www.xuanha.net
NHỮNG MẢNH XƯƠNG KHÔ TRONG SA MẠC, #13
(Lm. Bùi Đức Tiến)
Cảm nghiệm của một số quí vị dưới đây đã tìm thấy bình an, hạnh phúc trong Đạo Chúa.
Ngày và đêm.
13 Phụ nữ Thelma Wijenayake (Sri Lanka) Thelma Wijenayake.
Thelma Wijenayake người nước Ceylon, ngày nay được gọi là nước Cộng hòa Sri Lanka. Đây là một quốc gia với những hòn đảo đẹp như tranh vẽ, nằm phía Nam của Ấn Độ, dân số khoảng chừng 12 triệu người, 60% dân chúng theo Phật giáo ngành Tiểu Thừa. Phật giáo được truyền đến Sri Lanka từ Ấn độ vào thế kỷ thứ ba trước Thiên Chúa giáng sinh. Tác giả của bài viết này là thị dân của Kinh đô Columbo.
Tôi xuất thân từ một gia đình Phật giáo chính thống và thuần thành. Theo gia phả của dòng tộc bên ngoại tôi được ghi lại từ thời hai nhà truyền giáo đầu tiên đến Ceylon: Hoàng tử Mahinda và Công chúa Sangkamitta. Hai người là con của Vua Asoka triều đại Chandragupta (Vua Asoka của Ấn độ, theo Phật giáo từ thế kỷ thứ ba trước Chúa Giáng Sinh). Khi công Chúa Sangkamitta đến Ceylon, có hai người thiếu nữ đi theo hầu. Một trong hai người thiếu nữ này chính là ngoại tổ của tôi.
Ngày nay, không một ai trong gia đình có thể xác nhận được gia phả này đúng hay sai, nhưng một điều chắc chắn, đó là tên gọi của ngoại tổ trong gia đình tôi là một tên gọi Ấn độ: Chintamani Boddhigupta, tên này còn đọc được trên tấm bia mộ tại nghĩa trang.
Ngoại tổ tôi là một người sống chay tịnh suốt đời để tìm sự siêu thoát theo thuyết của Đức Phật. Niềm tin trải qua nhiều đời trong gia đình đã tích tụ trong tâm hồn và thể hiện qua đời sống nhất là trong khoảng thời gian quốc gia bị đô hộ dưới ách thống trị của Bristish Raj, khoảng thời gian này Phật thuyết bị ngăn cấm.
Một điểm đáng hãnh diện cho gia tộc chúng tôi, đó là thay vì chạy theo thực dân, tổ tiên chúng tôi đã giữ vững được đức tin của mình. Họ đã sửa chữa lại những ngôi chùa đổ vỡ, dâng cúng ruộng vườn, đất đai để xây thêm các tu viện, duy trì ơn gọi cho các nhà sư trẻ.
Điều này đã được đền bù trong đám tang của bà ngoại tôi: người ta kết vàng và bạc thành những vòng hoa và đốt cháy cùng với nghi thức hỏa táng. Trong bầu không khí trang nghiêm tại tu viện, trầm hương và khói nghi ngút bốc lên cao, kết thành hình Đức Phật...
Khi tôi hỏi mẹ tôi rằng mẹ có tiếc số vàng bạc mẹ đã góp phần trong việc hỏa táng không? Mẹ tôi điềm nhiên trả lời: "Mẹ đến thế gian này với hai bàn tay trắng, khi rời thế gian này, mẹ cũng không muốn trong tay có gì vướng bận cả!".
Biến cố này ghi đậm nét trong tâm hồn tôi ...
Một vài sự việc xảy ra khiến tôi tin rằng mẹ tôi có giác quan thứ sáu. Với giác quan này, mẹ trực giác được rằng những ngày tháng huy hoàng trong chiếc nôi tôn giáo phong kiến của truyền thống gia đình đã đến ngày cáo chung. Cha tôi là một Phật tử rất khắt khe độc đoán, ông đã không đồng ý với chiều hướng giáo dục mẹ tôi đã chọn lựa cho con cái: Mẹ đã gửi tôi học nội trú tại một trường dòng do các nữ tu Công giáo đảm trách. Cha tôi mất khi tôi mới lên bảy tuổi.
Đang trong bầu không khí ấm áp thân thiện của gia đình, tôi phải chuyển sang đời sống nội trú tại một dòng tu là một biến cố thật lớn trong đời.
Cũng có những trẻ em khác nữa, nhưng tất cả chúng tôi đều nhớ nhà đến ngơ ngác, có những lúc chúng tôi khóc lóc ròng rã cả buổi. Trong thời gian đang nhớ nhà ghê gớm đến như vậy, chúng tôi được một nữ tu người Ái-nhĩ-Lan chăm sóc: Sơ Honoria. Sơ đem tình thương đến cho chúng tôi dưới hình thức những cục kẹo. Sơ phân phát cho chúng tôi từng đứa một:
"Các con nghe đây! Bây giờ đến giờ kể chuyện, Sơ sẽ kể cho các con nghe câu chuyện một bà mẹ tuyệt vời, bà mẹ ấy đang ở đây với các con, các con đừng khóc nữa!"
Sơ Honoria có một giọng nói thật quyến rũ và một gương mặt thật đẹp. Sơ cũng còn là một nhà tâm lý đại tài nữa. Sơ biết chúng tôi đang nhớ nhà, nhớ mẹ, nên Sơ đã kể một câu chuyện về tình mẫu tử: Mẹ Maria và Con Trẻ Giêsu.
Đó là dịp đầu tiên tôi "đụng chạm" với đạo Công giáo. Tôi là một người giàu tưởng tượng và nhiều mơ mộng, nên dễ bị lôi cuốn bởi câu chuyện và cảm thấy vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà. Câu chuyện này còn in đậm trong tâm khảm tôi cho mãi đến những năm sau này. Tôi vẫn có cảm tưởng như Mẹ Maria lúc nào cũng ở gần bên tôi.
Trí non nớt của một đứa trẻ rất dễ uốn nắn tùy theo người giáo dục. Những năm ở nhà dòng tạo nên trong tôi một đời sống trầm lặng và thứ tự. Dù không cưỡng bách, ép buộc, nhưng tôi vẫn học thuộc những bài vấn đáp về Giáo lý của Đạo Công giáo. Tôi thích nhất những buổi chiều chầu Phép lành Mình Thánh Chúa với những bài hát Thánh ca linh thiêng vọng ngân trầm bổng lời ca tụng tạ ơn. Âm nhạc của Verdi, Gounod và Schubert đã âm hưởng trong tâm trí tôi, từ đó, tôi "cảm" âm nhạc thính phòng và âm nhạc cổ điển.
Tất cả những điều này được cảm nhận do tâm tình trẻ thơ. Trong tôi không hề có ý nghĩ theo hay chống bất cứ một tôn giáo nào. Nhưng cuối cùng việc gì phải đến đã đến: Tôi xin phép mẹ cho tôi được Rửa tội theo Đạo Công giáo. Bao nhiêu năm trời xin xỏ, nài nỉ, nhưng sau mỗi lần như thế là một lần mẹ tôi dứt khoát: Không!. Mãi đến năm tôi được 18 tuổi, câu trả lời của mẹ tôi mới đổi khác: "Chừng nào con không còn bị các bà sơ chi phối nữa, con hãy quyết định, con đừng quyết định bây giờ."
Rồi ngày các Bà Sơ chi phối cũng chấm dứt và tôi được Rửa tội.
Mỗi người con gái khi đến tuổi khôn buộc phải biết yêu như một luật lệ tự nhiên. Tình yêu này có thể mạnh đến nỗi tất cả những liên hệ khác bên cạnh như cha mẹ, gia đình hay tôn giáo, thần thánh cũng có thể bị bỏ quên để chạy theo người mình yêu. Tôi đã không tránh khỏi định luật tự nhiên quay quắt ấy. Chỉ vài tháng sau ngày Rửa tội, tôi đã gặp người trong mộng: một thanh niên cao ráo, nước da bánh mật, đẹp trai, nhưng chỉ có một điều khó khăn đó là chàng không cùng một tín ngưỡng với tôi.
Vào những năm đầu trong thập niên 1950, việc một người Ceylon lập gia đình với một người Ấn độ là một điều khó chấp nhận. Trong hoàn cảnh đó, chạy theo tiếng gọi của tình yêu, tôi quyết định từ bỏ mọi sự: không có hôn lễ ở nhà thờ, chỉ làm hôn thú dân sự và sống theo tình yêu. Chàng là tất cả và tôi phải có chàng trước đã.
Hình phạt đầu tiên tôi nhận được từ những hành động sai trái của mình sau đó là mặc dù tôi rất yêu trẻ, nhưng hai đứa con đầu tiên của tôi đều nối tiếp nhau qua đời; rồi đến cái chết của mẹ tôi. Mất mẹ là một biến cố đau buồn nhất trong đời sống của một con người, tôi khóc lóc trong thương nhớ xót xa. Ai thách đố Thiên Chúa sẽ phải gánh chịu chính sự phẫn nộ của Ngài (sự phẫn nộ kèm theo với lòng thương xót).
Còn những việc tệ hại hơn nữa xảy ra bao trùm lấy đời sống tôi. Tôi khám phá ra rằng chồng tôi, người được tôi coi là thần tượng trong bao nhiêu năm là một con người giả dối. Đau đớn, khổ sở với mộng đẹp vỡ tan ... tình nghĩa vợ chồng biến thành mây khói, tất cả những gì là tuyệt diệu ôm ấp bấy lâu nay trở thành cát bụi lệch lạc và xấu xa. Cuộc hôn nhân của tôi chấm dứt trong buồn tẻ. Tôi có thể thốt lên như Francis Thompson trong thi phẩm bất hủ của ông: "Nỗi u sầu của tôi chính là bóng đen của bàn tay Thượng Đế..."
Tôi không thể nào xoay chiều được đời sống của chính mình dù là để hướng về Thiên Chúa. Hình như đời sống tôi là một tảng băng, và giá đời sống tôi thật sự là một tảng băng lạnh lùng có lẽ tôi sẽ bớt đau khổ. Tôi ước ao đến được với Thiên Chúa, nhưng sao lòng tôi câm nín, tim tôi khô cằn.
Rồi ngay với người chồng thứ hai của tôi cũng vậy, anh không giúp tôi được gì trong cuộc sống như một người mộng du của tôi. Lấy chồng chỉ để được coi là người có chồng hầu tránh những cạm bẫy chung quanh. Việc đi nhà thờ, đi lễ, tôi thực hiện như một cái máy, như một việc phải làm. Mối liên hệ èo uột của tôi với Thiên Chúa lâm vào tình trạng hấp hối. Có lẽ phải có một linh mục nào đó giúp tôi chỉnh đốn lại tình yêu của tôi với Thiên Chúa. Nhưng các Linh mục, theo tôi nghĩ, các ngài chỉ là những người bảo thủ, nguyên tắc và đa nghi, liệu các ngài có hiểu cho tôi trong tình trạng khổ sở như vậy hay không?
Rồi lần hôn phối thứ hai của tôi cũng gãy đổ. Để giải quyết tình trạng bê bết này, tôi đã đến gặp một Linh mục, trao cho Ngài tất cả những chi tiết liên hệ để thiết lập hồ sơ ly dị. Trong buổi gặp mặt lần sau đó, tôi đã phải đối diện với một ủy ban gồm có bốn người, họ đặt ra những câu hỏi hóc búa để cuối cùng đưa đến một kết luận là tôi cố tình gian xảo để đạt được ý mình. Tôi chán chường và cho rằng họ quá cộc cằn thiếu tế nhị. Từ đó, tôi nghĩ rằng các linh mục dù rất chuyên môn về tâm lý, nhưng là thứ tâm lý quần chúng, họ sẽ không thành công khi đối diện với từng trường hợp cá nhân.
Trái nghịch với bình thường, không phải chỉ những gì là khoa trương mới lôi kéo được chú ý và có kết quả. Một biến cố hết sức nhỏ nhặt, tầm thường đã xảy đến với tôi:
Một buổi sáng Chúa nhật nọ, tôi đến Thánh đường. Có một động lực nào đó thúc đẩy tôi đến xếp hàng sau những người đang chờ xưng tội, tôi là người đứng thứ tư.
Khi tôi kể với Cha Giải tội rằng đã 12 tuần tôi không đến nhà thờ dù là ngày Chúa nhật. Tôi chờ đợi những lời trách móc của Cha, những lời khuyên răn về tình yêu vô biên của Chúa v.v... như những lần khác trước đó. Nhưng sự thực lại khác hẳn. Cha Giải tội nói với tôi: "Con cố gắng dành ra vài phút mỗi tuần để đến với Chúa, chẳng cần làm gì cả, chỉ để nói: Con cám ơn Chúa!".
Khi nghe những lời nhẹ nhàng này, tôi tự hỏi có lẽ Giáo Hội đã thay đổi rồi chăng? Dễ dãi quá chừng. Có lẽ để thích ứng với thời đại điện tử ngày nay, Giáo hội đã sửa đổi! Nếu quả thật có sự tiến triển này thì Giáo hội ngày nay đã biến cải thích ứng với thời đại mới, khác với cách nay 10 năm, Giáo hội bảo thủ, nghiêm khắc giống như pháp đình.
Thật là khó tin nhưng sự thật đã xảy ra, chỉ một câu nói ngắn gọn của Cha Giải tội đã làm tôi suy nghĩ thật nhiều.
Tôi vẫn có thói quen ăn nói rất lịch sự và lễ độ, thí dụ như tôi luôn luôn bắt đầu bằng: "Xin làm ơn...", "Xin cho phép tôi...", "Cám ơn!". Thế mà đối với Chúa, biết bao sự việc Ngài đã ban cho tôi, tôi chưa lần nào nói được lời cám ơn Ngài. Tôi cảm thấy mình là người vong ân bội nghĩa. Từ đó, tôi cố giữ mỗi ngày Chúa nhật, không phải chỉ bằng bề ngoài, hình thức mà tôi cố gắng đến với Ngài bằng tất cả tâm tư để cám ơn Chúa về những điều Ngài đã ban cho tôi.
Có người cho rằng các Linh mục trẻ bây giờ cấp tiến, không còn theo lề lối chính thống của Giáo hội nữa, nhưng đối với tôi và có thể đối với nhiều người khác nữa, sự cấp tiến này không những đã không đưa đến nguy hại mà còn đưa đến một nguồn sáng tốt lành thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Vị linh mục tôi đã gặp hôm đó có một sức mạnh tinh thần có thể chuyển nhượng tình yêu Thánh Thể đến các tín hữu khi Ngài dâng Thánh lễ. Lòng sốt sắng và sự khiêm tốn khi dâng lễ đã khiến những người hiện diện dễ dàng thông hiệp hơn. Ngài đã giúp tôi ý thức hơn về Thánh lễ, về sự thánh thiện và nhiệm màu của Thánh Thể. Giờ đây tôi có thể nói rằng: Tôi yêu Thánh lễ...
Một sự biến đổi chắc chắn và tuyệt hảo: Lần đầu tiên trong đời sống đức tin, tôi đã chế ngự được cảm giác, tập trung tư tưởng, trí não để tôn thờ Chúa.
Thời gian gần mười năm của sự thờ ơ lãnh đạm không còn tạo cho tôi đau khổ nữa, tôi tự nhủ: "Con đường lầm lỗi đã dài rồi, không nên tiến xa thêm ..." Thêm một áng thi văn của Francis Thompson lại hiện đến với tôi: "Tôi đã trốn chạy Ngài ngày cũng như đêm. Ngay cả trong giây phút đẫm lệ tôi cũng tránh xa Ngài."
Đây là một cuộc chiến tuyệt vọng, tôi chào thua và được an ủi với một nguồn ân sủng dịu ngọt êm đềm.
Thật sự trong đời sống Đức tin của tôi vẫn còn có một vài ngập ngừng. Dòng máu Phật giáo tôi thừa hưởng trong huyết quản đôi lúc tạo nên trong tôi những xung đột: Vào những ngày lễ như Lễ Phật Đản (kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật), mọi người hân hoan tổ chức mừng lễ, tôi cảm thấy cô độc, lẻ loi. Sự cô độc này cũng xuất hiện trong tôi mỗi khi tôi một mình cầu nguyện với Chúa nữa. Từ đó, những kỷ niệm của thời niên thiếu sinh hoạt như một Phật tử hiện về...
Những lúc rước lễ xong, trong tâm trạng cảm tạ Chúa, tâm hồn thanh thoát, tôi có cảm tưởng đó chính là giây phút của thời gian trước, lúc ngồi thiền cùng với mọi người trong gia đình. Tôi ước ao được nhìn lại các thiếu phụ, áo quần trắng tinh, đơn sơ đến Chùa lễ Phật. Sự đơn giản này tôi đã quen thuộc trong vòng bao nhiêu năm. Có lẽ tôi phải quên đi, nhưng sao nó cứ hiện về trong tôi mỗi lúc tôi thấy buồn phiền.
Vào những ngày lễ như Lễ Giáng sinh chẳng hạn, khi mọi người hoan hỉ mừng lễ trong bầu không khí trọng đại, tôi lại đau khổ nghĩ tới không biết bao nhiêu sinh vật đã bị sát hại để sửa soạn cho những bữa ăn linh đình. Mặt đất lại tắm máu của chính những sinh vật do Chúa tạo dựng trong ngày Ngài giáng trần.
Có phải tôi là một Phật tử đã thực sự tìm thấy Chúa? Cả nhân tính và Thiên tính của Chúa Giêsu? Khi một người đã tìm thấy Chúa thì còn bao nhiêu điều trong Chúa cần phải được khám phá nữa? Không phải chỉ là việc đứng lại, nhắc chân lên để nhìn viên ngọc trai dưới chân mình, nhưng phải là một tìm tòi, học hỏi và nhận thức, thường giống như việc lần mò trong đêm tối, theo dõi ánh sáng chập chờn, ẩn hiện của Thiên Chúa để tìm đến với Ngài.
Càng dễ cảm xúc thì càng dễ ảnh hưởng đến mọi người. Người Á châu chúng tôi có được khả năng này, chúng tôi hòa vào các nghi lễ tôn giáo dễ dàng, thí dụ Công giáo chẳng hạn: Bàn thờ rực rỡ, các phẩm phục trang trọng, thánh nhạc, hoa nến. Xuất thân từ một dân tộc chất phác, tôi không muốn bắt chước những giả tạo, vì xúc động chỉ giống như một lớp vàng hào nhoáng mạ bên ngoài. Điều tôi muốn phải là những gì thật sự, sâu xa bên trong cho tình yêu và chân lý nơi Thiên Chúa.
Nếu trong tám tháng qua, tôi đã nhận thức được chính tôi và tái tạo được chính mình. Nhờ ơn Chúa, tôi biết rằng tôi hiểu Ngài hơn nhiều so với suốt thời gian đã qua trước đó.
|