MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Phỏng Vấn: Nghĩ Về Giới Trẻ Việt Nam
Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 8-2008

  
Phỏng vấn: Nghĩ về Giới trẻ Việt Nam

VietCatholic News 
Phỏng vấn:Nghĩ về Giới trẻ Việt Nam


 
Tuổi trẻ Việt Nam tại WYD2008, Ảnh Nguyễn Trung Tây

...Thuận lợi, tôi nghĩ tuổi trẻ Việt Nam của ngày hôm nay họ có cả một gia đình, bố mẹ hy sinh tất cả cho con cái. Bởi thế, tuổi trẻ của ngày hôm nay chỉ việc đi học, quật banh tennis, chơi football, đi bơi, chơi game, và chatting trên máy computer. Còn tuổi trẻ thời của tôi thì không được như vậy, chúng tôi vừa lạc loài lại vừa mồ côi. Nhưng bởi lạc loài và mồ côi, chúng tôi lại càng phải phấn đấu nhiều hơn. Bởi thế chúng tôi thâm trầm với cuộc sống và cũng dễ tha thứ cho lỗi lầm nhiều hơn, và tôi nghĩ đây là thuận lợi của tuổi trẻ thời 80... (Nguyễn Trung Tây)

Phóng viên Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu (PvDCUC) xin hân hạnh giới thiệu đến độc giả một cuộc phỏng vấn về giới trẻ Việt Nam tại Úc nói riêng và mối tương quan của giới trẻ Việt Nam với Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney nói chung. Những người PvDCUC phỏng vấn không phải ai khác, mà là chính Ban Biên Tập nòng cốt của Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Chắc hẳn độc giả ai cũng đã từng quen thuộc với những nét chữ quen thuộc của:

— Cây viết chủ lực Trần Bá Nguyệt,

— Trang Học Sinh của Thầy Giáo trường Dòng,

— Trang Vườn Tâm Tư của Minh Ngọc và Minh Duy,

— Trang Kiến Thức Bốn Phương của Cô Giáo lớp Năm,

— Trang Bạn Gái của Thu Thủy, và

— Trang Niềm Tin Việt Nam của Nguyễn Trung Tây.

Giờ đây, xin được giới thiệu tới độc giả những khuôn mặt của Ban Biên Tập và những dòng tâm sự của họ về giới trẻ và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney…

PvDCUC: Kính chào các anh chị đồng nghiệp. Hân hạnh được tái ngộ với Ban Biên Tập và những cây viết nòng cốt Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu. Xin quý cha, và quý vị tự giới thiệu về mình và nói một chút về Trang Riêng của mình (nếu có) tới độc giả Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu.

Trần Bá Nguyệt: Xin cám ơn Pv DCUC. Nói về mình thật khó và viết về mình còn khó hơn nữa. Tôi là Phanxico Savie Trần Bá Nguyệt. Nghề nghiệp chính là “gõ đầu trẻ”. Sau khi ra trường thấy nghề báo chí cũng vui nên đi học báo chí và chuyên về tin tức cho đài truyền hình Nhật (TBS) mặc dù cũng có đôi lúc làm báo tiếng Việt. Nhưng cái chính đưa cuộc đời gắn liền với viết lách cho giới trẻ và gia đình đó là những năm (từ 1961) hoạt động công giáo tiến hành chuyên biệt trong Phong Trào Thanh Sinh Công, vừa được dự nhiều khoá huấn luyện, hội thảo trong và ngoài nước, trong phong trào cũng như với các đoàn thể khác, vừa được học viết lách, tổ chức hội họp, trại sinh hoạt, đại hội các cấp lại còn được may mắn tiếp xúc với các bạn trẻ cùng trang lứa, những bậc vị vọng, những bậc cao niên tiếng tăm và các đấng, các bậc trong giáo hội. Những năm làm việc cho Văn Phòng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục, và các Uỷ Ban chuyên môn, báo Hiệp Thông cũng như được đi dự các hội nghị gia đình thế giới tại Roma, Manila, hội nghị truyền giáo tại Thái Lan đã mài dũa thêm cho cái nhìn, những nhận định và hướng đi của cuộc sống cũng như trách nhiệm trong việc viết lách. Dân Chúa Úc Châu mở ra cho tôi một chân trời và một nơi tuyệt vời để đóng góp một chút gì đó cho công việc (nói như Hội Nghị Truyền Giáo Á Châu Lần thứ nhất tại Chiang Mai) đó là “Kể lại câu chuyện anh thanh niên Giêsu nghèo nàn và khốn khổ” cho những anh em gặp gỡ trên bước đường đời bằng ngôn từ và hành động trần thế của mình.

Thầy Giáo trường Dòng: Kính chào độc giả Dân Chúa Úc Châu. Xin được tự giới thiệu, tôi biệt danh Thầy Giáo trường Dòng, hiện đang phụ trách Trang Học Sinh. Tôi đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em, bố thuộc hạng thấp cổ bé miệng trong quân đội, nhưng trong gia đình bố vẫn là chủ gia đình. Cái học được kể là cách để thoát kiếp nghèo và làm rạng rỡ danh dự cho gia đình. Trang Học Sinh được lên khuôn để mọi người chia sẻ với nhau cái lo về giáo dục, đức dục của con cháu mình ở nơi xứ Úc này. Chia sẻ những kinh nghiệm học thời còn ở xứ mình, và đồng thời giúp nhau giải quyết các vấn nạn học vấn của con cháu mình nơi xứ người, vì đối với dân tộc Việt mình thì trước tiên là học lễ, hậu mới học văn.

Minh Ngọc: Xin tự giới thiệu, tôi là Minh Ngọc, phụ trách trang VƯỜN TÂM TƯ. Tôi đến với Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu do cơ duyên phát nguồn từ Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu. Khi vượt biên đến được hải phận Indonesia, được tàu tuần duyên kéo vào, qua một đảo nhỏ rồi về cặp bến Jakarta, được cố Linh Mục Gildo Dominici cho đọc tờ Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu, tôi vui mừng biết bao, bởi vì vị Tổng Thư Ký là người em kết nghĩa cuả Ba tôi, Chú Đỗ La Lam, chúng tôi trân quý gia đình chú như chính trong gia tộc của mình. Từ đó tôi bắt đầu cộng tác với những bài viết về chuyến vượt biên trùng trùng gian nguy, đau khổ, rồi đến cuộc sống mới trên đất nước tạm dung này.

Khi Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu ra đời, thời gian đầu vì bận bịu với công việc và con thơ, tôi chưa thể cộng tác. Đến thời Cha Nguyễn Hữu Quảng làm Chủ nhiệm, Cha Đinh Thanh Bình, Chủ bút, được Cha và các anh chị ban biên tập kêu gọi, tôi nhập cuộc từ đó. Thời gian trôi qua, vì hoàn cảnh, người đến, kẻ đi, không nhớ là bao nhiêu, nhưng tôi vẫn trung thành, vẫn cầm cự đến bây giờ, gặp gì viết đó, đầu mây, cuối gió gì cũng có. Cho đến bây giờ, NSDCUC ngoài Cha Chủ nhiệm, tôi tự dưng trở thành “cây cổ thụ”. Về sau, khi các Cha và anh chi em đề nghị tôi mở mục “gỡ rối tơ lòng”, tôi quyết định lấy đề mục là VƯỜN TÂM TƯ. Tôi phụ trách lá thư đầu tiên. Sau đó là thùng thư của tôi đầy ắp những lá thư gửi về, viết bằng thư có, viết bằng e-mail cũng có. Khi ấy tôi mới thấy trùng trùng nhiêu khê, nhưng lỡ rồi, tuy sợ, nhưng tôi viết tiếp tục trang VƯỜN TÂM TƯ. Từ đó tôi thường hụt hơi, nghẹt thở với những gút mắc, trái ngang của độc giả gởi tới trong lúc tôi không thụ huấn một trường lớp nào về tâm lý học cả mà chỉ với kinh nghiệm bản thân và những học hỏi trong đời sống qua các sự kiện xảy ra quanh mình hay trên sách báo… Vì vậy tôi chưa bao giờ dám nhận là khuyên lơn ai cả mà trong tư thế kẻ chăm sóc mảnh vườn nhỏ bé đó, tôi chỉ xin được chia sẻ buồn vui với độc giả bằng thiển nghĩ của riêng tôi, chắc chắn không thể nào hài lòng mọi người trong lý lẽ “chín người mười ý” trên đời. Tôi chỉ biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi “tay cứng” mà “cây viết mềm” cho tôi được đến với độc giả bằng tất cả chân tình. May mà cả năm nay có Minh Duy đồng hành, tôi đỡ cô đơn. Cám ơn Minh Duy thật nhiều. Kính mong nhận được mọi ý kiến xây dựng của độc giả khắp nơi. Đa tạ.

Cô Giáo Lớp Năm: Kính chào Phóng viên Dân Chúa Úc Châu và quý độc giả Nguyệt san Dân Chúa. Tôi xin tự giới thiệu, bút danh Cô Giáo Lớp Năm, hiện phụ trách trang Kiến Thức Bốn Phương. Thông thường, là cô giáo thì phải dạy học, là nhà báo thì phải viết lách, thế mà tôi không giống ai ở hai điểm trên, bởi tôi không dạy học mà cũng không là nhà báo. Nhưng có một lần tôi gặp LM Nguyễn Trung Tây. Chuyện qua chuyện lại một hồi, tôi nói: “Con muốn đóng góp sức mọn phục vụ Chúa và bảo tồn văn hoá Việt Nam…” Thế là cha bảo: “Cô Giáo Lớp Năm có thể phụ trách một mục gì đó trong tờ Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu hay không? Trang Kiến Thức Bốn Phương chẳng hạn?” Nghe nói vậy, thoạt tiên tôi cũng hơi lo lo bởi hai điều; một, ai chả biết kiến thức thì phần nhiều liên quan tới khoa học, đời sống, và thiên nhiên chứ đâu có dính dáng chi đến tôn giáo đâu, nhưng sau đó tôi lại nghĩ “Dân (của) Chúa” thì cũng cần phải có kiến thức phổ thông để mà cảm nghiệm được cái đẹp bao la của Chúa trong thiên nhiên và trong khoa học chứ; hai là tôi không biết có làm trọn trọng trách được giao phó này không? Vì theo tôi làm báo khó lắm, không phải chuyện đùa. Nhưng nhờ LM Nguyễn Trung Tây khuyến khích, tự nhiên tôi lên tinh thần.

Giờ đây tôi tháng tháng đóng góp những bài hữu ích trong trang Kiến Thức Bốn Phương để quý độc giả biết thêm về các địa danh, thiên nhiên, đời sống, và khoa học. Còn riêng bản thân tôi, Cô Giáo Lớp Năm cũng được học thêm nhiều điều hay, điều lạ khắp bốn phương trong Thế Giới, và đôi lúc học từ cái cũ trở nên cái mới qua những bài sưu tầm mà tôi gửi tới Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu hằng tháng. Cám ơn PvDCUC đã cho tôi cơ hội để gặp gỡ và chia sẻ những tâm tình tới quý độc giả của Trang Kiến Thức Bốn Phương.

Thu Thủy: Kính chào quý độc giả. Tôi là Thu Thủy, phụ trách Trang Bạn Gái.

Nguyễn Trung Tây: Kính chào quý độc giả của Nguyệt San. Tôi là LM Nguyễn Trung Tây thuộc dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Úc Châu. Tôi sinh ra tại Sài Gòn. Trôi nổi theo dòng đời, thuyền tỵ nạn của tôi cuối cùng tấp vào đảo Pulau Bidong năm 1982. Sau hai năm lang thang tại những trại tỵ nạn Pulau Bidong, Sungai Besi tại Mã Lai và Bataan tại Phi Luật Tân, tôi tái định cư tại San Jose năm 84. Cũng có một thời gian tôi đi học tại West Valley College, rồi San Jose State, ra trường, đi làm, rồi cũng bồ bịch (bồ bịch thôi chứ không có lăng nhăng…), cuối cùng Chúa lại “đẩy” tôi vào nhà Dòng Ngôi Lời Tỉnh dòng Chicago. Rồi bây giờ là Tỉnh Dòng Úc Châu. Mà thôi, Ngôi Lời Chicago hay là Ngôi Lời Úc Châu, Lời nào cũng là Lời cả. Tôi hiện nay đang dạy Kinh Thánh tại Đại Học Yarra Theological Union, một phân khoa của Melbourne College of Divinity. Ngoài ra, tôi cũng phụ trách Trang Niềm Tin Việt Nam của Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu.

Nói về Trang Niềm Tin Việt Nam, tôi nhớ có lần có người hỏi tôi, “Tại sao lại là Niềm Tin Việt Nam?”. Câu hỏi khiến tôi nhớ lại lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Biển Đức với các Đức Giám Mục Mã Lai, Singapore, và Miến Điện vào ngày 6 tháng 6 năm 2008 vừa qua. Ngài nói,

“…nếu muốn cho đức tin được phát triển, nó cần phải đâm rễ sâu trên đất Á Châu, nếu không người ta sẽ coi nó như một thứ đồ nhập cảng từ ngoại quốc, xa lạ với văn hóa và truyền thống của dân tộc quý huynh” (Phạm Xuân Khôi, Kitô Giáo và Sự Hiểu Biết về Linh Đạo Á Đông, Vietcatholic.net, 6/6/2008).

Trong tinh thần hội nhập, tôi đã giới thiệu Trang Niềm Tin Việt Nam tới độc giả Việt Nam đang sinh sống không phải tại Việt Nam hoặc tại Hoa Kỳ, mà là tại Úc Châu. Theo dõi trang Niềm Tin Việt Nam, quý độc giả sẽ nhận ra tất cả những nhân vật Vợ hoặc Chồng (của Chuyện Vợ Chuyện Chồng), Ông Tư hoặc Dì Từ (của Chuyện Ông Tư Dì Tư), Peter hoặc Michelle hoặc Andy (của Chuyện Peter, Michelle, Andy) mang đậm nét Việt Nam-Úc Châu, rất là đời thường, nhưng lại rất son sắt trong đời sống đức tin thường nhật của họ. Tôi nhớ trong một lần giao tiếp, có người nói với tôi nửa đùa nửa thật là xin cha đừng có viết những bài có tính cách “chuyện cõi trên” quá. Well, well, well! Tôi, tôi không nghĩ những truyện ngắn Niềm Tin Việt Nam thuộc về “chuyện cõi trên”, nhưng mà là những câu chuyện rất thường, và lại rất thực (nếu tôi hiểu đúng ý của “chuyện cõi trên”).

PvDCUC: Chắc chỉ trừ quý cha là những người tu hành, đang sống đời sống khiết tịnh, còn lại tất cả mọi người trong chúng ta đều có con cái đang lớn, hoặc đã trưởng thành. Một cách tổng quát, quý vị nghĩ chi về giới trẻ Việt Nam tại Úc? Quý vị có những khó khăn hoặc thuận lợi chi trong khi giao tiếp hoặc làm việc (nếu có) với giới trẻ hay không? Xin kể ra những khó khăn? Xin chia sẻ những thuận lợi?

Trần Bá Nguyệt: Giới trẻ ở Úc được hưởng bầu không khí tự do tuyệt vời so với giới trẻ tại quê nhà hay ở những nước khác mặc dầu cũng có những điểm chung. Nói như hai tác giả (Aidan Macfarlan và Ann McPherson) viết về giới trẻ Úc (Teenagers: the Agony, the Ecstasy, and the Answers) thì phần lớn những bạn ở lứa tuổi 15 đến 35 là những người hăng say học hành và lo làm việc. Nền văn hoá Úc Châu cũng ảnh hưởng đến toàn bộ một lối sống trong đó nam nữ bình đẳng, chủng tộc bình đẳng và cơ hội học hành, làm việc là của tất cả mọi người. Thường thì những anh chị em giới trẻ hoạt động đều là những người đầy nhiệt tâm và ý thức cao nên làm việc chung với họ rất thích. Họ không nề hà công việc và giờ giấc. Điều này cũng giống như những thanh niên nam nữ khác đã và đang lao vào những công tác xã hội hay tôn giáo ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, những thành phần khác không tham gia các sinh hoạt hội đoàn thì thường hay bị lôi cuốn vào những sinh hoạt không lành mạnh như báo chí và đài phát thanh thường nhận định. Điều đó cho thấy các hội đoàn thanh niên quan trọng đến mức như thế nào trong việc cùng gia đình đổ khuôn cho giới trẻ. Dầu sao chăng nữa, số hư hỏng không nhiều, số hăng say cũng không nhiều vậy thì cái phải làm là làm sao ảnh hưởng được đến thành phần “thứ ba” gồm những thanh thiếu niên thầm lặng sống lẫn lộn trong chín mươi chín con chiên “không đi lạc”.

Thầy Giáo trường Dòng: Giới trẻ Việt Nam tại Úc được sống trong hoàn cảnh thuận lợi cho việc phát triển thân xác, nhưng lại bị nhiều thứ cám dỗ làm cho khó có thể phát triển và trưởng thành về mặt tinh thần, đạo lý và đức dục. Thật đáng thương thay cho giới trẻ như bày chiên có chủ chiên nhưng không hiểu được tiếng kêu của chúng.

Minh Ngọc: Hôm nay được hỏi câu này, tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm “mắt thấy tai nghe” nha. Giao tiếp cũng nhiều mà trong nghề nghiệp, tôi cũng thường làm việc với giới trẻ. Từ đó nhận thấy rằng, ở một xã hội văn minh và tự do này, hầu như trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người trẻ ở đây luôn muốn được…độc lập trong tư tưởng cũng như cuộc sống. Con cái sinh ở VN, trưởng thành trên nước Úc hay sinh ra ở đây cũng không khác nhau mấy trong quan niệm sống (kinh nghiệm bản thân). Sau khi trưởng thành, có thể kể từ tuổi mười sáu, họ thường sống với chủ kiến riêng, tự túc, tự lập, ít khi nghe lời cha mẹ. Do đó những bậc làm cha mẹ trong cộng đồng Việt Nam nói riêng và người Á Châu nói chung, đều có những nỗi ưu tư giống nhau: sợ con cháu mất gốc, sợ tự do quá đáng sẽ có cuộc sống buông thả theo trào lưu văn minh mà cũng thác loạn theo!

Song song với những khó khăn này thì cũng không thể phủ nhận về mặt thuận lợi khác như, họ rất dễ hòa hợp, dễ chung đụng nếu người lớn cũng cởi mở khi giao tiếp với họ, tôn trọng cảm nghĩ và sự lựa chọn của họ nếu không phải là sai trái hay gây hậu quả không tốt cho thanh danh của gia đình hay quê hương, dân tộc.

Tóm lại, muốn được sống yên vui trên đất nước tạm dung này (chỉ với ông bà, cha mẹ mà thôi, còn với con cháu của mình thì có khi đây là quê hương của họ rồi!), điều tốt nhất là tìm cách xích lại gần con cháu mình và hòa hợp với chúng, dùng tình thương mà cảm hóa thì đỡ phải…thất vọng hay buồn phiền.

Thu Thủy: Tôi thấy giới trẻ Việt Nam tại Úc nói chung cởi mở thân thiện, hăng hái và thẳng thắn, về đức tin thì hời hợt chưa có chiều sâu về Giáo lý. Nhưng các em gặp gỡ khá nhiều trở ngại về ngôn ngữ (tiếng Việt) trong khi giao tiếp.

Nguyễn Trung Tây: Thời tôi mới lớn lên tại Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 70, tôi nhận ra tuổi trẻ Việt Nam tại miền Nam là tuổi trẻ của lạc loài ngay trên mảnh đất quê hương bởi biến cố 75. Ngoài cái lạc loài, tuổi trẻ 18, 19 tuổi của chúng tôi vào những năm 1979 còn phải chuẩn bị lên đường tham gia mặt trận biên giới phía Bắc với Trung Cộng giơ cao súng AK bắn nát đầu tuổi trẻ, hoặc phía Tây Nam là Khờ-Me Đỏ sẵn sàng dơ cao mã tấu chặt đứt đầu chúng tôi. Tôi may mắn hơn những người bạn cùng trang lứa, bởi vào năm 82, tôi vượt thoát sang được Mã Lai, tái định cư tại San Jose, CA năm 1984. Nhờ thế, tôi nhận ra tuổi trẻ của chúng tôi vào thập niên 80 tại Hoa Kỳ là tuổi trẻ của cố gắng hội nhập vào dòng chính. Thêm nữa, thời của thập niên 80 và đầu thập niên 90, tuổi trẻ hải ngoại là tuổi trẻ mồ côi, bởi phần lớn chúng tôi không có cha mẹ hoặc người thân vượt biên đi theo. Bởi mồ côi, tuổi trẻ của chúng tôi tại hải ngoại là tuổi của cây non mọc dại, rất hên là nhờ lòng từ tâm và bầu sữa của người Mẹ Hoa Kỳ, tôi có cơ hội đi học, ra trường. Riêng tuổi trẻ của thời sau năm 1990, nhiều người đi sang Úc theo diện đoàn tụ, hoặc bảo lãnh, cho nên họ không mồ côi bởi họ có ba mẹ, anh chị đi kèm theo.

Thuận lợi, tôi nghĩ tuổi trẻ Việt Nam của ngày hôm nay họ có cả một gia đình, bố mẹ hy sinh tất cả cho con cái. Bởi thế, tuổi trẻ của ngày hôm nay chỉ việc đi học, quật banh tennis, chơi football, đi bơi, chơi game, và chatting trên máy computer. Còn tuổi trẻ thời của tôi thì không được như vậy, chúng tôi vừa lạc loài lại vừa mồ côi. Nhưng bởi lạc loài và mồ côi, chúng tôi lại càng phải phấn đấu nhiều hơn. Bởi thế chúng tôi thâm trầm với cuộc sống và cũng dễ tha thứ cho lỗi lầm nhiều hơn, và tôi nghĩ đây là thuận lợi của tuổi trẻ thời 80.

PvDCUC: Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008 đã chấm dứt vào ngày Chúa Nhật, 20 tháng 8, tại vận động trường Randwick, BBT có nghĩ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới nói chung và Đại Hội Giới Trẻ Giới Sydney 2008 nói riêng sẽ thay đổi hoặc có những ảnh hưởng lớn tới những người trẻ trên thế giới và giới trẻ Úc Châu hay không?

Trần Bá Nguyệt: Phần lớn ủng hộ và thấy một đại hội như thế là rất cần, nhưng không phải không có những chống đối dù không nhiều (ví dụ như hôn nhân đồng phái tính hay lạm dụng tình dục…) và dù không nhắm vào chủ đề hội nghị là Đức Tin. Chắc chắn việc tổ chức Đại Hội tại Úc Châu có ảnh hưởng nhiều đến lục địa “miền dưới”, tách biệt khỏi những lục địa khác, ở chỗ cho thấy sự hiện diện và sự cổ vũ lớn lao của rất nhiều những con người tốt, cho thấy ý thức về niềm tin vẫn rất mạnh mẽ của các bạn trẻ trong 193 quốc gia tham dự. Đại hội cũng cho thấy sự kết hợp tốt đẹp giữa các thành phần chủng tộc khác nhau tại Úc trong các khâu tổ chức, sự tự nguyện hăng say trong các công tác tiếp đón trước và sau Đại Hội. Từ đó sẽ phát hiện ra nhiều thành phần tích cực vẫn đang tiềm ẩn đâu đó trong giới trẻ, giới trung niên và cả giới già. Cái cần là làm sao qui tụ họ lại trong một hình thức sinh hoạt nào đó để bầu nhiệt huyết của họ không tàn lụi và ngọn lửa phát xuất từ lòng hăng say của họ được tiếp nối.

Thầy Giáo trường Dòng: Chắc chắn là có, không nhiều thì ít. Vì ơn Chúa Thánh Thần sẽ tác động những người trẻ này. Chủ yếu là các bạn trẻ có dám thay đổi chính mình và quyết tâm thực hiện hay không.

Minh Ngọc: Sau Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008, tôi nghĩ chắc cũng như bao nhiêu lần tổ chức trước nay ở những quốc gia khác nhau, đều là một “hiện tượng hâm nóng bầu nhiệt huyết sẵn đong đầy trong tâm hồn giới trẻ”, bình thường tiềm ẩn bên trong vì những sinh hoạt giới hạn trong cuộc sống. Những kỳ Đại hội như vậy sẽ là cơ hội cho họ gần gũi nhau, tạo điều kiện quen nhau, hiểu nhau hơn trong cọng đồng thế giới một cách rộng rãi, thú vị.

Thu Thủy: Tôi nghĩ Đại Hội Giới Trẻ sẽ giúp các em củng cố và xác nhận niềm tin vào Kitô Giáo của riêng mình. Đại Hội Giới Trẻ cũng giúp các em gây tình đoàn kết với các người trẻ thuộc mọi dân tộc trên khắp thế giới; qua đó xây dựng một xã hội đầy nhân bản, công bằng bác ái.

Nguyễn Trung Tây: Thay đổi? Thiệt tình mà nói, trong thời gian chuẩn bị cho Đại Hội, những giáo xứ Úc mà tôi đã có dịp đi qua đều không thấy rộn ràng những sinh hoạt dành riêng cho giới trẻ để giúp họ chuẩn bị tinh thần và tâm lý trước khi lên đường hành hương về Sydney. Những sinh hoạt duy nhất mà tôi biết thời gian tiền Đại Hội phần lớn là của tuổi trẻ Việt Nam tại Melbourne. Tôi nhớ, có lần, vào một buổi tối thứ Năm, ngày 29 tháng 5 vừa qua, tôi tham dự chương trình Cấm Phòng tổ chức tại nhà St. John, dành riêng cho giới trẻ Việt Nam để giúp họ chuẩn bị tâm hồn cho ngày Đại Hội. Bước vào trong thánh đường, tôi giật mình nhận ra tuổi trẻ ngồi chật kín cả một khu thánh đường rộng thênh thanh. Trong Chủng Viện Ngôi Lời nơi tôi đang sinh sống và làm việc, nhà Dòng cũng có lên chương trình, tuần một hai lần đọc kinh cầu nguyện cho Đại Hội Giới Trẻ. Thế thôi. Rồi lại thêm với hiện thực về khủng hoảng xăng dầu khiến nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới phải hủy bỏ những chuyến bay bởi không có đủ khả năng về tài chánh. Mà chúng ta cũng đã biết, Úc Châu là một xã hội thế tục, tôn giáo không có vị trí trong những câu chuyện hằng ngày của người dân. Tuổi trẻ thì không tham dự thánh lễ và những sinh hoạt của giáo xứ. Bởi thế tôi cũng không hiểu Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney năm nay sẽ có những tầm ảnh hưởng đến thế nào trong đời sống niềm tin của người tuổi trẻ Úc Châu. Nhưng, tôi vẫn tin vào ngọn lửa của Chúa Thánh Linh. Thì đấy, người nhát gan chối Chúa ba lần như Phêrô, thế mà sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Linh vào ngày Đại Hội Thánh Linh đầu tiên trong dòng lịch sử ơn cứu độ, người ngư phủ Biển Hồ không còn nhát sợ nữa, nhưng dám đứng lên giảng đạo oang oang ngay giữa nơi thanh thiên bạch nhật, khiến nhiều người cứ tưởng là Phêrô say…

PvDCUC: Nói về giới trẻ Công Giáo Việt Nam tại Úc, quý vị có nghĩ các giáo xứ hoặc cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc Châu đã đầu tư một cách cần thiết và đúng mức vào các sinh hoạt dành riêng cho giới trẻ hay chưa? Nếu chưa, quý vị có đề nghị nào thiết thực để chúng ta có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu Thiên Chúa tới các bạn trẻ trong khuôn viên xứ đạo?

Trần Bá Nguyệt: Nhiều bạn trẻ hăng say hoạt động than phiền là họ không được sự tiếp tay cũng như sự ủng hộ bằng cách cho phép hoạt động tại các giáo xứ có cộng đồng người Việt. Vì thế họ - như những đám lục bình - dạt sang những “khu vực” khác, tốt có, xấu có. Úc là một nước tự do. Cho phép các bạn trẻ đến sinh hoạt, dù dưới hình thức nào đi chăng nữa, tại các giáo xứ là điều rất đáng làm vì trước hết tránh cho họ bị lôi cuốn vào những môi trường không lành mạnh. Lý do là giới trẻ, cũng như các giới khác, cần phải sống và sống chung với nhau. Không cho phép chỗ này không có nghĩa là các thành phần ấy sẽ không tìm nơi khác để gặp nhau hoặc sẽ không gặp nhau nữa. Nhiều khi chính sự xa lánh ấy là cái cớ để giới trẻ bỏ đi và đi xa cho đến một lúc muốn kéo họ lại thì thật là khó. Phải tránh kiểu “giữ đạo” lỗi thời bằng đọc kinh rỉ rả và phải biến niềm tin của họ thành những hành động thực tế ngay trong cuộc sống hàng ngày của họ ở khắp mọi nơi chứ không phải chỉ bằng cách đọc kinh ở nhà thờ. Đi thăm những anh em nghèo khổ, những người bệnh hoạn, những gia đình khó khăn… Báo chí địa phương mới đăng một gia đình 13 người con bị đuổi ra khỏi nhà vì không trả được tiền thuê nhà và hiện đang ở nhờ một trường tiểu học. Hãy đến với họ, những “thành phần thứ tư” tại các thành phố giàu sang như Melbourne.

Thầy Giáo trường Dòng: Dù đã có ít nhiều cố gắng nhưng chưa đủ để gọi là đầu tư và quan tâm đến giới trẻ Công Giáo một cách đúng mức. Cần phải có những cuộc thăm viếng giáo dân của từng giáo khu, xứ đạo, từng thành phố, từng giáo phận. Tổng kết xem có bao nhiêu thanh niên nam nữ tùy theo phái tính, tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp, độc thân hay có gia đình và sở thích. Để lập thành từng nhóm, hội đoàn sinh hoạt tùy theo giờ giấc rảnh rỗi, hầu mọi người có thể tham dự sinh hoạt chung được với nhau, và nhất là cùng nhau sống đạo giữa đời là yêu Chúa, yêu tha nhân và thực hiện chúc ngôn của Chúa Giêsu.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể tổ chức những buổi cấm phòng hay giảng thuyết riêng cho giới trẻ Công Giáo. Tổ chức những đoàn thể sinh hoạt riêng cho giới trẻ; Giờ chầu Thánh Thể cho giới trẻ; Thánh lễ dành cho giới trẻ, sinh hoạt ngoài trời, du ngoạn, và tĩnh tâm. Tổ chức những khóa huấn nghệ, dạy Anh văn cho người mới đến, thăm viếng kẻ yếu đau, các trẻ em mồ côi, bụi đời, tân tòng hay làm những công việc từ thiện khác

Thu Thủy: Tôi thấy nói chung các giáo xứ và cộng đồng Việt Nam đã và đang đầu tư rất nhiều vào các sinh hoạt dành cho giới trẻ như: Junior Legio, Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn, Thanh thiếu niên Salesian đấy chứ...

PvDCUC: Úc Châu là một xã hội thế tục (secular society). Chắc chắn quý vị cũng đã biết, hiện tượng vài ba người tuổi trẻ Úc Châu gốc Âu Châu tham gia thánh lễ hoặc sinh đạo xứ đạo là một hiện tượng khá phổ biến trên toàn lãnh thổ. Cộng đồng Việt Nam thì khác, giới trẻ vẫn còn tham gia tuy không nhiều so với thời bên Việt Nam, những vẫn còn là một lực lượng đáng kể trong những sinh hoạt của xứ đạo. Dưới lăng kiếng niềm tin, quý vị nghĩ sao về tương lai sống đạo của giới trẻ Việt Nam tại Úc? Bi quan hay lạc quan?

Trần Bá Nguyệt: Tại sao lại bi quan? Những thành phần hư hỏng thời nào cũng có, nhưng không bao giờ là đa số. Cái chính là làm sao giúp cho đại đa số thầm lặng đang sống rất bình thường sẵn sàng lao vào chiến trường để thể hiện niềm tin của mình, tình yêu thương của mình với anh em mọi nơi, mọi chỗ, mọi tuổi tác và mọi chủng tộc.

Thầy Giáo trường Dòng: Việc bi quan hay lạc quan này phải để dành cho giới trẻ trả lời. Và cho biết lý do tại sao lại có sự khác biệt này. Có phải là do nhà thờ thường xuyên đóng và chỉ mở cửa đúng giờ. Hay tại các vị chủ chăn không năng động và không tích cực trong mục vụ thăm viếng giáo dân để có thể am hiểu về những ưu tư, lo lắng của giới trẻ. Vì thế giới này sẽ thuộc về tay ai yêu họ và chứng tỏ được rằng mình yêu họ thật.

Minh Ngọc: Giới trẻ gốc Úc Châu hay có thể nói tất cả các nước Tây Phương, ít tham dự Thánh Lễ hay sinh hoạt giáo xứ thì ai cũng nhìn thấy.

Đối với người Việt Nam, tuy hiện giờ vẫn còn một lực lượng đáng kể trong sinh hoạt của xứ đạo, nhưng nhìn chung phần lớn cũng vẫn chỉ với những em dưới tuổi vị thành niên, trên tuổi đó, dường như ngày một thưa dần!

Bởi vì các em đã thành niên, họ có quá nhiều nhu cần cá nhân vào cuối tuần như: học hành nhiều quá trong suốt tuần lễ, cuối tuần thèm ngủ, đi chơi với bạn, cặp bồ, v.v.

Quá nhiều lý do để bỏ lễ Chúa Nhật. Chỉ tham dự những Thánh Lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh,. v.v.

Theo tôi nghĩ, cái đà này sẽ cứ thế mà tiếp diễn, cho nên với giới trẻ Việt Nam, tuy nhờ có sự nhắc nhở của cha mẹ thì cũng không đến nỗi bi quan nhưng chắc cũng không mấy gì lạc quan hơn trong tương lai đâu!

Thu Thủy: Tương lai sống đạo của giới trẻ Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào phụ huynh. Khi còn nhỏ các em được chở đến các giáo xứ hoặc trung tâm để các em làm quen với đoàn thể, giáo lý và đức tin. Nếu vì lý do nào đó các em không được tiếp xúc với các sinh hoạt Công Giáo thì tương lai giới trẻ Việt Nam tại Úc làm sao mà lạc quan cho được.

Nguyễn Trung Tây: Tôi thấy người trẻ lớn lên tại Úc tự tin, có kiến thức chuyên môn cao. Mặc dầu Úc Châu là một xã hội thế tục, người dân không tuyên xưng đức tin (làm dấu, đọc kinh, đeo thánh giá, mặc áo dòng) nơi công cộng, tuổi trẻ không tham gia vào sinh hoạt giáo xứ, nhưng trường hợp thiếu vắng khuôn mặt giới trẻ xảy ra phần lớn tại những giáo xứ Tây mà tôi có dịp làm lễ cuối tuần mà thôi. Còn cộng đồng Công Giáo Việt Nam, khuôn mặt của giới trẻ vẫn hiện diện trong nhiều sinh hoạt cuối tuần, Thiếu Nhi Thánh Thể nè, Ca Đoàn nhé, rồi là Lớp Giáo Lý. Tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam vẫn tham gia vào những sinh hoạt của giáo xứ đấy chứ. Về điểm này, tôi muốn xin phép dừng lại một phút để tôi xin được gửi ngàn vạn cánh hồng đỏ tặng riêng những Nữ Tu đang âm thầm làm việc với các lớp Việt Ngữ, Giáo Lý, Ca Đoàn, và Thiếu Nhi Thánh Thể (đương nhiên cũng có các Linh Mục). Nhờ sự hiện diện âm thầm của các nữ tu Việt Nam, giới trẻ đã có nơi chốn sinh hoạt đức tin vào những dịp cuối tuần. Ngoài ra, đây cũng là một băn khoăn mà tôi vẫn tự hỏi, “Tại sao trong các thánh lễ, tuổi trẻ vắng mặt, nhưng trong các buổi công tác thiện nguyện cho nạn nhân thiên tai, tuổi trẻ lại rộn ràng nhộn nhịp những bước chân tiếng cười”. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong đời sống thường nhật mà tôi nghĩ mình nên tìm hiểu để kiếm cho ra nguyên nhân cốt lõi. Có phải tại vì làn sóng (wavelength) trong nhà thờ không còn phát chung một tần số với làn sóng của tuổi trẻ tại Úc Châu? Tôi không biết, tôi không có câu trả lời. Nhưng rõ ràng và thực tế tuổi trẻ Úc Châu gốc Tây tiếp tục bỏ phiếu không bước chân tới nhà thờ.

PvDCUC: Có một số người nghĩ là tuổi trẻ Việt Nam ở Úc là Việt-Úc (Vietnamese-Australian). Tôi nhớ trong lần phỏng vấn tháng 7 vừa qua, em Annie Nguyễn Thanh Thảo tự giới thiệu là mình đã được sinh ra và lớn lên tại Perth. Dấu gạch ngang (-) xuất hiện ở giữa hai danh từ Việt và Úc nói lên một điều là các bạn trẻ này không còn chỉ là Việt Nam… Quý vị nghĩ sao về cụm từ Việt-Úc khi nói về giới trẻ Việt Nam tại Úc?

Trần Bá Nguyệt: Con người dù là gì đi nữa vẫn là con người. Nói vậy có nghĩa là không phân biệt Úc hay Việt, hay là chủng tộc gốc gác gì. Đó là sự thật hiển nhiên. Vì thế có khác biệt gì đâu khi giới trẻ Việt Nam đi sinh hoạt với và sinh hoạt như những thanh niên chủng tộc khác hoặc kéo những thanh niên chủng tộc khác về “nhà mình” để sinh hoạt. Cái chính là con người. Chủng tộc, màu da, ngôn ngữ không phải là rào cản đối với con người khi họ muốn và khi họ có cơ hội đến gần nhau và nhất là cùng nhau làm những công việc tốt cho mọi con người.

Thầy Giáo trường Dòng: Trước hết những nhà hướng dẫn cũng cần học hỏi để có thể nói được cùng ngôn ngữ với giới trẻ, nghĩa là vừa nói được tiếng Việt và tiếng Anh để có thể hiểu, cảm thông, an ủi và dùng kinh nghiệm sống của mình để giải thích cho giới trẻ về những vấn nạn của đời sống đức tin, đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của giới trẻ.

Khuyến khích giới trẻ tiếp tục giữ truyền thống sống đạo của các bậc cha ông đã anh dũng giữ đạo và tử vì đạo trong thời kỳ cấm đạo.

Nguyễn Trung Tây: Bởi câu hỏi về Việt-Úc của Phóng viên Dân Chúa Úc Châu, tự nhiên tôi nhớ tới câu chuyện là nhiều người Việt Nam khi về lại Việt Nam sau một khoảng thời gian dài xa cách, họ mới khám phá ra phương cách ứng xử của mình không còn là phương cách ứng xử của người bên Việt Nam nữa. Khi đó, cả hai bên, bên Việt và bên Úc mới nhận ra có cả một khoảng cách xa hoặc gần giữa hai con người cùng mang một vẻ Việt Nam. Tôi nghĩ có một vài người bên hải ngoại vẫn quên đi mình đang dần dần trở thành người bản xứ trong tư tưởng và cách sống. Người Việt Nam bên Úc sống độc lập, không có nhiều liên hệ hàng xóm như người Việt Nam bên Việt Nam. Bù lại người Việt Nam từ Việt Nam qua Úc thăm họ hàng cũng nhận xét là đời sống bên đây buồn. Thì chuyện đương nhiên… Hỏi sao mà không buồn bởi vì hàng xóm đâu có ai biết ai đâu. TV nhà ai, người đó coi. Bear Victoria Bitter của nhà ai, người đó uống. Úc Châu mà. Cho nên tôi nghĩ, bố mẹ Việt Nam bên đây phải uyển chuyển rất nhiều trong phương cách dạy dỗ, bởi con cái của mình đâu chỉ còn là thuần túy Việt Nam, nhưng mà là thanh niên Việt Nam trưởng thành trong nền văn hóa Úc Châu.

PvDCUC: Xin được cám ơn cho thời giờ quý báu của mọi người trong Ban Biên Tập. Có lẽ đã lâu lắm rồi, độc giả Nguyệt san không hoặc chưa có dịp gặp mặt và lắng nghe những dòng tâm tư của Ban Biên Tập Nguyệt san. Thời điểm tháng 8 sau Đại Hội Giới Trẻ Sydney là một cơ hội hiếm có để chúng ta gặp gỡ quý độc giả qua trang báo. Trước khi chấm dứt cuộc phỏng vấn, xin được hỏi quý vị còn có điều chi khác mà quý vị muốn chia sẻ với độc giả Dân Chúa Úc Châu, quý vị phụ huynh, và tuổi trẻ Công Giáo Việt Nam (và không phải Công Giáo, nếu có) nữa hay không?

Trần Bá Nguyệt: Hãy đến với nhau, hãy nở một nụ cười, và hãy cùng nắm tay nhau để hơi ấm được chuyền đi từ bàn tay này qua bàn tay khác. Hãy luôn luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp [- dù rất nhỏ -] mà anh chị em có thể làm cho nhau. Xin luôn luôn được như vậy.

Kính chào và xin cám ơn Pv DCUC. Xin cáo lỗi vì những ý nghĩ bình thường và có thể làm phật lòng bạn đọc.

Thầy Giáo trường Dòng: Ước gì mọi người tín hữu cùng quý vị tu sĩ nam nữ thấy được sự cần thiết của vấn đề giới trẻ: Thu gom, góp nhặt lại những đóm lửa đức tin còn cháy sáng trong một số các bạn trẻ ngày hôm nay, để tạo thành một bó đuốc với ngọn lửa mến Chúa, yêu người cháy sáng ngời cho thế hệ tương lai.

Ước gì tín hữu, các bậc làm cha mẹ, các tu sĩ nam nữ cùng với các đấng bậc có trách nhiệm lo cho giới trẻ hãy tự nhận gánh trách nhiệm để lo lắng cho tuổi trẻ. Vì chúng như bày chiên không chủ chăn giữa một nền văn hóa mới, chỉ biết ưa chuộng tiền bạc, vật chất và hiện tại hơn là tương lai.

Ước gì các nhà lãnh đạo tôn giáo Úc Châu biết cùng nhau ngồi lại để nghiên cứu về các vấn nạn mà giới trẻ Úc Việt đang gặp và phải đối phó, để có thể tổ chức Đại Hội Giới Trẻ hàng năm thì tốt biết mấy.

Thu Thủy: Xin các cộng đoàn Việt Nam nên có những sinh hoạt văn nghệ và thể thao, thỉnh thoảng chúng ta có thể giao hữu với nhau trong tinh thần đoàn kết giữa những người trẻ. Hằng năm các cộng đoàn nên có buổi văn nghệ chung để các bạn trẻ có dịp sinh hoạt chung. Ngoài ra chúng ta cũng nên giới thiệu những người trẻ xuất sắc trong cộng đoàn vào trong Ban Lãnh Đạo của giáo xứ.

Nguyễn Trung Tây: Tôi nhớ chỉ mới đây thôi, trong cùng một ngày thứ Bẩy, tôi ghé vào bốn gia đình thân quen thăm hỏi hai người thân vừa mới mổ tim, một người thân bác sĩ nghi ngờ bệnh ung thư, một người thân khác bác sĩ cũng đặt nhiều câu hỏi về sức khỏe đường dài. Một tuần sau, trường YTU của tôi nhận được tin Sr. Joan Nowotny, cựu Giáo sư Triết Học, kiêm cựu Academic Dean của trường Đại Học Yarra Theological Union đã lặng lẽ ngủ yên trong Chúa vào một buổi tối thứ Bẩy. Giây phút Sr. lìa trần, không ai biết, chẳng ai hay. Đám tang của Sr., bởi Đại Hội Giới Trẻ 08, chỉ có vài ba người tham dự nhỏ lệ khóc thương cho một đời người.

Càng ngày, có lẽ bởi tuổi đời, cộng thêm với đời sống tu sĩ đã tạo cho tôi nhiều cơ hội để cảm nghiệm ra nét vô thường của cuộc sống. Bởi thế tôi trân trọng rất nhiều những gì Thiên Chúa đang ban cho tôi: gia đình, sức khỏe, đời sống, người thân, bạn bè, và đời tận hiến. Bởi lẽ vô thường tuần hoàn của đời sống, con cái của chúng ta sẽ lớn dần, rồi sẽ là rời bỏ tổ ấm bay đi. Bây giờ là hiện thực con cái còn đang ở với chúng ta, xin hãy tôn trọng và thương yêu họ.

Ngoài ra, bởi nhận ra lẽ vô thường của đời sống, tôi hay bàn về câu chuyện tử tế, bởi tôi tin rằng, mai này, khi Global Warming xầm sập kéo đến bôi xóa tất cả phố phường, lúc đó chỉ còn sót lại trong tâm thức vũ trụ hai chữ Tử Tế mà thôi. Nếu vậy, tại sao lại không sống tử tế với tha nhân?

Xin cám ơn Phóng viên Dân Chúa Úc Châu và xin quý độc giả tha lỗi nếu tôi có nói chi làm phiền lòng đến quý vị. Xin được cùng tiếp tục cầu nguyện cho nhau.

www.nguyentrungtay.com
Phóng viên Dân Chúa Úc Châu

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Tưởng Rằng Sợ Đến Thái Hà 30/8/2008 (8/30/2008)
THÁI HÀ Anh em DCCT VN tại Úc hiệp thông với Thái Hà (8/30/2008)
Thái Hà Chuyện Bé Xé Ra To !!! (8/30/2008)
Suy Niệm: Dậy Mà Ði, Hỡi Ðồng Bào Ơi (8/30/2008)
Hãy Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Bị Cs Bách Hại (8/30/2008)
Tin/Bài cùng ngày
25.000 Trường Học Công Giáo Ấn Độ Đóng Cửa Để Phản Đối Bạo Lực Ở Orissa (8/29/2008)
Phép Lạ Medjugorje, #8, Câu Chuyện Thứ Tư (8/29/2008)
Lời Mẹ Nhắn Nhủ Từ Medjugorje - O, #14 (8/29/2008)
Vác Thập Giá Mình Mà Theo (8/29/2008)
Suy Niệm: Thị Phần (8/29/2008)
Tin/Bài khác
Ngai Vàng Lắm Vua (8/28/2008)
Đấu Tố Và Đấu Tố! (8/28/2008)
Hình Ảnh Trong Thánh Lễ Ngày 28/8/2008 Cầu Nguyện Cho Thái Hà, #2 (8/28/2008)
Hình Ảnh Trong Thánh Lễ Cầu Nguyện Cho Thái Hà 28/8/2008 (8/28/2008)
Máu Người Vô Tội Đã Đổ (8/28/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768