Đối Thoại Trong Sự Thật VietCatholic News (Chúa Nhật 07/09/2008) Đối Thoại Trong Sự Thật
Trong những năm gần đây, việc khiếu kiện đất đai luôn là một vấn đề nổi cộm và nóng bỏng tại Việt Nam. Các quan chức chính quyền thừa nhận rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự bức xúc là vì luật đất đai có nhiều điểm bất hợp lý, chồng chéo lên nhau. Chính quyền địa phương thường có quá nhiều quyền hạn trong việc sử dụng đất đai, cũng như xử lý các vụ tranh chấp. Thiếu vắng một cơ quan giám định độc lập, luật được làm trên cửa miệng của các quan chức, muốn xử sao thì xử. Người dân chẳng biết kêu ca vào đâu. Khiếu kiện thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Cấp dưới thì không thụ lý, cấp trên thì bảo rằng không có cơ sở giải quyết.
Tất cả những điều này tạo nên bất công và bất ổn trong xã hội. Những việc xảy ra gần đây ở giáo xứ Thái Hà, Hà Nội chỉ là giọt nước tràn ly. Các bài đọc trong thánh lễ tuần này đều liên quan đến đề tài nhạy cảm này. Theo Thánh Phaolô, điều duy nhất các Kitô hữu nợ người khác là tình “tương thân tương ái.” Đây là một nguyên tắc sống giải thoát chúng ta khỏi những đòi hỏi giả tạo, bất công của xã hội. Đức ái, chứ không phải của cải, danh vọng, hay quyền lực, là điều Kitô hữu cần theo đuổi. Đức ái đòi hỏi chúng ta phải lấy đức báo oán, đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp.
Nhưng đức ái cần được thể hiện đúng thời đúng chỗ. Việc để cho mình bị người khác chà đạp, lợi dụng, ức hiếp không phải là “đem chân lý vào chốn lỗi lầm”, ngay cả khi chúng ta cho rằng việc nhẫn nhục chịu đựng là thể hiện đức ái. Không, đức ái không thể nào đến từ những hành vi bạo lực, từ những luận điệu dối trá, những cách ứng xử bất công. Đức ái phải được xây dựng trên công lý và sự thật, vì trong Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương, chân… thiện… mỹ… chỉ là một. Sự thật, sự tốt lành, và vẻ đẹp là ba nét của cuộc sống, luôn bổ xung cho nhau. Thay thế sự thật bằng giả dối là đánh mất đi sự thiện hảo và tha hoá lương tâm con người, và như thế, cái đẹp của cuộc sống cũng mất theo. Vì thế ngôn sứ Ezekiel đã nhắc nhở chúng ta rằng đức ái đòi hỏi chúng ta cần lên tiếng khi thấy sự sai trái.
Thông thường chúng ta ngại đụng chạm, ngại mất lòng, ngại hiểu lầm, ngại mất quyền lợi… và chúng ta yên lặng. Có mấy người trong chúng ta dám sống triệt để với đòi hỏi của Tin Mừng? Có mấy người dám nói với các cấp lãnh đạo của mình là họ đang làm sai? Nếu hôm nay ngôn sứ Ezekiel gặp chúng ta, ngài sẽ nói với chúng ta rằng: “Nếu anh em nói với những người có trách nhiệm, có thẩm quyền, về những quyết định và hành động sai trái của họ, và nếu họ không nghe, thì Thiên Chúa không bắt lỗi anh em. Nhưng nếu anh em thấy việc sai trái họ làm mà không lên tiếng, anh em phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại vật chất và tinh thần gây ra cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và xã hội chúng ta.”
Chúng ta không chịu trách nhiệm về việc làm của người khác, nhưng chúng ta có bổn phận phải cảnh báo người khác trong tâm tình yêu thương, phải nói lên sự thật. Vì sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Và nếu chúng ta không lên tiếng khi cần phải nói, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả xấu xa đến từ những quyết định, những hành động sai trái đó. Im lặng là đồng lõa với tội ác. Bài Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thêm vào đó một nguyên tắc ứng xử khôn ngoan. Khi đến với kẻ sai trái, hãy mở đầu bằng việc đối thoại. Đừng kết án họ, đừng dồn họ vào đường cùng, nhưng dùng lý lẽ để phân biệt phải trái, dùng lời nói để thuyết phục họ. Thông thường khi bất đồng ý kiến với kẻ khác, chúng ta thường đi nói với người thứ ba. Chúng ta thường chỉ trích, than phiền, kéo bè kéo đảng. Chúng ta mong rằng khi phải đối đầu với kẻ ấy, chúng ta đã có được hậu thuẫn. Rồi thì chúng ta thường ném đá giấu tay hoặc cả vú lấp miệng em, lôi kéo lý lẽ về phần mình. Tôi đúng nó sai! Nhất là đối với người có quyền hành, tôi luôn luôn đúng!
Cách ứng xử của Chúa Giêsu khác với cách chúng ta thường làm. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng bước đầu tiên trong việc đối thoại là đến trực tiếp với người đó, và nói lên điều mình nghĩ. Không phải đến để đôi co cãi nhau, lên án nhau, nhưng để cùng truy tầm chân lý, để cùng đi tìm sự thật. Vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Việc đối thoại chắc chắn không dễ dàng, bởi vì để lắng nghe, để thay đổi một quan điểm thì cần nhiều thời gian và thiện chí. Điều này càng khó hơn nữa khi đối tượng của việc đối thoại có nhiều ảnh hưởng hay nhiều quyền lực hơn chúng ta. Họ có thể không thèm đếm xiả đến việc đối thoại, hay dùng quyền lực để trấn áp chúng ta. Nhưng khi việc đối thoại trong yêu thương và thiện chí không thành công, chỉ khi đó chúng ta mới dùng đến các biện pháp khác. Nếu một bên cứ cố chấp khăng khăng không nhận lỗi, thì việc đối thoại đi vào bế tắc, và lúc đó sự cố chấp cần phải được lên án mạnh mẽ.
Tuyệt nhiên việc bạo động không bao giờ là cách hành xử của Tin Mừng. Các Kitô hữu tiên khởi cũng như các tiền nhân tử đạo của chúng ta thà chịu chết vì sự thật, chứ không cầm lấy vũ khí chống lại những kẻ bách hại họ. Không có sức mạnh nào lớn hơn việc nói lên sự thật trong yêu thương. Chúng ta có thể cho rằng việc đối thoại quá chậm chạp, mất thời giờ. Trong đối thoại sẽ có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, có nhiều khúc mắc hơn phương pháp giải quyết. Nhưng đó là cách của Chúa Giêsu. Ngài không hứa với chúng ta rằng chúng ta sẽ không gặp rắc rối, phiền phức khi nói lên sự thật. Ngài không hứa rằng chúng ta không phải trả giá cho việc bênh vực chân lý. Nhưng Ngài nói, “Hễ ai tìm kiếm mạng sống mình thì sẽ mất. Nếu được cả thế gian mà đánh mất chính mình thì được cái gì?” Chúng ta sống giữa thế gian, nhưng là con cái Chúa, chúng ta không thuộc về thế gian này.
Ở Thái Hà, các tu sĩ và giáo dân không chỉ đòi đất đòi nhà cho một dòng tu, một giáo xứ, hay cho Giáo Hội Công Giáo. Họ không tranh đấu để bảo vệ tài sản, địa vị, hoặc quyền lợi của một cá nhân hay một tổ chức. Nhưng họ đang gióng lên tiếng nói của lương tâm của sự thật, hầu công bằng xã hội được thực hiện, hầu phúc lợi nhân phẩm của những người thấp cổ bé miệng được tôn trọng. Con đường của Kitô hữu là con đường thập giá. Cũng như Chúa Giêsu ngày xưa, hôm nay chúng ta cũng được Thiên Chúa trao ban sứ mạng làm chứng cho công lý và sự thật. Ngày xưa Philatô đã ngạo nghễ hỏi Chúa Giêsu “sự thật là gì?” trước khi đóng đinh Ngài. Bóng tối tưởng chừng đã che phủ ánh sáng. Nhưng rồi lịch sử đã chứng minh, cuối cùng sự thật và công lý vẫn chiến thắng, và quyền lực của thế gian chẳng bao giờ trấn áp được.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng can đảm để nói lên tiếng nói của sự thật, nhưng với tâm tình yêu thương và thiện chí, để công lý được thực hiện và an bình được tái lập. Amen. LM. Anton-Phaolo, SJ.
|