Thập giá - Huyền nhiệm của ơn hoà giải VietCatholic News (Thứ Hai 08/09/2008 09:12) LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Ga 3, 13-17
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã viết: ” Chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa nhờ Con của Người “ ( Rm 5, 10 ). Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người đã trở nên trung tâm điểm của sự hòa giải và chỉ nơi thập của Đức Kitô: ” Ơn cứu độ mới chứa chan “. Chúa chịu chết trên thập giá là để thực hiện ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ con người, cứu vớt nhân loại khỏi ách tội lỗi. Bởi vì, chỉ có cái chết của Đức Kitô trên thập giá mới qui tụ được muôn người, nhiều người. Đó là việc Đức Kitô nhờ sự đau khổ, nhờ cái chết tự nguyện, nhờ sự vâng lời của Người đối với Chúa Cha mà Người đã giao hòa nhân loại với Chúa Cha và với mọi người. Chiêm ngắm thập giá để thấy được Chúa Giêsu đã cho chúng ta hiểu thế nào là ơn hòa giải giữa chúng ta với Thiên Chúa.
THẬP GIÁ NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ :
Thập giá chỉ là một cây gỗ do con người ác độc bầy ra để đóng đinh Chúa vô tội. Nhưng chính nhờ cây thập giá, nhân loại, con người với con mắt đức tin sẽ hiểu rõ rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là để hoàn tất sự vâng lời tuyệt đối Thiên Chúa Cha, gánh tội cho thế gian và chịu chết bằng cái chết tủi nhục trên thập giá do con người nham hiểm, ác độc tạo nên. Chính trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã gặp biết bao thử thách,chông gai, đã gặp những khó khăn biết bao khi các môn đệ, những người thân tín của Người bỏ rơi, khi Chúa cảm thấy hầu như cô đơn hoàn toàn vì xem ra Thiên Chúa, Cha của Người cũng bỏ rơi Người nữa:” Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con “ ( Mt 27, 46 ). Tuy nhiên, trong mầu nhiệm của cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm theo ý Thiên Chúa Cha và Người đã trung thành cho tới cùng sứ mạng Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người. Nơi thập giá: ” sự giao hòa và ơn cứu độ” được Chúa Giêsu trao ban cho những con người thành tâm thiện chí, vâng nghe lời Chúa và thực thi thi lời Chúa trong đời sống của mình. Sứ điệp của Chúa Giêsu nơi thập giá là sứ điệp tình thương dành cho những ai biết mở lòng đón nhận và hoàn toàn để Chúa dẫn dắt đời sống của mình.
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ MUỐN NÓI GÌ ? :
Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu là cái chết tự nguyện, cái chết tỏ tình con thảo của Chúa Giêsu và để nói lên sự vâng phục, lòng trung thành cho tới cùng của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu”(Ga 15, 13 ). Đây là cái chết tự hiến. Cái chết đánh bại tử thần: ” Nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã hủy diệt cái chết của chúng ta, nhờ sự sống lại của Người, Người đã phục hồi sự sống cho chúng ta “ ( Lời tiền tụng trong Kinh Nguyện Thánh Thể mùa Phục Sinh ). Nhờ cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của con người đã bị khuất phục và từ nay, chúng ta sẽ không còn sợ cái chết bởi vì cuộc sống thay đổi chứ không mất đi ( Lời kinh tiền tụng lễ an táng ). Do đó, thập giá mang một ý nghĩa cao vời, chứ không còn là một cây gỗ tầm thường do con người độc ác nghĩ ra nữa.
Lễ suy tôn thánh giá có nguồn gốc từ câu chuyện thật xẩy ra dưới thời Hoàng đế Hérachius I, dân Ba Tư chiếm Giêrusalem và đã lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của Hoàng đế Constantin để lại. Hérachius nhất định phải lấy lại bằng được phần thánh giá đã bị quân Ba Tư lấy. Hoàng đế Hérachius cầu nguyện, đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa, xin Chúa giúp đỡ và ban thêm ơn can đảm. Lời cầu nguyện chân thành của Hoàng đế đã được Chúa nhậm lời, Ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và chiếm lại được phần thánh giá thật đã bị người Ba Tư chiếm, Hérachius trở về Constantinople trong sự reo hò vui sướng của dân chúng. Thánh giá thật đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Từ đó, lễ kính thánh giá đã được lập ra để nhắc các thế hệ kỷ niệm này ( xem Phụng vụ chư thánh của Châu Kiên Long ). Thập giá của Chúa luôn nhắc nhớ nhân loại, loài người và chúng ta: ” Chúa đã giải thoát tội lỗi cho chúng ta, cho nhân loại bằng chính cái chết trên thập giá “ và lễ tôn kính thánh giá là để mọi người tôn vinh thập giá khải hoàn, cái chết của Chúa đánh bại tử thần. Đồng thời đối với người Kitô hữu, thập giá luôn mở ra một con đường mới, con đường dẫn tới sự sống trường sinh. Bởi vậy, sự phục sinh của Chúa giúp người Kitô hữu không còn sợ sự chết nữa vì chính cây thập giá đã cứu con người khỏi sự chết đời đời và ban cho con người sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, sự sống luôn có Chúa ở bên.
ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG:
Thường người Kitô hữu vẫn sợ thập giá vì đó là biểu tượng của cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, càng hiểu sâu về Đạo Công Giáo, càng hiểu sâu về giáo lý, người Kitô hữu sẽ hãnh diện vì mình được che chở bởi thập giá Chúa. Thánh giá chúng ta làm hằng ngày, thánh giá chúng ta đeo, thánh giá chúng ta dựng nơi bàn thờ, trong nhà thờ, nơi nghĩa địa là biểu hiệu của sự chiến thắng tử thần. Chúa đã đánh bại tử thần qua cái chết của Người trên thập giá. Mặc dù, thời nay có nhiều người đã dùng thập giá như một đồ trang sức, làm đẹp. Nhưng đó chỉ là một số người không hiểu và không có lòng tin. Còn chúng ta những Kitô hữu luôn hãnh diện, tuyên xưng với tất cả lòng tin khi làm dấu: ” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “. Thập giá là niềm tin và niềm hy vọng của mọi người. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh thập giá hướng chúng ta tới sự sống đời đời bởi khi cuộc sống trần gian này qua đi, Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở vĩnh viễn trên trời (Kinh tiền tụng I lễ an táng ).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin sắt đá để chúng con luôn hiên ngang tuyên xưng đức tin: ” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen. Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
|