Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông người ra đi và Niềm An Ủi cho cho người còn lại
VietCatholic News (Thứ Ba 12/08/2008 00:26)
Mấy hôm nay tôi cứ bàng hoàng về sự ra đi bất ngờ của những anh chị em tôi trong tai nạn trên đường từ Houston đi Missouri tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vừa qua. Có nhiều người hỏi tôi là tại sao Thiên Chúa lại định cho những người con ngoan của Mẹ phải chết thảm thiết như thế. Xin thưa rằng Thiên Chúa không là tác giả của sự dữ vì Ngài “vô cùng tốt lành và mọi sự Ngài làm đều tốt lành” (x. GLCG 385). Sự chết là hậu quả của tội lỗi. Trước hết là tội Ađam, rồi đến tội riêng của mỗi người chúng ta.
Trong tai nạn này, chúng ta còn có thể qui tội cách chung cho một nền văn hóa vật chất, đặt tư lợi trên cả mạng sống con người, mà đôi khi chính chúng ta cũng là đồng lõa, và cách riêng cho sự bất cẩn của hãng cho thuê xe. Vì tham lam họ đã cho thuê một chiếc xe không được phép chạy xuyên bang mà họ biết rằng thiếu an toàn. Không những thế, họ còn dùng một bánh xe đắp vỏ chứ không phải là bánh xe mới ở phía trước, nơi tay lái, nên tai nạn mới thảm khốc như thế.
Tuy nhiên đối với những người tin tưởng vào Thiên Chúa thì Ngài có thể biến sự dữ thành sự lành để “sinh lợi cho những ai yêu mến Ngài” (Rom 8:34). Với những người không có niềm tin thì cái chết là điều đáng kinh sợ. Còn đối với những ai tin yêu Chúa thì chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Chết là được biến đổi trong Đức Kitô, vì chết là được tham dự vào cái chết của Người để được cùng sống lại với Người. Chúng ta vững tin và hy vọng chắc chắn rằng sau khi chết người công chính sẽ sống mãi với Ðức Kitô Phục Sinh và Người sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Sự sống lại này là công trình của Ba Ngôi, và là niềm tin cốt yếu của đức tin Kitô giáo. (x. GLCG 988-991).
Đức Mẹ cũng đã lià bỏ cuộc đời dương thế trong sự luyến tiếc của các Thánh Tông Đồ, và đang được hưởng phúc trường sinh với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Việc Mẹ được Lên Trời cả Hồn Lẫn Xác là dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng cho những ai chết trong ân sủng Chúa và là niềm an ủi cho chúng ta, là những người còn đang lữ hành nơi dương thế. Nếu chúng ta tiếp tục sống trong ơn nghĩa Chúa thì chắc chắn chúng ta sẽ được cùng sống với Chúa, với Mẹ và với những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta trong cuộc sống mai sau.
I. Sự sống lại của Ðức Kitô và của chúng ta
Việc kẻ chết sống lại được Thiên Chúa mặc khải từng bước trong các sách Maccabê 2, Ðaniel và Khôn Ngoan. Những người Pharisiêu và nhiều người đương thời với Chúa Giêsu cũng tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã giảng dạy rõ ràng về việc kẻ chết sống lại khi tranh luận với phái Xa Ðốc. Người còn liên kết đức tin về sự phục sinh với bản thân của Người: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11:25). Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các tín hữu đã liên kết đức tin vào Người cùng sự sống lại của chúng ta lại với sự sống đời đời (x. GLCG 992-996).
Cách sống lại. Khi chết, hồn lìa xác, thân xác bị hư nát và linh hồn đến gặp Thiên Chúa trong tình trạng chờ được tái hợp với thân xác. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh (x. GLCG 997-1001).
Sống lại với Đức Kitô. Nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Kitô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô ngay từ đời này. Ðược kết hợp với Ðức Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Kitô Phục Sinh, nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Kitô trong Thiên Chúa". Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang". Thiên Chúa đã làm cho Ðức Kitô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại (x. GLCG 1002-1004).
II. Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Trong tất cả các Kitô hữu, Đức Mẹ là Kitô hữu đầu tiên. Mẹ là người thông phần trọn vẹn vào cái chết của Đức Kitô, như ông Simêon đã nói với Mẹ khi dâng Đức Chúa Giêsu trong Đền Thánh, “Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu lòng bà, để những tư tưởng thầm kín của nhiều tâm hồn được tỏ lộ” (Lc 2:35). Lời tiên tri này đã được thể hiện khi Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá thông phần đau khổ và cái chết của Con Mẹ để chuộc tội cho nhân loại (x. Ga 19:25-27). Hội Thánh dạy rằng sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, Mẹ được Chúa đưa cả hồn lẫn xác lên hưởng vinh quang trên trời, nơi Mẹ dự phần vào vinh quang Phục Sinh của Con Mẹ, thể hiện trước sự Phục Sinh của tất cả các chi thể của Nhiệm Thể Người (x. GLCG 966).
Vì thế, ngay từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Mẹ được Chúa đưa về Trời cả Hồn lẫn Xác sau khi mãn phần. Người Công giáo, Chính Thống giáo, và ngay cả các ông tổ Tin Lành đều tin tín điều này vì tất cả đều tin rằng Mẹ được Thiên Chúa giữ gìn khỏi mọi tội lỗi từ khi thụ thai, kể cả tội Tổ Tông. Chính Lutherô đã viết: “Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Ðức Trinh Nữ Maria đầy Thánh Thần, cho nên Mẹ không có tội lỗi gì cả.” ( Luther's Works, 52, 39). Vì cái chết và xác phàm bị tan rữa là hậu quả của tội lỗi (x. Rom 5:12; TV 16:10; STK 3:19), mà Mẹ không vướng mắc một tội lỗi nào, nên thân xác được Mẹ Lên Trời thay vì bị hư nát dưới quyền lực sự chết. Mẹ được chia sẻ với Con Mẹ ơn chiến thắng tội lỗi, sự chết, và ma quỷ (Dt 2:14-15), như Thiên Chúa đã nói trước trong sách Sáng Thế Ký (x. STK 3:15).
Vậy Mẹ chính là “hoa quả đầu mùa” của Công Trình Cứu Độ của Ðức Kitô, là Ðấng chung cuộc sẽ chiến thắng sự chết và làm cho các thánh có một thân xác vinh hiển và không hay chết. Ân huệ Hồn Xác lên Trời được áp dụng trước cho Ðức Mẹ thật là hợp lý vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa - đồng thời cũng để “biểu tượng” cho thế giới được cứu độ sẽ đến.
Cựu Ước đề cập đến những biến cố tiền trưng cho Mông Triệu như truyện ông Enoch (STK 5:24; DT 11:5) và ngôn sứ Elijah (2CV 2:11) được rước lên Trời, và Tân Ước nói đến các người lành sống lại sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (Mt 27:52-3).
Phần lớn người Tin Lành không tin việc Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời vì họ không thấy được kể lại trong Thánh Kinh. Thật là phi lý và không chấp nhận được khi quả quyết rằng một sự kiện không xảy ra vì không được kể lại trong Thánh Kinh. Ðiều này cũng điên rồ như nói rằng Chúa Giêsu không làm một phép lạ nào khác ngoài những phép lạ tìm thấy trong Thánh Kinh (Xem Ga 20:30, 21:25).
Tài liệu sớm nhất nói đến việc Mẹ Lên Trời cả Hồn lẫn Xác là De Obito S. Dominae, được viết vào thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Ở Ðông Phương, các thánh Andrê đảo Crete, thánh Gioan Damescene, thánh Modestô thành Giêrusalem, và nhiều thánh khác đều nhắc đến việc Mẹ Lên Trời (x. Jarroslaw Pelican, Mary Through the Centuries, History Bookclub, NY, 1996, Chương 15 và Kevin O. Johnson, Rosary, Pangaeus Press, Dallas, TX, 1996, pp 338-351).
Bằng chứng hùng hồn nhất của việc Mẹ Lên Trời là “Ngôi Mộ Trống”. Năm 451, tại Công đồng Chalcedon, khi Hoàng đế Marcianô muốn làm chủ di hài của Mẹ thì thánh Giuvenal, Giám Mục Giêrusalem, thưa với ông rằng: “Ðức Mẹ tạ thế trước sự hiện diện của các thánh Tông Ðồ, trừ thánh Tôma. Khi thánh Tôma yêu cầu mở mộ Mẹ thì chỉ có ngôi mộ trống; từ đó, các thánh Tông Ðồ kết luận rằng xác Mẹ đã được đưa lên Trời” (x. Kevin O. Johnson, Rosary, p. 350).
Lễ Ðức Mẹ Lên Trời được cử hành tại Palestine trước năm 500. Khoảng năm 700, lễ này là một trong những lễ chính tại Rôma, và cũng là Lễ Buộc. Nhưng mãi đến ngày 1 thánh 11, năm 1950, ÐTC Piô XII mới công bố Tín Ðiều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Nếu việc Ðức Mẹ Lên Trời không quá sức khác biệt với những gì xảy ra trong Thánh Kinh, và những quan điểm thần học liên hệ được tìm thấy cách gián tiếp từ Thánh Kinh, cùng được minh xác bởi sự chứng nhận của Truyền Thống Kitô Giáo thời sơ khai, thì tin vào điều này không có gì gọi là “thờ thần tượng” hay “thiếu căn bản Thánh Kinh”.
III. Cái Chết trong Ðức Kitô của các Kitô hữu
Muốn được phục sinh với Ðức Kitô, chúng ta phải cùng chết với Người. Chết là hồn lìa khỏi xác. Hồn sẽ hợp lại với xác trong ngày kẻ chết sống lại (x. GLCG 1005).
Chết. Là người ai cũng phải chết. Chết là chấm dứt cuộc đời dương thế, nhưng không phải là hết. Đức tin cho chúng ta biết rằng chết là "tiền công của tội lỗi". Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Ðối với những người chết trong ân sủng Ðức Kitô, chết là được biến đổi trong Đức Kitô, vì chết là tham dự vào cái chết của Người để được cùng sống lại với Người. Nhờ vâng phục, Ðức Kitô đã biến đổi cái chết thành lời chúc lành cho chúng ta (x. GLCG 1006-1009).
Cái chết của Kitô hữu mang một ý nghĩa tích cực nhờ Ðức Kitô. Qua bí tích Thánh Tẩy, các Kitô hữu đã cùng chết với Người cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa cho ta sống ở thế gian để làm theo ý Chúa và quyết định số phận đời đời của mình. Qua cái chết, Thiên Chúa gọi ta về với Ngài. Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị cho giờ chết như chúng ta phải chết ngay hôm nay. Chúng ta xin Ðức Mẹ bầu cử cho chúng ta trong giờ chết, và phó mình trong tay Thánh Giuse, quan thày của những người chết lành (x. GLCG 1010-1019).
IV. Thiên Chúa đang biến Sự Dữ thành Sự Lành
Tuy nhiên thật là đau lòng trước những cái chết và thương tích thảm thiết như thế đã xảy ra, nhưng Thiên Chúa nhân từ đang biến sự dữ kinh hoàng này thành sự tốt lành cho những ai tin cậy vào Ngài, và cho nhiều người khác. Ở đây tôi xin đan cử bốn điều lành mà Thiên Chúa đang làm trong những ngày qua từ tai nạn thảm khốc này.
Cho chính những người ra đi. Chắc chắn rằng khi sửa soạn đi dự Đại Hội Thánh Mẫu, những người này đã sửa soạn tâm hồn để đến với Mẹ, cho nên chúng ta có thể tin rằng họ đã ra đi trong ân nghĩa Chúa. Thêm vào đó, nếu chỉ là cái chết thông thường thì có lẽ không có mấy người cầu nguyện cho họ. Nhưng với tai nạn này, họ được không biết bao người cầu nguyện cho. Không những chỉ trong các giáo xứ Việt Nam, mà còn cả các giáo xứ Mỹ. Không những chỉ ở Hoa Kỳ mà còn khắp nơi trên thế giới.
Cho gia đình của các nạn nhân. Lời cầu nguyện và sự chăm lo cho các gia đình nạn nhân đến từ Đức Hồng Y cho đến các anh em bạn hữu khắp nơi và sự giúp đở của các đoàn thể, cũng là một niềm an ủi lớn lao cho các gia đình nạn nhân, không những chỉ về mặt tinh thần mà cả vật chất nữa.
Cho các tín hữu khác. Tai nạn này là lời nhắc nhở cho chúng ta rằng không ai biết giờ nào mình chết để luôn sẵn sàng. Nó thúc đẩy nhiều người trong chúng ta tự vấn và điều chỉnh lại cách sống của mình.
Cho việc Truyền Giáo. Phản ứng của các tín hữu khắp nơi về tai nạn này nói lên một cách hùng hồn Đức Tin, tình đoàn kết và yêu thương nhau của các phần tử trong Hội Thánh. Qua tai nạn này, Đức Tin, tình đoàn kết và yêu thương ấy làm cho toàn thế giới biết rằng Hội Thánh Công Giáo là một gia đình của con cái Thiên Chúa. Chắc chắn Ngài sẽ nhân tai nạn này mà đưa nhiều người đến cùng Đức Kitô.
V. Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông vững vàng cho những người đã ra đi và Niềm An Ủi cho những người còn ở lại
Chỉ còn mấy ngày nữa là đế Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Công Đồng Vaticanô II trong Chương 8, Mục V, tựa đề, “Ðức Maria, Dấu Chỉ Lòng Cậy Trông Vững Vàng Và Niềm An Ủi Cho Dân Chúa Ðang Lữ Hành”, đã viết rằng:
"Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển Hồn Xác Lên Trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2Phr 3:10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành" (Lumen Gentium, 68).
Chúng ta có thể mượn lời của Công Đồng mà nói rằng, Mẹ Lên Trời, dấu chỉ Lòng Cậy Trông vững vàng cho những người đã ra đi và Niềm An Ủi cho những người còn ở lại. Đồng thời chúng ta có thể tin cách chắc rằng hiện giờ ở trên Trời Mẹ đang mở rộng đôi tay đón chào những chiến binh trong Đạo Binh của Mẹ trở về sau một cuộc chiến đấu can trường nơi trần thế. Và tin tưởng rằng Mẹ sẽ luôn ở bên những người thân yêu của họ còn đang lữ hành nơi dương thế để nâng đỡ ủi an như Mẹ hiền nâng niu những người con thảo của Mẹ.
Ôi lạy Mẹ, là Nữ Vương Trời Đất. Chúng con xin phó thác linh hồn anh chị em chúng con trong tay Mẹ. Xin thương đón nhận họ về Quê Trời với Mẹ. Họ đã chiến đấu nơi trần gian dưới là cờ của Mẹ và họ đã ra đi trên đường đến nơi tôn vinh Mẹ. Giờ đây xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho họ và chóng đưa họ về với Mẹ để họ được sống mãi bên Mẹ Muôn đời. Xin Mẹ an ủi những người con đau khổ của Mẹ còn nơi dương thế, những người đang bị thương tích và những người đã mất người thân. Xin giúp họ biết hợp cùng Mẹ dâng những đau khổ này lên Thiên Chúa như xưa Mẹ đã làm dưới chân Thánh Giá, để liên kết các đau khổ họ đang chịu cùng cái chết của những người thân yêu họ với đau khổ của Mẹ và cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá tạo thành một của lễ thơm tho đẹp lòng Chúa Cha, và cầu nguyện cho thế giới đang bị đe dọa bởi nền văn hóa sự chết. Amen.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
|