Thái hà- Tòa Khâm sứ: Có thể chiến thắng sự gian dối !
|
Alexandr Solzhenitsyn |
Ngày 3 tháng 8 vừa qua, đại văn hào Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn qua đời; và ngày 6, lễ nghi an táng của ông được cử hành rất long trọng tại Đan Viện Donskoy, Maskva, thủ đô nước Nga. Ông là người từng bị đày đọa tột cùng và cũng từng hưởng vinh dự rất cao ngay trên quê hương mình. Ông đã được trao giải thưởng Nobel văn học vào năm 1970, thời mà nước Nga còn do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.
Diễn từ ông gửi đến Hội Đồng Nobel cách đây gần 40 năm vẫn còn nóng bỏng chất thời sự, đối với thế giới hôm nay, và đặc biệt đối với nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong những ngày vừa qua. Vì thế tôi dịch lại phần cuối cùng để chúng ta – nhất là những người cầm bút ở bất cứ môi trường nào – đọc lại mà thấm thía. ( Ảnh chân dung nhà văn ) Ai muốn xem trọn văn bản bằng tiếng Anh, xin tìm vào thẳng địa chỉ sau đây: http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1970/solzhenitsyn-lecture.html
CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI !Tôi đã hiểu và cảm nhận rằng văn học thế giới không còn là một tuyển tập trừu tượng, hoặc một tổng hợp do các nhà phê bình văn học tạo nên; nhưng đúng hơn đấy là một thân thể và một tinh thần chung, một sự thống nhất tình cảm phản ánh sự hiệp nhất ngày càng lớn lên giữa các thành phần nhân loại.
Biên giới giữa các nước vẫn còn đỏ rực, hừng hực vì dây điện và những tràng súng liên thanh; và nhiều bộ nội vụ vẫn nghĩ rằng văn học cũng là ‘nội vụ’ đặt dưới quyền điều khiển của mình; các tít báo vẫn còn chạy: “Không được can thiệp vào chuyện nội bộ chúng tôi !”
Thế nhưng không còn chuyện gì là Chuyện Nội Bộ trên cái thế giới đất hẹp người đông của chúng ta hiện nay ! Và cách duy nhất để giải cứu nhân loại hệ tại ở mọi công việc mà mỗi người làm trong lãnh vực mình; ở việc những người Phương Đông thực sự quan tâm đến những gì mà người ta suy nghĩ tại Phương Tây, và người Phương Tây thực sự quan tâm đến nhưng gì đang xảy ra tại Phương Đông.
Và văn chương, với tư cách là phương tiện nhạy cảm và đáp ứng kịp thời nhất mà loài người có được, là một trong những nhân tố đi hàng đầu để tiếp thu, hòa nhập và nắm bắt được cái cảm thức về sự hiệp nhất ngày càng lớn mạnh của cộng đồng nhân loại. Vì thế, tôi tin tưởng ngỏ lời với thế giới văn chương hôm nay – với hằng trăm bạn hữu mà tôi chưa bao giờ gặp được con người bằng xương bằng thịt và có thể tôi sẽ không bao giờ gặp được.
Hỡi các bạn ! Chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ, nếu chúng ta còn một giá trị nào đó ! Từ thời xa xưa đến nay, ai làm nên sức mạnh hiệp nhất, chứ không phải chia rẽ, trên các đất nước chúng ta, những đất nước bị xâu xé bởi các đảng phái, phong trào, đẳng cấp và phe nhóm chống đối nhau ? Tự bản chất, người cầm bút có một vị trí: họ là những người thể hiện tiếng mẹ đẻ của mình, là lực lượng liên kết chính yếu của một quốc gia, của chính mảnh đất mà người dân cư ngụ và – ở mức cao nhất – của tinh thần quốc gia.
Tôi tin rằng thế giới văn học tự mình có sức mạnh giúp đỡ nhân loại, trong những giờ phút nhiễu nhương này, để nhân loại tự nhìn ra rõ chính mình, bất chấp sự tuyên truyền của những người và những đảng phái đầy định kiến.
Thế giới văn học có sức mạnh để chuyển tải kinh nghiệm tích lũy ở một miền đất này sang một miền đất khác, hầu cho chúng ta không còn bị chia cắt và đui mù, hầu cho các bậc thang giá trị khác nhau được mọi người đồng thuận, và một quốc gia nhất định sẽ học được một cách đúng đắn và cô đọng lịch sử chân chính của một quốc gia khác, với tinh thần thừa nhận và với cảm thức đớn đau như thể chính mình đang trải qua kinh nghiệm đó; và như thế, quốc gia ấy sẽ tránh phải lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự.
Có lẽ trong những điều kiện hiện nay, văn sĩ chúng ta có thể vun xới trong bản thân mình mảnh đất cho một tầm nhìn bao quát TOÀN THỂ THẾ GIỚI: tại trung tâm thì quan sát như một người khác ở bên cạnh mình, tại ngoài viền thì chúng ta bắt đầu kéo về những gì xảy ra từ mọi nơi trên thế gi ới. Và chúng ta sẽ nối kết, sẽ tôn trọng sự cân bằng của thế giới này.
|
Alexandr Solzhenitsyn bị tù cô lập trong Gulag |
Nếu không phải là những người cầm bút, thì ai sẽ đánh giá, không chỉ về việc quản lý thiếu hiệu quả trên đất nước mình, (mà trong nhiều nước thì đây là cách kiếm ăn dễ nhất, một công việc mà bất cứ người nào không làm biếng cũng có thể làm), mà còn đánh giá về chính người dân, về sự nhẫn nhục đê hèn hoặc về sự yếu kém đầy tự mãn của họ ? Ai sẽ đánh giá về cuộc chạy đua nhẹ dạ của thế hệ trẻ, và về những tên ăn cướp trẻ đang chìa dao găm ra ?
Người ta sẽ hỏi: văn học thì có thể làm gì để chống lại sự tấn công khốc liệt của bạo lực công khai ? Vậy thì chúng ta đừng quên điều này: bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình; nó buộc phải đan xen với dối trá. Giữa chúng có một mối dây liên kết tự nhiên, mật thiết và sâu đậm nhất. Bạo lực lấy gian dối làm nơi trú ẩn, gian dối lấy bạo lực làm chỗ nương tựa. Người nào từng một lần tuyên bố lấy bạo lực làm PHƯƠNG PHÁP thì người đó buộc phải chọn dối trá làm NGUYÊN TẮC.
Khi mới ra đời, bạo lực hoành hành một cách công khai và thậm chí vênh vang. Nhưng khi nó mạnh rồi, có ghế ngồi vững vàng rồi, nó cảm thấy bầu không khí quanh mình loãng ra nên không thể sống được nếu không hạ xuống mà nấp vào lớp mây của gian dối, ngụy trang mình bằng những lời đường mật. Không nhất thiết là lúc nào nó cũng công khai cắt cổ người ta đâu, mà thường thường nó đòi buộc dân đen của mình thề trung thành với dối trá, đồng lõa với dối trá.
Bước đi bình thường của người can đảm bình thường là không tham gia vào dối trá, không ủng hộ dối trá. Cứ để NÓ xâm nhập vào thế giới, thậm chí cai trị thế giới này – mà không có sự trợ lực của mình. Nhưng văn sĩ và nghệ sĩ thì có thể làm hơn như thế: họ có thể CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI ! Trong cuộc chiến chống lại gian dối thì nghệ thuật đã từng chiến thắng và sẽ chiến thắng mãi. Một cách rõ ràng và không thể phủ nhận được, vì mọi người ! Gian dối có thể khuất phục nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể khuất phục nghệ thuật được.
Và ngày nào gian dối bị xua tan thì bạo lực trần trụi sẽ tỏ lộ thân hình gớm ghiếc – và bạo lực, thối rữa, sẽ đổ nhào.
Tác giả: Alexandr Solzhenitsyn, chuyển ngữ: Trần Duy Nhiên