www.catholic.org.tw
Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt
Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt (Phóng Sự dài 5 Kỳ).
La Vang, Việt Nam (23/08/2008) - Hoà chung với dòng hành hương chừng nửa triệu người về thánh địa La Vang dịp này có những đoàn khách rất đặc biệt. Một trong số đoàn khách đó là đoàn khuyết tật thuộc Mái ấm Don Bosco. Khởi hành từ Hà nội với các nhóm Cổ Nhuế, Xuân La, Ðức Giang, Tư Ðình, Ðống Ða, Phương Chính, Bát Tràng, Linh Ðàm và nhóm tình nguyện viên đã có chuyến đi đầy ý nghĩa về với miền Trung trong mùa nắng nóng, cát trắng và gió Lào.
Kỳ 1: La Vang - Ngày Về Bên Mẹ.
"Cây đa lá cũ còn lưa,
La Vang Mẹ gọi, con thưa xin về".
Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt (Tại Linh Ðịa La Vang).
Câu thơ như thôi thúc mọi người về với Mẹ. Với anh em khuyết tật thuộc Mái Ấm Don Bosco thì càng giục giã hơn. Mọi người đều vui mừng khi được biết Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ, Giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu tổ chức chuyến hành hương về quê Mẹ nhân dịp Ðại hội lần thứ 28 tại thánh địa. Mái ấm Don Bosco về nơi đây với 224 thành viên khuyết tật, cùng 25 em khuyết tật đến từ Sài Gòn đại diện cho khoảng 5 triệu người khuyết tật Việt Nam đã qui tụ quanh linh đài Ðức Mẹ, nói lên những thổn thức, những tâm tình trong cuộc sống dành cho Mẹ. Hơn 2/3 trong đó là các bạn không công giáo nhưng cũng một lòng mến Mẹ sâu xa, muốn tìm hiểu đức tin công giáo, là cơ hội để giới thiệu về Hội thánh cho các bạn chưa có chung một niềm tin.
Ðến nơi đây từ hôm 13/8/2008, hôm sau, đoàn đã có một giờ diễn nguyện sôi nổi do chính anh em khuyết tật trong đoàn phục vụ. Ðiều đặc biệt thể hiện sự quan tâm cách riêng của Tống giáo phận Hà Nội là việc cử hành thánh lễ dành riêng cho bệnh nhân và người khuyết tật do Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ chủ tế. Ðức Cha đã giành thời gian giải đáp vấn nạn đau khổ, vấn nạn đồng hành đối với mỗi anh em khuyết tật mà không dễ gì chiến thắng được.
Ý Nghĩa Và Những Giá Trị Ðích Thực Do Ðau Khổ Mang Lại.
(Lược trích những chia sẻ của Ðức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Ðệ)
Nếu như mình đang khỏe mạnh, giàu sang để nói về đau khổ của người khác thì quá dễ dàng nhưng khi đặt trong những nghịch cảnh phi lý, bất công và oan ức, của người thật việc thật thì lại khác.
"Tại sao tôi phải khổ thế này, đã nghèo, đã đói, đã cực, đã mồ hôi lại còn bị tật nguyền, tê liệt suốt cả đời thế này? Tại sao người ác đức, hung dữ, trộm cắp, cướp bóc, tham ô... lại được lành lặn, khỏe mạnh, giàu sang, phú quí và thành đạt? Nhất là câu hỏi: Lý do nào? Nguyên nhân nào và tại sao tôi lại bị khuyết tật mà người khác thì không? Có phải lỗi tại tôi? Hay tại cha, tại mẹ hay tại ai"?
Ðặt mình vào tình cảnh trên, có lẽ nhiều người chúng ta cũng tuyệt vọng như tâm sự của một bạn gái "Con chẳng còn thiết sống nữa, sống để làm gì khi con thân tàn ma dại, sống chỉ để ăn bám người khác thôi ư, sống chỉ để làm khổ người khác thôi ư? Sống như vậy thì để làm gì"?
Ðúng vậy, nếu không có một niềm tin vào Ðấng tạo hóa, cách riêng là Ðức Kitô, Ðấng vốn là con Thiên Chúa mà đã phải khổ nhục, chịu đóng đinh chết treo nhục nhã trên thập giá thì sống như thế thật vô nghĩa.
Ðau khổ là một vấn nạn cũng là một huyền nhiệm không dễ gì giải quyết thấu đáo được, không dễ gì đón nhận. Nhiều người lựa chọn việc tự vẫn như một thái độ phản đối, kêu trách, nguyền rủa Tạo Hóa.
- "Làm sao nói được là Chúa tốt lành và là Cha yêu thương, giàu lòng thương xót khi Ngài để tôi tật nguyền thế này, cuộc đời tôi khổ như một loài súc vật và nếu tôi mà gặp được Thiên Chúa thì tôi sẽ bóp cổ ông ta vì thà đừng sinh ra tôi còn hơn".
Thực ra, chính người bạn đó đã vì lòng ích kỷ của mình đã tự gây nên bao đau khổ cho mình chứ không phải vì Thiên Chúa không yêu thương bạn đó.
Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt.
Vậy, người công giáo giải quyết những đau khổ như thế nào?
Chúng ta giải quyết bằng niềm tin vào Chúa Kitô chịu đóng đinh trên cây thập giá. Chỉ có niềm tin vào Chúa Kitô vốn là con Thiên Chúa, đã tự hủy mình ra không, đã đau khổ và chết trên thập giá mới có thể giúp ta nhận ra ý nghĩa đích thực của đau khổ, để thêm sức mạnh và đón nhận nó. Ðức Kitô đến không phải tiêu diệt hết mọi đau khổ nhưng mang lại cho nó một ý nghĩa siêu nhiên đích thực, không phải giải thoát nhân loại khỏi đau khổ nhưng khỏi phải chịu cách vô ích.
"Người ta bảo Thầy là ai"? Thưa đó là Ðấng sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị giết chết nhưng sẽ sống lại. Sự đau khổ của Chúa có giá trị cứu độ thế nào thì sự đau khổ của con người một khi được thông hiệp trong đức tin và mầu nhiệm thì cũng được thông phần vào ơn cứu độ của Chúa như thế, đó như là một giá trị cứu rỗi, một giá trị đền tội và là một giá trị tha thứ...
Những Lời Nguyện Chân Thành Của Ðoàn Con.
Phần dâng lễ vật để lại trong lòng người tham dự nhiều tình cảm. Không phải là hương hoa, bánh miến, nến hay các lễ vật thông dụng khác, Ðức Cha Phêrô có sáng kiến cho các em dâng lễ vật bằng chính những lời nguyện xin của các em. Những lời nguyện được ghi vào mảnh giấy sau đó từng người một tiến lên dâng lễ vật trên linh đài.
- Lạy Chúa, Xin cho con mạnh khoẻ và sống có ích cho bản thân con, cho gia đình và xã hội con.
- Lạy Chúa, xin nâng đỡ con mỗi khi niềm tin vào cuộc sống nhạt phai, xin Ngài biến đổi và lấp đầy ngày sống của chúng con.
- Chúa ơi, xin cho con biết quí trọng mỗi ngày trong đời của con. Con biết với sức khoẻ hiện tại thì mỗi ngày con sống hết sức quí giá, xin cho con biết phó thác đời con trong tay Chúa, để Chúa hướng dẫn đời con, xin cho con biết đón nhận những nỗi đau trong đời con, không một lời oán thán và mãi yêu Chúa - mãi mãi đến tận phút giây con vĩnh biệt đời này.
"- v.v. và .v.v..."
Thật là những lời nguyện đơn sơ và chân thành như chính bản thân con người của các em vậy.
Hiền Mẫu La Vang - Mẹ Là Niềm Tin, Tiếp Thêm Sức Mạnh Cho Ðoàn Con.
Sống trong cuộc sống nghĩa là luôn phải đối diện với khó khăn, thử thách. Ðối với người khuyết tật, thử thách là gấp bội. Số phận đã không dành cho anh chị em được may mắn như bao nhiêu người sinh ra trong cuộc đời này. Hãy lắng nghe tâm sự của các em:
"Con không được nhìn thấy mặt trời,
Con không được nhìn thấy mặt trăng...
Con chưa được cất lên một lời nào,
Con chưa được lắng nghe một lời chào...
Con bất động từ lúc chào đời,
Nhưng biết nhìn cuộc sống tự nhiên"...
(Trích bài hát "Không phải lỗi tại con" của Lm Trọng Khẩn)
------ Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt.
Nếu không có một nguồn lực nào trong cuộc sống thì đời sống của họ quả là héo hon và buồn rầu, đôi khi họ trở nên ít nói, trầm cảm. Nhiều trường hợp bi đát suy nghĩ mình không còn tương lai và tìm lối thoát bằng việc quyên sinh. Thật may mắn cho anh em được cưu mang trong một Mái ấm công giáo, được chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ tận tình ; xóa tan đi mặc cảm; giúp hướng lòng tìm về Ðấng Tối Cao; tìm về chân, thiện, mỹ.
Nhìn lại gần 2,000 năm trước, trên thập giá, hình hài một người con đau khổ quằn quoại hấp hối chết đau thương như thế nào thì dưới thập giá, một bà mẹ ủ rũ đau đớn tột cùng chẳng khác nào "mũi gươm đâm thâu qua lòng bà", đó chính là Ðức Mẹ Maria, thân mẫu Ðấng Cứu Thế.
Ngay lúc này đây, dưới chân Mẹ ở linh địa La Vang, đoàn con khuyết tật đầy khổ đau cũng đang chạy đến với Mẹ để được ủi an như hôm Mẹ đón nhận Chúa từ trên cây Thánh giá xuống. Ðể rồi Mẹ sẽ dùng bàn tay con yêu của Mẹ, thông qua lời cầu bầu của Mẹ như ở tiệc cưới Cana xưa để chữa lành mọi vết thương đau của anh em khuyết tật.
Về bên Mẹ dịp này, sau khi trải qua một chặng đường dài, các em tự nguyện chịu sống ở những lều trại mà có em vui vẻ gọi đó là "khách sạn ngàn sao", tự nguyện chịu khó khăn về chỗ ở, khó khăn về vệ sinh - sinh hoạt, trong di chuyển và muôn vàn khó khăn khác. Ðiều này chứng tỏ các em có lòng mến Mẹ sâu xa. Các em muốn chịu khó khăn để mong muốn múc lấy ơn thiêng từ Mẹ cho cuộc chiến đấu trường kỳ. Mẹ La Vang là nguồn tiếp thêm sức mạnh, mang lại niềm tin yêu, khát vọng sống cho đoàn con cái tật nguyền của Mẹ. Với tâm tình như trên, thiết nghĩ các em là người múc được nhiều ơn thiêng nhất trong dịp này...
Các thành viên trong Mái ấm Don Bosco đã có "tam nhật đại hội" thật vui vẻ và hạnh phúc bên Mẹ. Hầu như các thánh lễ trong ngày hay các giờ diễn nguyện đều có thành viên tham dự. Ðoàn Don Bosco có được sự ưu tiên đặc biệt. Bởi vì hình ảnh đoàn khuyết tật đi xe lăn hay anh em bị mù nhờ tình nguyện viên đưa lên linh đài Ðức Mẹ không khỏi làm nhiều người có mặt xúc động. Thật đúng là "Nếu như chân con không thể bước đi thì lòng con sẽ phi nước đại"... Chính "tình yêu Chúa và Mẹ hiền La Vang đã thúc đẩy anh chị em về đây".
Quây quần bên Mẹ từng phút giây, thấm thoắt giờ chia tay Mẹ hiền, chia tay mọi người ở thánh địa đã đến. Trời La Vang nắng vàng thu bát ngát, thêm vào đó là cả gió lào nóng gắt và cát trắng tiễn đoàn con khuyết tật ra đi. Ra đi để làm chứng và vinh danh "một Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay" Xin chia tay tạm biệt và chào La Vang!
Kỳ 2: Về Trí Bưu - Mảnh Ðất Thấm Ðẫm Máu Ðào Tử Ðạo Của Giáo Phận Huế.
Tam nhật mừng Ðức Mẹ La Vang trôi qua như một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, đoàn Don Bosco đã có những phút giây thật hạnh phúc trong vòng tay chí ái của Mẹ nhân hiền. Xa Mẹ, lòng mỗi người vẫn còn quyến luyến, bịn rịn, đầy xúc động. Rời La Vang, đoàn chúng tôi đi đến giáo xứ Trí Bưu thuộc hạt Quảng Trị. Trí Bưu - mảnh đất lịch sử của giáo phận Huế, nằm cách thánh địa La Vang không xa chừng 5 km về phía nam. Về mặt hành chính thuộc phường 2 của thị xã Quảng Trị.
Trí Bưu có một lịch sử lâu đời, một trong những giáo xứ tên tuổi của giáo phận Huế (có từ 1690), toạ lạc cạnh thành cổ Quảng Trị, Trước gọi là Cổ Vưu, đến thời nhà Nguyễn, Cổ Vưu được chọn để xây nhà bưu trạm, đã cải tên làng thành Trí Bưu. Chính nơi đây vào những năm 1798 giáo dân bị bách hại và phải chạy về vùng rừng núi trốn tránh sắc lệnh vua Cảnh Thịnh. Hiện tại, giáo xứ có 4 giáo họ do Linh mục Gioan Baotixita Lê Quang Quý phụ trách là Trí Bưu, Thạch Hãn, Qui Thiện, Long Hưng gồm 1,350 giáo dân.
Về nơi đây, đoàn khuyết tật mong muốn tìm về cội nguồn đức tin và lòng dũng cảm của các bậc tổ tiên xưa. Tại ngôi thánh đường mới được khánh thành ngày 21/6/2001 này, Linh mục Giuse Bùi Thông Bửu và 600 vị tử đạo đã bị Văn Thân phóng hoả thiêu cháy vào ngày 7.9.1885. Một đài tưởng niệm đã được dựng nên để tưởng nhớ các bậc tiền nhân ngay đầu làng Trí Bưu. Các bạn đã cố gắng tìm hiểu thông qua cha quản xứ, giáo dân trong làng để biết được những câu chuyện về lịch sử thành lập giáo xứ; tìm hiểu mảnh đất đã vun trồng và nuôi dưỡng những anh hùng sắt son; tìm hiểu về các linh mục; những người con trung kiên của giáo xứ, cảnh tử đạo của Linh mục và giáo dân thời Văn Thân, tìm hiểu sự tích Mẹ La Vang... Một số thành viên còn đi xa hơn ra đầu làng, đến tận lăng tử đạo Trí Bưu để đốt lên nén hương lòng để ghi nhớ các vị tiền nhân đã can đảm hi sinh mạng sống vì đức tin, một gương sáng chói ngời lòng mến Chúa cho hậu thế chiếu soi.
Về Trí Bưu tìm hiểu niềm tin yêu vào một Thiên Chúa duy nhất của các vị tử đạo nơi đây càng giúp củng cố niềm tin cậy, phó thác của anh em đoàn. Nhiều lúc gặp khó khăn hay sóng gió, các bạn biết nhìn lên tấm gương các đấng tử đạo, sẵn sàng chịu chết vì Ðức Kitô.
---------- Mái Ấm Don Bosco Và Hành Trình Xuyên Việt.
Ðây cũng là cơ hội giao lưu giữa các thành viên trong đoàn với giới trẻ trong xứ. Một buổi giao lưu văn nghệ diễn ra thu hút giáo dân trong xứ, cách riêng những bạn trẻ. Các bài hát do chính thành viên trong đoàn thể hiện niềm tin tưởng trông cậy vào Thiên Chúa, tình yêu Mẹ Maria, khát vọng sống. Xen kẽ là các trò chơi rút thăm trúng thưởng làm tăng thêm không khí sôi động của đêm văn nghệ giao lưu.
Ðêm văn nghệ tạo cho mọi người niềm vui, đặc biệt là để lại xúc động sâu xa trong lòng người dân Trí Bưu. Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi được nghe vị linh hướng của đoàn - Ðức Cha Nguyễn Văn Ðệ, Giáo Phận Bùi Chu giới thiệu một vài tấm gương trong đoàn. Hiệp sỹ Fanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng (nhóm Linh Ðàm - Giáo Phận Vinh) bị bại liệt nhưng đã vươn lên tiếp cận vi tính, đào tạo tin học cho hàng trăm em khuyết tật và nghèo. Khi được hỏi đâu là thành công đến với một người khuyết tật công giáo như anh? Thật đơn giản bởi như chia sẻ của anh thì "Tôi làm được mọi sự là nhờ Ðấng ban ơn thêm sức cho tôi" (Trích thư thánh Phaolô).
Có nhiều cái hay được rút ra tại mảnh đất Trí Bưu này, "Có lẽ trong đời 9 năm làm việc mục vụ, đây là lần để lại trong con nhiều xúc động. Chúng con đã học được 3 bài học lớn: Bài học yêu thương phục vụ của Ðức Cha Phêrô, một vị giám mục của hội thánh với bộn bề công việc, vừa tham dự Ðại hội La Vang không quản mệt nhọc sát cánh cùng với anh em khuyết tật trong chuyến hành trình. Bài học của các anh chị tình nguyện viên không ngần ngại hi sinh những ngày nghỉ để đến sinh hoạt với các nhóm khuyết tật, cách riêng những ngày hôm nay đi theo giúp đỡ các bạn trong đoàn. Chỉ có những người yêu mến và noi gương Ðức Kitô mới có thể đồng hành như vậy. Cuối cùng với anh em khuyết tật, anh em đã hòa nhập vào xã hội, xóa tan những mặc cảm của cuộc sống, vươn lên mạnh mẽ để có những thành tích đáng nể. Nhiều anh chị sống trên xe lăn, thân hình tiều tụy không còn gì nữa mà còn cố gắng hành hương về quê Mẹ trong cảnh đường xa, nắng nóng, đông người... Ðây là những bài học thiết thực mà đoàn đã mang đến cho giáo dân tại Trí Bưu. Chúng con xin cảm ơn và nguyện xin Mẹ La Vang đổ muôn vàn hồng ân xuống trên Ðức Cha, anh em tình nguyện viên và các thành viên trong đoàn" - (Linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Quý, giáo xứ Trí Bưu chia sẻ).
Kỳ 3: Cuộc Hội Ngộ Thú Vị Nơi Dòng Chúa Cứu Thế Huế: Thấm Ðượm Tình Chúa - Tình Người.
Huế - thành phố cổ thơ mộng nằm bên dòng sông Hương yên tĩnh, lững lờ trôi. Từng là kinh đô của một triều đại phong kiến nên nơi đây có bao nhiêu di tích từ hoàng thành Huế, khu lăng tẩm, đền đài, đình chùa,... Huế là địa điểm thu hút khá đông khách du lịch của Việt Nam. Huế cũng là điểm đến quen thuộc của du khách mỗi khi trong chặng đường hành hương về La Vang. Nơi đây có nhiều Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế, nhà thờ chính tòa Phủ Cam, các dòng tu như Ðan Viện Thiên An, Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Tâm, La San, Cát Minh, Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Con Ðức Mẹ Ði Viếng, Mến Thánh Giá, Phao lô. v.v. Theo lộ trình đã vạch ra từ trước, ngày 16/8/2008, một ngày sau khi kết thúc Ðại hội La Vang, đoàn Mái ấm Don Bosco đã đến Huế nghỉ tại dòng Con Ðức Mẹ và có cuộc hội ngộ thú vị với các bạn nhóm Ve Chai toàn quốc.
Một thánh lễ đồng tế đã được cử hành tại nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp lúc 11h cùng ngày với sự hiện diện của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ và các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế.
Sau thánh lễ diễn ra buổi giao lưu tại hội trường của dòng. Tại đây, anh chị em Mái ấm Don Bosco đã có những kỷ niệm thú vị với các thành viên nhóm Ve Chai. Nhóm Ve chai hoạt động dưới sự bảo trợ của dòng Chúa Cứu Thế, song song với nhóm Bảo vệ sự sống. Tại hội trường lúc này có khoảng 130 thành viên đại diện cho hàng trăm thành viên của nhóm. Ðây là nhóm vừa phục vụ công việc vệ sinh ở thánh địa La Vang trở về. Nhân dịp này, nhóm cũng kỷ niệm 10 năm thành lập của "Ve Chai Vũng Tàu" (1998-2008). Khởi đi từ Vũng Tàu, nhóm Ve Chai đã phát triển ở Hàm Long (Hà Nội), Huế, Sài Gòn, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Vĩnh Long, Bùi Chu.
Tại hội trường, sau giờ ăn trưa, các bạn của hai đoàn đã cùng tập hợp lại để sinh hoạt văn nghệ mà đặc biệt là phần giao lưu giữa một số thành viên trong đoàn. Thật là thú vị khi Mái ấm Don Bosco được chứng kiến một thành viên trong đoàn Ve Chai cũng là người khuyết tật. Ðó là cô bé Song Nga đến từ giáo xứ Hàm Long Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, có bà mẹ chuộng đạo, thật không may, số phận đã bắt Nga phải chịu cảnh mù lòa. Sống gần nhà thờ, những tiếng chuông, lời nguyện cầu và bản thánh ca đã đưa Song Nga tìm đến với Chúa. Hành trình của Nga đi từ chỗ thích lối sống và sinh hoạt công giáo đến việc đi lễ, hát thánh ca, đánh đàn phụng vụ cho thánh lễ thiếu nhi ở nhà thờ Hàm Long. Song Nga tâm sự:
- Qua một thời gian, Nga nói với mẹ "Mẹ ơi, con không muốn đi lễ suông thế này nữa đâu. Con muốn được rửa tội cơ". Ðến năm 2004, Nga đã gặp được cha Châu, Ngài đã tận tình giúp đỡ Song Nga, Nga được học giáo lý và đến ngày 15/8/2005 Nga đã được đón nhận vào đại gia đình con Chúa trong niềm hân hoan của mọi người. Nga bây giờ trở thành một thành viên của nhóm Ve Chai tại Hà Nội.
Cả hội trường đầy xúc động khi nghe câu kết thúc chia sẻ của Song Nga biểu lộ một niềm tin mạnh vào Chúa của một tân tòng mới gia nhập đạo: "Con cảm ơn Chúa nhiều, tuy Chúa chưa cho Nga đôi mắt sáng nhưng đã cho Nga sáng tâm hồn".
Một lần nữa, Hiệp sỹ Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Hùng lại được các bạn Ve Chai dìu lên để chia sẻ cho các bạn trong nhóm bí quyết thành công của người đồng đạo này.
Cũng nhân dịp này, đại diện nhóm Ve Chai đã có phần quà nhỏ gửi đến các bạn khuyết tật. Ðây là phần quà các bạn dành dụm từ việc thu gom ve chai phế liệu ở các tỉnh.
Ðều là hai đoàn về tham dự hành hương La Vang, hai đoàn đã có cuộc hội ngộ thú vị. Một đoàn để lại ấn tượng trong lòng người tại thánh địa vê tinh thần hi sinh phục vụ, thu dọn những rác thải, ni lông, xú uế, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho đất thánh. Một đoàn gây xúc động về nghị lực vươn lên vượt qua số phận khó khăn.
Thời gian chừng vài tiếng đồng hồ nhưng Mái ấm Don Bosco và nhóm Ve Chai đã hiểu nhiều về nhau, gắn kết thêm tình anh em công giáo.
Kỳ 4: Giao Lưu Văn Nghệ Giữa Mái Ấm Don Bosco Và Giới Trẻ Dũ Yên.
Nằm trong hành trình hành hương La Vang và du lịch xuyên miền Trung, đêm 17/8/2008, đoàn khuyết tật của Mái ấm Don Bosco do Ðức Giám Mục phụ tá Giáo Phận Bùi Chu - Phêrô Nguyễn Văn Ðệ dẫn đầu đã đến giao lưu văn nghệ với giới trẻ giáo xứ Dũ Yên, một giáo xứ ở huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh thuộc giáo phận Vinh.
Sau một vài tiết mục mở đầu của giáo xứ Dũ Yên, nhóm Cổ Nhuế - Xuân La thuộc đoàn khuyết tật, đêm văn nghệ đi vào phần chính sau lời giới thiệu vắn tắt về Mái ấm Don Bosco và hành trình của đoàn dịp này.
Tiếp lời giới thiệu của Ðức Cha, giới trẻ Dũ Yên cho khán giả được xem những điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng, màn múa kết hợp của nhiều dân tộc thiểu số như Êđê, Chăm, Thái... Ðiệu múa được các bạn thể hiện trên nền nhạc của bài "Ðôi mắt sáng", trong trang phục dân tộc nhiều màu sắc tạo sức hấp dẫn trên sân khấu.
Hoạt cảnh "Bàn tay Giê-su" được các bạn thuộc Mái ấm Don Bosco thể hiện. Trên nền nhạc của bài hát cùng tên, đưa ra những hình ảnh cụ thể về đôi bàn tay của Chúa Giê su. Chính đôi bàn tay đó đã "cứu chữa bao nhiêu cuộc đời, người tội lỗi, kẻ khốn khó, tật nguyền, khổ đau đến cùng cực trong xã hội; đôi bàn tay đó dang ra chữa lành người mù, người câm điếc, người bại liệt, phong cùi, quỉ ám và những bệnh tật khác,... Nhưng để cảm ơn, người ta đã đưa người lên đỉnh Gôngôtha. Ðôi bàn tay đó vác lấy thập giá, trên đường đi bị ngã xuống không biết bao nhiêu lần. Thông qua hoạt cảnh này, một thông điệp đã được gửi đến cho mọi người trong đêm diễn này: Ðôi bàn tay Giêsu luôn nối kết tình yêu thương giữa Thiên Chúa - nhân gian, nối kết tình người với nhau.
Trở về sau chuyến hành hương La Vang dài ngày, những dư âm tại thánh địa vẫn còn sâu đậm trong tâm trí của các thành viên trong đoàn. Ðiều đó được thể hiện phần nào qua vũ khúc "Kính mừng Nữ Vương" do các tình nguyện viên Don Bosco thể hiện. Trong Mái ấm Don Bosco đi hành hương tại thánh địa La vang đợt này ngoài 224 thành viên khuyết tật còn có nhiều anh chị tình nguyện viên. Chính họ là thành phần không thể thiếu trong chuyến đi, góp phần tạo nên sức sống của đoàn. Ðội ngũ tình nguyện viên đến từ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, Phaolô Hàng Bột, Ða Minh Bùi chu và sinh viên công giáo... Vũ khúc là tâm tình của đoàn con khuyết tật nói riêng và toàn giáo hội Việt Nam nói chung dâng lên Mẹ; tung hô Mẹ La Vang là Nữ Vương của đất nước Việt Nam; nguyện xin Mẹ tiếp tục yêu thương và nâng đỡ đoàn con đất Việt. Một thông điệp cũng được gửi đến hết mọi người: giữa một xã hội tục hóa này, hãy cố gắng sống đến cùng phong cách làm người, hãy khám phá những điều thú vị của tình yêu ban tặng, hãy ống và xây dựng nên một thế giới hòa bình, một thế giới mà Mẹ hằng mong muốn.
Tiếp sau vũ khúc "Nữ Vương Hòa Bình" là vũ khúc "Thôn xưa" của giới trẻ Dũ Yên. Vũ khúc gợi nên hình ảnh một thôn quê yên bình, êm ấm, hiền hòa và quả thực nơi đây cũng có những thôn xóm bình yên như vậy. Nằm dưới chân núi, cách biển không xa nên khung cảnh Dũ Yên rất nên thơ. Trong tương lai, không biết khung cảnh nên thơ ấy có còn nữa chăng bởi hiện nay một dự án của Ðài Loan đã được ký kết, đầu tư vào đây hàng tỷ đô để hình thành nên khu công nghiệp Vũng Áng; đó là dự án khu công nghiệp gang thép lớn nhất Ðông Nam Á và là dự án lớn nhất của Việt Nam. ước mong sao, đời sống kinh tế của giáo dân trong xứ ngày càng phát triển và lòng đạo vẫn luôn vững vàng, tiếp bước các bậc tiền nhân đã đi ở mảnh đất phía nam Hà Tĩnh này.
Cũng nhẹ nhàng và uyển chuyển như điệu múa đa dân tộc của các bạn trẻ Dũ Yên điệu múa "gáo dừa" của tình nguyện viên Don Bosco. Trên sân khấu lúc này, người xem được chứng kiến những chàng trai, cô gái Chăm trong trang phục màu vàng truyền thống, rực rỡ dưới ánh đèn. Những chiếc vỏ dừa tưởng chừng như vất đi lại được các anh chị tận dụng làm thành những vật diễn độc đáo, âm thanh nghe rất vui tai.
Hầu như các tình nguyện viên Don Bosco đều đến từ các Giáo phận miền Bắc, nhất là ở Giáo phận Bùi Chu, các bạn mang đến đây những nét đặc trưng văn hóa của mình qua vũ khúc "Trống cơm" theo làn điệu dân ca Bắc Bộ. Vũ khúc đã làm không khí đêm diễn nóng lên bởi nhạc điệu rộn ràng của nó.
Trong đoàn có không ít thành viên có nhiều năng khiếu, có người đã sáng tác và tự biễu diễn tác phẩm của mình. Một trong số đó là anh Phúc- tình nguyện viên Don Bosco với khúc ca "Niềm vui vọng mãi". Một ca khúc anh tự sáng tác nhưng không thua kém sáng tác của các nhạc sỹ. Ðáp lại bài hát của anh, giới trẻ trong xứ cũng biểu diễn một màn nhảy theo vũ điệu Hiphop không kém phần sôi động, chuyên nghiệp.
Xen kẽ những tiết mục văn nghệ là phần bắt thăm may mắn. Mỗi người đều được phát một tấm phiếu trong đó có ghi một con số bất kỳ. Chính Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ và Cha xứ Vincentê Trần Bích lựa chọn từ thùng phiếu con số trúng thưởng.Ai may mắn được lựa chọn sẽ được trao những phần quà. Ðây là nội dung mà mọi người nhất là các em đều thích thú. Sau nhiều lần tuyển chọn, em Matta Nguyễn Thị Giang thuộc họ Dũ Yên đã được trao giải thưởng là một chiếc xe đạp mi ni mới.
Ðêm đã vào khuya, để kết thúc đêm diễn và cũng để nói lời chia tay với giới trẻ giáo xứ, bài hát "Không phải lỗi tại con" của nhạc sỹ Trọng Khẩn được các anh chị em khuyết tật cất lên cùng với lời dẫn của Ðức Cha Phêrô: "Các em không có được số phận may mắn như chúng ta, có người không cha, không mẹ, có người chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng long lanh hay nghe một âm thanh diệu huyền nào, chưa một lần chạy nhảy cùng bạn bè tự do, chưa một lần đưa tay hái những bông hoa tươi thắm để dâng tặng mẹ che, chưa một lần cất lên tiếng nói để nói lên hai tiếng cám ơn cũng chưa hát được âm thanh nào để chúc tụng Thiên Chúa, v.v. Cuộc đời các em đã có nhiều khổ đau và tủi hờn. Các em không kết án ai cả, "không phải lỗi tại con, cũng không phải của cha hay của mẹ"# mặc dù có nhiều trường hợp có nhiều trách nhiệm của gia đình và xã hội. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, tấm gương Chúa Giêsu quằn quại trên cây Thánh giá được các em nhìn lên để được giúp đỡ. Các em sẽ dâng lên Chúa nhưng đau khổ của cuộc đời mình, "tạ ơn Thiên Chúa trong nỗi đau phận người", nhìn cuộc đời "bằng con mắt của tình yêu Thiên Chúa" và để chính thân phận hèn mọn của mình "làm rạng danh một Thiên Chúa giữa nhân loại hôm nay".
Thời gian gặp gỡ giữa các thành viên khuyết tật trong Mái ấm Don Bosco với giới trẻ Dũ Yên thật không dài nhưng nó đã thực sự để lại nhiều ấn tượng. Các bạn Don Bosco biết thêm một vùng đất tươi đẹp ở miền Trung gió lào và nắng gió, biết thêm những tín hữu chất phát, hiền hòa ở giáo phận phía nam của Tổng giáo phận Hà Nội. Ðặc biệt hơn, các em ở Dũ Yên lại được các bạn khuyết tật tiếp thêm ánh lửa niềm tin và hy vọng, tiếp thêm ý chí vươn lên đối diện khó khăn thử thách gặp phải trong cuộc sống.
Kỳ 5: Biển Cửa Lò: Ðiểm Cuối Của Hành Trình.
Cửa Lò - một điểm du lịch nổi tiếng của Nghệ An được chọn làm đích điểm ghé chân cuối cùng của đoàn trong chuyến hành trình đợt này. Từ Vinh đi 18 km đến bãi biển Cửa Lò. Bãi biển dài gần 10 km, cát trắng phau, mịn màng. Rừng phi lao xanh tốt. Nước biển trong xanh, độ mặn từ 3.4 đến 3.5%. Nhiệt độ mùa đông từ 18 đến 20oC, mùa hè khoảng 25oC. Biển Cửa Lò đẹp với bờ biển trải dài, quyến rũ bao du khách.
Ðặt chân đến Cửa Lò lúc 15 h ngày 18/8/2008 , khoảng thời gian đẹp để các bạn xuống tắm biển và thưởng thức phong cảnh nơi đây. Cũng như ở biển Gia Ðẳng, Quảng Trị, có nhóm khuyết tật thật sung sướng khi được ngâm mình dưới làn nước trong xanh, mát mẻ, nhóm khác vui vẻ dạo chơi, nghỉ ngơi, thư giãn trên những công viên gần bờ. Với phong cảnh đẹp, trời và nước xanh trong, bãi biển cát vàng trắng xoá, sóng bạc đầu rì rào ngày đêm, làn gió thoảng từ biển thực sự đem lại cho các bạn cảm giác khoan khoái sau chuyến hành trình xuyên Việt đầy mệt nhọc. Người dân ở đây không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hàng trăm em khuyết tật đang nô đùa trên bờ biển lúc này.
Chỉ tội Ðức Cha và ban tổ chức lo lắng vì các em xuống nước khá nhiều, mà các em lại không phải như người bình thường có thể kiểm soát được. Ðức Cha phải luôn dùng micrô cầm tay để nhắc nhở các thành viên trong đoàn không được đi xa hơn, đồng thời Ngài cũng nhắc nhở các tình nguyện viên quan tâm kiểm soát từng em một.
Tắm biển xong, các em đã nghỉ chân ở nhà khách dòng Chúa Cứu Thế và khách sạn Hải Âu. Giờ ăn tối cùng là giây phút chia tay, tạm biệt của các nhóm khuyết tật. Rồi đây, các bạn sẽ ra đi để làm chứng nơi một phương trời mới. Nhưng chuyến đi thực sự để lại nhiều điều bổ ích.
Những tâm sự sau một chuyến đi.
"Không phải là một tín hữu công giáo, em không thể tưởng tượng được tại sao lại có nhiều người đến thế trong một địa điểm La Vang nhỏ bé, dân giã như vậy. Rất nhiều trong số đó là người già cả, lại có thêm những em nhỏ đang được mẹ bế trên tay. Em nhìn thấy một số bà mẹ của mình cố gắng chạm tay vào tượng Mẹ như xin một điều gì đó từ Mẹ La Vang". Một thành viên trong đoàn đến từ Hà Nội cho biết.
Ðối với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên có một hành trình đi xa như thế này bởi vì những mặc cảm trong cuộc sống hay không đủ kinh phí để đi. Về đây sinh hoạt với Mái ấm Don Bosco, các bạn đã được đi nhiều nơi, thăm thú được nhiều phong cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, biết được cuộc sống bên ngoài như thế nào. Mặt khác, các bạn cũng được làm quen với nhiều bạn đồng cảnh ngộ. Niềm tin vào cuộc sống của một số thành viên tăng lên không còn mặc cảm nữa khi biết rằng bao nhiêu bạn có hoàn cảnh bi đát hơn mình vẫn cố gắng vươn lên, giúp ích cho đời mà người bình thường ít ai làm được.
- "Tôi dặn lòng mình hãy cố gắng lên, vượt qua bản thân, chiến thắng nổi đau như các bạn khác"... Một thành viên Cổ Nhuế tâm sự.
Với các bạn trong nhóm Nghị Lực Sống (Linh Ðàm) ra đi về quê Mẹ với một lời cầu nguyện cho một bạn trong nhóm đang bị ung thư máu nằm ở bệnh viện Bạch Mai. Thảo Vân tâm sự: "Nhóm chúng con có nhiều thành viên tham gia, tham gia đợt này chỉ có hơn 25 bạn. Một bạn trong nhóm là Lệ Chi đang trong tình trạng nguy kịch. ước mong lớn nhất của con trong chuyến đi đợt này là xin Mẹ Maria giúp đỡ bạn trong hành trình vượt qua nguy hiểm và biết chấp nhận những đau khổ của cuộc đời mà không phàn nàn hay oán trách".
Tham dự chuyến đi này có nhiều bạn bị câm, điếc; niềm vui đó không có thể thể hiện thành lời nhưng tôi đọc ánh mắt, khuôn mặt của các em nhiềm vui và biết ơn sâu sắc. Ðôi khi, các bạn còn muốn dùng tay để ra hiệu cho tôi biết tình cảm của mình mặc dù tôi hiểu được chữ được, chữ không.
-"Ðược đi lần này rồi chết cũng mãn nguyện", một thành viên hơn 47 tuổi bị liệt bẩm sinh đến từ Giáo Phận Thái Bình. Người khuyết tật già nhất trong đoàn cười cho biết.
Khi được hỏi hình ảnh nào để lại trong tâm trí mình sau chuyến đi sâu đậm nhất, một thành viên từ Giáo Phận Vinh cho biết đó là trưởng đoàn Mái Ấm Don Bosco - Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Ðệ: "Ðức Cha là một chức vị quan trọng trong giáo hội, công việc nhiều vì lo cho cả một giáo phận. Thế mà, Ngài đã không quản bao nhiêu mệt nhọc lo cho chúng tôi. Tôi biết Ngài yêu thương chúng tôi lắm mới hi sinh như thế".
Quả thật, Ðức Cha Phêrô đã dành những ân cần, sự quan tâm lo lắng, sự yêu thương chân thành của của Ngài dành cho hết mọi người trong các anh em. Mọi người trong đoàn thường gọi Ngài bằng cái tên "Bố Ðệ" nghe thân thương và dễ gần biết bao. Quả thật, Ngài là một vị mục tử nhân lành, hết mình vì đoàn con khuyết tật của Ngài. Lo cho các em từng ly, từng tý. Mỗi khi đi đến các địa điểm nào, Ngài cũng đến kiểm tra sinh hoạt từng nhóm, nhất là khi đi ở các vùng biển, Ngài luôn đi cùng các em, nhắc nhở các em không được đi xa bờ. Ði theo đoàn có những thành viên sức khoẻ không tốt thì Ngài luôn đến động viên, kịp thời có những giúp đỡ cần thiết.
Ngoài Ðức Cha ra thì còn có những thầy Sáng, thầy Chương, thầy Hoa, thầy Vịnh và các xơ luôn hết mình vì các em.
Nghĩ lại chặng hành trình đã qua, cả đi và về khoảng 1,400km không xảy ra sự cố nào đáng tiếc, không xảy ra ca cấp cứu nghiêm trọng nào; quả thật có ơn Ðức Mẹ La Vang che chở giữ gìn. Ðó cũng là một sự cố gắng lớn của đoàn con khuyết tật dâng lên Mẹ. Xin trích lời Lm Lê Quang Quý, quản xứ Trí Bưu "Chỉ có những con người có tâm hồn và trái tim của Chúa Giêsu mới làm được như vậy. Ước mong có nhiều bạn trẻ lành lặn tiếp bước con đường mà các bạn khuyết tật không may mắn đã làm được". Kết thúc buổi chia tay tại đây, các bạn lên đường về Hà Nội, chuyến hành hương và giao lưu, du lịch xuyên Việt kết thúc thành công và tốt đẹp. Một lần nữa xin tri ân Ðức Mẹ La Vang, Hiền mẫu của chúng con, xin chân thành cảm ơn Ðức Cha Phêrô và các tình nguyện viên đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ người khuyết tật chúng con.
Ant. Trần Ðức Hà
|