Liệu có thể dùng công văn để cảnh cáo? VietCatholic News (Thứ Tư 24/09/2008) LIỆU CÓ THỂ DÙNG CÔNG VĂN ĐỂ CẢNH CÁO?
Liên tiếp trong hai ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2008 Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ra hai công văn “lịch sử” 1370/UBND-TNMT và 1407/UBND-NC để cảnh cáo Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và 4 linh mục Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà Hà Nội.
Pháp luật Việt Nam có cho phép cơ quan hành chính dùng công văn để cảnh cáo một công dân hay không? Hay đây là một sáng kiến pháp luật của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội?
Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này?
“Cảnh cáo” là một trong hai hình thức xử phạt chính trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (các điều luật dưới đây dẫn từ Pháp lệnh này), hình thức kia là phạt tiền (Điều 12). Và phải thông qua một quy trình chặt chẽ đó là lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền quy định (Điều 55, 56).
“Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.” (Điều 13).
Như vậy “cảnh cáo” chỉ có trong quyết định xử phạt hành chính chứ không sử dụng trong trong “công văn cảnh cáo”.
Và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ở cấp tỉnh thuộc chủ tịch ủy ban nhân dân (Điều 30) chứ không phải thuộc ủy ban nhân dân như ông Nguyễn Thế Thảo đã ký thay mặt ủy ban nhân dân. Tức là phải chính ông chủ tịch ủy ban nhân dân ra quyết định cảnh cáo chứ không phải ủy ban nhân dân. Điều này thể hiện rõ ở một câu trong công văn “Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cảnh cáo ông …”. Thưa ông chủ tịch, luật đã quy định quyền hạn của ông thì ông cứ ký cớ sao ông lại phải nhân danh ủy ban?
Về công văn
Theo trang web của Bộ Tư Ph áp (http://nghiepvu.moj.gov.vn/xembai.aspx?nv=98), công văn (cùng với thông cáo, thông báo, công điện) là loại văn bản hành chính thông thường.
“Các văn bản hành chính thông thường không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà được ban hành nhằm thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng để giải quyết các tác nghiệp cụ thể, phản ánh tình hình, giao dịch, trao đổi... của các cơ quan hành chính Nhà nước.”
“- Công văn (công thư) là văn bản giao dịch chính thức giữa các cơ quan Nhà nước với nhau hay giữa các cơ quan Nhà nước với đoàn thể, tổ chức xã hội; để trình với cấp trên một đề án, một dự thảo văn bản; đề nghị cơ quan cấp trên giải quyết một việc cụ thể; giải quyết đề nghị của cơ quan cấp dưới; đôn đốc cơ quan cấp dưới thực hiện các quyết định của cấp trên.”
Như vậy việc Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội dùng công văn để cảnh cáo công dân là sai.
Chưa hết, còn số hiệu của công văn cũng khiến cho tôi băn khoăn. Tại sao cùng một công văn cảnh cáo, cùng một “tội”, cùng một cơ quan ban hành, cùng một người ký ngày trước ngày sau cớ sao cái đuôi công văn lại khác nhau? Một cái là UBND-TNMT, còn một cái là UBND-NC. Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy thôi cũng cho thấy tính không thống nhất của hai công văn cảnh cáo của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội về cùng một loại vụ việc.
Qua những nhận xét trên cho thấy không lẽ Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội lại có những nhầm lẫn chết người như vậy sao?
Hay đây có phải là Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội “lách luật” để thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, thay vì ra quyết định xử phạt hành chính thì Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội lại “sáng chế” ra công văn cảnh cáo?
Hay quan trọng hơ n, điều này chứng tỏ sự tùy tiện và lúng túng của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội trong việc áp dụng pháp luật đối với Đức Tổng Giám mục, các linh mục tu sĩ dòng Chúa Cứu thế Thái Hà và việc đòi đất của giáo dân Hà Nội?
(Ghi chú: Luật sư Lê hiện đang sống ở Việt Nam đã gửi cho chúng tôi bài nhận định này dựa trên cơ sở Pháp luật Việt Nam, muốn cho đăng để rộng đường dư luận. Chúng tôi cũng xin cám ơn Ls Lê)
Luật sư Lê
|