Sùng kính Đức Mẹ Maria VietCatholic News (Chúa Nhật 10/08/2008 16:17) SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ MARIA
Lễ Mông Triệu là dịp tốt, để chúng ta chứng tỏ lòng mến yêu đối với Đức Mẹ Maria. Lòng mến yêu của chúng ta sẽ được thực hiện nhiều cách, như tăng cường việc dọn bàn thờ Đức Mẹ sao cho xinh đẹp, nhất là tăng cường việc dọn tâm hồn ta sao cho trong sáng.
Với mục đích dọn tâm hồn, chúng ta sẽ để ý đến vài điểm quan trọng trong việc sùng kính Đức Mẹ. Điều căn bản hết sức quan trọng là thực thi thánh ý Chúa
Suốt cuộc đời Đức Mẹ là lời "Xin vâng" (Lc 1,38). Vâng phục ý Chúa, thực thi ý Chúa, trong mọi lúc, ở khắp nơi, với bất cứ hoàn cảnh nào. "Xin vâng" là nền toà nhà đạo đức của Đức Mẹ. "Xin vâng" cũng chính là lương thực nuôi dưỡng Chúa Cứu thế suốt đời tại thế (x. Ga 4,34). Khi đi vào cụ thể, thì thực thi thánh ý Chúa nên đặt nặng mấy điểm sau đây.
1/ Sống liên hệ mến tin đối với Chúa một cách rất khiêm nhường
Chúng ta nhớ lại cách Đức Mẹ giãi bày mối liên hệ của mình đối với Chúa trong kinh "Ngợi khen".
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần trí tôi hớn hở vui mừng. Vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới" (Lc 1,46-48).
Đức Mẹ xác tín Chúa thương mình. Chúa thương, không phải vì mình có gì đáng Chúa thương, nhưng chỉ vì Chúa "đoái thương nhìn tới".
Tính cách đoái thương mà Đức Mẹ nói đó, sau này đã được thánh Gioan tông đồ diễn tả lại như sau: "Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,10).
Tình yêu của Chúa là tình yêu cứu độ, cứu độ bằng hy sinh mạng sống. Tình yêu quý giá ấy là tình yêu Chúa ban cho ta nhưng không. Ý thức điều đó sẽ giúp chúng ta khiêm nhường. Việc khiêm nhường đầu tiên nên thực hiện là hãy khiêm tốn cảm tạ ngợi khen Chúa. Tâm tình ngợi khen đó sẽ mãi mãi nhìn vào lòng xót thương Chúa.
Đối với những người con Đức Mẹ, tâm tình ngợi khen tình yêu xót thương Chúa phải là sinh hoạt thường xuyên. Nó ví như hơi thở. Nó giữ vai trò ưu tiên trong đời sống cầu nguyện.
Nói thế thì dễ. Nhưng thực tế không luôn dễ. Có vô số cơn cám dỗ luôn tìm cách khuấy động tinh thần cầu nguyện của ta. Vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Hãy cầu nguyện và tỉnh thức" (Mc 14,38). Nghĩa là phải ý tứ đừng lười biếng trong việc cầu nguyện, và trong việc cầu nguyện phải ý tứ đừng để cho ý xấu xen vào.
Chúa Giêsu đã vạch trần những thứ cầu nguyện không phải là ca tụng Chúa mà là xúc phạm Chúa. Như trường hợp những người Pharisêu cầu nguyện. Cũng nên nhớ trường hợp những người thành Xơđôm và Gômôra dâng lễ cầu nguyện, mà Chúa ghê tởm. "Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho ta. Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn. Các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe" (Is 1,14-15).
Lý do Chúa ghê tởm những người dâng lễ cầu nguyện đó là vì lòng họ chứa đầy tội ác, nhất là tội ác phạm đến tha nhân. Do đó, sống thực thi ý Chúa là sống liên hệ với tha nhân một cách yêu thương khiêm nhường.
2/ Sống liên hệ với tha nhân trong tình yêu thương khiêm tốn
Đức Mẹ đã nêu gương cách sống liên hệ đó trong tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-12). Đức Mẹ can thiệp, để Chúa Giêsu cứu danh dự chủ nhà. Can thiệp đó thiết tưởng không thuộc về phần rỗi linh hồn. Nhưng Đức Mẹ đã làm. Người làm việc đó một cách khiêm nhường. Đó là một cách sống liên hệ rất cao quý. Hơn là nhân đạo. Hơn là bổn phận bác ái.
Khi coi gương Đức Mẹ đã làm, tôi mới thấy yêu thương tha nhân cần mở ra một chân trời bao la, như Chúa dạy. Thí dụ "đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán (Mt 7,1). Phục vụ người đau khổ được kể là phục vụ chính Chúa. Không phục vụ họ bị Chúa kể là không phục vụ chính Chúa (Mt 25,31-46).
Kinh 14 mối thương xót gồm thương xác 7 mối và thương linh hồn 7 mối, nay còn đọc, nhưng xem ra chẳng còn mấy giá trị hướng dẫn cuộc sống đạo đức thường ngày.
Cũng thế, điều răn mới Chúa Giêsu truyền lại, nay xem ra cũng chỉ để nhắc nhở. "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 14,34-35).
Giáo lý về yêu thương tha nhân rất rộng, rất rõ. Nhưng thực thi giáo lý đó đến nơi đến chốn xem ra vẫn còn là một ước mơ. Vì thế, trong cầu nguyện ta cần tỉnh thức, và trong liên đới với tha nhân ta cũng cần tỉnh thức.
Nếu không, kết quả sẽ thế này: Liên đới với Chúa sẽ không làm chứng cho Chúa. Liên đới với tha nhân cũng sẽ không làm chứng cho đạo Chúa và Hội thánh Chúa. Cứ đà đó, người ta sẽ sống đạo một cách vong thân. Đến mức trầm trọng lúc nào mà không hay biết.
Biết lo điều đó sẽ là điều tốt. Để giải quyết nỗi lo chính đáng ấy, chúng ta nên nhớ lại một lời Đức Mẹ đã nói với những gia nhân tiệc cưới Cana: "Người bảo gì, các anh hãy cứ làm theo" (Ga 2,5). Nghĩa là Đức Mẹ dạy ta hãy tập trung vào Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa đã nói: "Chính Thầy là đường, là sự thực và là sự sống" (Ga 14,6).
Sùng kính Đức Mẹ đòi hỏi như vậy.
Rất mong, các lễ kính Đức Mẹ sẽ là những dịp chúng ta biết đón nhận ơn đổi mới. Một đàng lòng sùng kính Đức Mẹ sẽ đi vào chiều sâu. Một đàng lòng sùng kính ấy sẽ được thanh luyện.
Chúa muốn con cái Chúa sống đức tin một cách trưởng thành về mọi mặt. Thời buổi này rất cần nhiều cảnh giác, để tránh những sai lầm, lạm dụng và cạm bẫy.
Xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn chúng ta
+ GM JB Bùi Tuần
|