MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Những Mảnh Xương Khô Trong Sa Mạc, #9
Thứ Ba, Ngày 26 tháng 8-2008

www.xuanha.net

NHỮNG MẢNH XƯƠNG KHÔ TRONG SA MẠC, #9

(Lm. Bùi Đức Tiến)
Cảm nghiệm của một số quí vị dưới đây đã tìm thấy bình an, hạnh phúc trong Đạo Chúa.

MỘT THỊ KIẾN MỚI
Chuyện kể về Choi-Nam-Sơn.
Do Paul Rhee.

Đây là câu chuyện kể về nhà văn Choi Nam-Sơn, do Paul Rhee viết, đăng trên Nguyệt san Kyong Hyang (Hán Thành - Đại Hàn) tháng 10 năm 1970. Đây chính là ngày húy kỵ thứ mười ba của Choi Nam-Sơn. Paul Rhee là một trong những môn đồ của ông và là người trong suốt những năm cuối cùng đã làm việc với ông như một thư ký. Bản văn này được xuất hiện ở đây với sự đồng ý của Chủ bút Nguyệt san Kyong Hyang: Cha Angelo Kim. Người dịch sang Anh ngữ là Cha Hugh MacMahon, một Linh mục Dòng Thừa Sai Columban đang truyền giáo tại Hán Thành.


Trong văn học Đại Hàn có câu: "Cây càng lớn sẽ càng phải chịu đựng nhiều cơn gió mạnh hơn". Đời sống của Choi Nam-Sơn đã chứng minh điều này.

Choi Nam-Sơn có Pháp danh nhà Phật là "Yuk Dang" và khi Rửa tội theo Giáo hội Công giáo đã chọn tên Thánh là Phêrô. Ông có thể được kể là một trong những vĩ nhân của thời chúng ta vì những thành quả khác thường ông đã đạt được trong đời và để đạt được những điều này ông đã phải vượt qua nhiều những thử thách nặng nề qua những biến cố trọng đại của quốc gia ông.

Ông sinh ngày 26 tháng Tư năm 1890 tại Hán Thành. Suốt khoảng thời gian niên thiếu của ông, quốc gia Đại Hàn vừa trải qua một thời kỳ lịch sử khốn khó và đang vươn lên từ những khốn khó đó hầu đương đầu với những cuộc cách mạng quốc nội và những đe dọa xâm lăng từ quốc ngoại.

Vào năm ông mười lăm tuổi, Đại Hàn đang bị cuốn hút trong cơn lốc xoáy của cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Ông là một thiếu niên được tuyển chọn lãnh học bổng cao quí của quốc gia cùng với con cái của năm mươi sĩ quan cao cấp trong nước để theo học tại Trường Trung học Chu-I, Tokyo. Tuy nhiên, ông không cảm thấy thích thú khi được cấp học bổng và nhất là nhận thấy tại nơi theo học không có gì đáng học, ông trở về nước. Hai năm sau đó, ông trở lại Nhật, ghi danh tại Phân Khoa Lịch sử của Viện Đại Học Luật Khoa Waseda. Tại đây, một lần nữa, ông lại cảm thấy như trước và hai tháng sau, ôm một mớ sách nói về phong tục, tập quán Tây phương và một máy in ông lên đường trở lại Đại Hàn.

Lúc đó, Đại hàn đang sống dưới sự đô hộ của Nhật bản. Choi Nam-Sơn phát động một phong trào văn hóa và chuẩn bị việc dành lại độc lập cho quốc gia. Muốn như thế ông phải quảng bá tư tưởng đến với quần chúng, đó là lý do giải thích tại sao ông đem máy in về quê nhà.

Năm 1907, ông mở cửa một nhà in lấy tên là New Gate Institute. Tháng Mười Một cùng năm, ông xuất bản tạp chí "Youth", đây là tạp chí đầu tiên xuất hiện trong nước. Trong tạp chí này, ông cho đăng loạt bài "Từ Đại dương đến với giới trẻ", loạt bài này giới thiệu một loại thơ văn mới cho nền báo chí Đại Hàn.

Khi Đại Hàn bị sát nhập vào Nhật bản năm 1910, Choi Nam-Sơn cùng gánh chịu sự tủi nhục chung của dân tộc. Ông tái lập nhà in cũ với cái tên mới Shinning Gate Society. Nếu New Gate Institute đã được coi là một cơ sở hướng dẫn dân chúng trên con đường phát triển dân tộc thì Shinning Gate Society đã hướng dẫn dân tộc ông tìm về nguồn gốc sau những tàn phá của đế quốc Nhật bản.

Năm 1911, Tạp chí "Youth" bị đình bản, nhưng Choi Nam-Sơn không chịu khuất phục. Ông lại lần lượt cho ra đời những tạp chí "Red Jacket", "Ideal Boy" và "New Star". Năm 1914, ông phát hành một tạp chí có tầm quan trọng rộng lớn hơn: "Clear Spring". Ông thảo ra bản Tuyên Ngôn Độc Lập, bản văn này đã được dùng vào tháng Ba năm 1919 trong phong trào Độc lập thứ nhất của quốc gia. Chính vì việc này, ông đã bị kết án hai năm rưỡi tù.

Ra khỏi tù cùng năm, lập tức ông trở lại ngành xuất bản. Vào năm 33 tuổi, ông đóng cửa New Gate Institude và thiết lập Eastern Brightness Society, xuất bản hàng tuần với tên "Eastern Brightness". Năm sau đó 1924, ông xuất bản nhật báo "The Era Daily Report.". Tuy nhiên vì thiếu hụt tài chánh và nhất là sự chống đối quá mạnh của nhà cầm quyền Nhật bản, tờ báo đã bị đình bản.

Từ năm 1925, ông dành thì giờ để viết sách. Vào năm 1928, có nhiều phê bình về việc ông cộng tác với Nhà xuất bản Editors' Society of Chosen do Nhật thành lập. Tuy thế, lòng ái quốc của ông không vì thế mà suy giảm. Sau khi quốc gia được giải phóng, ông bị chính quyền mới kết án theo đế quốc và bị bắt giam tại khám đường West Gate, Hán thành. Đó là năm 1949, khi ông đã sáu mươi tuổi.

Ngày 25 tháng Sáu năm 1950, Bắc Hàn xua quân chiếm đóng Nam Hàn, ông tị nạn tại Pusan. Tất cả những sưu tầm đồ cổ giá trị của ông đều bị thiêu hủy tại nhà riêng của ông tại Hán Thành. Suốt thời gian tị nạn tại Pusan và sau này sau khi trở về Hán Thành, ông dồn hết tất cả khả năng còn lại để giúp tái thiết quốc gia và khuyến khích, nâng đỡ tinh thần của dân chúng.

Ông đã xuất bản những sách: "Lịch Sử Dân Tộc Đại Hàn"; "Đời Sống Người Đại Hàn"; "Đời Sống Của 30 Triệu Người"; "Phong Tục Đại Hàn"; "Ghi Lại Các Cuộc Chiến Thắng Các Khủng Hoảng Của Quốc Gia"...Cuốn sách ông đặt kỳ vọng nhiều nhất là cuốn "Tự Điển Lịch sử Đại Hàn" lại chính là cuốn sách ông chưa hoàn tất được trước khi từ trần.

Ngày 17 tháng 11 năm 1955, Ông gia nhập vào Giáo Hội Công giáo và vào ngày 10 tháng 10 năm 1957 ông trút hơi thở cuối cùng.

Choi Nam-Sơn là một nhân vật xuất chúng. Không phải chỉ vì ông là một người tiên phong trong lãnh vực báo chí tại Đại Hàn, nhưng còn phải kể đến đời sống cá nhân của ông nữa. Ông giã từ Giáo Hội Phật giáo sau 40 năm trường tin tưởng để trở thành một người Công giáo. Ông đã bị thu hút bởi Giáo Hội Công giáo khi còn trẻ, lúc ông đang học ngành Xã Hội học.

Lịch sử cận đại của dân tộc Đại Hàn đã được tưới gội bằng máu của các Thánh Tử Đạo Công giáo. Đọc qua những cuốn sách kể lại đời sống của các Vị Tử Đạo, ông thật sự xúc động. Cho mãi đến tháng Mười Một năm 1955 ông mới được Rửa tội. Đây là một biến cố trọng đại đối với quần chúng. Một bài báo dài nhan đề: "Đời sống và Tôn giáo" do chính ông viết làm tuyên ngôn cho việc ông trở lại. Nó cũng giống như bài Tuyên Ngôn Độc lập trước kia đã gây những ảnh hưởng không nhỏ trong các thế hệ nối tiếp. Bài Tuyên ngôn Rửa tội của ông là một biến cố quan trọng đánh động các thế hệ mai hậu được trình bày do một người đã bỏ hết đời mình lo cho xứ sở dân tộc nhưng vẫn không quên đi tìm một con đường cứu rỗi cho chính linh hồn mình.

Giờ đây thay vì kiểm điểm qua những biến cố đã khiến Choi Nam-Sơn thay đổi tôn giáo trong đời sống. Tôi với tư cách một người thân cận gần gũi. Hơn nữa chính tôi đã thu nhận và ghi lại các lời lẽ của ông trong Tuyên ngôn Đức Tin, một tuyên ngôn bao gồm những tư tưởng sâu xa chứa đựng trong tâm hồn ông.

Trong phần mở đầu ông đã viết: "Sự liên hệ giữa đời sống và tôn giáo giống như sự liên hệ giữa thân xác và không khí. Nói một cách khác không thể thiếu không khí để nuôi dưỡng thân xác.". Như thế, ông đã xác quyết tầm quan trọng không thể thiếu được của tôn giáo trong đời sống con người.

"Khi một người nhận thức được rằng đời sống của họ thật mỏng manh là lúc họ thật sự ao ước được sống. Khi một người nhận thức được rằng khả năng của họ hạn hẹp, yếu kém là lúc họ ước ao được có trong tay quyền lực. Những ước ao này chính là ý hướng của con người trong việc tự cải tiến đời sống mình". Và như thế, ông so sánh Đức Tin tôn giáo với việc cải tiến đời sống.

Để trả lời câu hỏi: "Vậy phải đặt niềm tin nơi tôn giáo nào?". Ông đã viết: "Tôn giáo không phải chỉ là đem một số lý thuyết vào đời sống thực hành. Cứu cánh của tôn giáo phải là sự cứu rỗi và ngày phán xét cuối cùng sẽ phải đến tùy thuộc vào cách thế tiến đến cứu cánh này." Ông cũng viết thêm: "Mặc dù tôn giáo chỉ giúp cho con người, nhưng trong nhiều hoàn cảnh đã chứng minh rằng các xã hội, các quốc gia và cả thế giới nữa trong lãnh vực luân lý, tôn giáo nên nhìn vào con người là dân tộc trong một quốc gia để có thể giúp họ". Như thế ông đã định rõ khía cạnh xã hội của tôn giáo với cảm quan về sự liên hệ nhân loại.

Ông coi tôn giáo như một yếu tố nền tảng tinh thần cần thiết cho sự phát triển của quốc gia Đại Hàn trên con đường tiến tới một nền dân chủ quốc gia: "Đại Hàn giờ đây không còn bị ảnh hưởng chính trị, hãy bắt đầu lại từ đầu, một nền văn hóa mới nên được khởi sự. Nhưng khi nhìn vào thực tế, chúng ta không khỏi ưu tư rằng chúng ta đang thiếu thốn một nền tảng tinh thần cần thiết. Hoàn cảnh hiện tại so với cách nay vài thế kỷ gần như đã không có một thay đổi nào. Qua giáo huấn của Giáo Hội Công giáo liên hệ đến nền văn hóa chung của thế giới thể hiện qua những thăng trầm của dân Do Thái, người ta nhận thức được giá trị của triết học Kitô giáo. Người ta cũng nhận thấy triều đại Roma đã được thừa hưởng cách tổ chức siêu việt của Giáo hội và những tư tưởng tân tiến đã phát sinh ra từ đó.

"Trong khi những nguyên tắc Công giáo áp dụng cho một đời sống tinh thần có thể được diễn tả bằng ngôn từ trong Phật pháp như Sinh khí, Sự Tinh tế, Sự Trang Trọng và nguồn mạch của Khuyến khích chẳng hạn, liên hệ đến chân lý tôn giáo ngay cả trong huyền nhiệm "Mười màu nhiệm" của Kinh Hwa Om hay "Ba Biên Giới" trong Pop Hwa (Tín lý cao nhất trong Phật pháp) cũng còn thua xa Công giáo thuyết trong việc diễn tả những bí nhiệm sâu xa nhất của đời sống phổ quát.".

Ông viết tiếp: "Là Đấng Sáng tạo, Chúa Kitô đã đưa ra nguyên tắc đầu tiên cho trời đất và do bởi năng quyền thiêng liêng và Quan phòng Ngài đã tạo lập sự hài hòa giữa mọi sự vật. Riêng về sự cứu rỗi từng cá nhân và xa hơn, sự dẫn lối cho đất nước Đại Hàn trên đường phát triển, Giáo hội là một ngôi sao dẫn đường xác thực.". Như thế, ông đã lý luận rằng Đức tin Công giáo chính là nền tảng cần thiết cho nền văn hóa tinh thần của quốc gia.

"Từ đó, tôi nhận thấy rằng tôi đã tìm thấy trong Giáo Hội những điều tôi đã bỏ bao nhiêu tâm huyết để kiếm tìm trong Khổng giáo, Phật giáo và những tôn giáo khác. Hơn thế nữa, khi tôi cảm nhận được sự liên kết của tôi với Thiên Chúa và sự giải thoát khỏi tội lỗi, tôi được hưởng một hạnh phúc vô cùng ngọt ngào. Niềm hạnh phúc mà chính Sages khi đem Giáo hội tới Đại Hàn cách đó hơn một trăm năm đã cảm nhận: một hạnh phúc vô bờ bến.". Với những lời lẽ như thế, việc ông gia nhập vào Giáo hội Công giáo tất yếu phải xảy ra.

Choi Nam-Sơn cũng lưu tâm đến những ảnh hưởng của Phúc Âm trong Giáo Hội Công giáo và hoàn cảnh đã dẫn đưa Đại Hàn đến việc tiếp nhận đức Tin Công giáo: "Vào thế kỷ thứ Mười Sáu, những nhà Truyền giáo Dòng Tên đến Bắc Kinh thi hành sứ mạng Chúa đã trao cho họ đó là rao truyền Tin Mừng cho mọi dân tộc. Nhưng Đại Hàn, một "vùng cấm địa của Đông Phương" đã không chờ được các nhà Truyền giáo này mà đã tự họ đem Đức tin về cho đất nước. Thật không thể giải thích được cách thế tôn giáo được rao truyền như thế nếu không dựa vào việc Chúa Quan Phòng. Trong thế giới có rất nhiều tôn giáo và trong lịch sử của nhân loại từ thuở khai thiên đến nay có rất nhiều người đã đổi Đức tin của họ từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Một vài tôn giáo vẫn tiếp tục duy trì tính chất duy nhất trong sinh hoạt và cách thế hành đạo. Giáo Hội Công giáo đã cho thấy họ luôn luôn vẫn là một tôn giáo không thay đổi trong cách thế nuôi dưỡng và bảo vệ tinh thần nhân loại bằng một phương thế vững vàng của riêng họ.

Để minh chứng cho ảnh hưởng của Giáo thuyết Công giáo trên nền tư tưởng của nhân loại nói chung và cách riêng trong Giáo hội, nguồn sống Phúc Âm đã đem đến sự cứu rỗi cho từng cá nhân và giúp con người tiến triển trong đời sống, ông viết: "Khi muốn nói về việc phát triển xã hội cho đất nước Đại Hàn. Đầu tiên, nếu chúng ta muốn có một căn bản tinh thần vững chắc làm nền tảng, chúng ta không thể từ chối sự hướng dẫn của Giáo hội Công giáo. Giáo hội không phải chỉ xuất hiện gần đây như một cột-sáng-dẫn-đường nhưng đã từ ngàn xưa được coi như một toà lâu đài xây trên đá tảng vững chắc không thể bị lay chuyển dù phong ba bão táp, điều này đã được chứng minh qua lịch sử của nhân loại qua bao nhiêu biến cố của các thời đại.".

Ông viết thêm: "Và giờ đây, quốc gia Đại Hàn phải được ký thác cho một đấng Bảo Trợ đáng tin cậy, đấng Bảo Trợ ấy không ai khác hơn là Giáo Hội Công giáo".

Cuối cùng để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa, Choi Nam-Sơn đã viết những điều sau đây: "Ngày 7 tháng 11 năm 1955, giã từ một tôn giáo tôi đã theo đuổi gần 60 năm trời để gia nhập vào Giáo Hội Công giáo bằng việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Không phải tôi chỉ tìm sự cứu rỗi cho chính bản thân tôi, nhưng như là một đáp ứng cho ước vọng sâu xa của thế hệ hiện tại trong ước muốn có được một chiều hướng mới phát triển quốc gia, niềm ước muốn mà chính Sages đã chưa hoàn tất cách nay gần hai thế kỷ. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ đóng góp một phần nào trong công cuộc tìm kiếm một chân lý vững vàng cho dân tộc. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân bao la Ngài đã linh ứng cho tôi để tôi viết lên những dòng chữ này.".

Vào khoảng những năm 1777, có những học giả Đại Hàn đã tìm được những sách báo về Tín lý của Giáo hội Công giáo do những nhà truyền giáo Dòng tên tại Trung hoa viết trong những lần họp hằng năm tại Bắc Kinh. Họ họp nhau lại nghiên cứu những sách báo này và kết luận đây là một tôn giáo thật. Người đầu tiên trong nhóm đã được Rửa tội năm 1783 tại Bắc Kinh. Sau đó, những người khác lần lượt đều được Rửa tội. Khi về nước, họ chia sẻ kiến thức của họ về Đức tin cho những người khác. Vì vậy, năm 1794, khi nhà Truyền giáo đầu tiên đến Đại Hàn, Cha James Chu, người Trung hoa, Cha đã thấy có khoảng 4,000 người Công giáo tại đây. Giáo hội Công giáo được rao truyền tại Đại Hàn do những người giáo dân làm Tông đồ cho chính quốc gia họ.


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thông Báo Về Thánh Lễ Tại Dcct, Sàigòn, Vn (8/27/2008)
Ai Vi Phạm Pháp Luật ? (8/27/2008)
Dù Bị Khủng Bố Và Bị Đe Dọa Truy Tố Hình Luật, Giáo Dân Thái Hà Vẫn Tiếp Tục Tới Cầu Nguyện (8/27/2008)
Công An Ra Lệnh ''khởi Tố Vụ Án Hình Sự'' Linh Mục Và Giáo Dân Xứ Thái Hà Cầu Nguyện "gây Rối Trật Tự" (8/27/2008)
Thánh Lễ Tưởng Niệm Cha Vincent R. Capodanno - Vị Linh Mục Tuyên Úy Tại Chiến Trường Việt Nam (8/27/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Thousands Of Catholics In The Streets In Hanoi In Support Of Redemptorists (8/26/2008)
Quyền Lực Tử Thần Sẽ Không Thắng Nổi (8/26/2008)
Được Và Mất (8/26/2008)
Quán Trà Thinh Lặng (8/26/2008)
Luyện Ngục #10 (8/26/2008)
Tin/Bài khác
Đá Tảng Thật – Đá Tảng Dỏm (8/25/2008)
Giàn Mướp (8/25/2008)
Thông Báo Về Www.memaria.org (8/25/2008)
Thái Hà 25/8/2008 (8/25/2008)
Thông Điệp Ngày 25 Tháng 8 Năm 2008 Từ Đức Mẹ Maria Ở Medjugorje, Nam Tư (8/25/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768