PHẦN THƯỞNG CỦA MỘT LỜI HỨA
Trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại cách đây chừng vài năm, chúng ta được nghe câu chuyện của một phụ nữ Việt Nam, bà là tín đồ của giáo phái Chứng Nhân Giêhôva, và khi bị bệnh cần phải giải phẫu, cần được tiếp máu thì bà đã từ chối vì giáo phái của bà tin tưởng rằng Đức Giêhôva, tức Thiên Chúa của họ, cấm con người không được tiếp máu; và dĩ nhiên, bà đã bị thiệt mạng. (*)
Hầu hết các giáo hội Tin Lành chỉ tin vào Kinh Thánh, và có những giáo phái hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, có nghĩa là trong Kinh Thánh viết thế nào thì tin đúng như vậy, dù Kinh Thánh được sáng tác cách đây ba bốn ngàn năm, được viết cho dân chúng đa số là những người mù chữ, không có một chút hiểu biết về khoa học.
Giáo Hội Công Giáo khác các giáo hội Tin Lành ở điểm, ngoài Kinh Thánh, chúng ta còn có các truyền thống, là những điều tin tưởng được lưu truyền trong Giáo Hội từ sau khi Chúa Giêsu lên trời cho đến nay. Thí dụ, trong Kinh Thánh không cho biết cha mẹ của Đức Maria là ai, nhưng truyền thống tin rằng đó là ông Gioakim và bà Anna. Và biến cố Đức Mẹ Lên Trời mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng nằm trong truyền thống của người Công Giáo. Trong bốn cuốn Phúc Âm cũng như trong sách Tông Đồ Công Vụ không nói gì đến cuộc đời của Đức Maria sau khi Chúa Giêsu về trời. Nhưng các tín hữu thời bấy giờ tin rằng Đức Maria đã được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn lẫn xác. Tại sao họ lại tin như vậy? Vì lý do thực tế là người ta không tìm thấy xác của Đức Maria đâu cả.
Nên biết là người Do Thái không có tục thiêu xác. Mà nếu Đức Maria được chôn cất thì chắc chắn ngày nay chúng ta đã có được các di tích hài cốt của người, vì hai lý do dễ hiểu sau đây: Thứ nhất, Đức Maria từ trần sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, đã lên trời một cách vinh hiển, nên chắc chắn rằng người thời bấy giờ phải biết đến Đức Maria, là Mẹ của Chúa Giêsu. Và nếu tôn thờ Chúa Giêsu thì không thể nào quên được Đức Maria. Lý do thứ hai: ngay cả Đức Phật Thích Ca từ trần cách đây gần 5,000 năm mà các tín đồ vẫn còn di tích của Đức Phật, trong khi Đức Maria từ trần cách đây chừng 2,000 năm, không lẽ những người theo Đức Kitô lại coi thường các di tích hài cốt của Đức Maria đến độ quên lãng nếu quả thật xác của người vẫn còn trong lòng đất?
Từ dữ kiện thực tế là không tìm thấy xác của Đức Maria, người ta đi đến kết luận: Thiên Chúa đã đưa Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Tại sao Thiên Chúa lại làm như vậy? Các giáo phụ đã suy nghĩ dựa trên Phúc Âm để đưa ra ba yếu tố sau đây:
Yếu tố I. Trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Maria là người cộng tác mật thiết đầu tiên và trung thành nhất. Sau biến cố Truyền Tin, Đức Maria đã tin theo lời của thiên sứ và nhắm mắt bước theo con đường của Thiên Chúa, dù không biết tương lai ra sao, việc cứu độ xảy ra như thế nào.
Yếu tố II là hậu quả của yếu tố I. Vì được cộng tác mật thiết trong công trình cứu độ nên Đức Maria được gìn giữ khỏi bị tội nguyên tổ. Không thể nào một Đấng Tinh Tuyền như Ngôi Hai Thiên Chúa lại bị hoen ố khi sinh ra trong lòng một con người còn vết tích của tội. Do đó, Đức Maria phải được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Tội tổ tông khiến ông Adong và bà Evà bị đuổi ra khỏi địa đàng, không được sống hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa, và từ đó loài người phải vất vả làm việc, phải đau khổ vì đói khát, bệnh tật và nhất là đau khổ vì sự chết. Tội tổ tông đưa đến cái chết, nhưng Đức Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội nên người không bị ảnh hưởng bởi hậu quả của tội tổ tông là sự chết.
Yếu tố III. Chúa Giêsu trước khi chết trên thập giá, đã trao Mẹ của mình cho ông Gioan chăm sóc, và Chúa nói: "Đây là mẹ của con." Dựa vào lời này, các giáo phụ coi Đức Maria là một Evà mới của một dân tộc mới của Thiên Chúa. Evà có nghĩa "mẹ của chúng sinh". Đức Maria là Mẹ của tất cả những người theo Đức Kitô, và chúng ta vừa nghe Thánh Phaolô viết trong bài đọc II, "... Mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống." Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu, là người liên đới mật thiết với Đức Kitô hơn ai hết, lẽ nào Đức Kitô lại để cho chính mẹ của mình phải chịu thua cái chết?
Qua ba yếu tố vừa kể, có thể nói Đức Maria là người đầu tiên được Thiên Chúa thưởng ban cho ơn cứu độ, vì Mẹ Maria đã sống trọn vẹn phẩm giá đích thực của một con người, đã trung thành với lời xin vâng của Mẹ và đã tuyệt đối tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
Từ biến cố Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và ba yếu tố vừa kể, chúng ta rút ra được bài học gì?
Yếu tố I: được mời cộng tác trong chương trình cứu độ. Thiên Chúa chọn Đức Maria là người đưa Chúa Giêsu vào đời, nhưng Thiên Chúa không ép buộc. Người đã sai sứ thần Gabrien đến hỏi ý kiến Đức Maria trước đã, và Đức Maria đã nhận lời.
Chúng ta cũng vậy, Thiên Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta cộng tác trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và Người cũng hỏi ý kiến chúng ta--tuy không qua một sứ thần, hay một biến cố nào siêu nhiên--nhưng qua Phúc Âm, qua lời mời của Chúa Giêsu, qua lời giảng dậy của Giáo Hội, qua đời sống gương mẫu của các thánh. Và chúng ta đã đáp lại lời mời này như thế nào?
Yếu tố II: được sạch tội tổ tông. Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ơn cao cả của Thiên Chúa ban cho Đức Maria. Và Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta ơn được sạch tội tổ tông qua bí tích rửa tội, và chúng ta còn được tha thứ các tội lỗi khác qua bí tích hòa giải. Chúng ta có ý thức được sự cao trọng khi được làm con cái Thiên Chúa hay không? Chúng ta có thường xuyên kiểm điểm lại lối sống của mình và thường xuyên đi xưng tội hay không?
Yếu tố III: được thuộc về một dân tộc mới. Sau khi rửa tội chúng ta cũng thuộc về một dân tộc mới của Chúa Kitô, và Đức Maria, là Mẹ của chúng ta. Evà cũ đã nghe lời xúi giục của ma quỷ để muốn trở nên ngang hàng với Thiên Chúa trong khi Đức Maria, Evà mới, đã vâng phục Thiên Chúa cho đến cùng.
Sống trong xã hội tân tiến ngày nay, chúng ta cũng bị cám dỗ bởi đời sống quá tiện nghi, quá khoa học đến độ chúng ta tin rằng loài người có thể làm chủ định mệnh của mình, có thể vượt qua quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng sự tiện nghi chỉ làm suy yếu thêm thân xác của chúng ta, sự tiến bộ của khoa học chỉ làm đức tin của chúng ta thêm lung lay, và rồi khi đối diện với sự chết, đối diện với sự thật của cuộc đời, đôi khi đã quá muộn để chúng ta thay đổi.
Đức Maria là Mẹ của chúng ta, đó là một sự sung sướng và vinh dự. Sung sướng vì người Mẹ của chúng ta đang ở trên trời để cầu bầu cho chúng ta; và vinh dự vì Mẹ chúng ta từng là một con người, từng sinh sống trên cõi đời này, từng chịu đau khổ nhưng không bị quật ngã, và Mẹ của chúng ta đã chiến thắng được bản tính yếu đuối của loài người, đã chiến thắng được tội lỗi để bây giờ được phần thưởng cao trọng nhất là được ở trên thiên đàng cả hồn lẫn xác để chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Mẹ Maria đã đi trước chúng ta để cho thấy lời hứa của Thiên Chúa đã được thể hiện. Thiên Chúa đã cứu độ loài người, đã đem loài người trở về với thiên đàng năm xưa. Và Đức Maria là con người đầu tiên được hưởng kết quả của ơn cứu độ mà vào ngày tận thế, những ai trung thành với Thiên Chúa cũng sẽ được hưởng vinh quang ấy, đó là được sống lại cả hồn và xác như Đức Maria.
Pt Giuse Trần Văn Nhật
(*) Giáo phái Chứng Nhân Giêhôva cấm các tín đồ không được tiếp máu là vì giáo chủ của họ, ông Charles Taze Russell (1852-1916), đã giải thích Kinh Thánh một cách sai lầm. Trong sách Lêvi đoạn 7 câu 26 viết "Ngươi không được ăn máu bất cứ giống gì, dù là chim muông hay thú vật... Bất cứ ai ăn máu một giống nào, người đó sẽ bị loại ra khỏi dân tộc"; rồi đoạn 17 câu 14 sách Lêvi viết: "Vì sự sống của bất cứ tạo vật nào là máu của nó; bởi thế Ta nói với dân Israel, ngươi không được ăn máu bất cứ tạo vật nào, vì sự sống của tạo vật ấy là máu của nó; bất cứ ai ăn máu sẽ bị loại trừ". Sách Lêvi chỉ nói đến việc ăn máu chứ không phải tiếp máu, nhưng ông giáo chủ giải thích sai nên các tín đồ cũng nhắm mắt đi theo.
|