luận rằng nếu con người có bản chất tội lỗi, vậy Thiên Chúa không thể trừng phạt con người. Có lẽ nào Thiên Chúa tạo ra con người với bản tính xấu rồi quay lại trừng phạt nó vì tội bất toàn.(3) Luận cứ của Macleish thiếu căn cứ vì đưa ra một tiền đề sai khi cho rằng Thiên Chúa tạo ra con người với bản tính xấu. Phản kháng của Macleish phù hợp với phản ứng mẫu Ađam-Eva. Con người luôn luôn phủ nhận lỗi phạm của mình và đổ lỗi cho người khác. Đúng ra Thiên Chúa cấy vào tâm mỗi cá nhân một nền đạo đức căn bản mà ta gọi là lương tâm. Nhưng con người có quyền tự do chấp nhận hay phủ nhận nó. Thiên Chúa có thể tạo ra con người không có khả năng phạm tội, nhưng như vậy con người sẽ không có tự do. Vì có tự do nên con người phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc mình làm. Trong sự tích Ađam có sự hiện diện của quỉ dữ Satăng dưới dạng con rắn. Satăng chỉ đưa ra những lời khuyến dụ phản nghịch lại Thiên Chúa (Tiếng Hebrew, satan = kẻ phản nghịch). Satăng không hái trái táo đút vào miệng Eva. Eva tự do hái trái táo, tự do ăn trái táo, và tự do trao trái táo cho Ađam. Rồi cũng chính Ađam tự do cầm trái táo mà ăn. Satăng không có quyền lực bắt ép con người làm điều dữ và phạm tội. Tự do lựa chọn vẫn là từ ý chí của con người. Trong thời đại theo chủ nghĩa không tưởng hiện nay, người ta thường có hai thái độ. Một là cho rằng Satăng chỉ là cái bóng ma, Kitô giáo đặt ra để hù dọa những ai không chịu tuân theo giáo huấn của họ. Kitô giáo khảng định Satăng có thật. Satăng làm chủ thế giới (Gio 12:31; 14:30; 16:11). Có lần Satăng đề nghị Đức Giêsu qui phục nó, nó sẽ ban cho quyền thống trị thế giới. Đức Giêsu không đính chính lời nói của Satăng là sai. Người chỉ từ chối lời đề nghị của nó (Luc 4:5-8). Thái độ thứ hai là dùng Satăng làm con dê tế thần. Người ta đổ hết mọi lỗi phạm vào đầu Satăng. Công Giáo công nhận có quyền lực của Satăng, nhưng cũng khảng định Satăng không phải là nguyên nhân của sự dữ. Satăng không tạo ra gươm giáo, bom đạn. Khi phạm tội gây ra sự dữ, con người không thể giản dị hoặc đổ lỗi cho Thiên Chúa, hoặc đổ lỗi cho Satăng.
Thiên Chúa Chuyển Hóa Sự Dữ
Nếu Thiên Chúa không ngăn cản sự dữ, vậy Người có còn là Đấng Thiên Chúa tốt lành hay không? Thiên Chúa từ muôn thuở vẫn luôn luôn là Đấng tốt lành. Nhiều người mạnh miệng đòi hỏi công lý, như thể họ là những nạn nhân vô tội. Họ không nhìn ra nếu công lý được thực hiện nhãn tiền, họ sẽ là những người bị trừng phạt đầu tiên. Đúng ra tất cả mọi người đều bị trừng phạt, vì tất cả đều là những kẻ tội lỗi. Mỗi người chúng ta vừa đồng thời là thủ phạm vừa là nạn nhân của một liên đới sa đọa. Luật công chính của Thiên Chúa buộc con người phải chịu trừng phạt vì tội lỗi của mình. Nhưng Thiên Chúa là Cha nhân từ, Người đã chọn một đường lối khác không nghịch lại nền công chính của Người. Thiên Chúa phái Ngôi Con nhập thế, làm phàm nhân, để chịu hình phạt chuộc tội cho con người. Ngôi Con vốn không có tội, nhưng đã phải đau khổ vì hứng lấy tội lỗi của con người (2Cor 5:21; Isa 53:6). Tình yêu của Thiên Chúa đã vượt khỏi luật công chính. Sự nhập thế và cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là một mầu nhiệm tình yêu vô cùng cao cả và thâm sau. Con người chỉ có thể chấp nhận mà muôn đời không thể hiểu thấu. Tình yêu của Thiên Chúa là tâm điểm ơn cứu độ của Đấng tốt lành hiến tặng cho thế gian.
Thiên Chúa chuyển hóa ý nghĩa của sự dữ
Trần thế thường đề cao những ai có uy lực áp đảo kẻ khác (Mat 20:25-28). Vì vậy họ cho rằng Thiên Chúa toàn năng phải là Đấng ra tay áp đảo mọi thế lực của sự dữ. Thập Giá Chúa Kitô đã đảo ngược tận căn giá trị của những quan niệm như thế. Bản chất “Thiên Chúa toàn năng” biểu lộ Thiên Chúa là gốc tối thượng của mọi nguồn, chứ không có nghĩa Thiên Chúa phải sử dụng quyền năng để hoán cải mọi sự. Thiên Chúa không dùng quyền lực để thay đổi lịch sử trần thế. Người dùng Thập Giá đau khổ để giải bày ý nghĩa của sự sống và mặc khải sức mạnh tâm linh tự vượt thắng đau khổ. Công Giáo tin rằng khi con người nhìn ra ý nghĩa và mục đích của sự sống, con người có thể chịu đựng những nỗi đau khổ của đời mình. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã chuyển hóa đau khổ thành lực giải phóng con người thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Từ đó đau khổ mang một ý nghĩa tu đức. Thiên Chúa phủ lên nó một tên mới là của lễ hy sinh đền tội. Người cho nó một ơn ích mới là khí cụ gọt dũa linh hồn. Người cho nó một mục đích mới là cuộc chiến chống lại Satăng. Người cho nó một vinh dự là làm vinh danh Thiên Chúa. Người cho nó một mối lợi là ơn chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu để đền bù cho kẻ có tội. Những ai chia sẻ đau khổ với Chúa Giêsu thì cũng chia sẻ vinh quang với Người.
Thiên Chúa chuyển hóa hậu quả xấu thành kết quả tôt
Linh mục Kropf cho rằng để có thể hiểu liên hệ giữa Thiên Chúa và sự dữ, chúng ta phải nhìn rõ bốn yếu tố: 1) Có Thiên Chúa là Đấng tạo nên vũ trụ; 2) có sự hiện hữu của sự dữ; 3) có con người với bản chất tự do và trách nhiệm; 4) có một vũ trụ sống động và phát triển theo luật vật lý riêng của nó.(4) Luợc qua bốn yếu tố trên chúng ta thấy nếu không có Thiên Chúa, sẽ không có nguồn công lý và cải thiện đời sống. Nếu không có tự do, sự hiện hữu của con người là vô nghĩa. Nhưng có tự do, con người phải chấp nhận là có sự dữ. Nếu vũ trụ không có luật lệ để duy trì trật tự, vũ trũ hỗn loạn sẽ không thể tồn tại. Chúng ta luôn luôn cần cùng lúc đầy đủ bốn yếu tố trên để định hướng. Từ đó mọi vấn đề về sự dữ đều được giải quyết. Chẳng hạn sự dữ “nguyên tội” (tội tổ tông truyền), người ta thường thấy bề mặt thụ động xấu của nó. Nhưng nếu chiếu theo bốn tiêu chuẩn trên, chúng ta thấy Thiên Chúa đã mang đến cho trần thế một nguồn phúc hậu vô tả. Vì nguyên tội mà có Đấng Cứu Chuộc đến với con người. Nếu không có tội, loài người không cần phải cứu chuộc. Thiên Chúa đã đảo ngược sự xấu để có kết quả tốt. Câu truyện ông Giuse bị các anh ganh ghét bán cho đám con buôn làm nô lệ cũng là một trường hợp đáng suy nghĩ. Chính nhờ bị bán sang Ai Cập mà sau này Guise mới có cơ hội cứu được các anh, được cha, và toàn dân Ai Cập khỏi nạn đói (KN 50:20). Thánh Augustine, trong ánh sáng đức tin, đã gọi sự dữ có mầu nhiệm chuyển hóa của Thiên Chúa nằm đàng sau bằng một danh danh thần kỳ: “sự sa ngã phúc đức” (blessed fault).
Ý Thức Cần Có Của Con Người
Ai cũng nghĩ rằng hạnh phúc thì tốt hơn bất hạnh, nhưng họ lại không thấy tuân theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì tốt hơn là phủ nhận. Phần lớn con người ngày nay đã chọn ăn “trái táo cấm” để có sự khôn ngoan theo ý riêng. Vì vậy họ không còn có ý thức về tội lỗi. Họ không thấy độc ác, áp bức, phá thai là sự dữ. Nhiều người sẵn sàng bỏ hóa chất vào sản phẩm thay cho nguyên liệu thật để giảm phí tổn. Nạn nhân của họ bị nhiễm độc lên tới hằng triệu người. Thế giới hiện đại của chúng ta là thế giới trong đó người nghèo bị bóc lột, trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, kẻ thất thế bị bỏ rơi, kẻ có quyền thế thì tàn bạo, và người vô can thì dửng dưng.
Với tâm lý phi đạo đức như vậy, sự dữ lan tràn hơn bao giờ. Nó leo thang đến mức toàn cầu và bầu khí quyển của nó. Al Gore (đoạt giải Nobel hòa bình) báo động sự vô tâm của con người đã tới mức hủy hoại bầu khí quyển. Hậu quả là khí hậu sẽ nóng hơn và lạnh hơn. Khí nóng làm tan băng tuyết ở Bắc cực khiến nước biển dâng cao. Nhiều đất đai sẽ bị nhận chìm trong nước. Áp suất không khí thay đổi bất thường tạo nên sóng thần, bão tố, ngập lụt và hạn hán. Al Gore cho rằng, bảo vệ môi trường sống không phải là vấn đề chính trị mà là vấn đề đạo đức.
Trong bối cảnh ấy người lành luôn luôn là nạn nhân của kẻ dữ. Đức Giêsu nói với các môn đệ, “Ta sai anh em ra đi như chiên con đi vào bầy sói” (Mat 7:15; Luc 10:3; Gio 10:12). Tuy nhiên sự dữ chỉ tạm bợ có mặt, nó sẽ bị dẹp tan vào buổi cuối thời. Hiện tại trong sự quan phòng cải thiện thế gian, Thiên Chúa rút ra những kết quả tốt từ sự dữ (Rom 8:28). Hợp ý với Thiên Chúa, Kitô hữu chúng ta dùng sự dữ làm con đường tu thân. Đó là con đường hẹp, nhưng đẹp đẽ, dẫn đến Thiên Chúa. Chúng ta không cần để ý đến trận chiến với Satăng vì hầu như chúng ta không thể vượt thắng nó được. Cái chúng ta cần để tâm là liên kết với Thiên Chúa.(5) Khi sự dữ xảy ra, thay vì chúng ta hỏi, “sự dữ này là lỗi tại ai?” Chúng ta hãy hỏi, “làm cách nào để mang vinh danh Thiên Chúa vào hoàn cảnh này” (Gio 9:1-3).
Vinh danh Thiên Chúa là biết mở lòng để thương cảm, tha thứ, và hàn gắn cho nhau; là trưởng thành về tâm linh; là biết buông xả dục vọng xấu để hoà nhập vào Thiên Chúa--nguồn chân thiện mỹ. Trong cuộc sống, chúng ta không đau khổ một mình. Để nâng đỡ chúng ta Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta mọi nguồn lực cần thiết. Chúng ta có hội thánh hướng dẫn, có thiên thần bản mệnh để cùng cầu nguyện, có thánh quan thầy để nương tựa, có Chúa Thánh Linh tăng cường sức mạnh, có Chúa Kitô phục sinh là nguổn an ủi và hy vọng, và có Chúa Cha là Đấng tha tội. Vì vậy chúng ta dù xấu xa đến đâu, vẫn có cơ hội được phục hồi để trở nên đẹp đẽ, lành mạnh, và duy trì vị thế quí phái là con Thiên Chúa.
(1) Warren W. Wiersbe. 1984. “Why Us? When Bad Things Happen to Gods People”. Fleming H. Revell Company. Old Tappan, New Jersey (2) Gregory A. Boyd. 2003. “Is God To Blame?” Inter Varsity Press, Downers Grove, Illinois. (3) Charles Colson. 2006. “Tough Questions About God, Faith, And Life”. Tyndale House Publishers, Inc. Carol Stream, Illinois. (4) Richard W. Kropf. 1984. “Evil and Evolution A Theodicy”. Associated University Press, Inc. Cranbury, New Jersey. (5)John G. Stackhouse, Jr. 1998. “Can God Be Trusted?” Oxford University Press. Newyork, New York.
Đỗ Trân Duy
|