CÔNG LÝ ÐI VỀ ÐÂU (Mt 18:21-35) Tôn giáo vẫn thường được nhìn nhận là tinh hoa nhân loại. Nhưng có một số người cho rằng tôn giáo gây chia rẽ và quá nhiều đau khổ cho nhân loại. Có đúng như thế không ?
Chúng ta có thể tìm thấy trả lời trong dụ ngôn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Nếu tôn giáo là tương quan chiều dọc cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và tìm được thế quân bình cho cuộc sống, không có gì cần thiết và hữu ích hơn tôn giáo. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi sâu vào tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, để tìm thấy nơi lòng độ lượng khoan dung vô bờ của Người tất cả động lực và lý do sống hài hòa và thông cảm với đồng loại. BỨC TRANH VÂN CẨU
Nếu đọc Tin Mừng hôm nay ngược từ dưới lên trên, chúng ta sẽ thấy rõ sự tàn bạo của công lý không có tình thương. Xét về mặt pháp lý, người tôi tớ hoàn toàn đúng. Tòa án có thể giúp anh thi hành pháp luật để siết nợ cho anh. Kết quả anh đã hoàn toàn toại nguyện vì con nợ bị tống ngục. Nếu không hề chứng kiến cảnh tôn chủ đã tha nợ cho anh, chắc các người bạn anh cũng không thấy có vấn đề gì. Ở đời “có vay có trả” !
Nếu muốn bớt tính cách tàn bạo, công lý cần phải có tình thương. Nhưng căn cứ vào đâu để có thể dùng tình thương trong khi thi hành công lý. Tình thương tới mức nào và cách nào để công lý không bị hy sinh ?
Ðó là vấn đề chính ông Phêrô đã đặt ra với Chúa. Ông không ngờ Chúa trả lời khéo léo và rõ ràng đến thế. Cả về số lượng món nợ và thái độ của các nhân vật chính trong chuyện đều khác biệt đến bất ngờ. Chúa đã tạo một ấn tượng rất mạnh nơi lòng ông Phêrô và các bạn về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa.
Muốn trở thành đặc tính Nước Trời, công lý phải vượt quá giới hạn của chính mình, để vươn tới chiều kích công chính của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa đòi hỏi đúng mức công chính, con người không thể chịu đựng nổi. Thế nên Thiên Chúa đã phải lấy lòng thương xót bù lấp vào sự thiếu sót của con người. Ðó là lý do tại sao Chúa đã tha thứ tất cả. Chỉ sự tha thứ mới có thể thỏa mãn những đòi hỏi của công lý. Khi tỏ lòng thương xót, không phải Thiên Chúa hy sinh công lý, nhưng trái lại càng làm sáng tỏ công lý và sự công chính của Nước Trời.
Lòng thương xót là một huyền nhiệm và kỳ diệu nhất của Thiên Chúa trong vũ trụ. Không nắm bắt được điều đó, không thể nào thấu hiểu tại sao Thiên Chúa lại tạo dựng vũ trụ và cứu độ nhân loại.
Ðây là điều Chúa Giêsu muốn diễn tả qua dụ ngôn hôm nay. Mở đầu dụ ngôn, Chúa đã nhắm ngay chủ đích diễn tả Nước Trời qua sự tha thứ của ông vua. Bắt nguồn từ lòng thương xót, sự tha thứ đã lấn át tất cả những tính toán của con người. Chính vì sự bất lực của con người, nên sự tha thứ mới cần thiết để tái lập quân bình và đem lại công lý cho Nước Trời. Ðặc tính tuyệt vời đó được diễn tả phần nào nơi lòng quảng đại không thể hiểu thấu của ông chủ đối với người đầy tớ.
Vì một lý do nào đó, người đầy tớ đã quên ngay những gì tôn chủ mới làm cho mình. Có lẽ tương quan chiều dọc với ông chủ không quan trọng bằng tương quan chiều ngang với bạn bè. Anh đã hành xử như chưa từng đón nhận được sự tha thứ từ ông chủ. Ðúng hơn, món lợi cá nhân đã che mờ mắt anh. Anh vận dụng mọi cách để chiếm lại món lợi đó, bất chấp những đau khổ và sợ hãi của người bạn và tương lai gia đình họ.
Một khi con người đã không sống tử tế với anh em, Thiên Chúa sẽ rút lại lòng thương xót. Công lý trở lại trong cuộc sống bình thường. Thiên Chúa xử với con người y như con người đã xử với anh em. Trước sau công lý phải được bảo vệ tuyệt đối. Nếu không muốn công lý đượm tình thương, con người phải lãnh lấy tất cả hậu quả nghiêm nhặt của công lý. Khi không còn lòng thương xót, công lý của Thiên Chúa và của người đầy tớ cũng như nhau.
Chỉ có tấm lòng từ bi nhân hậu mới có thể lôi kéo lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua dụ ngôn hôm nay, Chúa muốn cho mọi người thấy sống là tương quan. Tương quan chiều ngang và tương quan chiều dọc. Tương quan chiều ngang sẽ tốt đẹp, nếu con người nhớ đến tương quan chiều dọc. Không có tương quan chiều dọc, con người sẽ không thể hiểu tại sao mình phải tha thứ cho nhau. Nhưng chân lý và công lý phải được bảo vệ tới cùng. Khi tha nợ cho người đầy tớ, tôn chủ đã phải hy sinh tới mức nào ! Nhưng khi một người anh em cố tình phủ nhận tội lỗi của mình, Chúa dạy cộng đoàn phải can thiệp để bảo vệ quyền lợi chung.
Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa dường như vượt qua công lý để cứu con người. Nhưng vì con người không muốn, nên mọi sự đều trở lại theo mức độ bình thường. Thế mới biết lòng thương xót là một kỳ công vô cùng vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng cũng như người đầy tớ, chúng ta phải biết nhận định đúng thời gian được xót thương để sống hợp tình hợp lý với anh em. BÀI HỌC ÐẮT GIÁ
Dụ ngôn hôm nay “cho phép chúng ta đi sâu vào kinh nghiệm chính Chúa Giêsu đã sống và hiệp thông tình yêu với Chúa Cha. Bởi đó, Tin Mừng cho ta đi vào tận trung tâm đời sống Thiên Chúa. Chúa Giêsu loan báo tình thương giải thoát dành cho những ai Người gặp trên đường đời, bắt đầu là những người nghèo khổ, người bị loại ra bên lề xã hội và người tội lỗi. Chúa mời gọi mọi người theo Chúa vì Người là người đầu tiên vâng lời kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa.”[1] Như thế đủ rõ, mặc dù không đủ tiền trang trải món nợ khổng lồ, người đầy tớ không nằm trong đối tượng của lòng Chúa thương xót. Anh quá kiêu hãnh và bất nhân. Anh bị loại trừ vì thuộc hạng người “ăn cháo đái bát” !
Anh là con người hoàn toàn ích kỷ. Trái lại, nếu sống theo tinh thần vị tha, anh sẽ thấy khi không sống ích kỷ, anh sẽ “coi nhu cầu và những đòi hỏi của tha nhân như của mình và làm cho mọi người ngày càng hiệp thông trong những giá trị tinh thần và những quan tâm về những nhu cầu vật chất.”[2] Anh đã hoàn toàn lạnh lùng như tảng băng vì không có cái nhìn đầy cảm thông của tôn chủ. Bài học tôn chủ dạy anh cho biết “mối tương quan giữa con người không thể chỉ bị chi phối trong khuôn khổ công lý : ‘Kinh nghiệm quá khứ và hiện tại cho thấy một mình công lý không đủ. Công lý có thể đưa tới việc phủ nhận và phá hủy chính mình.
Kinh nghiệm lịch sử cũng đưa đến một nguyên tắc : phép công anh giữ tuyệt vời, sinh muôn tai họa cho đời (summum jus, summa injuria), biết không ? Thực vậy, có thể nói, công lý phải được tình yêu điều chỉnh tới mức có thể coi là ‘kiên nhẫn và hiền hòa', như thánh Phaolô đã nói. Nói khác, công lý phải có những đặc tính của tình yêu nhân hậu là yếu tính của Tin Mừng và Kitô giáo.”[3]
“Tình yêu và chỉ có tình yêu (kể cả tình yêu nhân hậu gọi là ‘lòng thương xót') mới có thể phục hồi con người cho chính con người. Kitô hữu biết rằng tình yêu là lý do Thiên Chúa thiết lập tương quan với con người. Chính tình yêu Chúa mong đợi nơi con người lời đáp trả. Bởi thế, tình yêu cũng là hình thức tương quan cao cả nhất và cao quý nhất giữa con người. Giáo quyền hết sức khuyên nhủ chúng ta sống liên đới với nhau vì tình liên đới có thể bảo đảm công ích và thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người : tình yêu ‘làm cho con người nhìn tha nhân như một tha ngã.’”[4] Không thể có cái nhìn đó, người tôi tớ trong dụ ngôn hôm nay mới đối xử tàn tệ với người bạn của mình.
Cuộc sống trở thành nặng nề, phức tạp và bất ổn. Quả thực, công lý cần thiết cho cuộc sống hòa bình. Nhưng tình yêu mới củng cố cuộc sống trong bình an và hạnh phúc. ÐGH Phaolô VI từng nói : “Hòa bình cho mọi người thấy bản chất đích thực của mình trong hòa bình, một hòa bình gắn liền với những đòi hỏi của công lý, nhưng được nuôi dưỡng bằng sự hy sinh, nhân ái, từ bi và tình yêu.”[5] Chính vì chỉ lo đòi cho bằng được món nợ của người bạn, nên người tôi tớ đã trở thành tên bạo hành, khủng bố và không một chút tôn trọng nhân phẩm của bạn. Anh cũng nhân danh một lý lẽ hay hoàn cảnh đặc biệt phải hành động như thế. Tên khủng bố và độc tài nào chẳng có lý lẽ biện minh cho các hành động của mình. Ngay cả kẻ cướp của giết người cũng thấy mình hành động đúng lý và nhân đạo. HAI NIỀM TIN HAI LỐI XỬ Khi nhóm quá khích Ấn giáo lùng bắt và giết hại các Kitô hữu tại Ấn độ, họ cũng tạo ra những sự kiện để biện minh và tuyên truyền cho phong trào “bài Kitô giáo” của mình. Họ phao tin các nữ tu thuộc Dòng Nữ tữ Bác Áí của Mẹ Têrêsa Calcutta đã bắt cóc và buộc cải đạo nhiều trẻ em. Tin tức sôi động hẳn lên khi họ phao tin các Kitô hữu đã giết chết một thủ lãnh của họ.
Mặc dù đã góp phần quan trọng vào việc phát triển đất nước vê xã hội và kinh tế, các Kitô hữu tại Ấn độ đang bị tàn sát, trong khi các chính phủ và các tổ chức nhân đạo thê giới vẫn im tiếng.
Hàng chục (có người đoán hàng trăm) đã bị giết chết. Ít nhất 52 nhà thờ (cả Công giáo và Tin Lành) đã bị phá hủy. Hàng trăm ngôi nhà bị thiệt hại. Bốn tu viện và năm nhà trọ cũng như cư xá thanh niên không còn dùng được như xưa. Sáu cơ sở của thiện nguyện Công giáo và xã hội đã bị phá hủy tan tành. Hàng trăm xe hơi và vô số các dụng cá nhân đã bị thất thoát. Hàng ngàn Kitô hữu đang lẩn trốn, chạy xa cơn tàn sát và đang sống trong rừng, bị khủng bố và đói rách.
Trước tình cảnh đó, Thủ Tướng Ấn độ Manmohan Singh đã nói : “Thật là một nỗi nhục cho quê hương chúng ta.”[6] Một nhận định vừa khiêm tốn vừa xoa dịu được các nạn nhân. Nếu không có một đức tin tôn giáo và lương tâm tốt lành, chắc chắn ông Thủ Tướng không thể nói lên lời xin lỗi chân tình và công khai như vậy. Không phải chỉ bằng lời nói, chính phủ Ấn độ còn bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân.
“Qua hành động của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nghiêm khắc lên án những bạo hành có tính cách tội phạm của các phần tử Ấn giáo quá khích đối với các Kitô hữu cũng như sự việc chính phủ ông bồi thường cho các gia đình nạn nhân Kitô hữu một cách thoả đáng, người ta nhận ra được tư cách, lương tri, trách nhiệm và tính cách nhân bản của một vị lãnh đạo quốc gia thời đại văn minh ngày nay. Bởi vậy, khi nhìn đến hoàn cảnh tương tự của các Kitô hữu Việt Nam ở giáo xứ Thái Hà đang bị đánh đập và hành hạ một cách dã man, người ta tự hỏi:
Phải chăng các nhà cầm quyền Việt Nam nói chung và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói riêng đã không hay biết gì về thái độ công minh và cao thượng này của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong vụ việc các Kitô hữu bị tấn công này ở Ấn Độ?”[7]
Thực tế, vì thiếu niềm tin vào Thiên Chúa, nên nhà nước Việt Nam không thể lấy tương quan chiều dọc làm mốc cho tương quan chiều ngang ? Chỉ thấy tương quan chiều ngang, nên họ sống và hành động như chúa tể mọi người. Không biết đến Thiên Chúa, chẳng những họ không thể đối xử tử tế với mọi người, nhưng còn không giữ được mức công bình tối thiểu. Họ đưa cả toàn bộ lý thuyết Các Mác về vô sản chuyên chính để biện minh cho quyền sở hữu của nhà nước. Nhưng nực cười thay sau khi trưng dụng những đất đai của Thái Hà và dân oan, họ lại đem bán cho đại tư bản để thủ lợi ! Thật là vòng luẩn quẩn !
Không những không bao giờ nhìn nhận sai lầm, tại Việt Nam còn dùng truyền thông trắng trợn xuyên tạc sự thật và reo rắc nghi hoặc khắp nơi hầu dễ dàng chiếm đoạt tài sản dân oan. Hệ thống báo chí, truyền thanh, truyền hình đều đang thi đua “đi lề bên phải” theo chỉ thị của cấp trên. Ðúng hơn, họ bắt buộc “phải đi bên lề,” chứ không được bước hai chân xuống lòng xa lộ truyền thông thế giới. Thảo nào truyền thông không còn tự do và độc lập, nhưng biến thành một công cụ củng cố chế độ bất công. Biết bao người đã chết oan vì những thông tin một chiều đó. Dầu sao người đầy tớ trong Tin Mừng hôm nay vẫn còn lương thiện hơn nhiều quan chức Việt Nam một bậc ! Anh đã không vu khống và xuyên tạc sự thật để chiếm đoạt tài sản của đồng bạn ! Anh đã không dùng pháp luật để bỏ tù người bạn mắc nợ anh thực sự. Khác với anh, nhà nước Việt Nam xài toàn luật rừng để tống giam những người tranh đấu cho công lý.
Ðã đến lúc người dân không sợ chết vì công lý, còn nỗi sợ nào có thể thắng được họ ? Nhìn vào từng đoàn người cầu nguyện ở Thái Hà hôm nay, ai cũng có thể thấy điều đó. Chưa bao giờ cuộc tranh đấu cho công lý lại được giáo quyền yểm trợ như bây giờ. Tóm lại, qua dụ ngôn hôm nay, Chúa đã chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm sâu xa về đời sống Thiên Chúa. Hình ảnh ông chủ diễn tả phần nào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Món nợ trần gian chẳng là gì so với cái nợ đối với Thiên Chúa. Có thấy được sự khác biệt ấy, mới thấy Chúa tha thứ cho chúng ta tới mức nào và tại sao chúng ta phải tha thứ và đối xử tử tế với nhau. Con người luôn sống trong tương quan cả hai chiều. Ngay trong tương quan chiều ngang, chúng ta cũng tìm thấy chiều dọc để vươn lên. Nếu không, chúng ta không thể nào đạt tới mức công chính cần thiết để vào Nước Trời. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Amen. đỗ lực 14.09.2008 ________________________________________ [1] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 29. [2] ibid., 205 [3] ibid., 206. [4] ibid., 582. [5] ibid., 520. [6] http://www.asianews.it/index.php?l=en&art=13138&geo=&theme=&size=A [7] http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?p=221939
|