MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Đức TGM Hà Nội: RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG (CHIA SẺ 2)
Thứ Tư, Ngày 10 tháng 9-2008

RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG (CHIA SẺ 2)

I.                   HOÀN CẢNH LẠNG SƠN

Đường từ Hà nội tới Lạng sơn năm 1999 còn xấu. Nhất là đoạn đường đi qua đèo Sài hồ, dốc dác quanh co, nhỏ hẹp, nằm chênh vênh bên vực thẳm nên rất nguy hiểm. Chẳng ngày nào không có tai nạn.

Đường đồi núi vắng vẻ. Xa xa mới có một mái nhà nhỏ bé nằm khuất sau những lùm cây rậm rạp trên sườn đồi.

Con đến Lạng sơn vào một buổi chiều mưa rả rích. 2000 km đường dài là qua một khoảng cách xa. Từ đồng bằng lên miền đồi núi đã thấy lạ lẫm. Từ chỗ đông đúc đến một nơi vắng vẻ tự nhiên thấy lạnh lẽo. Nhìn đồi núi hoang vu không một bóng người thấy cũng rờn rợn. Con cảm thấy ngại ngùng bước chân ra đi.

Khi gặp gỡ người dân lại thấy một khoảng cách còn xa hơn nữa. Xa ở lời ăn tiếng nói. Xa ở lối suy nghĩ, trình bày. Xa ở những phong tục tập quán. Con cảm thấy mình là người xa lạ, con bước vào một nền văn hoá xa lạ.

Giáo dân Lạng sơn gồm những cộng đoàn nhỏ bé, sống phân tán. Tâm tư lại càng phân tán hơn. Hơn 50 năm không có người trực tiếp hướng dẫn, đoàn chiên vốn đã nhỏ bé lại càng tan tác. Khi con về nhận chức, chỉ còn một cha già hơn 95 tuổi và một bà sơ hơn 100 tuổi. Chẳng có ai đón tiếp, chẳng có ai cho biết tình hình Giáo phận. Chẳng có ai cho biết đi các xứ phải đi thế nào. Cứ tự động đi, cứ tự động đến. Ban hành giáo từ lâu không quen hoạt động. Giáo dân không được tổ chức. Các giáo xứ thì năm thì mười  hoạï mới có thánh lễ nên chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn. Con thật sự hụt hẫng như người không biết bơi mà bị rơi xuống chỗ nước sâu.

Dần dà con khám phá ra rằng giáo dân không hiểu biết giáo lý. Phúc âm thì hoàn toàn xa lạ. Chỉ thuộc một ít kinh và một vài truyền thống ông bà để lại từ trước Công đồng Vatican II.

Với tình hình, số giáo dân và nhân sự như thế, con hiểu rằng Lạng sơn chỉ đơn thuần là một giáo điểm, cần phải truyền giáo. Truyền giáo là sức sống của giáo phận. Truyền giáo là ý nghĩa của giáo phận. Không tuyền giáo, giáo phận này sẽ chẳng còn ý nghĩa, chẳng còn sức sống.

Xác định như thế con lăn xả vào công việc.

Việc đầu tiên là ra đi. Ra đi không ngừng. Đi thăm viếng những xứ đạo xưa đã hoang tàn. Đi tìm những con chiên xa lạc. Đi hoà giải những người xích mích. Đi cử hành bí tích. Đi dạy giáo lý. Đi đám ma. Đi đám cưới. Đường là nhà. Xe là phòng. Trời đất là quê hương. Núi rừng là Giáo phận. Cứ thế đi không ngừng.

Việc thứ hai đó là gặp việc gì làm việc nấy. Chưa có người nên phải làm tất cả. Làm Linh mục nhiều hơn Giám mục. Làm Giáo lý viên nhiều hơn Linh mục. Tập hát, tập nghi thức. Mở cửa. Kéo chuông. Bất cứ việc gì cần phải làm, có thể làm để đưa linh hồn người ta về với Chúa, để xây dựng cộng đoàn, để củng cố giáo xứ, để khai mở tâm trí.

Tựa như trở về căn nhà xưa đã bị đổ nát, cỏ dại um tùm. Không biết phải bắt đầu từ đâu. Gặp gì làm nấy. Tay nhổ cỏ, tay nhặt đá. Tay chặt cành cây, tay quét rác.

II.  BẢN CHẤT CỦA GIÁO HỘI TRUYỀN GIÁO

Ở thời đại mới này, một giáo phận không có Linh mục nào kể là chuyện hoạ hiếm. Một Giám mục phải làm tất cả mọi việc là không thể hiểu và không thể chấp nhận được.

Nhiều thư từ khắp nơi gửi về phản ánh suy nghĩ đó. Một cụ ông viết : “Con thấy Đức cha làm nhiều việc thì thương Đức cha quá. Vì con sợ một điều là khi làm nhiều việc như thế Đức cha quên mất việc quan trọng nhất là làm Giám mục”.

Ông cụ quên mất rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Nhận chức Giám mục là nhận nhiệm vụ “Thừa sai”.

Công đồng Vatican II khẳng định : “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo, vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (TG 2a).

Thật vậy, vì yêu thương Đức Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài xuống trần gian để “qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11, 53), “thâu họp vạn vật dưới một đầu là Hội thánh (x. Ep 1, 10), “làm cho muôn loài muôn vật qui phục quyền tối cao của Thiên Chúa” (x. 1 Cr 15, 28).

Đức Giêsu đã chọn các sứ đồ để tiếp tục công việc của Người trên trần gian. Sứ đồ có nghĩa là người được sai đi. Lời dặn dò cuối cùng, mệnh lệnh như một chúc thư cho các môn đệ trước khi về trời là “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).

Ra đi là bản chất của sứ đồ. Sứ đồ không ra đi là bội phản Đấng đã chọn mình và bội phản chính căn tính của mình. Vì thế thánh Phaolô đã nói một cách quyết liệt : “Khốn cho thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9, 16).

Giáo hội được xây trên nền tảng tông đồ, được tông truyền, nên tự bản tính Giáo hội là “Thừa sai”. Không truyền giáo là Giáo hội phủ nhận chính mình.

Công đông Vatican II nhắc lại : “Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ bản chất của Giáo hội” (TG 6f).

Cha Gomez kết luận “Việc truyền giáo không phải là một ‘bổn phận’, nhưng là một ‘chức năng’ trong cơ thể Giáo hội” (TTTH số 31, tr. 86).

Từ ngày lễ Ngũ tuần, biết bao sứ đồ hàng hàng lớp lớp ra đi. Biết bao người chết chìm trong biển cả. Biết bao người bỏ mạng trong rừng sâu. Biết bao người chết rũ trong tù ngục. Biết bao máu đổ đầu rơi. Nhưng lớp này gục xuống, lớp khác đứng lên. Nhờ thế mà Tin mừng đã loan đến tận Việt nam xa xôi chúng ta.

Đức Giêsu không có nơi tựa đầu, để dạy cho môn đệ đừng an nghỉ. Người không là chiếc ghế cho ta ngồi yên. Người không là chiếc giường cho ta hưởng thụ. Người là “con đường” cho ta phải lên đường, phải ra đi không ngừng.

 

III.                       THẾ KỶ 20 : VIỆC TRUYỀN GIÁO ĐÌNH TRỆ

Ta phải đau buồn nhìn nhận rằng, hiện nay việc truyền giáo xem ra đình trệ. Không còn những Thừa sai ra đi hàng hàng lớp lớp. Không còn những thành công vang dội, những cuộc trở lại ào ạt. Tại sao ?

Theo cha Gomez, có thể có mấy nguyên nhân sau về thần học :

1.    Quan niệm về ơn cứu độ

Xưa kia ta tin rằng ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ. Những người chết mà chưa được rửa tội thì linh hồn phải hư mất. Vì thương các linh hồn nên các nhà truyền giáo phải vội vã lên đường, chạy đua với thời gian, với tử thần, cứu linh hồn người ta đưa về cho Chúa.

Thánh Phanxicô Xaviê là một điển hình. Sau khi đến Châu Á, ngài kêu gọi thanh niên Châu Aâu hãy lên đường truyền giáo vì biết bao linh hồn đang hư mất, ngay cả những “em bé chưa biết phân biệt tay phải tay trái”. ( Cf. Gn 4, 11 )

Nhưng ngày nay ta tin rằng những người chưa biết Chúa mà ăn ngay ở lành vẫn có thể được ơn cứu độ. Chúa có thể dùng nhiều cách khác nhau để cứu độ con người chứ không chỉ qua phép rửa tội và Giáo hội Công giáo.

Cách nhìn này khiến các nhà truyền giáo mất bớt nhuệ khí. Không còn hăng hái như xưa. Không còn vội vã như xưa.

2.    Quan niệm tương đối hoá về các tôn giáo

Xưa kia, ta tin tưởng chỉ có Giáo hội Công giáo là của Chúa, là duy nhất tốt đẹp, chân chính. Còn những bụt thần khác đều là ma quỉ, các tôn giáo khác đều là sai lầm.

Nhưng nay người bình dân thì cho rằng đạo nào cũng tốt vì cũng dạy ăn ngay ở lành. Còn Công đồng Vatican II dạy ta kính trọng các tôn giáo. Vì các tôn giáo cũng có những điểm tốt đẹp khiến ta phải học hỏi, phải kính trọng. Mà đã là người ai cũng có tôn giáo. Vì thế việc truyền giáo bị khựng lại.

3.    Quan niệm truyền giáo và phát triển

Xưa kia truyền giáo chỉ nhằm cứu linh hồn người ta. Nên các Thừa sai cố gắng rửa tội càng nhiều càng tốt. Thậm chí còn ép buộc. Còn đời sống vật chất thì không quan tâm. Vì thế tại vùng truyền giáo có những giáo dân sống đời quá sức cơ cực, không xứng với nhân phẩm con người.

Tình hình đó khiến Giáo hội phải suy nghĩ, cân nhắc dù chỉ nhằm cứu chuộc linh hồn nhưng vẫn phải quan tâm đến phần xác con người. Đã yêu thương con người thì yêu thương trọn vẹn cả xác lẫn hồn. Vì thế, khi đến vùng dân nghèo không phải chỉ lo truyền đạo mà còn lo phát triển đời sống dân chúng. Đức giáo hoàng Phaolô VI đã nói : “phát triển là tên gọi mới của hoà bình”.

Nhưng có nhiều người quá mải mê phát triển mà quên cả truyền giáo.

Ngoài ba lý do có phần lý thuyết kể trên, ta còn thấy mấy lý do thực tế khác như :

4.    Thái độ quá gắn bó với cơ chế

Các giáo phận, giáo xứ được tổ chức tương đối chặt chẽ, ổn định. Theo đà tiến của xã hội, ta cũng muốn phát triển giáo xứ, giáo phận. Quan tâm tới việc phát triển tự nhiên, giới hạn ta vào cơ chế. Phát triển là xây dựng nhà cửa. Phát triển là xây dựng hội đoàn. Phát triển là tổ chức lễ lạc. Phát triển cao hơn nữa là đào tạo con người, xây dựng đạo đức, nâng cao học thức. Tất cả chỉ là xây dựng giáo xứ của mình, người của mình, nhà của mình. Ít có ai nghĩ đến phát triển truyền giáo.

Nếu có nghĩ đến truyền giáo thì cũng như một thứ nghiệp dư, một năm làm đôi ba lần theo phong trào.

Ngân sách dành cho truyền giáo cũng chỉ là bớt xén chút đỉnh từ những qũi chi tiêu khác.

Nhân sự dành cho việc điều hành giáo xứ, giáo phận là quan trọng. Dành cho việc truyền giáo có khi là những người không còn biết phân công vào việc gì, đành cho đi truyền giáo.

Nếu đối chiếu lời Chúa sai đi với nếp sinh hoạt của các giáo phận, giáo xứ hôm nay, có lẽ ai cũng phải giật mình kinh hãi. Có một khoảng cách quá xa giữa ý định của Đức Kitô khi lập Giáo hội với thực tế Giáo hội hôm nay. Có một khoảng cách quá xa giữa lời Chúa và sự thực hành của Giáo hội. Phải chăng ta đã phản bội ? Phải chăng ta đã đánh mất căn tính của mình ? Như thế làm sao truyền giáo phát triển được ?

5.    Sự sa sút trong Giáo hội : khối lượng, chất lượng, uy tín Đức giáo hoàng

Giáo hội không còn trong giai đoạn cực thịnh. Từ thập niên 60, 70 là những bùng nổ đưa đến tình trạng sa sút trong Giáo hội. Số Linh mục tu sĩ giảm dần. Số người đi tu giảm dần. Số người lui tới nhà thờ giảm dần. Số người đóng góp cho Giáo hội giảm dần. Uy tín Đức Thánh Cha cũng suy giảm. Xưa kia, một thông điệp của Đức Thánh Cha có thể gây chấn động cả thế giới và ảnh hưởng trên xã hội rất lâu dài. Nhưng ngày nay, mỗi thông điệp chỉ được nói đến trong vài tháng đầu. Sau đó chìm vào quên lãng và chẳng có ảnh hưởng nhiều trên xã hội.

Trước sự sa sút, Giáo hội phải hết sức đối phó với những thiếu hụt về mọi mặt. Lo củng cố nội bộ. Vì thế mà quan tâm truyền giáo giảm đi.

6.                Hoàn cảnh khó khăn

Vụ Pedo ở Mỹ, những công kích phê phán Giáo hội đến từ mọi nhóm : Cộng sản, Tư bản và ngay trong lòng Giáo hội.

Chưa kể đến nhiều Giáo hội địa phương có những hoàn cảnh khó khăn riêng, không phát huy truyền giáo được. Chẳng hạn tại các nước Hồi giáo, truyền giáo là một việc bị cấm đoán. Trở lại đạo là một trọng tội có thể bị kết án tử hình.

Dù với lý do nào đi nữa, ai cũng thấy một thực tế là trong thế kỷ này, việc truyền giáo đã mất đi khí thế hăng say của những thế kỷ trước.

Dù quan niệm thần học có những thay đổi. Nhưng mệnh lệnh truyền giáo của Đức Kitô vẫn không thay đổi. Mệnh lệnh ấy vẫn mang tính cấp bách. Và căn tính của Giáo hội vẫn không thể đổi khác. Đức Kitô thiết lập Giáo hội để truyền giáo. Không truyền giáo, Giáo hội chẳng còn lý do tồn tại.

Vì thế Đức Giáo hoàng đương kim trong những năm sau này, đặc biệt trong thiên niên kỷ mới đã mạnh mẽ kêu gọi truyền giáo. Hãy hăng hái ra khơi (Duc in altum)

IV.                 HÃY RA KHƠI

Nếu hôm nay Chúa đến hỏi ta mệnh lệnh hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo, con đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm. Có lẽ ta sẽ giật mình và ngần ngại lắm khi phải thưa với Chúa. Vì ta có loan báo Tin mừng nhưng chưa cho hết mọi thọ tạo. Và nhất là ta có loan báo Tin mừng nhưng chưa ra đi.

Chúa bảo hãy ra khơi thả lưới bắt cá. Ta có bắt cá nhưng chỉ là bắt cá trong chậu, trong nồi, trong đĩa chứ chưa ra khơi.

Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi ta. Hơn thế nữa người còn hướng dẫn ta : Hãy truyền giáo, hãy ra đi đến những môi trường mới, với những phương tiện mới và với tinh thần mới.

Môi trường mới trước hết là những nơi xa lạ chưa in vết chân nhà truyền giáo, chưa hề nghe Tin mừng (các cha học tập cải tạo).

Môi trường mới cũng là những con người mới. Những người khác với ta về tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ. Những người không đồng quan điểm với ta về chính trị, về tôn giáo, về xã hội… Môi trường mới cũng có nghĩa là những lãnh vực mới như văn hoá, chính trị, y tế, giáo dục, báo chí, phim ảnh…(cộng đoàn Emmanuel tại phố Pigalle).

ĐứcThánh Cha cũng mời gọi ta : hãy ra khơi với những phương tiện mới. Chài, lưới, vó xưa kia đã trở thành quá thô sơ. Nay để đánh cá người ta có những kỹ thuật hiện đại. Có máy dò cá, có máy phát ra tiếng gọi cá… Cũng thế việc truyền giáo cần có những phương tiện kỹ thuật mới. Ngoài sách vở báo chí còn có đài phát thanh, truyền hình, điện thoại, fax, có mạng internet (thánh ca, cầu nguyện chung Assisise…). Ngoài việc cầu nguyện, rao giảng còn có gặp gỡ, trao đổi. Ngoài việc đạo đức, thờ phượng còn có việc phát triển, phục vụ người nghèo.

Và sau cùng Đức thánh cha kêu gọi ta hãy ra khơi với tinh thần mới. Người làm việc truyền giáo phải có tinh thần mới. Tinh thần mới sẽ do Chúa Thánh Thần tác tạo. Như xưa trong ngày lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần đã đổi mới các môn đệ, biến các ông thành những nhà truyền giáo không biết mệt mỏi, nay ta cần có Chúa Thánh Thần để đổi mới tâm hồn ta, ban cho ta sức mạnh của Chúa Thánh Thần để lên đường truyền giáo và đem lại kết quả tốt đẹp.

Tinh thần mới là tinh thần vui tươi, phục vụ, khiêm nhường. Tinh thần mới giúp ta dứt bỏ những gì cũ kỹ, như môi trường cũ kỹ, con người cũ kỹ, công việc cũ kỹ, thái độ bám chặt vào quá khứ, tìm an thân, an nhàn, an nghỉ.

Tinh thần mới giúp ta hăng hái lên đường, chấp nhận gian khổ, thiệt thòi, thách đố (Mẹ Têrêxa).


Tác giả: TGM. Jos Ngô Quang Kiệt

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Suy Niệm: Đức Mẹ sầu bi (9/12/2008)
Đức Giêsu Vẫn Còn Hấp Hối (9/12/2008)
Con Chỉ Có Một Nỗi Lo Sợ: Tội Lỗi. (9/12/2008)
Suy Tôn Thánh Giá (tác Giả Thanh Thanh) (9/11/2008)
Suy Tôn Thánh Giá (tác giả JM) (9/11/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Yêu Quên Mình, # 7 (9/10/2008)
Bài Đức TGM Hà Nội: CHIA SẺ VỀ TRUYỀN GIÁO (CHIA SẺ 1) (9/10/2008)
bài Đức TGM Hà Nội: THÁCH ĐỐ (CHIA SẺ 5) (9/10/2008)
Bài Đức Tgm Hà Nội: Cây Na Đồng Mỏ (chia Sẻ 3) (9/10/2008)
Bài Đức Tgm Hà Nội: Tiếng Gọi Từ Núi Rừng (chia Sẻ 6) (9/10/2008)
Tin/Bài khác
Nhân Danh Thầy, # 4 (9/9/2008)
video: Suy Niệm Bài Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 23a (9/9/2008)
Thiên Thần Và Gia Đình, # 3 (9/9/2008)
Mạo Hiểm, # 2 (9/9/2008)
Khủng Hoảng, # 1 (9/9/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768