Cần gì pháp luật!
VietCatholic News (Thứ Năm 18/09/2008)
Cần gì pháp luật!
Trong cuộc gặp gỡ các Cha và một số giáo dân ở Thái Hà, Ông Phó Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Thành phố Hà Nội đã giải quyết những bức xúc của các linh mục và giáo dân Giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế bằng phát biểu hùng hồn:
“Chúng tôi đã rà soát toàn bộ hồ sơ và đi hỏi lại những cụ trước đây còn sống trong thời gian thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước đây hoặc nguồn gốc cải tạo nhà cửa thực hiện thông tư 73 và thông tư 10 của chính phủ. Các cụ đều khẳng định: so sánh với thực tiễn được áp dụng chính sách chung của các thời điểm đó thì thấy đây là trình tự phổ biến về kỹ thuật quản lý hành chính tại thời điểm những năm 1960, có nghĩa là gì, có nghĩa là nó chủ trương, triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định, thời điểm đó trong bối cảnh năm 1954 đất nước mới vừa giải phóng, chúng ta xây dựng chính quyền non trẻ, nên chúng tôi thấy là chúng ta phải tôn trọng lịch sử… Trong Thông tư 10, thì Thủ tướng giải thích thêm một số điểm của thông tư 73, thế thì ở trong thời điểm lịch sử của văn bản thì Sở Nhà Đất ra quyết định 76 trong bối cảnh thực hiện chính sách nhà cửa, chúng tôi không thể có cái gì hơn được nữa, dĩ nhiên sau đó đến lúc cụ Bích ký biên bản bàn giao thì lại thực hiện theo thông tư 73 thì hoàn toàn đúng luật thôi: “Đối với hội hè tôn giáo (tôi đọc thông tư 10), tất cả hội hè tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ, chứ không nhất thiết cho thuê dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản có trên đất) đều đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”.
Qua buổi lam việc của UBND TP. Hà Nội tôi xin chia sẻ mấy vấn đề nảy sinh:
1. Chính sách “gắp lửa bỏ tay người”: Ông PGĐ Sở Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh đến đoạn “đất cho người khác sử dụng nhờ, chứ không nhất thiết cho thuê” để ám chỉ đất Giáo xứ Thái Hà thuộc diện này. Khi đề cập đến điều này có lẽ ngụ ý của ông là Sở Nhà Đất “ký dùm” cha Bích cái Quyết định 76/QL-NĐ, để giao đất cho Xí nghiệp thảm len ngày 30/01/1961 để cho xí nghiệp này “sử dụng nhờ”. Mười tháng sau đó, ngày 24/11/1961, linh mục Vũ Ngọc Bích (người quản lý) đã bàn giao khu nhà đất Thái Hà qua nhà nước thống nhất quản lý (Công văn số 1784/TNMT&NĐ-CS ngày 7/5/2008 của Sở Tài nguyên MT, ông Phó Giám Đốc đang đương nhiệm) để thực hiện theo Thông tư 73/TTg ngày 07/07/1962: vì đất Nhà thờ đã được Sở Tài Nguyên Môi Trường thay mặt Cha Bích cho Xí nghiệp Thảm Len “sử dụng nhờ” rồi. Đây có lẽ là cái cách mà các bác cán bộ hay dùng để chiếm đất của các cá nhân, các tổ chức trong thời gian thống thị đất nước này.
2. Chính sách “tiền trảm hậu tấu”: Chính quyền cộng sản luôn đả phá phong kiến, nhưng với cách giải thích thích của ông PGĐ Sở Tài nguyên Môi trường thì chính quyền còn hơn phong kiến khi dùng chiêu “Tiền trảm hậu tấu”: “trình tự phổ biến về kỹ thuật quản lý hành chính tại thời điểm những năm 1960, có nghĩa là gì, có nghĩa là nó chủ trương, triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định”.
Đó là một trình tự ngược hết sức phi lý với những mốc thời gian đảo lộn được hợp pháp hoá bằng một câu giải thích giản đơn được tham khảo từ các “cụ”, chắc là trong Ban Bí Thư TW Đảng. Hoan hô ông Phó Giám Đốc đã thừa nhận một thực tế phủ phàng ở nước ta, nhiều người biết mà không dám phát biểu nhưng ông thừa nhận một các hùng hồn: hãy cứ làm đi rồi giấy tờ tính sau. Nhưng có một điều mà ông quên là cái Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 cũng đúng theo điều ông nói, vì nó là hộ mệnh để hợp pháp hoá những chủ trương chính sách về nhà đất của nhà nước không phân biệt đúng sai hay làm càn trước ngày 1/7/1991 thì miễn giải quyết hay đúng hơn “không có cơ sở giải quyết”.
Năm 2008, thời điểm hiện tại, câu nói của ông cũng đúng nốt, chẳng những thế nó được áp dụng nơi nơi, chắc dân mừng lắm khi áp dụng lời nói của ông: thiếu gì cao ốc, nhà cửa không phép xây lên rầm rộ, chỉ cần “bôi trơn”, lấy giấy phạt nhẹ hiều rồi xây tiếp, giấy phép tính sau: Cao ốc Pacific nếu không có sự cố sập hầm thi bây giờ đã là toà nhà đĩnh đạc với 4 tầng hầm trong đó có hai tầng xây lố. Hay như Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, đâu cần xin phép đổ, chất thải, đâu cần xử lý nước thải đâu, nhưng cứ làm càn, vụ mới nhất la chôn trộm 60 tấn chất thải nguy hại để “được” phạt 10 triệu đồng, một cái giá quá hời. Đó là một những điển hình trong xã hội, chưa tính vụ Vedan đang xử lý, mà pháp luật chỉ là một thứ rối beng để người ta lách, để người ta tham nhũng.
3. Chính sách “đứng trên pháp luật”: Khi các linh mục DCCT đã đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà nước cho là cha Vũ Ngọc Bích đã ký (có tới 4 giấy bàn giao đất nhà thờ sang nhà nước quản lý), thì ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND thành phố nhắc bảo thuộc cấp của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”. Giấy tờ pháp lý là thứ chứng cứ quan trọng đối với pháp luật, nhưng rõ ràng khi bị bắt bí, ông Phó Chủ tịch có coi nó ra cái gì đâu, ông phát biểu một câu tỉnh bơ là chọn một trong bốn. Chưa tính tới chuyện đó là những tờ giấy ngụy tạo, xem như pháp luật đâu còn ý nghĩa với ông nữa, ông giải quyết những mâu thuẫn bằng cái lý của kẻ mạnh chứ đâu bằng đối thoại, xem như ông đứng trên pháp luật rồi còn gì, có sự mâu thuẫn mập mờ trong chứng cứ thì giấu bớt một cách công khai đi, nó hợp lý mà.
Khi phát biểu “triển khai quá trình thực hiện, sau đó thì ra quyết định”, ông PGĐ Tài Nguyên Môi Trường đã thể hiện chính sách “đứng trên pháp luật” của nhà nước một cách trắng trợn hơn ai hết. Luật là của ta, của kẻ thống trị, ta muốn “đẻ ngược” thì cũng “hợp lý thôi”. Những nguyên tắc pháp luật như hợp lẽ phải, công bằng, công lý, bất hồi tố… của thế giới mà các bác Lữ Giang, Trần Lê Nguyên từng phân tích xem như phá sản vì một câu xanh rờn như thế. Khi “đứng trên pháp luật” nhà nước hợp tình hợp lý nó bằng một câu rất cộng sản: “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và nhà nước quản lý”, về đất đai, không có sở hữu tư nhân nhưng có “sở hữu cán bộ”.
Ôi! Công cuộc đi tìm công lý của các cha và canh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà rồi sẽ đến đâu khi mà người ta cứ “nghe tâm tư nguyện vọng” của dân rồi thôi để qua một bên, không thèm đối thoại.
Viết từ Sài Gòn, 18/09/2008. Trung Thiên
|