MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Medu 152: Đức Mẹ Medjugorgje Giúp Hàn Gắn Tình Mẫu Tử
Thứ Năm, Ngày 11 tháng 9-2008

Bài 152: Đức Mẹ Medjugorgje Giúp Hàn Gắn Tình Mẫu Tử

§ Elizabeth

“Kìa ai thiếu vỗ về người mẹ, tháng ngày trôi lặng lẽ cô liêu ? Về đây Mẹ sẽ thương yêu, về đây, Mẹ sẽ ban nhiều ơn thiêng”.

Tôi thích bài hát này từ thuở nhỏ nhưng lời nhạc chỉ trở thành hiện thực khi tôi đến hành hương Medjugorgje. Bao ước mơ từng ấp ủ, bao cay đắng tủi hờn được tình yêu thiêng liêng của Mẹ Maria thuần hóa. Hồn tôi lâng lâng như được Mẹ âu yếm đưa lên tận mây xanh, quên đi bao nhục nhằn, bao đau khổ tinh thần, bao đớn đau thể xác. Tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả mối tình tuyệt vời Mẹ Maria cho tôi cảm nếm. Thân xác tôi như được một luồng khí nhiệm mầu thấm vào từng thớ thịt làn da, trái tim tôi như được vuốt ve trìu mến. Có lẽ niềm vui thiên đàng là như thế này, là một tâm hồn bình an, một tinh thần thanh thoát, một thân xác nhẹ nhàng bay bổng… Mẹ Maria ban cho tôi cảm nghiệm híếm hoi này trên Đất Mẹ, làng Medjugorgje thanh bình êm ả.

Chiều hôm đó trên đồi Hiện Ra Pobrdo, một mình tôi ngồi trên khoảng đá bằng phẳng thả hồn xuống ngôi làng Đất Mẹ nay đã mọc lên khá nhiều khách sạn, nhà nghỉ… Trên tôi là mây trời hiền hòa. Trước mắt tôi là núi đồi trùng điệp. Chung quanh tôi là những di tích thánh ghi dấu sự hiện diện của Mẹ. Đến hôm nay, rời vùng đất linh thiêng đã gần một tháng, cảm nghiệm niềm vui có Mẹ vẫn còn đọng lại trong tôi. Mấy hôm nay trời chuyển mùa vào thu hơi buồn, thiếu ánh nắng mặt trời, ngày ngắn dần. Tôi nhậy cảm trước khí hậu thay đổi đột ngột nên hồn thêm chơi vơi. Lẳng lặng mời Mẹ đến thăm, trí tôi hiện lên hình ảnh Mẹ đon đả trong sắc áo như có mây trời gấp nếp. Dường như Mẹ đang bay từ trong mây cho tôi chiêm ngưỡng Mẹ. Tôi nhắm mắt hít thở thật nhẹ, vóc dáng Mẹ dịu dàng, cặp mắt Mẹ xinh xắn, đôi môi Mẹ duyên dáng mỉm cười, khuôn mặt Mẹ diễm lệ, diện mạo Mẹ khoan thai. Mẹ tươi tắn trẻ trung. Hai tay Mẹ trao Chúa Hài Đồng. Chúa ngoan ngoãn an lành trong cánh tay hiền mẫu nhoẻn miệng cười nụ. Ôi thiêng liêng cao quý làm sao tình Mẹ Chúa thiên đàng!

Thực tâm mà nói, hồng ân được Đức Mẹ Medjugorgje ban cho quá lớn lao khiến tôi không muốn nhắc lại chuyện đau buồn cuộc đời mà tôi đã giữ kín suốt hơn 50 năm. Tôi có kể cho bác sĩ và một vài vị lãnh đạo tinh thần để các vị giúp tôi đương đầu với chứng suy sụp tinh thần trầm trọng. Vả lại phong tục tập quán Việt Nam đa số nhiều người chưa chấp nhận nổi tình trạng một người con lại nói những điều không tốt về bậc sinh thành hoặc những bậc tiền bối kể cả các bậc cao niên ngoài gia tộc. Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác sĩ tâm lý, tôi nên viết ra để tiến trình chữa lành sớm được hoàn tất.

Lúc này đây, có người đã đi về bên kia thế giới, tuy rằng khi chịu hành hạ quá đáng có lần tôi đã nghĩ đến đi Việt Nam để tìm những người liên hệ để làm gì thì tôi cũng không rõ. Trước khi được cảm nghiệm tình Mẹ Medjugorgje, tôi đã trải qua một tiến trình rất lâu dài đầy cam go thử thách để thật sự tha thứ cho những người đã liên đới gây nên cơ sự, cũng như để tôi được cảm nghiệm ơn tha thứ từ Chúa và từ mọi người. Đúng hơn, nhờ Mẹ Maria can thiệp và chính Chúa Thánh Thần đã làm việc rất vất vả, đã hoạt động âm thầm trong tôi và trong nhiều người liên hệ nên tôi mới còn đủ bình tĩnh để viết những dòng chữ này.

Giờ đây, trong tôi chỉ còn lại một niềm xúc cảm dạt dào là chính thời gian Má tôi đang bắt đầu cần đến tôi thì tôi lại chỉ còn đủ sức để tự săn sóc chính mình. Nếu không thì hậu quả cuộc đời còn lại của tôi khó mà lường được, chẳng những tôi không giúp được ai mà tôi còn cần phải nhờ người khác săn sóc những nhu cầu cơ bản tối thiểu hàng ngày. Tôi vẫn cầu xin Chúa ban cho Má tôi và vẫn cảm tạ Thiên Chúa vì Má tôi tuy cũng mang những bệnh khó chữa nhưng bà tương đối khoẻ mạnh hơn tôi. Đàng khác, thời gian ngắn mới đây, đặc biệt từ sau chuyến hành hương Medjugorgje trở về vào ngày mùng 07 tháng 10 năm 2007, Chúa và Mẹ đã ban cho tôi phần nào hưởng được tình mẫu tử ruột thịt. Má tôi không còn gay gắt bắt bẻ tôi như trước; bà âm thầm làm những việc nhà, nấu nướng cho tôi được tự do cầu nguyện, tập luyện, sống ơn gọi bệnh nhân của mình. Tôi muốn tỏ lòng tri ân đến các Cha, các Thầy, Sơ trong giáo xứ đã cầu nguyện cho gia đình tôi, các Cô, Chú, Bác trong cộng đoàn và mấy người Em tôi đã chia nhau đưa đón Má tôi vì Má tôi không thể lái xe.

Ngoài ra, trong thời gian ở Medjugorgje Chuá Thánh Thần còn soi dẫn cho tôi nhớ lại những đau thương trong cuộc đời Má tôi. Bà đã mất người Mẹ thân yêu và 5 người em trong vòng 40 ngày vì bệnh dịch và thiếu phương tiện điều trị vì mới di cư từ Bắc vào miền Nam nuớc Việt phải định cư ở rừng cao su, ông ngoại tôi hóa điên không còn khả năng nuôi dưỡng Má tôi, Má tôi còn nhỏ dại phải đi giúp việc trong nhà nhiều người để đổi lấy bát cơm manh áo, nơi trú ngụ. Chế độ chủ tớ, cách cư xử với kẻ ăn người làm của nhiều người Việt Nam nói riêng và nhiều người trên thế giới nói chung còn rất tồi tệ tàn ác, nên mặc dù tôi bị chính mẹ ruột đối xử như một nô lệ không công, Má tôi vẫn cảm thấy tôi quá sung sướng hơn bà thời niên thiếu rất nhiều. Do đó bà không cảm thấy áy náy hay tỏ ra một chút từ tâm nào đối với tôi. Lại nữa, trong tiềm thức sâu thẳm của bà, tôi là tình địch của bà. Vì vậy, vô hình chung, tôi đã chịu đòn ghen thay cho một người suốt hơn 50 năm dài.

Phải mất đến nửa thế kỷ tôi mới ý thức được rằng tôi có một người mẹ mắc bệnh tâm thần không chịu nhận mình có bệnh và từ chối mọi phương thức điều trị. Tôi được truyền bệnh này và lại phải sống dưới sự kềm chế của bệnh nhân. Một bệnh nhân bệnh nặng hơn bị ép buộc phải phục vụ một bệnh nhân khác, phải điều trị theo cách thức của má tôi chứ má tôi rất khó chịu khi tôi đi chạy chữa từ các bác sĩ có giấy phép hành nghề. Thật sự thì bà không ưa tôi mất thời giờ vào việc điều trị bệnh cho tôi. Ý bà muốn tôi phục vụ bà cho bà nở mặt nở mày với người chung quanh. Bà không muốn người khác biết tôi có bệnh. Chính bà vẫn cho là tôi bệnh giả vờ trong khi các y sĩ hết lòng giúp trong nhiều thập niên mà không thấy tôi có dấu hiệu tiến triển khả quan. Khi nghe tôi khai bệnh, có bác sĩ đã đặt câu hỏi:

- Chị có chắc bà cụ là mẹ ruột của chị không?

- Thưa bác sĩ, tôi biết chắc chắn, vì tôi rất giống bà.

Nguyên nhân chỉ vì tôi muốn đi tu dòng…

Người mà tôi chịu đòn ghen thay thế là một cựu tu sĩ. Dì ấy, đúng hơn tôi phải gọi bằng bà, vì dì ấy là một nữ tu dạy Má tôi ở bậc tiểu học. Dì đã đường đường chính chính từ giã bộ áo dòng để mặc áo cưới. Chuyện này cũng thường tình vì các tu sĩ hay chủng sinh có tối thiểu trên dưới 10 năm để chọn lựa, thực tập trước khi quyết định khấn trọn đời hay lãnh nhận chức phó tế. Rồi sau khi đã là tu sĩ chính thức hay linh mục, họ vẫn có thể đổi ơn gọi và qua một thủ tục tháo gỡ lời khấn hứa với tòa thánh. Điểm trớ trêu gây nên đau thương cho đại gia đình tôi có một nguyên nhân khá ly kỳ : Dì ấy, nữ tu ấy đã hiên ngang kết hôn với người học trò của mình. Và ông chồng của Dì ấy lại là người hôn phu của Má tôi. Ba tôi cũng là học trò của Dì. Ba tôi biết rõ mọi chuyện và đã kết hôn với Má tôi.

Dì ơi, bà ơi hay bác ơi! Bác có thể hình dung được cuộc chiến hàng ngày kéo dài trong gia đình cháu suốt 38 năm, nạn nhân là mười mấy con người cho đến ngày Ba cháu mất đi, và nó vẫn còn kéo dài đến nay đã 53 năm gây ảnh hưởng cho thêm bao nhiêu là con cháu. Bác Đ., chồng của Dì và có một thời là bạn thân của Ba cháu ơi, Bác có thể tưởng tượng được phần nào nỗi đau khổ mà cả gia đình cháu phải gánh chịu hay không? Hơn phân nửa chị em chúng cháu ở tuổi 30, 40, 50 mà vẫn sống vất vưởng không muốn lập gia đình mà cũng sợ đời tu.

Từ ngày có trí khôn cho đến khi Ba tôi lìa đời, tôi chưa bao giờ được nghe Ba Má tôi nói với nhau một câu nào êm ái. Mười mấy chị em chúng tôi cũng thế, chỉ có mấy em nhỏ nhất thì thỉnh thoảng còn được nghe Ba Ma nói vài câu thương yêu nhưng cũng rất hiếm hoi.

Riêng mấy chị em lớn thì cuộc sống chỉ có toàn bổn phận với trách nhiệm. Nghèo túng, thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Quanh năm suốt tháng chỉ nghe cha mẹ cãi nhau, đánh nhau, và mắng chửi chúng tôi. Ba tôi rất nóng nảy. Má tôi lại sử xự theo kiểu đổ thêm dầu vào lửa. Ba tôi hay dùng dao búa dọa nạt. Má tôi sợ hãi nên cứ chờ chị em chúng tôi về đông đủ thì mới khai chiến để có đàn con can gián. Ba tôi bực mình nên đánh luôn chúng tôi vì tội đồng lõa. Không khí gia đình là một địa ngục trần gian. Cả ngày cực khổ xa cách, chỉ có bữa cơm tối đông đủ thì lại là những cuộc giao chiến lớn nhỏ, rồi đĩa bay chén bay. Thu dọn vội vàng, tất cả chị em chúng tôi chui vào giường khi trời vừa tờ mờ tối.

Từ lúc lên năm tuổi tôi đã bắt đầu đặt câu hỏi về sự hiện hữu của chính mình. Cha mẹ nghèo, em đông nên chị em chúng tôi cứ đứa lớn coi đứa bé hơn cho cha mẹ đi làm lụng mưu sinh. Riêng tôi, từ lúc lên bảy tuổi, má tôi đã cấm không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Ra khỏi lớp học là phải mau mau đi về nhà để coi em, quét nhà, rửa chén, giặt giũ quần áo tã lót cho các em. Tới giờ cha mẹ về lại lấm la lấm lét lo âu sợ hãi.

Cuộc sống quá cơ cực lầm than nên đến năm 11 tuổi tôi xin đi tu. Thế là hoạn nạn dồn dập đổ trên đầu tôi và thân xác tôi. Má tôi bắt đầu đánh đập tôi mỗi ngày. Bà bảo rằng: đánh để tôi chừa không đòi đi tu. Bà còn nguyền rủa tôi những lời độc địa. Bà bắt tôi làm lụng vất vả hơn, đầu tắt mặt tối suốt ngày mà phải làm theo kiểu hành hạ của bà. Cây chổi quét nhà dài hơn người tôi, nhưng bà bắt phải khom lưng xuống mà quét, đứng thẳng lưng quét nhà là lười biếng.

Phải làm lụng vất vả, ăn uống thiếu thốn, tinh thần lại giao động mạnh, nên tôi dễ bị cảm sốt nặng mà nằm nghỉ thì bị lôi dậy để làm việc. Có lần đau yếu đang giặt một chậu quần áo to lớn của cả nhà, tôi quỵ ngã, cố lết vào gầm giường, nghe tiếng chân và tiếng roi bà khua ngang khua dọc, tôi nín thở. Bà không biết nơi tôi ẩn mình, tưởng tôi bỏ nhà đi nên tìm tôi phía chung quanh nhà. Tức nước thì phải vỡ bờ, nhiều lần sau này khi nghe bà bắt đầu lên giọng là tôi bỏ việc nhà đi quanh quẩn ở sân nhà thờ cách nhà tôi chỉ độ mấy phút đi bộ, mấy giờ đồng hồ sau trở về vẫn còn nghe chửi. Mặc cho những trận đòn chí tử sau đó, tôi đã chai lì, má tôi muốn đánh hay muốn chửi mặc sức. Thấy tôi không phản ứng, có lúc bà tức giận dí dao nhọn vào ngực tôi, tôi cũng chẳng thấy sợ vì không thiết sống.

Tâm trí càng ngày càng hoang mang tột độ, tôi lầm lũi sống qua ngày. Thâm tâm chỉ ao ước được chết càng sớm càng tốt. Tôi đã cầu xin Thiên Chúa ơn này trong nhiều năm.

Những năm tháng đầu tiên đến đất Mỹ, bà như muốn tôi phải thu hết của cải của người khác để được tự do sống sung túc bù lại những ngày cơ cực. Ròng rã ba tháng trời người bảo trợ đưa tôi đi tìm việc làm, chỉ kiếm được một công việc phụ bếp rất vất vả lương bổng chỉ có một Mỹ kim một giờ. Họ thương tình thu xếp cho tôi đi học, má tôi mắng xối xả: “Tiền trước đã, học hành tính sau”. Những người bảo trợ của gia đình tôi rất tốt, họ lo cho các em tôi học trường Công giáo, nhưng ba má tôi than buồn vì ở xa người Việt, nên khóc lóc than thở rồi kéo nhau về sống chung với một số gia đình người Việt tị nạn khác ở trong một trại làm thịt gà. Cả nhà vất vả thay nhau làm ngày làm đêm mà lương bổng bị trừ tiền nhà tiền điện nước, đem về mỗi tuần có mấy chục Mỹ kim. Người bảo trợ cũ đã chuyển hết số tiền cơ quan bác ái Công giáo tài trợ cho chúng tôi mỗi đầu người là 300 Mỹ kim. Ông chủ trại gà dùng số tiền này mua nhà tiền chế rồi lại tính tiền thuê nhà của gia đình tôi. Ba tôi lại bị buộc phải làm việc nặng, sút xương sống lưng mà chúng tôi không biết thủ tục đòi bồi thường. Gia đình lại lục tục kéo nhau đi tiểu bang khác có đông người Việt lập làng.

Điều tôi ân hận lớn nhất là đã để ba má tôi quyết định bỏ lỡ cơ hội cho các em tôi học trường Công giáo. Tất cả chị em chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, nhưng cuộc sống tâm linh chúng tôi rất chậm tiến. Riêng tôi, 16 năm qua tôi hoàn toàn bất lực không làm việc được. Má tôi không tiếc lời đay nghiến lại còn nhờ thêm các bà bạn cũng cùng trình độ chồng chất thêm đau thương lên tâm trí tôi. Không giãi bày được với ai. Cha xứ cũng rất bận rộn và không thông cảm được. Tôi đành nghẹn ngào đổi qua xứ khác dưỡng bệnh.

Tôi mất tất cả chỉ còn lại một mình Chúa và Mẹ Medjugorgje.

Ngày 30/10/2007

Elizabeth

Đọc nhiều nhất Bản in 01.11.2007. 17:05

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thái Hà: Một Vụ Án Khôi Hài (9/12/2008)
Cán Cân Công Lý Của Chế Độ Cộng Sản Việt Nam (9/12/2008)
Xin Được Đồng Hành Cùng Giáo Dân Thái Hà (9/12/2008)
Thư Gửi Quý Cha Và Quý Ông Bà, Anh Chị Em Giáo Xứ Thái Hà (9/12/2008)
Thái Hà: Đừng Sợ (9/12/2008)
Tin/Bài cùng ngày
11 Linh Mục Thuộc Hạt Thuận Nghĩa, Giáo Phận Vinh Đến Thái Hà Hiệp Thông (9/11/2008)
Suy Tôn Thánh Giá (tác Giả Thanh Thanh) (9/11/2008)
Trời Ơi Ngó Xuống Mà Coi! (9/11/2008)
Quà Tặng Kính Gởi Giáo Xứ Bạch Lâm (9/11/2008)
Suy Tôn Thánh Giá (tác giả JM) (9/11/2008)
Tin/Bài khác
Cn 957: Nạn Khủng Bố, Sóng Thần, Và Thiên Tai. (9/10/2008)
Bạn Ở Đâu Khi Biến Cô Khủng Bố 911 Xẩy Ra? (9/10/2008)
Tưởng Nhớ Và Cầu Nguyện Cho Các Nạn Nhân Biến Cố 911 (9/10/2008)
Tưởng Niệm Và Cầu Nguyện Nhân Ngày 11 Tháng 9, Biến Cố Đau Thuơng 911 (9/10/2008)
Bài 174: Nhân Chứng Mễ-du: Mauro Harsch, Nghệ Sĩ - Trở Lại - Lòng Nhân Đạo (9/10/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768