Lộ Đức, sự hiện diện mênh mông của Mẹ
VietCatholic News (Thứ Bảy 13/09/2008)
Lộ Đức, sự hiện diện mênh mông của Mẹ
Hôm nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đến viếng Lộ Đức, để kỷ niệm năm thứ 150 việc Đức Mẹ hiện ra tại đây với Thánh Nữ Bernadette Soubirous. Tina Beattie, một nhà khoa bảng, trước đây vốn không mấy thích nơi này, nay viết về sức mạnh lạ thường của nó trên tờ tuần báo The Tablet của Anh ngày 13 tháng Chín năm 2008.
Tờ Observer mới đây cho đăng trên trang nhất bức hình Ingrid Betancourt tại Lộ Đức. Sau sáu năm bị giam tại Colombia, nay bà tới tạ ơn Đức Nữ Trinh Maria vì đã được giải thoát, và cầu xin cho các con tin khác được trả tự do. Bức hình này chắc làm cho các độc giả của tờ báo, mà phần lớn là thế tục, có tinh thần phóng khoáng, phải bối rối, vì đã lồng một nữ anh hùng của nền dân chủ hiện đại vào cái khung thực hành tôn giáo mà nhiều người vốn cho là đị đoan mê tín.
Đền thánh tại Lộ Đức chắc chắn là một nơi của niềm tin tôn giáo nhẹ dạ, và trong suốt 150 năm qua, nó từng được dùng làm pháo đài Công Giáo chống lại việc hiện đại hóa nền chính trị và văn hóa Âu Châu. Nhưng trong một thời đại các lực lượng thuần lý hóa và cá nhân chủ nghĩa đầy cạnh tranh đang thống trị các xã hội Tây Phương này, Lộ Đức cũng biểu tượng cho một trật tự khác hẳn. Đối với hàng triệu con người tuôn đổ tới đó, nó là nơi hy vọng, nơi đau khổ nhận được ý nghĩa mới mẻ, không còn là kẻ thù phải chinh phục nữa mà là một phần của mầu nhiệm sự sống.
Lộ Đức là nơi người bệnh và người đau khổ chiếm khán đài chính, còn tất cả chúng ta có đó như người giúp đỡ và khách bàng quang, hay như khách hành hương đến đó với ý thức rằng một thân xác mạnh khỏe vẫn có thể bị cực hình tâm lý hành hạ đến phải kêu xin được chữa lành và bình an. Cơ quan Y Tế Thế Giới ước lượng đến năm 2020, bệnh trầm cảm (depression) sẽ là nguyên nhân hàng đầu đưa đến sức khỏe tồi tệ cho thế giới Tây Phương. Trong khi thân xác ta càng ngày càng được chăm sóc và chú ý nhiều hơn, thì hình như tinh thần ta mỗi ngày một lụi đi vì bị quên lãng.
Ấy thế nhưng, thơ mộng hóa Lộ Đức như một nơi thánh thiện và chữa lành cũng quá ngây thơ y như coi nó là nơi mê tín dị đoan và lễ bái lố lăng, vì nó có thể là cả hai mà cũng có thể chả là điều gì trong những điều ấy hết. Victor Turner, nhà nhân chủng học Công Giáo, đã khai triển ra ý niệm “liminality” (cửa ngõ) để diễn tả các nghi thức và các kinh nghiệm thay đổi cuộc đời đem lại hiệu quả biến đổi trong ta. Đó là các thời điểm trong đó các quy định vốn tạo cơ cấu cho cuộc sống ta bị ngưng không còn giá trị nữa, đến độ ta có thể bước vào một trạng thái đầy ý thức, vào các mối liên hệ và phương thức tự phát biểu mình ra một cách không ngờ. Tôi nghĩ hiện tượng Lộ Đức ít ra cũng có thể giải thích được bằng sự kiện này: nó là nơi ta cảm nghiệm sâu xa được tính cửa ngõ kia, cảm nghiệm được một phá đổ hoàn toàn các biên giới vốn xác định ra ta, đến nỗi óc tưởng tượng của ta có thể sáng lên nhiều lối nhìn và lối hiểu mới.
Tôi đã vượt qua được sự chống đối đáng kể trong nội tâm để lần đầu tiên lên đường qua Lộ Đức. Trước đây, dù đã dành phần lớn cuộc đời khoa bảng để nghiên cứu thánh mẫu học, nhưng vì là người mới từ Giáo Phái Trưởng Lão (Presbyterianism) trở lại, tôi vẫn tỏ ra quan ngại đối với điều tôi coi là khía cạnh lòe loẹt trong lòng sùng kính Đức Maria. Tuy nhiên, năm 2007, lúc đang làm việc tại Đại Học Roehampton, tôi quyết định tham gia cuộc hành hương hàng năm đến Lộ Đức của tổ chức Pilgimage Trust, dưới chiêu bài phụ giáo đưa sinh viên đi thực tập. Danh nghĩa ấy giúp tôi lối thoát, khi cần, nếu bị tố cáo là thiếu khách quan. Sau một ít ngày, tôi bắt đầu nhận ra cảm thức cửa ngõ nói trên. Nhờ các biên giới xã hội giữa sinh viên và giáo sư mau chóng tan biến (do các buổi cốc-tai chúng tôi cùng nhau tham dự mỗi tối), tôi được biết nhiều truyện bản thân thật cảm động trong đó mỗi sinh viên tự thuật lại các niềm đau và hy vọng của riêng họ. Không hề có việc chọn lọc chi hết, dù có người nghi chúng tôi đã tự tay chọn lựa người nói để bảo đảm có được những đại biểu rộng rãi nhất về tôn giáo, tuổi tác, sắc tộc và lối sống. Sinh viên tin lành rất khó chịu vì cuộc rước nến trong đó Đức Maria được rước trên một con tầu rực sáng, nhưng đối với một sinh viên Ấn Giáo, thì nghi thức đó hết sức quen thuộc.
Cảm thức cửa ngõ có lẽ bắt đầu với chính Thánh Nữ Bernadette, một huyền thoại đầy thơ mộng ngay cả trước khi qua đời. Nhưng câu truyện của Bà là một trong những câu truyện vô cùng cảm động. Bà là một em nhỏ bệnh hoạn xuất thân từ một gia đình nghèo mạt. Lúc Đức Mẹ hiện ra, Bà đang sống với cha mẹ và 4 anh chị em tại một căn nhà tù bỏ hoang. Tháng Hai năm 1858, người thiếu nữ 14 tuổi này đi lượm củi đun với chị em tại hang Massabielle, nơi Cô được chứng kiến lần xuất hiện đầu tiên của điều Cô gọi là “L’Aquero” (cái sự ấy), một chữ được Cô dùng để tả lại người thiếu phụ nhỏ nhắn xinh đẹp cô gặp tại Hang. Tới lần hiện ra thứ 16 vào ngày Lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), thiếu phụ đó cho biết bà là ai, bằng cách nói bằng thổ ngữ rằng "Que soy era immaculada concepciou" (Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai). Dù tín điều Vô Nhiễm Thai đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố trước đó 4 năm, nhưng một cô gái quê dốt nát khó lòng biết được tín điều ấy, cho nên việc tiết lộ trên được giải thích như là lời khẳng nhận đối với tín điều này. Truyện của Bernadette là truyện của một người bị bỏ rơi, bị đẩy ra bên lề xã hội, nhắc người ta nhớ rằng ngay tại Âu Châu, lúc ấy đang thống trị thế giới cận đại, trẻ em đã bị đói lả, phải đi kiếm củi đun.
Cảm thức cửa ngõ cũng phát sinh từ vị trí địa dư của Lộ Đức. Nó hiện là nơi có thật nhiều sinh hoạt nhân bản. Trừ Paris ra, nó có số lượng cao nhất về khách sạn so với bất cứ thị trấn nào của Pháp, và nó bị mang tiếng nhất vì các cửa tiệm bán đồ kỷ niệm với đủ mọi thứ hầm bà làng xí cấu. Ấy thế nhưng nó lại thọt lỏn vào giữa dẫy Pyrenees, được tắm gội bởi một cảnh trí hùng vĩ gồm nhiều ngọn núi có tuyết phủ, khiến cho cảnh náo nhiệt của con người chúng ta trở nên vô nghĩa trước vẻ uy nghi của sáng thế. Cửa ngõ vì vậy cũng có ý chỉ cái cảm nghiệm được đứng giữa núi non hùng vĩ để thấy cái nhân tính của mình được rời cư và được cõi huyền nhiệm của vũ trụ mời vào tra vấn.
Nhưng có lẽ cửa ngõ cũng có ý nói tới tính thiêng liêng của Lộ Đức nhiều hơn, vì đây là khía cạnh thần bí và hấp dẫn nhất của đền thánh này. Theo Bernadette, Đấng Hiện Ra yêu cầu xây một thánh đường và hiện nay một vương cung thánh đường vĩ đại đã mọc lên bên trên đền thánh, trở thành chứng tích hữu hình cho thấy sự giầu có và quyền lực của Giáo Hội định chế. Ấy thế nhưng, sinh hoạt thiêng liêng của Lộ Đức lại chỉ tập chú vào hang đá và khu vực chung quanh phía dưới vương cung thánh đường, và cái đặc điểm địa giới ấy quả là một ẩn dụ biểu tượng cho mối tương quan giữa định chế tôn giáo và những triều sống đức tin mạnh mẽ nằm sâu bên dưới, khó có thể kiểm soát hoàn toàn được. Những viên đá chung quanh hang đã mòn bóng vì được hàng triệu bàn tay rờ tới, nơi đó người ta cảm nhận ra một điều gì đó có tính bản năng, không theo lý trí (visceral), một cái gì có tính ngoại giáo nữa, trong đó, lòng sùng kính và kinh nguyện Công Giáo được hòa tan, được trộn lẫn với cái huyền nhiệm đầy kính sợ về một Thiên Chúa vừa dấu mặt vừa tỏ mặt ra trong thế giới, trong gío trong lửa, trong cái hoang dã núi rừng và trong cái trì chí không tài nào thuần hóa được của thiên nhiên, bất chấp các vọng động của con người nhằm văn minh hóa và kiểm soát nó. Niềm tin nhập thể chắc chắn là một niềm tin phải tự đặt mình vào nơi hội ngộ giữa điều cao siêu và điều nực cười, giữa vẻ uy nghi khôn dò của Thiên Chúa và những trộn lộn đôi khi ngu dại của các hình thức tôn sùng nhân bản.
Nước vọt lên từ suối được phân phối qua những ống dẫn nước nơi đó khách hành hương có thể đổ đầy các chai bằng nhựa, sặc sỡ với ảnh Đức Mẹ Mầu xanh, của mình. Bên cạnh hang đá, nhiều hàng nến được đốt cháy và nhiễu chẩy suốt đêm cho tới sáng sớm, khi người ta tới quét dọn, những hàng nến này trông giống những hình tượng ở các nhà máy xay đen đủi ma vương của Blake. Suốt đêm, vẫn có khách hành hương tại hang, lời lẩm rẩm cầu nguyện của họ vì thế tan vào bầu khí đầy mùi nến hương. Rồi còn các bể tắm nữa. Trưa hôm ấy trời như muốn bão, lúc tôi cùng một số sinh viên đứng đợi để được vào tắm ở phía phụ nữ. Đợi tới hai tiếng đồng hồ mới tới lượt, nên mỗi lúc tôi càng cảm thấy không an tâm, vì cứ phải dịch dần trên ghế để tới bể tắm. Ngồi dưới vòm xi măng có màn bằng nhựa phân cách, để khỏi thấy chuyện xẩy ra ở bên cạnh, một sinh viên nói lên một điều mà tôi không dám nhắc lại, cho cả chính mình. Cô ta bảo: “Giống như trại tập trung”. Rồi mưa ập xuống như thác, tôi tự hỏi mình, nếu tha thiết với việc ngâm mình trong nước thánh, thì sao lại không chạy ra ngoài mà ngửa mặt lên trời?
Nhưng cuối cùng, rồi cũng đến lượt chúng tôi. Một người đàn bà quấn một tấm khăn rộng mầu dương quanh tôi để tôi thay quần áo. Rồi tôi được dẫn tới một phòng nhỏ xíu có bể tắm đào dưới đất và được hai người đàn bà giúp đỡ choàng một tấm vải lạnh và ướt quanh mình rồi theo bậc thềm dẫn xuống bể nước lạnh, hôn tượng Đức Mẹ ở cuối đường. Hai người đàn bà lẩm rẩm cầu nguyện và đỡ cánh tay tôi khi tôi dìm mình xuống nước. Tuy vẫn còn ướt, tôi vẫn phải mặc lại quần áo của mình, và thế là xong. Nhưng, tự nhiên tôi cảm thấy mình sạch sẽ, tươi mới, nước mắt lưng tròng và thật hết sức biết ơn. Điều tôi khám phá ra ở phía sau tấm màn kia chỉ là dịu ngọt, cảm thức được sự hiện diện mênh mông của Mẹ. Tôi thấy mình không thể diễn tả được lý do tại sao lời nhận xét về trại tập trung kia lại có ý nghĩa như thế đối với kinh nghiệm này: nó có liên quan tới cái nhân tính chúng ta bắt gặp mỗi lần mình bước vào cõi vô tri và đành phó mình trong tay người khác, và biết rõ rằng đây có thể là một phản bội kinh hoàng nhất, nhưng cũng có thể là một xót thương vô bờ.
Năm nay, một buổi chiều kia, tôi tình nguyện làm thiện nguyện viên tại bể tắm. Tôi cảm thấy như mình được tham dự vào một buổi vũ ballet có tập dượt cẩn thận vì chúng tôi phải phối hợp nhịp nhàng các động tác của mình để bảo đảm đưa được người đàn bà xuống nước một cách an toàn và được khích lệ mà không xâm phạm tới phẩm giá của bà cũng như giúp bà cầu nguyện. Tôi có cảm nhận như các phụ nữ thế giới đang lướt qua hai bàn tay tôi với đủ nét dễ thương tổn, nét đa dạng và đầy tin tưởng của họ. Tôi không nghe thấy lời cầu nguyện xin phép lạ nào. Tôi chỉ được nghe hết làn sóng cầu nguyện này đến làn sóng cầu nguyện khác xin được nâng đỡ, can đảm, hiểu nhau, xin cho người thân yêu, cho chồng cho con, cho đức trông cậy. Và một lần nữa, tôi lại cảm nhận được sự hiện diện mênh mông của Mẹ, đang đỡ nâng, đang an ủi, đang ở đó với tất cả mọi người chúng tôi.
Sau đó, khi đã mặc lại quần áo bên ngoài của mình, tôi nói truyện với người đàn bà tôi cùng làm việc thiện nguyện với. Tôi hỏi bà ấy thuộc giáo xứ nào ở Anh. Bà ấy mỉm cười bảo tôi: “Tôi không có giáo xứ nào cả. Tôi là người Hồi Giáo”. Bà từng tới viếng Lộ Đức khi con trai bà bị bệnh, và từ đó, vẫn tiếp tục trở lại. Bà giải thích rằng Đức Maria được người Hồi Giáo tôn kính và bà không có khó khăn gì trong việc tham dự nghi thức tại bể tắm. Cửa ngõ quả đã tạo không gian cho con người gặp gỡ và nhìn nhận nhau, nhờ thế ta có thể nhìn quá các biên cương của cuộc sống hàng ngày mà khám phá ra những cách thế khác nhau giúp nhau cùng hiện hữu quá bên kia các biên cương ấy.
Có một điều gì đó rất lạ lùng về Lộ Đức, không hẳn vì luật tự nhiên không áp dụng ở đây, nhưng là một điều gì đó ta không rờ mó được, đó là việc không áp dụng luật chia rẽ, luật hợm hĩnh (cynicism), luật thủ đoạn và luật loại trừ vốn là nền tảng cho thế giới ngày nay. Nói như thế không hẳn có nghĩa: Lộ Đức là nơi hoàn hảo. Không, nó không hoàn hảo. Nó vẫn có tính nhân bản. Có lẽ đó là điều những người chủ trương chủ nghĩa thuần lý khoa học ghét nhất, nó không phải chỉ là việc của Thiên Chúa, nhưng còn là những nhốn nháo nhộn nhạo đôi khi vô kỷ luật của con người với đủ các nét hy vọng, cầu nguyện của một sinh hoạt phong phú nhưng cũng rồ dại không kiểm soát nổi. Vũ Văn An
|