www.chuacuuthe.com
Thử phân tích vài nguyên nhân của vụ việc Thái Hà
Song Hà
Hàng ngày, những dòng người tấp nập đổ về Thái Hà làm nhà nước lúng túng. Ngành công an đã phải dùng đến hạ sách là chặn đường, không cho giáo dân nơi xa về Thái Hà cầu nguyện. Báo chí đưa tin thất thiệt chà đạp lòng tin, lòng tự trọng, sự hi sinh và những cố gắng của giáo dân. Các buổi cầu nguyện không chấm dứt, trái lại càng hoành tráng hơn, mật độ nhiều hơn, đó là khó khăn lớn cho chính quyền TP Hà Nội.
Việc này kéo dài đã tám chín tháng ngay giữa lòng thủ đô nhưng chính quyền đã không thể giải quyết làm cho uy tín của nhà nước càng xuống thấp.
Lẽ ra cần một đường lối đúng để giải quyết hợp lòng dân thì chính quyền liên tiếp vấp phải những sai lầm, từ sai lầm này đến sai lầm khác mà không có sự rút kinh nghiệm nào.
- Hành động của chính quyền TP Hà Nội đã phơi bày cho người dân thấy việc phân biệt tôn giáo là có thật và được thể hiện rõ ràng qua những việc làm của họ ở Thái Hà. Giáo dân thấy đất đai của họ khiếu nại cả chục năm không được trả lời minh bạch, nhưng lại đưa đi chia chác bán cho tư nhân thì họ không đồng ý, chuyện đó có gì lạ ? Từ đất dùng cho tập thể, thành đất được chia chác cho nhau chẳng lẽ người dân lại đồng ý ?
Nếu TP Hà Nội biết cách, thì sự việc đã được giải quyết từ lâu. Dù không có tình, nhưng nếu có lý, thì tin rằng giáo dân cũng chấp nhận. Nếu những ngày trước, khi giáo dân khiếu nại, biết không thể nuốt trôi, đem làm công trình công cộng, thì giáo dân chắc không ý kiến gì nhiều, nếu có cũng không đến nỗi quyết liệt.
Khốn nỗi, nếu làm thế thì các quan không có tiền cho vào túi hoặc chẳng mùi mẻ gì, thua xa đưa đi bán, chia chác. Ai chẳng biết để làm được việc đó ngay giữa Thủ đô phải bôi trơn bộ máy vận hành. Vì vậy mà họ không thèm đếm xỉa đến giáo dân, quyết lấy bằng được theo ý họ. Trong khi chỉ một việc nho nhỏ liên quan đến quan chức TP, thì các thủ tục nhanh chóng cách lạ thường. Ví dụ giáo dân Thái Hà dễ thấy là việc làm đường, giải tỏa dân để có đường đi vào nhà ông Phó chủ tịch TP ngay gần Thái Hà.
Vì thế, cả tập thể giáo dân đã thấy bị xúc phạm nặng nề, bị coi khinh và bắt họ phải chấp nhận những điều vô lý, khiến cho tự họ có tâm lý phản kháng và không phục. Đó là sai lầm thứ nhất trong việc lãnh đạo nhân dân vì đã tạo nên tâm lý phản kháng tập thể.
- Khi giáo dân quyết liệt, TP Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị, báo chí để vùi dập họ không thương tiếc. Báo chí, truyền hình đã phạm sai lầm lớn về cách thông tin bằng những chiêu thức hạ cấp : Bôi xấu và bóp méo, xuyên tạc. Đặc biệt, báo chí đã tỏ cho thấy trình độ văn hóa thật của mình tới đâu khi phạm những sai lầm hết sức ngớ ngẩn trong truyền thông làm trò cười cho thiên hạ. Báo chí đã mạ lỵ, vu cáo ngay cả những điều mà những người dân không bao giờ tin về các linh mục, hàng giáo sĩ và ngay cả với giáo dân.
Báo chí, nhất là Đài TH Hà Nội và báo Hà Nội mới đã không từ thủ đoạn nào để kích động lòng hận thù với giáo dân và tu sĩ Thái Hà. Nhưng tất cả thông tin đó, không có một bằng cớ sự thật nào, chỉ nhai đi nhai lại những điều vu cáo, bịa đặt càng làm cho người dân và giáo dân thấy ớn như phải ăn lại một món ăn đã ôi thiu.
Thời đại thông tin ngày nay, cách đó chỉ hữu hiệu với những người dân vùng xa, vùng hẻo lánh và chưa có kinh nghiệm với nhà nước này mà thôi.
Người dân và đặc biệt là giáo dân có nhiều kinh nghiệm về thân phận công dân hạng hai của họ, họ không tin những lời nói đó. Trái lại, khi kiểm chứng được sự thật, thì họ càng mất chữ tín ở báo chí và qua đó không chừng mất luôn chữ lễ với nhà nước. Còn giáo dân, một lần nữa họ thấy họ đang bị đẩy vào chân tường bằng nhục mạ, mà tiếng kêu của họ chẳng được ai để ý thì phải hành động và đã hành động rất ôn hòa là cầu nguyện. Kể cả những người ngoài công giáo, họ cũng chẳng mặn mà gì với cái trò lấy đất của dân để chia nhau, nhất lại là đất của nhà thờ, đình chùa. Ngược lại họ có lương tâm của mình để phán xét sự việc theo cách nghĩ của họ. Những người chỉ biết thông tin qua báo chí để lên án xứ Thái Hà, họ chẳng có mấy tác dụng trong giải quyết sự việc này. Đó là sai lầm thứ hai của TP Hà Nội khi cố tình bất chấp sự thật trong thông tin, coi thường người dân.
- Khi giải quyết các vụ việc, từ chuyện nhỏ, TP Hà Nội cố vẽ lên cho thật to, mục đích là hăm dọa, đe nẹt giáo dân, lấp liếm sự thật (hoặc cũng có thể để lấy cớ xin kinh phí…). Nhưng hành động như vậy là thiếu khôn ngoan bởi vì tập thể giáo dân nhỏ bé này, đang bị chìm vào giữa xã hội nhiều oan trái, báo chí đã kích động được sự tò mò tìm hiểu của nhân dân nhiều nơi. Chính điều đó đã kích động giáo dân dám nhảy vào lửa để chứng minh sự thật và công lý như những anh hùng. Cách giải quyết đó, chỉ làm cho giáo dân thấy họ chính nghĩa hơn khi TP Hà Nội đã lúng túng viện dẫn hết cái này đến cái khác mà lần lượt những viện dẫn đó bị giáo dân bẻ gãy một cách đơn giản không cần nhiều trí tuệ, xảo thuật nào.
Các văn bản có nội dung không thống nhất, lẫn lộn, mâu thuẫn nhau, các chứng cứ không có cơ sở pháp lý được đưa ra đã chứng minh cách làm ăn cẩu thả, qua chuyện của TP Hà Nội. Tất cả đã không dựa trên bằng chứng thật sự mà chỉ cố tình áp đặt của TP Hà Nội cho giáo dân, đã gây nên phản ứng dây chuyền.
Khi giáo dân đang cầu nguyện mà họ tin là có lý, TP Hà Nội lại dùng công an, dùi cui trấn áp họ giữa hàng vạn con mắt chứng kiến, rồi lại chối bay biến như có thể che đậy được tất cả. Điển hình như việc xịt hơi cay vào giáo dân, ai cũng biết đó là sự thật giữa một rừng công an. Nhưng cách giải quyết của công an và chính quyền, nhất là cách chối leo lẻo của Giám đốc Công an đã làm cho người dân thấy chính quyền không phải là của họ. Bây giờ khi người ta đã xác định hẳn hoi người xịt hơi cay, ông Giám đốc công an sẽ hành động như thế nào, người dân đang chờ phản ứng của ông.
Điều này đã kích thích giáo dân tình đoàn kết và hiệp thông, làm mất uy tín của chính những người cầm quyền. Cũng chính vì thế mà làm mất lòng tin vào nhà nước Việt Nam trong nhân dân.
Những xảo thuật được đưa ra vụng về như người làm xiếc bị bắt bài, càng làm cho người dân thêm khinh bỉ những kẻ bày ra những trò đó. Việc bố trí giáo dân giả để quay phim truyền hình, địa chỉ giả để phản đối, dùng giáo gian để phong chức thành linh mục, thành cốt cán gặp mặt Công an TP Hà Nội nói những điều xằng bậy… là những ví dụ để người dân thấy chính quyền không thật tâm với họ, chỉ lừa bịp họ mà thôi. Điều này đã làm khó thêm chuyện chân thành đối thoại giữa hai bên.
Hết khả năng lý luận bằng chứng cớ, luật pháp, TP Hà Nội đã dùng đến con bài cuối, đó là bạo lực, nhưng đối tượng của họ lại là giáo dân, là nhân dân đòi công lý. Việc khởi tố vụ án bắt đi một số người, càng làm cho giáo dân thấy mình phải dấn thân, có nghĩa vụ hơn với việc chung, kể cả hi sinh.
Đến mức đó, thì dần dần sẽ đẩy nhà cầm quyền vào thế hoàn toàn bị động khi con bài vũ lực thực ra không có giá trị và tác dụng mấy với giáo dân. Bạo lực sẽ không bao giờ giải quyết được chuyện trong nội bộ nhân dân, nhất là một tập thể. Trái lại càng làm mất ổn định xã hội.
Nếu vụ việc khởi đi từ quyền lợi cá nhân giáo dân thì những người đòi quyền lợi cho riêng mình thường sẽ so sánh cái được và mất, nếu bị trấn áp, họ sẽ mất nhiều hơn được, và thế là họ thôi. Kể cả những người dân đòi quyền lợi chung, khi họ biết bộ máy lãnh đạo chỉ lo tư túi hơn công ích sẽ đàn áp họ và họ sẽ thất bại, họ sẽ dè dặt. Nhưng ở Thái Hà, giáo dân chẳng được gì cho cá nhân họ. Họ có các linh mục, tu sĩ, chỉ ở với họ vài năm, có lệnh lại đi nơi khác, nhưng vì quyền lợi của giáo dân, nhưng tu sĩ ấy dám hi sinh và vì thế họ được giáo dân tuyệt đối tin tưởng. Thế nên, việc chia tách sự đoàn kết giữa họ bằng những mâu thuẫn đời thường như vật chất, quyền lợi là điều hết sức khó khăn.
Đó là sai lầm lớn thứ ba của TP Hà Nội, đã đánh giá nhầm đối tượng mình đang “phục vụ”.
Sai lầm lớn nhất, có hại nhất cho đất nước mà TP Hà Nội đã làm, là đã ngang nhiên kích động một sự thù hằn lớn với tôn giáo. Đó sẽ là vết hằn sâu nhất, nếu không kịp thời ngăn chặn, hậu quả vô cùng to lớn nhiều thế hệ sẽ khó mà giải quyết.
Điển hình như việc vu cáo thóa mạ giáo dân, tu sĩ chưa đủ, trong các trường học, những học sinh ngây thơ đã bị phân loại, hạch hỏi và tạo cho giữa các em sự đối xử phân biệt tôn giáo lẫn nhau. Với bản năng của mình, thế hệ học sinh này sẽ mang nặng tính kỳ thị tôn giáo, những học sinh mang tôn giáo sẽ tự nhiên có những cảm giác tự vệ và nhiều vấn đề sẽ nảy sinh làm mất ổn định xã hội lâu dài. Với lịch sử dân tộc, đó sẽ là tội ác.
Khi đất nước đang đứng trước họa ngoại xâm bằng nhiều cách, từ hình thức lấn chiếm trực tiếp, từ hình thức tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, đến việc bắt bớ ngư dân, phản đối các công ty làm ăn với Việt Nam nhằm cô lập Việt Nam trong gọng kìm Trung Quốc… Lẽ ra, lãnh đạo TP, lãnh đạo đất nước có chủ quyền cần đoàn kết mọi tầng lớp xã hội, gạt qua những mâu thuẫn nhỏ để tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc, thì lãnh đạo TP Hà Nội đã dùng bạo lực với nhân dân để bảo vệ những điều mà người dân cho là hết sức vô lý. Thực chất đó chỉ là bảo vệ hệ thống quan chức tham nhũng, chỉ lo cho riêng mình.
Với những sai lầm đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã thể hiện năng lực của mình trong việc đại diện và quản lý xã hội, nhất là ở Thủ đô như thế nào.
Nếu còn tiếp tục con đường này, sẽ có một ngày nào đó đất nước rơi vào thảm họa do chính những người lãnh đạo hiện nay tạo ra. Nếu tiếp tục con đường bạo lực, bắt bớ, trấn áp, người dân có thể chịu tất cả. Nhưng điều gì sẽ đến khi đã đẩy họ, một cộng đồng sống bằng niềm tin và đoàn kết vào bước đường cùng, khi những đồng đạo, những tiếng nói của lương tâm họ bị tù đày, tài sản của họ bị chiếm dụng ?
Khác với việc Tòa Khâm sứ, vụ Thái Hà nhà nước đã huy động cả hệ thống chính trị, cảnh sát và truyền thông, nhưng kết quả đến nay vẫn là con số không, ngoài việc họ tạo ra được là lòng hận thù tôn giáo và nhà tù tăng thêm số lượng người bị tù đày.
Giáo hội Công giáo đã thể hiện tình đoàn kết hiệp nhất với Thái Hà. Hàng loạt các Giám mục, hàng trăm linh mục đã đến Thái Hà với một ý chí ủng hộ sự thật và công lý cho những người dân bé mọn. Đằng sau họ là mấy triệu người công giáo Việt Nam và cả cộng đồng giáo dân thế giới. Ngoài ra, đông đảo những người dân oan khuất, khát khao công lý đang ủng hộ họ về tinh thần. Đó sẽ là bài toán khó giải cho nhà nước. Bài toán này có dùng súng đạn và nhà tù để giải quyết được không? Cần xem xét lại một cách nghiêm túc nhất khi chưa quá muộn màng.
Người dân khiếu nại là chuyện bình thường, nhưng cách giải quyết có tính chất kỳ thi tôn giáo là mồi lửa. Nhà nước, mà trực tiếp là chính quyền TP Hà Nội là những người đã khêu lên ngọn lửa này. Coi chừng người châm lửa sẽ “cháy” vì chính ngọn lửa mình châm lên.
|