www.xuanha.net TÁC PHẨM: NHỮNG MẢNH XƯƠNG KHÔ TRONG SA MẠC
(Lm. Bùi Đức Tiến)
Cảm nghiệm của một số quí vị dưới đây đã tìm thấy bình an, hạnh phúc trong Đạo Chúa.
1. Ðức Giám mục Ratna
Tác giả sinh trưởng trong một gia đình Phật Tử tại Bangkok, Thái lan ngày 11-6-1916. Năm 1969, Ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chọn làm Giám Mục Ðịa phận Ratchaburi. Năm 1972, Ngài được Hội Ðồng Giám Mục Thái Lan cử làm Ðại Diện tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục tại Roma.
Ðức Giám Mục Ratna đã viết hơn 20 cuốn sách bằng tiếng Thái lan.
Khi Rửa Tội Ngài chọn tên Thánh là Robert.
Sau đây là tự truyện kể về cuộc đời của Ngài từ khi còn nhỏ cho đến ngày lãnh chức Linh Mục năm 1949. -------
"Có đời nào mà thằng Ratna rửa tội theo Ðạo".
Ðó là nhận xét của một số bạn bè sau khi cùng theo học với tôi tại Học viện Wan Yan do các Cha Dòng Tên điều hành.
Trong suốt thời gian ba năm này, tôi là một học sinh được coi là lạnh nhạt với Ðạo Công Giáo, tôi không bao giờ đặt chân vào nhà nguyện hay bàn về vấn đề đạo nghĩa. Mặc dù tôi phải theo học các giờ Giáo lý, nhưng đó là chương trình các học sinh phải học, tôi coi môn Giáo lý cũng như môn Toán hay môn Sử hay có khi còn kém các môn đó nữa. Giả như tôi chống đạo đi, có lẽ sẽ có các học sinh Công Giáo đến để bàn luận tranh cãi với tôi về vấn đề đạo giáo, nhưng không, tôi thờ ơ lạnh nhạt với đạo giống như một mảnh xương khô trong sa mạc.
Lời nhận xét trên được nói với tôi vào buổi tối cuối cùng trước khi chúng tôi rời Học Viện Wan Yan để nhập Viện Ðại Học Hồng Kông vì chúng tôi vừa tốt nghiệp Trung học.
Nhưng một việc lạ lùng đã xảy ra, chỉ vài ngày sau khi rời Học Viện Wan Yan, một buổi lễ Rửa tội tại nhà Nguyện Ricci được cử hành cách rất âm thầm và người được Rửa tội chính là tôi.
Tại sao tôi theo Ðạo Công Giáo?
Một điều tôi có thể quả quyết đó là: không phải do sự hấp dẫn của chân lý đạo, cũng chẳng phải do lý lẽ hợp lý của lý luận của Ðạo Công Giáo. Giờ đây tôi có thể nhìn lại quá khứ và kiểm điểm một vài biến cố từ thuở ấu thơ qua chín năm học tiểu học tại trường Mông Triệu (Assumption College) của các Thày Dòng Thánh Gabriel tại Bangkok và ba năm tại Học Viện Wan Yan, Hồng Kông của các Cha Dòng Tên.
Tôi không nhớ nổi có một giây phút nào tôi đã được soi sáng bởi chân lý Kitô giáo hay qua một lần tranh luận nào đó mà tôi đã bị thuyết phục đến nỗi phải tự nhủ mình rằng: "Ừ! Ðây là chân lý phải chấp nhận và ta phải theo Ðạo".
Diễn tiến của sự việc như sau:
Tôi được Rửa tội năm 1937 lúc 21 tuổi. Vào buổi tối trước ngày khai giảng niên học tại Viện Ðại Học Hồng Kông. Một thanh niêm có trình độ Ðại Học như tôi lúc đó có đủ lý do để tự hào, nhất là tôi lại có biệt tài về tranh luận. Tôi là Hội viên của nhóm tranh luận tại Học viện Wan Yan. Tôi thường tranh luận trong đủ mọi vấn đề, trừ vấn đề tôn giáo. Tôi nhận thấy ngay từ cha tôi, một Phật tử thuần thành, đã gián tiếp gieo vào tâm hồn tôi hạt giống của giáo thuyết Công giáo. Ðời sống tự nhiên của ông toát ra những nhân đức đáng trọng: Ông không bao giờ hút thuốc hay uống rượu; khi làm việc ông rất cần mẫn, chăm chỉ; thật thà trong việc tiếp xúc; nhân ái, rộng rãi với bạn bè hàng xóm; thành kính với tôn giáo và không bao giờ thù oán với ai. Bạn bè rất kính trọng ông. Ông không bao giờ có ác cảm với Công giáo. Khi một người bạn Công giáo qua đời, ông hăng say giúp đỡ trong vòng lễ nghi tôn giáo. Mặc dù chẳng có ai tôn ông là thánh, nhưng qua đời sống đạo đức và tốt lành của ông, ai cũng kính trọng ông. Mỗi buổi sáng, ông ngồi ở cổng nhà để phân phát thức ăn cho các vị Sư khất thực, ông giữ thói quen này cho đến lúc tuổi cao không còn đủ sức khỏe nhất là sau khi bị liệt một phần cơ thể.
Ông giáo dục con cái thật nghiêm khắc trong vòng lễ giáo. Hướng dẫn con cái phải chăm chỉ và cẩn thận dù khi làm việc nhỏ hay việc lớn. Kết quả của lề lối giáo dục đó là tôi không hút thuốc, không uống rượu và trong túi lúc nào cũng chỉ có một số tiền nhỏ. Tôi được sai làm việc chung với các đầy tớ trong nhà và khi nhà có khách, tôi lúc nào cũng đóng vai hầu bàn. Tất cả những điều này trở thành thói quen trong đời sống tôi sau này.
Bà nội tôi là người đã dạy tôi học Kinh Phật và chỉ dẫn cho tôi cách phân phát thức ăn cho các vị Sư khất thực. Mặc dù cha tôi cầu nguyện mỗi ngày nhưng không bao giờ bắt các con làm giống như thế. Chỉ vào mỗi dịp tết Nguyên đán, ba tôi muốn tất cả các nghi thức phải được hoàn tất nghiêm chỉnh. Có thể nói, tôi sinh trưởng trong một gia đình Phật tử trung lưu sống bằng nghề buôn bán.
Năm lên bảy tuổi, theo chân các anh tôi, tôi được gởi vào trường Mông Triệu do các Thày Dòng người Pháp điều hành. Tôi theo học tại đây chín năm. Trong suốt chín năm trời ròng rã, chưa bao giờ tôi cảm thấy bị hấp dẫn hay để ý về vấn đề tôn giáo. Tôi nghĩ Công giáo cũng chỉ là một trong các tôn giáo. Ngoại trừ một vài lần tham dự lễ an táng, tôi chẳng bao giờ bước chân vào nhà nguyện.
Tuy nhiên, tôi còn nhớ có hai việc xảy ra trong thời gian này: Vào một buổi sáng nọ khi đang chơi đùa với các bạn trong sân trường, Thày Giám Ðốc Martin de Tour thình lình đến gặp tôi và nói chuyện với tôi về giáo lý. Mặc dù tôi lắng nghe một cách nghiêm chỉnh nhưng sau đó lại chạy đi tiếp tục nô giỡn, không một mảy may xúc động về những điều Thày đã nói. Lần thứ hai xảy ra vào những năm cuối của tôi tại trường Mông Triệu: Chúng tôi học về triết lý Công giáo, thày dạy môn học này đã chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng lý luận của khoa học, dù lắng nghe, nhưng tôi không hề chú ý, chẳng từ chối cũng chẳng chấp nhận. Trong đầu óc tôi không có một tư tưởng nào hướng về Công giáo, không chấp nhận cũng không chối từ: hoàn toàn lạnh nhạt và thờ ơ.
Tôi rời trường Mông Triệu năm 1932 với những kỷ niệm đầy ắp trong tâm hồn, với sự thán phục lề lối giáo dục của trường và lòng kính mến các Thày Dòng cũng như các giáo sư tại đây.
Vài tháng sau đó tôi lên đường đi Hồng Kông để nhập Học Viện Wan Yan, ở đây, anh tôi đã bắt đầu vào năm học trước đó.
Tại Học Viện Wan Yan, thái độ dửng dưng của tôi đối với đạo Công giáo không thay đổi. Dĩ nhiên tôi cũng phải học môn Giáo lý, nhưng chỉ vì chương trình bao gồm môn học này, thế thôi. Giáo lý Công giáo hoàn toàn không tạo cho tôi một chú ý nào, có một lần nọ vào dịp Lễ Giáng sinh, tôi vào nhà nguyện của trường để nghe Cha Giám Ðốc Gallagher giảng: hoàn toàn xa lạ, tôi vào nhà nguyện chỉ vì anh tôi muốn tôi vào.
Anh tôi lên đường về nhà sau một năm học chung trường với tôi.
Tại Học Viện Wan Yan, tôi rất thích đọc sách truyện. Cha Bourke thường chuyển sách cho tôi đọc. Tôi rất kính mến và biết ơn Ngài, nhưng tôi không bao giờ tôi để Cha có dịp nói chuyện với tôi về tôn giáo. Cha Ryan nữa, Ngài muốn tôi cộng tác với tờ báo The Rock của Ngài trong mục thiết kế các bản đồ.
Một ngày nọ, Cha Ryan đến phòng tôi nhờ tôi vẽ một bản đồ, bất chợt Ngài lên tiếng hỏi tôi: "Ratna, có bao giờ con chú ý đến tôn giáo không?". Câu trả lời của tôi ngắn gọn, chấm dứt câu chuyện một cách khô khan và cũng bất chợt như câu hỏi: "Thưa Cha không!".
Cha giáo sư Martin thường mỗi tuần dẫn chúng tôi đến các bãi biển, hay đi thăm các đồi núi. Tôi rất thích cảnh đẹp của Hồng Kông và tận hưởng những giây phút thoải mái này, nhưng không bao giờ tôi nói chuyện với Ngài về tôn giáo. Tôi sinh hoạt tất cả các sinh hoạt của trường, ngoại trừ những sinh hoạt về tôn giáo.
Nhưng rồi chuyện xảy ra ...
Vào năm cuối cùng của Học Viện Wan Yan, khi chúng tôi sắp sửa thi kỳ thi tốt nghiệp trung học, Cha Donnelly đã tổ chức một buổi cấm phòng cho chúng tôi.
Cha nói: "Trước khi rời trường, Cha nghĩ các con nên có một buổi cấm phòng.".
Các học sinh Công giáo cũng như không Công giáo đều tỏ vẻ vui thích về buổi cấm phòng này. Riêng tôi, không muốn bầu không khí sôi động của lớp học chi phối quyết định của mình nên không có ý kiến gì cả. Sau đó ra ngoài mặc dù tôi cũng quyết định tham dự buổi cấm phòng nhưng với một ý hướng khác: Tham dự thử xem cấm phòng ra làm sao.
Kỳ cấm phòng được tổ chức tại một ngôi trường cũ vùng Koowloon. Ngôi trường thật lặng lẽ, toàn phòng là phòng với một khu vườn phía sau để đi dạo. Ai làm sao tôi làm y như vậy trong suốt kỳ cấm phòng. Chỉ có một điều tôi còn nhớ đó là trong thời gian cấm phòng này, tôi đã tự kềm chế tôi giữ im lặng thật khắt khe. Tuy nhiên chẳng có một thị kiến hay một tia sáng lạ lùng nào tôi đã xảy đến với tôi.
Trong thời gian cấm phòng, theo như đã định trước, Cha Donnelly gặp riêng mỗi người tham dự. Ngài cũng đã gặp cả tôi nữa:
Ngài hỏi: ”Con thấy cấm phòng thế nào! Ratna?”.
Tôi trả lời: ”Thưa Cha tốt lắm!”.
Ngài lại hỏi: ”Con nghĩ thế nào về Ðạo Công giáo?”.
Tôi đã trả lời Ngài rằng tôi có một vài điểm nghi ngờ về Thiên Chúa. Ngài giảng giải cho tôi, tôi gật đầu và rồi ra về không một chút bận tâm.
Cho đến lúc đó, tôi vẫn cảm thấy thờ ơ, lạnh nhạt như trước, không hề có một động lực nhỏ nhoi nào có thể khiến tôi kết luận rằng tôi đang nghĩ đến việc gia nhập Ðạo Công giáo.
Rồi tôi thay đổi:
Sau kỳ cấm phòng, một người bạn nọ gặp tôi và cho biết có một vài người cho rằng cách sống của tôi đổi thay nhiều sau kỳ cấm phòng. Tôi suy nghĩ về việc này và thật sự tôi cảm thấy có một niềm vui, một tia sáng phát xuất từ tâm tư mà trước đó tôi chưa bao giờ cảm thấy. Tôi cười và cười thật to với một hạnh phúc dường như đầy ắp trong tâm hồn, tôi nhận thức được rằng có một ân sủng thiêng liêng đang bao phủ tôi, không trách gì một vài người bạn tinh ý đã nhận ra điều này.
Một nguồn ân sủng thiêng liêng đã ào đến làm trôi đi sự lạnh nhạt thờ ơ trong tâm hồn tôi, làm đã sự khao khát chân lý và hạnh phúc tự nhiên trong đời sống. Những màu sắc tươi vui đã xuất hiện trên sự héo úa của linh hồn tôi. Mảnh xương khô trong sa mạc nay đã có dấu hiệu của sự sống.
Tất cả những điều này phát khởi và kết tụ trong linh hồn tôi một cách lặng lẽ, âm thầm đến nỗi chính tôi cũng chẳng mảy may hay biết.
Như bị lôi cuốn bởi một sức mạnh ân sủng không thể cưỡng chế nổi, con tàu linh hồn tôi đang chuẩn bị bỏ neo tại một hải cảng thánh thiện: Giáo Hội Công Giáo. Ðêm đã rút lui, nhường không gian cho ánh sáng ban ngày. Sương mù đã tan biến cho con mắt linh hồn tôi chiêm ngưỡng thế giới thiêng liêng. Bàn tay thần linh đã đụng đến tim tôi và sự tiếp xúc đem đến một nguồn sáng, một lẽ sống cho linh hồn tôi.
Giờ chỉ còn chờ cơ hội thuận tiện để nguồn ánh sáng bí mật kỳ diệu kia lộ dạng cho tôi và cho những người chung quanh chiêm ngưỡng.
Sau kỳ cấm phòng, ở phong cách bên ngoài, tôi vẫn sống như tôi của ngày nào, nhưng bên trong thì đã có nhiều thay đổi.
Sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi trở lại Học Viện Wan Yan và tạm trú tại Hội trường Ricci. Tôi đến gặp Cha Bourke, Giám đốc của nhà trường lần cuối cùng để chào Ngài đồng thời trang trải số học phí còn thiếu lại. Cha Bourke tỏ vẻ buồn vì trong suốt thời gian ba năm dưới sự chăm sóc hướng dẫn Ngài tôi chẳng có một dấu hiệu nào chứng tỏ là đã thấm nhuần đạo giáo.
Ngài nói: ”Ratna! Cha nghĩ có thể con đã khá hơn nhiều nếu con là người Công giáo!”
Tôi trả lời: ”Thưa Cha con cũng nghĩ như thế!”.
Rồi tôi kể cho Ngài nghe những gì đã xảy ra.
Có lẽ Cha Bourke chưa bao giờ ngạc nhiên như thế trong đời Ngài..
Sự thuần phục thoát ra từ tiềm thức như dòng nước lũ chảy xiết bật tung bờ đê của trạng thái thờ ơ lạnh nhạt và cuốn nó trôi đi mất hút. Một sức nặng nặng nề nào đó từ lâu đè nén trong lồng ngực như vừa được vứt bỏ, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thơ thới.
Vài ngày sau đó, tôi được Rửa tội tại Hội trường Ricci, Cha Ryan làm chủ tế, Chevalier J.M. Alves là cha đỡ đầu của tôi.
Tôi không xứng đáng để được gia nhập vào Giáo Hội Công giáo, chỉ là Hồng ân của Chúa dẫn đưa tôi tới Ngài: ”Gratia Dei ego sum id quod sum” (Hiện tôi là gì là bởi ơn Thiên Chúa) (Cor.15,10). Tôi chối từ mọi cố gắng của những người đến thuyết phục tôi nhưng tôi đã đầu hàng trước ân sủng của Chúa.
Thật là rõ ràng nhận thấy sự hết lòng trong việc tổ chức một hệ thống giáo dục toàn hảo của các Thày Dòng Thánh Gabriel và các Cha Dòng Tên đã chuẩn bị mảnh vườn tâm hồn tôi sẵn sàng cho hạt giống Ðức tin nảy nở.
Vấn đề quan trọng đối với tôi lúc đó không phải là ”làm sao” và ”làm thế nào” tôi đã theo đạo, nhưng là ”làm sao” và ”làm thế nào” để tôi giữ được đạo. Tôi biết có một vài người bạn một thời gian sau khi rửa tội rồi họ không sống đức tin nữa. Tôi cũng hiểu những khó khăn đã đưa họ đến việc không tiếp tục, nhưng trong thâm tâm, tôi tự nhủ tôi sẽ gìn giữ đức tin và tiếp tục sống đạo cho đến hết đời tôi.
Những ý nghĩ này làm đời sống tôi thay đổi sau ngày tôi được Rửa tội.
Từ sự lạnh nhạt thờ ơ trước kia, giờ đây trở thành sự nóng lòng muốn tìm hiểu mọi điều về Giáo Hội. Tôi không muốn có một sự nghi ngờ dù nhỏ mọn trong đầu. Tôi không muốn có một thắc mắc nào còn vương vấn trong trí. Tôi dồn hết cố gắng để hiểu thấu những giáo huấn của Giáo Hội. Tôi muốn Ðức tin của tôi phải được xây chắc chắn trên sự vững chãi của suy tư và lý luận. Tôi đọc nhiều lần các cuốn sách ”Apologetics”, ”Radio Replies” của Sheehan và Ripley. Tôi đọc các sách Ethics của Ignatius với sự hướng dẫn của Cha Byrne. Các tác giả như Chesterton, Belloc và Maurice Baring làm tôi say mê. Các sách tôi đọc giờ đây hoàn toàn là sách về tôn giáo: ”Chúa Kitô, Lẽ Sống của Linh Hồn” của Marmion; ”Một Tâm Hồn” của Thánh Nữ Têrêsa; ”Những Vị Thánh cho Kẻ Tội Lỗi” của Goodier, ”Người phong cùi tên Damien” của John Farrow trở thành những cuốn sách tu đức của tôi. Tôi trở thành Hội viên của Phong trào Hộ Giáo và trong năm 1941, chúng tôi đoạt giải trong một cuộc tranh luận với Hội Thánh Joan of Arc.
Càng tìm hiểu về Giáo Hội, tôi càng cảm thấy ngưỡng mộ sự hoàn hảo trong cách thế giải quyết các vấn nạn của đời sống. Ðối với tôi, Giáo lý của Giáo hội Công giáo là nguồn của tất cả các lãnh vực của kiến thức. Tôi hân hoan nhận thấy sự hài hoà giữa khoa học và Giáo hội. Tôi sững sờ khám phá ra rằng Kinh Thánh là chìa khóa mở cánh cửa lịch sử của nhân loại. Tôi thán phục cách thế Giáo Hội giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Tôi ngưỡng mộ cách thế Giáo hội bảo vệ luân lý và sự trinh khiết.
Càng tìm hiểu về những chống đối Giáo Hội, tôi càng khám phá ra sự toàn bích, toàn mỹ hơn nữa. Nếu giáo huấn của Giáo hội khiếm khuyết cách này hay cách khác mà tôi có thể nhận ra được có lẽ tôi đã không giữ đạo cho đến hôm nay.
Dự lễ và rước lễ mỗi ngày, gia nhập vào Hiệp Hội Thiếu Niên Thánh Nữ Maria tháng Năm năm 1938, tôi giúp lễ và cảm thấy sung sướng khi đến với Mẹ Maria vào tháng năm mỗi năm. Tôi trở thành hội viên của Hội Thánh Vincent de Paul, đi xin quần áo cũ cho người nghèo. Tôi xúc động về đời sống của Thánh Têrêsa Hài Ðồng và cố bắt chước đời sống của Thánh Nữ.
Thật là kỳ diệu sự biến đổi trong tôi từ một người thờ ơ lạnh nhạt với Giáo Hội trong suốt mười hai năm dài dù sống trong nôi của Giáo hội. Ân sủng tràn ngập dồi dào trong tôi. Tôi báo cho cha tôi biết về việc tôi Rửa tội, cha tôi không chống đối, có lẽ ông cũng chẳng biết đời sống đạo của tôi mãnh liệt đến thế.
Tôi tốt nghiệp Ðại Học Hồng Kông tháng Năm năm 1941, tương lai đang chờ đợi tôi với đầy tràn hứa hẹn của thành công, nhưng tôi quyết định sẽ đi tu làm linh mục.
Trở về nhà với hy vọng là cha tôi sẽ đồng ý cho tôi đi tu, nhưng ngược lại cha tôi đã không đồng ý mà còn tìm cách cho tôi bỏ đạo. Ông ngạc nhiên và rồi từ ngạc nhiên đến nổi giận về việc tôi sùng đạo đến như thế.
Qua thời gian với cuộc chiến tranh Pháp vùng Ðông Dương, xã hội và cả Giáo hội trải qua một thời gian khó khăn. Cha tôi nhân đó cho rằng việc tôi vào đạo và sống đạo đã đưa đến những rủi ro cho gia đình. Ông không hiểu được rằng người Công giáo rất ”cứng cổ” trong việc tin đạo và sống đạo.
Tôi cũng nhận thấy rằng việc sống đạo của tôi là nguồn gốc cho những xáo trộn của gia đình và không biết làm sao cho mọi người trong gia đình hiểu được. Tôi phải đương đầu đối diện với những biến động của đời sống. Tôi phải chọn một trong hai: Thiên Chúa hay thế gian.
Ðược thêm sức bởi Bí tích Thánh Thể tôi rước vào tâm hồn trong một Thánh lễ tại nhà Dòng Carmelite. Một buổi sáng nọ, tôi quyết định rời xa gia đình. Không báo tin cho một ai hay, cũng không để lại một địa chỉ hay một lời từ biệt nào, tôi nhập chủng viện tại Bank Nok Khuek, Ratburi, ngay trước thời gian chiến tranh thật sự bùng nổ tại Vùng Viễn Á.
Trong lúc chiến tranh tràn lan khắp nơi, từ góc nhỏ lặng lẽ của một vườn dừa dầy đặc, lâu lâu một vài tiếng bom nổ từ xa vọng lại, một nhóm các chủng sinh, trong đó có tôi, đang âm thầm trau dồi các môn Triết học và Thần học.
Tôi thụ phong Linh mục vào Lễ Thánh Gioan Boscô 31/1/1949.
|