SUY TÔN THÁNH GIÁ
Thập giá nhắc đến một nghịch lý này: Chính lúc hạ mình xuống cùng cực, Con Người được nâng lên, được tôn vinh. Lúc Người bị kết án tử hình, thế gian lại được cứu độ.
Bài ca của Thánh Phaolô
Thập giá tới độ thấp nhất trong âm điệu của bài ca trong thơ gởi giáo đoàn Philíphê. Âm điệu của Con Thiên Chúa đời đời tự hạ mình xuống làm người, rồi lại tiến hành được tôn vinh trở về với vinh quang Thiên Chúa. Trung tâm thập giá là phụng vụ, khổ hình là dụng cụ tối cao đem ơn cứu chuộc đến cho loài người. Thập gía mang nặng ý nghĩa sự dữ cùng cực của chúng ta và vì Đức Giêsu đã chịu treo vào nó là dấu chỉ ơn cứu độ chúng ta. Tôn vinh Thánh Gioan dùng hình ảnh con rắn đồng Môsê treo lên, những ai bị rắn độc cắn nhìn lên rắn đồng sẽ được chữa khỏi. Đức Ki-tô bị treo lên thánh giá đem lại ơn cứu độ cho những người nhìn lên Người với lòng cậy trông, sẽ nhận biết Người là con Thiên Chúa. Người trộm lành, môn đệ Gioan, viên sĩ quan Rôma, ông biệt phái Nicôđêmô, ông Giuse Arimathia, nghị viện hội đồng, đây là những vị được vây quanh Thánh Giá Đức Giêsu, mọi sự đã lìa những vị này, chỉ có một người liên kết với các vị ấy là Đức Giêsu trên thập giá. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Đức Giêsu là Người tôi tớ đã chiếu tỏa vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang xuất hiện từ thập giá, một nghịch lý của mặc khải Kitô giáo tại thế này. Thiên Chúa đã hạ mình thấp hèn trong Đức Giêsu, để mặc khải những sự lạ lùng hơn tất cả mọi quyền năng của thế gian này và nhờ thế đã giải thoát chúng ta khỏi thế gian này. Trong khi nhìn lên thánh giá, chúng ta cảm tạ Chúa Cha, Ngài đã ban Con Ngài cho chúng ta, và chúng ta nhận ra ý nghĩa đời sống của chúng ta: Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta biết đặt mình trước mặt Đức Ki-tô trên thánh giá. Chúng ta muốn chiêm ngắm Chúa, thì hãy nhìn lên thánh giá, Ngài sẽ hiện ra cho chúng ta nhìn ngắm, nhờ cái nhìn này chúng ta được cứu độ. 11. Thánh giá là biểu tượng của tình yêu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói: Thánh Giá là biểu tượng của tình yêu. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói, trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, thì điều quan trọng là các tín hữu biết nhìn thánh giá như là nguồn ân phúc và cứu độ. Ngài nói, "đối với con người, bị dày vò bởi sự nghi ngờ và tội lỗi, thánh giá tỏ lộ rằng, Thiên Chúa qúa yêu thế gian đến nổi ban Con một của Ngài, để mọi người tin vào Ngài sẽ không bị hủy diệt nhưng được sống đời đời." Tắt một lời, "Thánh giá là biểu tượng cao nhất của tình yêu." Đức Thánh Cha đã giải thích như thế khi gặp gỡ với hàng ngàn khách hành hương tại sân trước nhà nghỉ mát của ngài tại Castel Gandolfo, trước khi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 15/09/2002. Ngài quả quyết Thánh Giá là biểu tượng chính yếu của Kitô giáo. Bất cứ nơi nào Tin mừng được gieo trồng, thì Thánh giá luôn ở đó, để nói lên sự hiện diện của người Kitô. "Trong các ngôi thánh đường, tại các bệnh viện và các trường học, tại các nghĩa trang - thánh giá đã trở nên dấu hiệu của một nền văn hóa biết múc lấy chân lý và tự do, tin tưởng và hi vọng, từ sứ điệp của Chúa Kitô." Ngài nói, "trong thế giới cận đại bị ghi dấu bởi sự trần tục, thì điều cần thiết hơn nữa là tín hữu phải chú ý đến dấu hiệu trung tâm nầy của Mạc khải và đón nhận ý nghĩa đích thực của nó." Đức Thánh Cha nhấn mạnh, "trong việc công bố thánh giá Chúa Kitô, Giáo hội trình bày cho thế giới, ý nghĩa cuối cùng và trọn vẹn của từng cuộc sống cũng như của toàn thể lịch sử nhân loại." Ngài nói, "những người trẻ Kitô giáo đang hãnh diện mang thánh giá qua mọi nẻo đường trên thế giới. Trong năm qua, Thánh Giá giới trẻ đã được mang đi trên khắp mọi nẻo đường đất nước Canada và Thánh giá cũng đã được rước đến trung tâm mậu dịch thế giơí tại New York, một nơi đã hoàn toàn bị sụp đổ do các cuộc tấn công của ngày 11/09/2001. Giờ đây Thánh giá cũng sẽ được mang đến khắp mọi nẻo đường của nước Đức trước khi ngày đại hội giới trẻ được khai mạc tại Cologne vào năm 2005." Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn đức của ngài bằng việc trao phó cho Đức trinh nữ "giơí trẻ và gia đình, các quốc gia và toàn thể nhân loại" đặc biệt "các bệnh nhân và những người đang đau khổ, các nạn nhân vô tội của bất công và bạo động" và "các người Kitô đang bị đàn áp vì đức tin của họ." Xin cho thánh giá vinh quang của chúa Kitô là bảo đảm cho niềm hi vọng, sự cứu thoát và bình an, cho tất cả mọi người.
12. Những người đi ngang qua thập giá Có một lần, sở giao thông Pháp đã dàn cảnh một tai nạn lưu thông để trắc nghiệm phản ứng của những người đi đường. Tai nạn diễn ra thật rùng rợn tại một khúc đường nhộn nhịp. Chỉ trong khoảng một giờ, có đến 168 chiếc xe chạy qua, nhưng chỉ có 48 người dừng lại hỏi han và tìm cách giúp đỡ. Còn những người khác thì cứ phớt tỉnh chạy qua, tới cuối đường bị cảnh sát chặn lại hỏi, và họ đã ngang nhiên trả lời: tôi có thấy gì đâu. Hai ngàn năm trước, cũng đã diễn ra một cảnh tượng như thế, nhưng không phải là dàn cảnh mà là chuyện thật. Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá. Thế mà cả lý hình và dân chúng vẫn thản nhiên. Bọn lý hình thì chơi trò bốc thăm để chia phần xống áo. Còn dân chúng, Thánh Kinh gọi họ là những kẻ đi ngang qua. Họ lạnh lùng trước một cảnh tượng vô cùng bi thảm và hết sức quan trọng của lịch sử. Giây phút cao điểm của tình yêu Thiên Chúa. Thế nhưng mà cảnh tượng này vẫn thường xảy ra trong thời đại hiện nay nơi những người tự xưng là Kitô hữu, họ vẫn thản nhiên đi ngang qua thập giá. Bởi vì theo họ, thập giá chỉ dành cho những góc nhà thờ, những giờ kinh nguyện sốt sắng. Họ không nhận ra rằng người bị đóng đinh chính là tác giả sự sống và định mệnh của chúng ta được gắn liền với thập giá. Họ không hiểu được lời Kinh Thánh: Ngài đã nộp mình chịu chết vì tôi. Ngài đã chết thay cho tôi. Họ không tin rằng Kitô giáo đã đang và sẽ còn là một tôn giáo của thập giá. Và như vậy, họ vẫn thản nhiên đi ngang qua thập giá. Tệ hơn nữa, như Kinh Thánh đã ghi lại, họ còn lắc đầu chế nhạo: Nếu ngươi là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi. Đã qua rồi cái thời đại vàng son khi Chúa Giêsu đối đáp khôn ngoan, làm câm miệng những kẻ bắt bẻ Ngài. Đã qua rồi những làn sóng người tuốn đến để xin Ngài chữa bệnh: Nó đã cứu được người khác mà không cứu được mình sao? Chúa Giêsu bị bắt và bị dẫn đi như một tên tội phạm. Ngài đã bị đóng đinh và đang quằn quại rên xiết như một kẻ bất lực hoàn toàn. Giờ đây, những kẻ thù ghét Ngài tha hồ lên mặt xỉa xói. Nhưng Chúa Giêsu đâu có bất lực, Philipphê có lần đòi sai lửa trời xuống thiêu rụi cả một làng xứ Samaria. Phêrô đã có lúc hăng máu chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, và Chúa Giêsu đã chẳng nói với ông: Con không tin là Chúa Cha sẽ lập tức phái 12 cơ binh thiên thần đến cứu giúp Thầy nếu Thầy xin sao. Nhưng đây là giờ cứu độ, giờ chuộc lại tội lỗi thế gian. Chính là giờ phút này mà Ngài đã đến trong thế gian… Giữa lúc thiên hạ coi Ngài là yếu nhược nhất thì lại là lúc Ngài quyền năng nhất, giờ phút vinh thắng của Ngài đã điểm. Suốt 33 năm cuộc đời Ngài chỉ nhằm vào giây phút này. Toàn bộ chương trình mà Thiên Chúa đã ươm mơ cũng chỉ nhằm vào giây phút này. Toàn thể lịch sử nhân loại củng chỉ trông vào giây phút này mà thôi. Chúng ta bực mình khó chịu khi thấy đôi tay toàn năng nâng đỡ cả vũ trụ phải chịu đóng đinh. Đôi chân mà trái đất đã làm bệ phải chịu đóng đinh. Chúng ta không muốn Giáo Hội bị các thế lực trần gian bách hại chế giễu, chúng ta không muốn linh mục, tu sĩ và giáo dân bị tra tấn và giam cầm, nhà thờ bị đóng cửa… Quả thực, chúng ta còn giữ thái độ nóng nảy của Philatô và Phêrô ngày xưa. Chúng ta cố tình nhắm mắt không muốn nhìn cảnh tượng Chúa Giêsu trên thập giá, và chúng ta chỉ muốn thản nhiên đi ngang qua thập giá. Hơn thế nữa, ngày hôm nay Đức Kitô vẫn còn chịu đóng đinh nơi khổ giá những con người bất hạnh, nghèo túng và bệnh tật. Thế nhưng, chúng ta đã có thái độ nào trước những khổ đau của họ, dửng dưng bỏ đi, hay là tích cực giúp đỡ…
13. Thập giá: Quyển sách cao siêu nhất Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống. Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa.Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Đây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận". Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác. Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Đây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng". Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Đức Tin của chúng ta. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái". Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu". Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại... Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặmg của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.
Suy niệm của JM.
|