www.xuanha.net
Linh Mục Bùi Đức Tiến.
NHỮNG ĐIỀU TỐT NHẤT TIỀN CÓ THỂ MUA ĐƯỢC.
Bác sĩ Lert Srichandra
Bác sĩ Lert Srichandra, sinh tại Bangkok, là một Phật tử người Thái Lan. Năm 21 tuổi, ông nhập tu tại một ngôi Chùa và trở thành một nhà sư trong ba tháng suốt Mùa Chay tịnh theo Phật Giáo.
Sau đó ông đến Hồng Kông theo học tại Học Viện Wan Yan trong ba năm, dưới sự hướng dẫn của Linh mục Daniel Donnelly, Dòng Tên. Ông đã Rửa tội theo Đạo Công Giáo tại Nhà thờ Chính Toà Hồng Kông, lấy tên Thánh là Sebastiano Conrad.
Sang Ái Nhĩ Lan (Ireland), nhập Viện Đại Học Quốc gia Ái Nhĩ Lan, Dublin. ông tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa. Đồng thời ông cũng theo học Phân Khoa Thần học tại Viện Đại Học này và tốt nghiệp với cấp bằng danh dự.
Năm 1942, trước khi trở về quê hương, ông đã kết hôn tại Nguyện đường của Viện Đại Học này, vợ ông là Jean Hu Wasson, con gái của ông bà Mục sư Wasson, (thuộc Giáo Hội Presbyterian) trước ngày cưới, cô Jean Hu Wasson đã Rửa tội theo Đạo Công giáo.
Với sự đồng ý của Đức Cha Louis Chorin, Giám mục Địa Phận Bangkok, ông đã thành lập Hội Ái Hữu Công Giáo và làm Chủ tịch trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp. Ông cũng là Sáng lập viên Bệnh Viện Thánh Giuse và Trung Tâm Công Giáo tại Bangkok.
Tự truyện sau đây được Bác Sĩ Lert Srichandra viết với lời đề tựa như sau:
Bài viết này xin gửi đến:
Những ai gieo hạt giống bên lề đường, Những ai gieo hạt giống trong bụi gai, Những ai gieo hạt giống trong vùng đá sỏi, Và những ai gieo hạt giống trong vùng đất tốt.
Mỗi người, dù biết hay không biết, bằng những cách thế riêng của mình đã giúp tôi từng bước một trong hành trình khám phá ra Đấng Sáng Tạo.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả.
-------------------
Có một điều dễ nhất ai cũng có thể làm được đó là trở thành một Phật tử. Người ta không phải ký một giấy tờ gì, cũng không phải tuyên bố gì. Chẳng có một nghi thức nào để thâu nhận, cũng chẳng cần ai lên tiếng chấp thuận. Nếu muốn trở thành một Phật tử, người ta chỉ muốn thế thôi, là thành Phật tử.
Đức Phật không phải là Thiên Chúa. Ngài đã tuyên bố rằng Ngài không phải là Thiên Chúa và Ngài cũng không tin có Thiên Chúa. Đức Phật không ban bố một giới răn nào. Ngài chỉ cho những lời khuyên. Đối với Ngài, ai theo hay không theo không quan trọng. Người ta chỉ có thể cứu được chính mình thôi, không cứu được người khác. Đức Phật không cứu rỗi ai. Chính Ngài đã đạt được cõi Niết Bàn, cả hồn và xác Ngài thoát tục.
Đức Phật qui tóm các điều giáo huấn của Ngài cho các Phật tử bình thường vào năm luật lệ đơn giản. Chỉ có năm luật lệ đơn giản ấy, ai muốn theo hay không tùy ý:
1. Không được sát sinh. 2. Không được ăn cắp. 3. Không được ngoại tình. 4. Không được nói dối. 5. Không được uống rượu.
Khi một Phật tử quyết định theo Đạo Công giáo, họ không bị bắt buộc từ bỏ những luật lệ này. Họ vẫn bị buộc không được giết người. Tuy nhiên, họ được phép diệt trừ các loại sinh vật nguy hiểm để tự vệ về sức khỏe và đời sống cho chính họ và cho người khác, ngay cả vì tự vệ, đôi khi đưa đến sự chết của những kẻ thù. Tiêu diệt sự sống một cách vô lý vẫn không được chấp nhận. Dù với Phật tử hay người Công giáo, ăn cắp vẫn là tội, ngoại tình và tham lam ăn uống quá độ cũng là tội. Khi theo đạo Công giáo, người Phật tử không bị bắt buộc từ bỏ Đức Phật. Đức Phật không bao giờ cho mình là Thiên Chúa, điều đó là sự thật.
Chúng ta không phán đoán được ý định của Thiên Chúa. Đừng hỏi tại sao Thiên Chúa lại dựng nên các Phật tử hay những người theo tôn giáo khác. Điều này hoàn toàn theo ý riêng của Ngài. Có thể nói thế này: Lời Chúa, nghe được trong một dịp nào đó dù với ý thức hay không, chính là hạt giống được gieo xuống tâm hồn tạo nên một bước tiến, tiến đến gần Thiên Chúa hơn.
Nhìn một hành vi Bác ái do một người nào đó thực hiện, có thể là một bước khác. Trong trường hợp nào đó, một giọt nước mắt có thể có tác dụng đánh động tâm hồn, giúp người ta hướng về Thiên Chúa hơn cả một bộ sách giảng về đạo.
..."Không ai thắp đèn rồi lấy một cái vò đậy lại, hay đặt dưới gầm giường, nhưng người ta sẽ đặt lên giá đèn để cho mọi người thấy được ánh sáng." (Luca 8,16).
I "Những hạt rơi bên vệ đường"
"Hạt giống là Lời Chúa, những hạt rơi bên vệ đường là những kẻ nghe Lời Chúa, nhưng rồi quỉ ma đến lấy đem đi khỏi tâm hồn họ, để họ khỏi tin và được cứu rỗi." (Luca 8, 11 - 12)
Trong những ngày đầu của một niên học mới, các học sinh nội trú trở về trường gặp gỡ nhau, thật là thích thú khi họ kể cho nhau nghe về những ngày nghỉ hè với những thú vui bất tận. Họ bàn tán với nhau về một vài khuôn mặt mới, những thầy giáo, cô giáo mới, những người bạn mới. Ngay cả những đổi thay của một vài cây bách cây tùng trong sân trường cũng được chiếu cố cẩn thận và là đề tài cho họ bàn luận.
Học sinh nội trú của trường là thế đó, họ sống chung với nhau nhiều năm và đã chia sẻ với nhau một phần đời thơ ấu của họ.
Đối với tôi, một cậu bé mười hai tuổi, con nhà nghèo, học nội trú là một việc xa xỉ, gia đình không đài thọ nổi. Vì thế, trong niên học này cũng như những năm vừa qua, mỗi ngày sau giờ học, tôi phải làm việc tại trường. Công việc của tôi là mỗi ngày sau buổi học, tôi phải quét dọn sân trường, nhặt vỏ chuối và rác rưới chung quanh các phòng lớp, quét và lau sàn các phòng học. Với công việc này, tôi được trả thù lao và số thù lao này trừ vào tiền học phí. Mẹ tôi chỉ phải đóng một nửa tiền học cho tôi so với các học sinh nội trú khác của trường phải đóng gấp đôi. Tôi rất hãnh diện về việc làm này. Nhất là năm nay tôi đã 12 tuổi, ý thức trách nhiệm nhiều hơn. Ngoài công việc nhặt các vỏ chuối, thu sạch sân trường, tôi còn phải lau sạch sàn của hai phòng học lớn và rửa chén bát sau mỗi bữa cơm. Nguyên những công việc này thôi đã chiếm hết trí óc non nớt của tôi vào thời gian khởi đầu niên học.
Ở vào lứa tuổi 12, vấn đề giàu nghèo không làm tôi bận tâm lắm, mặc dù tôi đã nhận xét được rằng, khi mình ăn một cây cà-rem khác với khi mình nhìn người khác ăn cà-rem trong khi mình thèm thuồng. Thật ra tôi không nhớ nhiều lắm về thời điểm lúc tôi lên 12 tuổi.
Những gì còn sót lại trong trí óc của tôi bây giờ, đó là, lúc ấy tôi là đứa con duy nhất trong gia đình tôi. Cha tôi là một y sĩ trong Quân Đội Hoàng Gia Thái Lan. Năm tôi lên ba tuổi, cha tôi và một số sĩ quan trẻ bị kết án chung thân và bị giam giữ từ ngày đó, lý do là vì họ đã phê bình lề lối tổ chức quân đội theo thể chế quân chủ hiện hành của quốc gia. Với một tinh thần hăng say của tuổi trẻ, họ muốn tổ chức quân đội theo thể chế dân chủ mới mẻ của thế giới. Nhưng Hoàng gia đã coi đó là một lỗi lầm khinh quân. Kết quả là họ đã bị bắt giữ và kết án.
Tôi cũng còn nhớ sau khi cha tôi bị bắt giữ, mẹ tôi và tôi không còn nhà cửa gì cả. Mẹ tôi phải đi làm trong các gia đình trung lưu như một người giúp việc vặt. Lương bổng của bà là các bữa ăn, một chỗ ngủ và một số tiền nhỏ tượng trưng. Với số tiền nhỏ này, mẹ tôi dành dụm để trả một nửa học phí cho tôi tại trường học nội trú do Giáo hội Tin Lành điều khiển.
Tôi chăm học và học tương đối khá. Năm lên 12 tuổi, tôi đã học năm thứ ba của chương trình tiểu học vào thời ấy. Nhà trường có lớp học về Kinh Thánh, tôi cũng ghi tên theo học lớp Kinh Thánh này. Các câu chuyện trong Cựu Ước quyến rũ tôi thật nhiều. Qua Tân Ước, Chúa Giêsu và cả Thánh Phaolô nữa, đối với tôi là những anh hùng. Kết quả của những giờ học Kinh Thánh đưa tôi đến việc quyết định: Tôi muốn gia nhập Đạo Tin Lành.
Trước ngày tựu trường năm lên 12 tuổi, tôi đã bỏ ra cả một buổi tối để kể cho mẹ tôi nghe về Chúa Giêsu. Sau khi chấm dứt, mẹ tôi hỏi:
- Lert à! Qua câu chuyện con vừa kể, Chúa Giêsu phải là một bậc vĩ nhân, nhưng sao con lại kể với mẹ về Chúa Giêsu?
Tôi đáp:
- Mẹ à! Con muốn rửa tội theo đạo Tin Lành, mẹ có cho phép con không?
Mẹ tôi âu yếm xoa đầu tôi:
- Ồ, mẹ cho phép con chứ! Sống theo lời Chúa dạy, con sẽ trở nên một người tốt, mà mẹ luôn luôn muốn con trở thành một người tốt.
Từ buổi hôm đó, một niềm hân hoan mới xâm chiếm tâm hồn tôi, theo tôi vào trường trong ngày nhập học.
Thày giáo dạy môn Kinh Thánh tuyên bố: "Những ai năm ngoái đã theo học lớp Kinh Thánh, nếu muốn có thể được rửa tội trước kỳ tam cá nguyệt chấm dứt.". Khi nghe điều này, tôi vui mừng khôn xiết, vì nghĩ đến việc tôi sẽ được rửa tội. Thế là chẳng bao lâu nữa, khi đi dự lễ vào mỗi sáng Chúa Nhật, tôi sẽ được nhận tấm bánh nhỏ xinh xinh và sau đó tôi sẽ gục đầu xuống nơi tấm gỗ làm bàn quì trước mặt cầu nguyện. Tôi ao ước ghê gớm sẽ được nhận tấm bánh ấy, tấm bánh vẫn được đặt gọn gàng trên đĩa vàng chói sáng và trao cho những người ngồi ở dãy bàn gần với bàn thờ, từ trước đến giờ tôi luôn luôn được chỉ rằng phải ngồi ở những dãy bàn xa xa.
Một điều đáng buồn là trong kỳ tam cá nguyệt này, tôi không còn có thì giờ để tham dự lớp Kinh Thánh nữa, vì lớp học vào buổi chiều mà buổi chiều tôi lại bận rộn quá. Nào là phải nhặt nhạnh các vỏ chuối, rác rưới trong sân trường, nào là phải xếp các ghế ngồi lên bàn trước khi lau sàn của phòng học, rồi sau đó lại xếp ghế xuống. Làm xong những công việc này là đến giờ cơm.
Bao nhiêu bận rộn như thế cho nên tin nhà trường tăng học phí không làm tôi lưu ý lắm. Theo lý luận non nớt của tôi, dù nhà trường có tăng học phí đi nữa, tôi cũng không lo, vì tôi làm việc để trừ vào học phí tôi phải trả. Có lo chăng là lo cho những học sinh nào phải trả cả tiền học phí trong năm thôi.
Cuối cùng, ngày rửa tội đã được ấn định trước cũng đã tới. Buổi sáng Chúa Nhật trong nhà thờ, tất cả học sinh sẽ được rửa tội đã được dặn trước là phải ăn mặc chỉnh tề: mặc bộ quần áo nào mới nhất, chân phải đi giày vớ cẩn thận. Tôi không gặp khó khăn về vấn đề quần áo. Tôi chỉ có một bộ duy nhất, rất sạch sẽ vì tôi giặt gần như thường xuyên bất cứ khi nào tôi nhặt được một mẩu xà bông vứt đi từ những học sinh con nhà giàu. Vấn đề vớ tôi gặp trở ngại, vì đôi vớ của tôi đã quá cũ, hơn nữa, một chiếc vừa bị con chó của trường nhai nát chiều hôm trước khi tôi phơi sau khi giặt, nhưng không sao, tôi có thể mượn tạm một đôi vớ khác của một anh bạn học.
Vào ngày Chúa Nhật, tôi đã sẵn sàng, quần áo sạch sẽ vì mới giặt, đôi vớ lành lặn mới mượn, đôi giày vừa được đánh bóng. Chúng tôi tiến vào nhà thờ, có chỗ ngồi dành riêng. Rồi việc gì phải đến đã đến: Tôi và các bạn sẽ được rửa tội xếp hàng đi lên bàn thờ bằng lối đi giữa nhà thờ. Chúng tôi xếp một hàng ngang trước bàn thờ. Tôi thật sự xúc động và sẵn sàng cho buổi lễ.
Trong khi chúng tôi đứng như thế, một thầy giáo đến để kiểm soát tên tuổi của từng người. Khi thầy đến chỗ tôi, tôi linh cảm hình như có việc chẳng lành. Ông nhìn tôi một lúc rồi tất tả quay đi. Một vài phút sau ông trở lại, kéo tôi ra ngoài hàng và bảo tôi trở về chỗ ngồi. Tôi nhìn ông, lắc đầu và nói: "Thưa thầy, con đã theo học lớp Kinh Thánh suốt năm ngoái và bây giờ con muốn được rửa tội.".
Thầy dứt khoát: "Trở về chỗ." Tôi còn biết chuyện gì đã xảy ra sau đó. Gục đầu xuống tấm gỗ làm bàn quì trước mặt, nhưng không phải để cầu nguyện, mà để giấu hai hàng nước mắt đang ứa ra. Họ không cho phép tôi được rửa tội. Họ muốn giữ tấm bánh nhỏ cho một mình họ thôi.
Không ai nói cho tôi biết lý do tại sao tôi không được rửa tội, nhưng vài tuần lễ sau đó, vào một buổi sáng thứ bảy, khi tôi đang bận rộn với việc nhặt rác chung quanh trường, tôi được gọi lên Văn Phòng Thầy Hiệu Trưởng. Tôi nhận thấy bầu không khí thật căng thẳng ngay sau khi bước qua ngưỡng cửa, nhưng khi nhìn thấy mẹ tôi đang ngồi trong chiếc ghế đối diện, tôi lấy lại được bình tĩnh ngay. Dù trước mặt thầy Hiệu Trưởng, nhưng tôi đến ngay với mẹ tôi và liếc xem mẹ tôi có đem quà cho tôi như những lần đến thăm khác không. Mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy một nải chuối ngay bên cạnh chân mẹ.
Mẹ tôi nắm chặt lấy tay tôi với một cử chỉ khác thường. Một cử chỉ mà tôi nhớ đã có lần xảy ra.
Mẹ tôi nói: "Lert à! Con phải thôi học!"
Tôi ngạc nhiên: "Không được đâu mẹ, vì kỳ tam cá nguyệt này còn tới một tháng nữa mới hết."
Mẹ tôi ngập ngừng: "Mẹ đến trả tiền học cho con, nhưng mẹ không có đủ tiền."
Tôi không thể hiểu được chuyện gì đã xảy ra. Chắc chắn nhà trường biết rằng tôi làm việc để trừ vào tiền học phí của tôi, ít nhất là một nửa. Mẹ tôi đến đây là để trả tiền một nửa còn lại chứ ngoài ra không còn có lý do gì khác.Có lẽ việc này liên hệ đến việc tăng học phí mới đây. Tôi hỏi mẹ tôi điều đó có quan trọng lắm không, mẹ tôi gật đầu.
- Lert à, mẹ đã đi bộ suốt quãng đường năm cây số chứ không đi xe, vì mẹ muốn dành tiền để mua nải chuối này cho con, mẹ mới lãnh lương một tháng, nhưng không đủ tiền trả tiền học phí cho con.
Tôi ngạc nhiên: "Mẹ ơi sao lại không đủ?"
Mẹ tôi giải thích: "Học phí trong tháng vừa qua mới tăng lên gấp đôi và thầy Hiệu Trưởng vừa cho mẹ biết rằng từ nay con sẽ phải trả cả học phí chứ không phải trả một nửa như từ trước đến nay nữa."
Thầy Hiệu Trưởng im lặng từ đầu bây giờ mới lên tiếng: "Đúng đó Lert à! Nhà trường không đủ tiền đài thọ cho những học trò nghèo nữa."
Tôi cố gắng giải thích: "Thưa Thày, con làm việc tại trường để trả học phí, con quét các lớp học và con còn rửa chén bát sau mỗi bữa ăn..."
Ngừng lại nửa chừng vì ý nghĩ phải thôi học tự nhiên xuất hiện mạnh mẽ trong óc tôi. Mẹ tôi nức lên khóc, hai hàng nước mắt chảy xuống hai bên má. Mẹ kéo tôi lại gần, nâng đầu tôi lên nhìn mẹ, ô hay, sao mặt mẹ tôi khác thế, cũng khuôn mặt đó, nhưng có những nét khác biệt tôi chưa tùng nhìn thấy bao giờ. Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt tôi, tia nhìn của mẹ làm tôi nín khóc. Mẹ tôi nói: "Con à! Mẹ con mình nghèo, nhưng mẹ con mình nhất định không phải là những người ăn xin, mẹ con mình không van xin lòng bác ái. Lòng bác ái là tự cho đi không phải là xin xỏ. Đi con, đừng phí nước mắt, nước mắt để dành cho tình yêu, không phải để xin tiền. Mẹ con mình đi. Mẹ hứa với con rằng, cho đến bao giờ mẹ còn sống, con sẽ phải có được một sự giáo dục hạng nhất mà tiền có thể mua được".
Tôi trở về phòng, nhặt nhạnh những thứ thuộc về mình. Hình như cả trường đều biết việc đã xảy ra cho tôi: Tôi chỉ là một đứa bé nghèo khổ, bị đuổi học vì không có đủ tiền để trả tiền trường, chẳng có gì là cảm động, cũng chẳng cần hỏi han an ủi gì. Khi tôi đi, các học sinh đang làm việc tại vườn trồng nho của nhà trường. Tôi cũng chẳng có ai thân đủ để chào giã biệt... tôi chỉ hơi buồn, vì tôi chưa nhặt hết rác rưới còn rải rác trong sân trường. Từ nay, nhà trường sẽ phải thuê một người khác làm công việc này thay tôi và chắc chắn lương của người này sẽ rẻ hơn lương trả cho tôi vì nếu phải trả lương bằng trả lương cho tôi, chắc họ đã không đuổi tôi.
Sau khi rời trường, mẹ con tôi đi dọc theo đường phố. Tôi tự hỏi không biết mẹ sẽ đưa tôi đi đâu, vì tôi biết rằng mẹ con tôi chẳng có nhà cửa gì cả. Trong những thời gian nghỉ hè, mẹ tôi thường gửi tôi đến nhà một người bà con xa, có thể là một gia đình sống bằng nghề đánh cá, có thể là một gia đình sống ở vùng quê. Khi hỏi, mẹ tôi bảo rằngmẹ sẽ gửi tôi ớ nhà một người dì đang sống tại quận lỵ.
Trời buổi trưa oi bức và con đường trước mặt như càng dài ra mãi. Nhưng tôi sung sướng vì được đi bên cạnh mẹ tôi. Thường cứ vài ba tháng tôi mới được gặp mẹ một lần khi mẹ đến thăm tôi tại trường. Từ nay tôi sẽ được ở bên mẹ, nói chuyện nhiều với mẹ và có thể giúp mẹ vài công việc khi mẹ làm việc tại các gia đình. Trước kia, đôi khi tôi cũng giúp mẹ như thế và sau mỗi lần giúp mẹ, tôi lại được thưởng kẹo bánh. Mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc này. Mẹ cấm tôi không được nhận tiền của ai trừ khi tôi đã làm một việc gì giúp họ. Nhưng người ta sẽ không trả lương cho tôi khi tôi giúp mẹ vì họ đã trả lương cho mẹ rồi.
Vừa đi vừa nói chuyện với mẹ, tôi chợt nhớ việc đã xảy ra cho tôi hôm lễ rửa tội. Chắc là có một liên hệ nào đó giữa việc tăng học phí và việc tôi rửa tội. Có lẽ thầy Hiệu Trưởng đã biết trước việc tôi bị đuổi học. Hay là một đứa bé nghèo không trở thành người Kitô giáo được? Tôi không hiểu, vì vấn đề quá lớn đối với tôi, nhưng chắc chắn mẹ tôi biết, mẹ tôi giỏi lắm.
Tôi hỏi mẹ khi mẹ con tôi đến trú dưới bóng mát của một cây cổ thụ bên vệ đường. Mẹ con tôi dừng lại, tôi mừng vì được nghỉ chân đưới bóng cây mát rượi. Mẹ tôi im lặng sau câu hỏi như là để chọn lựa câu trả lời cho tôi. Cuối cùng mẹ nói:
- Lert à! Con đã kể với mẹ rằng Chúa Giêsu nghèo, cha mẹ của Chúa cũng nghèo, mẹ không hiểu tại sao con lại không được rửa tội.
Tôi thưa mẹ:
- Thật đó mẹ à! Họ không cho con rửa tội và cũng không giải thích tại sao!
Mẹ tôi lại im lặng, mẹ bẻ một trái chuối, bóc vỏ, đưa cho tôi, rồi bẻ cho mẹ một trái, mẹ làm như là mẹ đã quên câu chuyện vừa nói. Tôi ăn trái chuối ngon lành vì đang đói và cũng quên luôn câu chuyện. Mẹ tôi chợt lên tiếng:
- Con đã kể cho mẹ nghe câu chuyện về Chúa Giêsu. Có một câu nói mẹ quên rằng ai đã nói, đó là: Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thỏa. Lert à! Nếu con muốn được no thỏa sự công chính, con phải luôn luôn liêm khiết, và nếu con luôn luôn liêm khiết, con sẽ được no thỏa. Nếu con muốn trở thành người Kitô hữu, và nếu con muốn có tấm bánh nhỏ, con phải luôn luôn liêm khiết và thật thà ... rồi con sẽ không còn bị từ chối nữa.
Tôi đã ăn xong trái chuối, mẹ tôi cũng đã bóc vỏ trái chuối của mẹ và quăng vỏ chuối vào gốc cây. Theo thói quen, tôi cúi nhặt và gom lại cầm trong tay. Mẹ nhìn tôi và mẹ chợt bật tiếng cười, tôi nhận ra tại sao mẹ cười, tôi cũng cười theo, hai mẹ con cùng cười vui vẻ dưới bóng cây râm mát bên đường.
Giờ đây, 40 năm sau buổi trưa nóng bức dưới bóng cây râm mát đó, tôi hiểu ý nghĩa của đoạn Phúc âm Thánh Luca:
" Hạt giống là Lời Chúa, những hạt rơi bên vệ đường chính là những kẻ nghe Lời Chúa, nhưng rồi ma quỉ đến lấy đi." (Lc 8, 11-12)
|