Thái Hà: Một vụ án khôi hài VietCatholic News (Thứ Sáu 12/09/2008) Những ngày vừa qua, báo chí bên cạnh việc tô vẽ sự kiện Thái Hà bằng những lời lẽ vu khống xuyên tạc, thì đồng thời cũng tích cực dọn đường dư luận để chính quyền tiện bề mở rộng vụ án, bắt thêm một số giáo dân vô tội.
Đối với những giáo dân đang ở trong tầm ngắm của cơ quan công an, họ rất bình tĩnh và tự hào, bởi họ biết rằng Thiên Chúa đã chọn họ để làm chứng cho đức tin và công lý và họ biết rằng được tử đạo vào thế kỷ 21 chắc chắn là một điều không dễ có được.
Đối với chính quyền, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam một số giáo dân đang tiếp tục là một bước đi sai lầm, đẩy chính quyền vào thế tiến thoái lương nan. Các cán bộ điều tra thì không biết sẽ phải khép các bị can vào tội gì, bởi thực tế, những giáo dân này không có tội.
1. Tội huỷ hoại tài sản?
Báo An ninh Thủ đô, số ra ngày 11/9/2008, sau khi nêu danh tánh 7 bị can - trong đó, có những bị can đang bị tạm giam, có những bị can đang tại ngoại, đã thật thà đưa ra các thiệt hại về kinh tế mà những bị can đã gây ra trong vụ việc Thái Hà:
“Sau khi xảy ra sự kiện trên, cơ quan CSĐT CAQ Đống Đa đã ra quyết định trưng cầu định giá đoạn tường rào của Công ty Cổ phần May Chiến Thắng bị đập đổ. Ngày 25/8, Hội đồng định giá tài sản quận Đống Đa đã có Kết luận số 238 định giá trị đoạn tường trên là 3.479.990 đồng”.
Với 3.479.990 đồng, 7 người đã bị khởi tố bị can về tội phá huỷ tài sản. Đây quả thật là một vụ án khôi hài. Với một thiệt hại tài sản nhỏ hơn nhiều lần một bữa ăn sáng của các quan chức, chính quyền sẽ xử họ bao nhiêu năm tù?
Điều khôi hài là ở chỗ, cho tới giờ này chính quyền không làm sao chứng minh được bức tường bị phá là bức tường của Công ty Cổ phần May Chiến Thắng? Nếu khu đất này là của Nhà thờ - về mặt pháp lý đến giờ này thì Nhà thờ vẫn là chủ sở hữu, Nhà nước chưa chứng minh được Nhà nước đã quản lý khu đất này theo chính sách nào – thì bức tường đó đương nhiên là bức tường xây bất hợp pháp và người giáo dân có quyền và bổn phận phải đạp đổ bức tường này để luật pháp được thực thi.
Do đó, muốn xử vụ án “phá hoại tài sản” thì trước hết phải xử vụ khiếu kiện đất đai có tính cách dân sự trước, bởi đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hành vi “phá đổ bức tường”. Theo thông tin từ một số cán bộ điều tra, chính quyền sẽ tách riêng hai vụ và sẽ sử vụ “phá hoại tài sản” và “gây rối trật tự công cộng” trước. Nếu quả thật như thế, ai cũng đã thấy trước vụ án này sẽ không công minh, coi thường pháp luật.
Một vấn đề khác đang là thách thức với chính quyền, đó là vào thời điểm bức tường bị phá, rất nhiều công an có mặt, nhưng tuyệt nhiên không ai nhắc nhở giáo dân hoặc lập biên bản đúng như pháp luật qui định. Ai cũng biết nhiệm vụ của cảnh sát là “phòng và chống tội phạm”. Những cảnh sát có mặt tại hiện trường đã không có bất cứ động thái nào để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nếu đã truy tố giáo dân, thì cũng phải truy tố những cảnh sát có mặt, với tội danh đồng loã hoặc đã tạo điều kiện để “tội phạm” xảy ra.
2. Tội gây rối trật tự công cộng?
Khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng, Nhà nước chưa chứng minh được đây là đất mà chính quyền đã quản lý hợp pháp. Do đó, khu đất này đương nhiên vẫn là khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà. Vụ việc xảy ra trong khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế, thì không thể gọi là “gây rối trật tự công cộng” được.
Phía chính quyền, mặc dù không thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp và hợp Hiến của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà trên khu đất, bằng những lý lẽ yếu ớt, thiếu cơ sở pháp lý, đồng thời khẳng định rằng “khu đất này đang được Công ty Cổ phần May Chiến Thắng, quản lý và sử dụng”, thì dù khu đất ấy thuộc về ai – theo các cơ sở pháp lý là của nhà thờ và theo Nhà nước là của Công ty cổ phần May Chiến Thắng - một doanh nghiệp tư nhân, thì không thể coi là “gây rối trật tự công cộng được”.
Ai cũng biết, việc giáo dân cầu nguyện ôn hoà, trật tự tại khu vực 178 phố Nguyễn Lương Bằng đã bắt đầu từ ngày 6/1/2008. Việc cầu nguyện như vậy thì luôn được pháp luật bảo hộ về quyền tự do tín ngưỡng. Trong thực tế, kể từ ngày 6/1/2008 tới nay, chưa có bất cứ “biên bản vi phạm hành chính” nào được lập liên quan tới việc cầu nguyện này. Suốt 9 tháng qua, giáo dân chỉ thuần tuý cầu nguyện, không gây rối, không bạo loạn, không chống chính quyền, không cản trở giao thông, không xúi giục người khác gây rối và luôn cầu nguyện dưới sự giám sát của cán bộ, công an, thì làm sao gọi là “gây rối trật tự công cộng được”.
3. Về hành vi xúi giục, kích động?
Mấy ngày nay, báo chí, các cơ quan truyền thông đã trích lời của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh – giám đốc Công an thành phố Hà Nội - phát biểu trong cuộc họp với Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, đã chủ quan giải thích hành vi xúi giục và kích động như sau:
“Việc các linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại địa điểm có hành vi gây rối đó đã là hành vi xúi giục, kích động. Bởi lẽ, lẽ ra các linh mục là người có chức sắc, uy tín, họ phải có trách nhiệm giáo dục, khuyên bảo giáo dân chấm dứt các hành vi vi phạm, chấp hành pháp luật. Nay việc họ có mặt chứng kiến giáo dân có hành vi vi phạm pháp luật mà không can thiệp, tức là tiếp tay, kích động người khác vi phạm.”
Ơ hay! Thiếu tướng - người chịu trách nhiệm “phòng và chống tội phạm”, người có chức quyền, có uy tín – cũng đã nhiều lần xuống hiện trường chứng kiến giáo dân cầu nguyện mà không nhắc nhở, ngăn cản cơ mà. Các cán bộ, nhân viên an ninh, sắc phục hay thường phục có mặt tại hiện trường, lẫn vào với giáo dân, nhiều người cũng máy môi đọc kinh theo giáo dân cơ mà.
Lời phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, khiến người ta nhớ lại chuyện một người công dân ở Bà Rịa - Vũng Tầu đòi kiện ông chủ tịch UBND xã ra pháp luật, ông chủ tịch bèn nói: “Thằng nào kiện cứ kiện. Pháp luật là tao nè!”.
Thiếu tướng là người am hiểu pháp luật, có trách nhiệm thực thi pháp luật và hướng dẫn người dân thi hành pháp luật, thì phải nói rõ “hành vi xúi giục và kích động” theo quan niệm chủ quan của Thiếu tướng như trích dẫn ở trên, đã được qui định tại điều nào, khoản nào của bộ luật nào, chứ không thể phát biểu một cách khôi hài như vậy. Nếu không có khoản luật nào như vậy, thì cũng nên đề nghị bổ sung thêm một khoản luật liên quan tới tội xúi giục và kích động rằng:
“Chức sắc nào có mặt tại những nơi cầu nguyện ôn hoà thì đương nhiên phạm tội kích động và xúi giục người khác”.
Nói như Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, thì tất cả các giám mục, linh mục tới cầu nguyện tại linh địa Đức Bà đều đã “phạm tội tập thể” xúi giục và kích động người khác và Giám mục giáo phận Thái Bình phải là người được tuyên dương trước vì đã nhận ra lỗi lầm khi thốt lên: “Chào các bạn! Tôi đi tù…”.
Việc chính quyền đang cố tình hình sự hoá một vụ việc dân sự đang khiến dư luận phải đặc biệt quan tâm tới ngành tư pháp Việt Nam. Người ta có cảm giác, các vị hữu trách trong chính quyền thành phố Hà Nội bất chấp pháp luật và đang tiếp tục lối hành xử: “Pháp luật là tao nè!”
Người am hiểu luật pháp thì cho rằng có vài vụ án cần phải lập tức đưa ra xét xử: vụ UBND thành phố Hà Nội cưỡng chếm đất của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thài Hà cách bất công; vụ án Công ty Cổ phần May Chiến Thắng cố tình vi phạm luật đất đai và cố tình phá huỷ tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế hiện hữu trên khu đất; vụ án cảnh sát dùng dùi cui điện trấn áp dã man các giáo dân và xịt hơi cay vào đám đông đang cầu nguyện nay đã có chứng cớ rõ ràng và vụ án các cơ quan truyền thông báo chí đã thông tin một chiều, bóp méo sự thật, vu cáo xuyên tạc, làm tổn hại tới danh dự của Giáo hội Công giáo, gây chia rẽ sâu sắc khối đại đoàn kết toàn dân, “phá hoại chính sách đại đoàn kết” đã được qui định tại khoản C, mục I, điều 87 – BLHS: “Gây chia rẽ người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, chia rẽ tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, các tổ chức xã hội”.
Vụ việc Thái Hà sẽ chẳng bao giờ kết thúc được nếu chính quyền cứ tiếp tục hành xử kiểu: “Pháp luật là tao nè!” và đã tới lúc chính quyền cần phải thật tâm nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tôn trọng pháp luật, thả những người dân vô tội, cùng ngồi lại để “xây dựng một nước Việt Nam pháp quyền, tôn trọng những giá trị cao đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân”. Có như vậy, Việt Nam mới có cơ hội sánh vai cới các cường quốc năm châu.
Đừng tạo nên những chuyện khôi hài nữa!!!
Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2008 An Dân
|