TÔI ĐỨNG Ở THÁI HÀ MÀ SUY TƯ
Mai Hạnh
Diễn tiến ở Thái Hà vẫn không thay đổi, những thông tin mới nhất cho thấy cả hai bên không dừng bước. Người dân ở Thái Hà dựa vào đâu để tiếp tục kiên trì đấu tranh ? Phía chính quyền dựa vào đâu để “cương quyết” dẹp bỏ ?
Một lần nữa Vatican sẽ can thiệp để giáo sĩ tại Thái Hà cùng với giáo dân “cuốn cờ” lui bước như cuộc “cuốn cờ” ở Tòa Khâm sứ ?
Không chắc.
Vì đã một lần Vatican tỏ thiện chí, nhưng vấn đề kéo dài không giải quyết, bài “ c…trâu để lâu hóa bùn !” Vatican đã ngộ ra, chắc chắn Vatican đã thấy những giọt nước mắt của người giáo dân Hà Nội khi nghe lời cha của mình “cuốn cờ”. Thấy những giọt nước mắt là thấy được lòng trung tín, thấy được nỗi oan khiên, thấy được lòng hy sinh đại độ.
Chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của phái đoàn Tòa Thánh nói lên điều gì ? Tại sao không như những chuyến đi trước : Hà Nội, Huế và Saigon ? Thăm một số dòng tu, thăm một số chủng viện, cử hành thánh lễ, họp mừng vỗ tay ? Mà lại là Hà Nội, Quảng Trị và Đalat, có phải Tòa Thánh muốn nói với người giáo dân Việt Nam rằng, Tòa Thánh ủng hộ cuộc đấu tranh cho công lý và sự thật ? Tòa Thánh muốn gọi đích danh tên của chuyến đi là “ Tòa Khâm sứ, La Vang và Giáo Hoàng Học viện ? Những cơ sở đã bị cưỡng đoạt trong quá khứ.
Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Chính quyền cho biết : không phải giám mục nào cũng đồng ý với các ông” ( nói với các cha ở Thái Hà ). Cuộc đấu tranh đang diễn ra ở Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt bước vào phòng họp thường kỳ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ( HDGMVN ), chắc chắn vấn đề được đặt lên bàn hội nghị, Đức Tổng Giám Mục bước ra vẫn vẻ mặt bình an và vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, gần đây, ngài còn viết thư an ủi và khích lệ Thái Hà. Phải có sự đồng tâm nhất trí của HĐGMVN, đó là điều chắc chắn.
Có thể có một vị giám mục nào đó trong một phút nao lòng nói vài câu đẩy đưa, có thể có những vị giám mục im lặng không lên tiếng, nhưng như thế không phải là không đồng ý và phản đối cuộc đấu tranh. Hãy trở lại quá khứ một chút, vụ phong thánh cho các anh hùng Tử đạo tại Việt Nam, trừ mấy “cụ quốc doanh” mà ai cũng biết tận tường là đã bán lương tâm, còn lại thì tất cả các giám mục Việt Nam, kể cả các giám mục im lặng, kể cả vị giám mục “một phút nao lòng nói vài câu đẩy đưa”, vị nào cũng lập bàn thờ “Andre Dũng Lạc và các bạn tử đạo tại Việt Nam” khẩn cầu đêm ngày, năm nào cũng “cúng giỗ” thật hoành tráng. Nói các Đấng không bằng lòng, phản đối là mơ ngủ hoặc là một trò chia rẽ rẻ tiền.
Các dòng tu thế nào ? Chắc chắn sẽ ủng hộ, chí ít là ủng hộ bằng lời cầu nguyện, mà các anh chị em ở Thái Hà cần nhất là lời cầu nguyện. Họ ủng hộ vì nhà dòng nào cũng bị áp bức, bị lấy đất, lấy cơ sở một cách trắng trợn, táo tợn hơn là lấy để làm những chuyện đồi bại ( vụ lấy cơ sở làm vũ trường, mại dâm, ma túy, phá thai, … ).
Dòng Chúa Cứu Thế thế nào, Cha Giám Tỉnh đã viết thư cho anh em trong Tỉnh Dòng : “sinh mệnh anh em nhà Hà Nội gắn liền với sinh mệnh của từng anh em”, đã là quá rõ.
Tin vào Chúa và tin vào sức mạnh quyền năng của Chúa, tin vào Mẹ và tin vào tình thương che chở của Mẹ, tin vào sự nghiệp của Hội Thánh không quyền lực nào phá nổi. Người giáo dân và giáo sĩ Thái Hà tiếp tục con đường của mình.
Về phía chính quyền
“Cương quyết” vì bị áp lực từ nhiều phía,
Muốn bảo vệ quyền lực, muốn chứng tỏ mình có quyền. Sẽ bị va chạm tự ái nếu giáo dân có những lời lẽ và hành động thiếu tôn trọng, vì thế cương quyết trở thành “cương quyết” trong ngoặc kép.
Bị áp lực từ những người có chức có quyền, họ đã nuốt hết tài sản và chia ba chia bảy rồi, tiền đã vào túi để chuyển ra nước ngoài rồi, không thể nhả ra được nữa, phải làm cho đến cùng, phải bịt miệng và phải trấn áp bằng bạo lực cho im tiếng. Thế nhưng “ai ăn mà bây giờ mình phải chịu”, chẳng dại gì chạm vào thần thánh, nên cương quyết trở thành “cương quyết”.
Tôn giáo là một ngưỡng riêng của con người, nhiều lần có kẻ dại dột dùng vũ lực súng ống mà triệt phá đập hạ, nghe đâu đã phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình. Có đem vũ khí và mọi thứ của vũ lực bước vào cái ngưỡng mênh mang không hề biết như vậy được không ? Thế là cương quyết thành “cương quyết”.
Vì thế chắc là : Giáo dân vẫn kiên trì như đã vẫn kiên trì, chính quyền sẽ ra thêm nhiều văn bản nữa cũng chẳng đi đến đâu. Vấn đề chỉ giải quyết được khi chỉ ra và có biện pháp với bọn người tham nhũng cướp của giữa ban ngày mà thôi.
26/8/2008
|