NIỀM TIN VÀO CON THIÊN CHÚA (CN 21TN – Mt 16, 13-20)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, qua câu hỏi thứ nhất của Chúa Giêsu: “Người ta nói Con Người là ai?” và qua câu hỏi thứ hai: “Cón anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, tôi cảm nhận được điều quan trọng cần thiết ở đây là Chúa Giêsu ám chỉ có hai cách nhận ra Người rất khác nhau.
Nhiều người có lẽ đã nhìn thấy Người làm phép lạ phi thường hay nghe được lời giảng dậy đầy uy quyền, hoặc được Người cho ăn no nê, thì thường cho rằng Người là một vĩ nhân nào đó trong lịch sử tôn giáo như Gioan Tẩy Giả, như Êlia, như Gêrêmia hay một tiên tri nào khác.
Ngày nay vẫn có nhiều ngừơi nghe người khác mách bảo, hoặc rủ rê đi tìm dấu lạ bên ngoài ở đâu đó, hoặc tham dự những buổi sinh họat có bầu khí vui nhộn, lôi cuốn lạ mắt lạ tai hơn những lễ nghi phụng vụ, thường thì cũng chỉ được một vài ba buổi rồi thì lại đâu vào đó, cũng vẫn sống như những gì họ đã từng sống. Lại có những vị đồng hóa đạo Chúa cũng giống như các đạo khác dậy ăn ngay ở lành chứ nào có khác chi!
Quả thật những ngừơi này là những người chỉ biết Thiên Chúa qua người khác, qua đồn thổi và qua hiếu kỳ!
Còn các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu rất khác xa họ. Các ngài đã bỏ mọi sự mà theo, mà lắng nghe Người giảng dậy, mà sống gần gũi thân thương với Người và vâng làm theo lệnh truyền của Người nữa. Nhất là các ngài đã học được ở Người sự gắn bó mật thiết với Cha Người. Đây cũng là đặc điểm mà thánh Luca đã khắc ghi: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người.” (Lc 9, 18) Chính qua đời sống cầu nguyện gặp gỡ như Chúa Giêsu đã chỉ dậy, như các ngài đã học được ở mẫu gương của Người mà Chúa Giêsu đã khẳng định với thánh Phêrô:
“Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là ngưới có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17)
Chính nhờ thế, nhờ tình thương của Chúa Cha qua cầu nguyện, mà các môn đệ bước ra khỏi khuôn mẫu thường tình và khám phá ra đặc tính duy nhất và có một không hai của khuôn mặt kia: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16) Cũng chính nhờ lời tuyên tín tận sâu trong tâm hồn của thánh Phêrô mà Chúa Giêsu đã giao cho ngài một trọng trách đặc biệt là xây dựng Hội Thánh của Người.
Hơn nữa, khi so sanh ba Tin Mừng Nhất Lãm, tôi cũng cảm nghiệm được sự lớn lên từ từ của lời tuyên tín, và thấy được đức tin cắm rễ theo tiến trình từ kinh nghiệm của các môn đệ.
Thọat tiên, trong Marcô: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8, 19), rồi trong Luca: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20), và sau cùng trong Matthêu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16) Như vậy, hành trình đức tin của các môn đệ đi từ cảm nghiệm Đức Giêsu không chỉ là một người được xức dầu như vị mà dân Do Thái đang trông chờ. Nhưng trong Người, một đàng, người ta trông chờ một Đavít mới, một Môsê mới, là vị vua tối cao, vị ra luật mới. Đàng khác, người ta trông đợi chính Thiên Chúa sẽ hành động và đưa tay ra nắm lấy vận mệnh của thế giới. Hai nổi chờ mong trên đã nhập vào nhau trong Đức Kitô. Người là một con người, nhưng chính Thiên Chúa đã bước vào trong Con Người đó.
Như vậy, đức tin không phải là thứ thần dược hóa phép. Nhưng là chìa khóa để tôi có thể tự học, để tôi tự tìm hiểu mình và tự hỏi mình là ai. Để rồi, một khi đã nhận ra mình là ai, thì lúc đó tôi mới hiểu được đức tin và cảm thấy cần gặp gỡ với Chúa Giêsu như các môn đệ đã sống và đã được ở với Người. Chính cuộc gặp gỡ này đòi hỏi kiên trì lắng nghe và nhất là chuyên cần cầu nguyện, tôi mới được Thiên Chúa chúc phúc ban ơn.
Nhờ sống và gặp gỡ Đức Kitô bằng tận sâu trong tâm hồn và trái tim làm nền tảng cho dời sống đức tin vững chắc, mà sau này thánh Phêrô tiếp tục xây dựng Hội Thánh bằng những lời xác tín qua trải nghiệm thâm sâu của mình. Ngài truyền lại kinh nghiệm gặp gỡ ấy cho hậu thế:
“Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha. Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành.” (1Pr 2, 1-3)
Không chỉ lắng nghe “Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời” xuông thôi, mà ngài còn tha thiết diễn giải như thế nào để xứng đáng với danh xưng “Con là Đá”:
“Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Kitô.” (1Pr 2, 4-5)
Ngoài ra, thánh Phaolô, Tông Đồ Dân Ngoại dù không tuyên xưng đức tin trước mặt Thầy Giêsu như thánh Phêrô, nhưng đã sống tận sâu trong tâm hồn của mình và ngài đã bộc bạch niềm tin tuyệt diệu ấy rằng:
“Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là ĐứcKitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Lạy Con Thiên Chúa hằng sống, Nhìn lại mình, quả thật con mới chỉ là người chập chững bước theo Chúa do người khác mách bào cho con thôi, chứ con chưa thực sự để cho Chúa dùng con như những viên đá sống động; bởi con chưa từ bỏ những hèn kém trong con, như xảo trá, giả hình, ghen tuông cùng lời nói xấu gièm pha. Xin Chúa thứ lỗi cho con và xin tăng cường niềm tin của con để con có thể thưa với Chúa như thánh Phaolô rằng: “Hiện nay con sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến con và hiến mạng vì con.” Amen.
Chúa Nhật 21TN, 24/08/2008 Phêrô Vũ văn Quí CVK64 Email: peterquivu@gmail.com
|