VietCatholic News (Thứ Năm 07/08/2008 15:55)
Những danh nhân có lòng sùng kính Mẹ Maria
Một điều mà những tín hữu thành tâm muốn đáp lại lời hiệu triệu khẩn cấp của Mẹ Maria ở Fatima là «hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày» thường phải đối mặt là những lời phê bình tiêu cực cho rằng lần hạt Mân Côi là một việc làm độc điệu và nhàm chán. Chẳng những vậy, thỉnh thoảng còn có người lên tiếng chỉ trích việc lặp đi lặp lại các Kinh quen thuộc khi lần hạt chỉ là hành động «lải nhải», «đa ngôn lắm lời», một điều mà chính Chúa Giêsu đã cảnh cáo khi cầu nguyện.
Thế nhưng, những người lên tiếng phê bình chỉ trích như thế là quá thiên lệch và chủ quan một chiều, vì họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu cũng đã nhắc bảo chúng ta là phải luôn cầu nguyện, chứ không được sao nhãng! (x. Lc 18,1-8). Vì thế, trong khi hiện ra với thôn nữ Bernadette Soubirous ở Lộ Đức vào năm 1858, Đức Mẹ đã khẩn thiết yêu cầu nhân loại: «Hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều!» Và tiếp đến, khi hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima vào năm 1917, Đức Mẹ còn nhắn nhủ rõ ràng hơn: «Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi mỗi ngày!»
Vậy, qua những lời phê bình chỉ trích Kinh Mân Côi như trên, chúng ta nhận diện được đa số khuynh hướng và não trạng con người ngày nay là thích chạy theo những cái thay đổi, thích tìm kiếm những điều mới lạ, chứ khó lòng ngồi yên tĩnh để suy niệm và nhận chân được những giá trị thiêng liêng cao quý chứa đựng trong các kinh nguyện. Hơn nữa đa số những người phê bình việc lần hạt Mân Côi thường là những người ít khi hay không bao giờ lần hạt cả.
Chỉ những ai thành tâm và đầy lòng yêu mến Mẹ Thiên Chúa qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, thì mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào êm ái và những lợi ích thiêng liêng to lớn do việc lần hạt Mân Côi mang lại cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Vì nền tảng chính yếu của Kinh Mân Côi tuyệt đối được dựa trên sự mặc khải của Kinh Thánh và chứa đựng những chân lý quan trọng nhất của đức tin Kitô giáo.
Bởi vậy, Linh mục Ludwig Gschwind, một ký giả và tác giả chuyên môn về thần học và triết học, vừa cho xuất bản cuốn sách «Perlen für Maria: Die Kraft des Rosenkranzes»(1) – Những viên ngọc dâng Mẹ Maria: Sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi. Trong đó ông đã giới thiệu một phương pháp mới mẻ mà ông đã khám phá ra được để trình bày những giá trị của Kinh Mân Côi. Đó là ông giới thiệu cho các độc giả những danh nhân có lòng ham chuộng việc lần hạt Mân Côi và đồng thời cũng là những vị đã từng cảm nhận được sức mạnh thiêng liêng của Kinh ấy.
Đức Giáo Hoàng đề cao giá trị của việc lần hạt trong gia đình
Cái ưu điểm của Linh mục Gschwind là ông đã trình thuật một cách khéo léo và sống động và vì thế đã làm cho người đọc thực sự cảm nhận và đánh giá đúng đắn được sự quan trọng thực tiễn của Kinh Mân Côi trong các hoàn cảnh sống khác nhau của họ.
Vâng, tác giả đã không những trình thuật sự khủng hoảng nội tâm, như trường hợp của chân phước Adolf von Essen vào thế kỷ XV: Trong khi tâm hồn bị giao động và bị thử thách cực độ, thánh nhân đã tìm đến nương nhờ nơi sự che chở của Mẹ Maria và đã phát huy một bản kinh mà sau này biến đổi thành Kinh Mân Côi như chúng ta thấy ngày nay. Trong suốt 35 chương của tập sách, Gschwind đã giới thiệu đủ các thành phần Dân Chúa, từ những tâm hồn đơn sơ mộc mạc cho tới những danh nhân và các bậc vị vọng, những người đã hằng ngày siêng năng lần hạt Mân Côi và đã kín múc được sức mạnh thiêng liêng cho đời sống nội tâm của mình từ việc lần hạt. Và dĩ nhiên, đây không chỉ đề cập tới các vị thánh nhân hay những vị chức sắc cao cấp trong Giáo Hội, nhưng đa số trong họ là những người tín hữu sống đời bình thường, những người mà người ta thường không hề ngờ được rằng họ lại có thể có được một đức tin sống động và một lòng đạo đức sâu xa như thế. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng lần hạt Mân Côi là một kinh nguyện của đại chúng, nghĩa là một kinh đã được mọi tầng lớp xã hội thực hành trong suốt hàng bao thế kỷ nay.
Đức Gioan Phaolô II, vị Tông đồ của Kinh Mân Côi
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã từng mong muốn cho mọi gia đình Công Giáo luôn biết sốt sắng lần hạt Mân côi trong gia đình mình. Trong thời đại ngày nay, các Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô I và Gioan Phaolô II cũng đều đã bày tỏ cùng một mong muốn như thế. Trong thập niên năm mươi thuộc thế kỷ trước, nhà thần học thời danh Romano Guardini đã viết về Kinh Mân Côi với những lời sau đây: «Lần hạt Mân Côi là một điều rất đơn giản, vì thế người ta cũng cần phải nói về Kinh Mân Côi bằng một cách giản dị.» Và ông hoàn toàn xác tín rằng: «Người ta càng sống lâu bao nhiêu, thì càng nhìn thấy rõ được rằng chính những điều đơn sơ, lại là những điều trọng đại thực sự.»
Những người con yêu của Mẹ Maria
Bởi vậy, chính những người đơn sơ bé nhỏ là những người ham thích việc lần hạt Mân Côi một cách đặc biệt nhất, ví dụ:
• Ba trẻ Fatima: Lucia, Phanxicô và Giaxinta, hay thôn nữ Bernadette Soubirous, người đã nhình thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, v.v... tuy tuổi đời còn quá non trẻ, nhưng các em lại yêu mến Mẹ Thiên Chúa một cách hết sức tha thiết và ham thích lần hạt Mân Côi hằng ngày một cách sốt sắng.
• Trong cuốn tiểu thuyết của ông tựa đề là «Das Lied der Bernadette» - Bài ca Bernadette(2), nhà văn Franz Werfel, gốc người Do-thái, đã trình bày Kinh Mân Côi là lời kinh của những đôi tay luôn vất vả lao động, những đôi tay ngay khi cầu nguyện cũng không bao giờ được ngơi nghỉ.
• Còn Zefirino Jiménez Malla, người Bohémien, người đã được phong chân phước vào năm 1997, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha ông đã cực lực phản đối việc đàn áp và giết hại các vị Linh Mục và đã bị bắt giam. Sau đó, vì ông từ chối không chịu vất bỏ chuỗi tràng hạt Mân Côi mà ông luôn cầm trong tay, nên ông ông đã bị xử tử.
• Cô Kordula Wöhler(3), con gái của tiến sĩ Johann Wilhelm Wöhler, Mục sự Tin Lành phái Luther. Tuy được sinh ra, được giáo dục và lớn lên trong môi trường hoàn toàn Tin Lành, nhưng khi được 16 tuổi, cô đã có dịp đi xem lễ tại các nhà thờ Công Giáo và cô đã cảm kích vô cùng, nhất là trước lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa của người Công Giáo. Từ đó, đời cô đã bắt đầu thay đổi: cô thường xuyên trốn cha mẹ đi xem lễ tại các nhà thờ Công Giáo và cô càng cảm thấy yêu mến Mẹ Maria hơn. Chính vì thế cô đã sáng tác ra bài thơ bất hủ «Segne Du, Maria, segne mich, Dein Kind» - Mẹ Maria hỡi, xin Mẹ hãy chúc lành cho con là con của Mẹ. Sau đó, bài thơ bất hủ này đã được nhạc sĩ Karl Kindsmüller phổ nhạc. Ngày nay bài hát «Segne Du, Maria» là một trong những bài hát về Đức Mẹ được yêu thích nhất ở Đức Quốc đến nỗi hầu như người giáo dân nào cũng có thể hát thuộc lòng được. Còn chính cô Wöhler đã tâm sự: «Đã từ lâu, trước khi trở lại Công Giáo, tôi đã từng yêu mến Mẹ Maria, đã từng tôn kính Mẹ một cách thầm kín, chứ tôi chưa đủ can đảm để xưng tụng Mẹ cách công khai, vì tôi rất biết là một người Tin Lành như tôi không được phép tôn sùng Mẹ Maria.»
• Petrus Pavlicek, người ngay trong tuổi thanh niên đã quay lưng lại với Giáo Hội, đã tuyên bố bỏ đạo và đã ly dị vợ sau một năm lập gia đình. Nhưng sau đó, khi bị bệnh nặng ông đã hồi tâm, đã ăn năn trở về với Giáo Hội và sau cùng đã gia nhập Dòng Thánh Phanxicô và làm Linh Mục. Ông đã lập ra phong trào phạt tạ Kinh Mân Côi và hiện nay qui tụ được khoảng trên một triệu thành viên. Hoàn toàn xác tín vào sức mạnh vô song của kinh nguyện, họ đã cầu nguyện hằng ngày cho nhân loại được ơn ăn năn trở lại và được hòa bình
• Linh mục Joseph Kentenich, đấng sáng lập phong trào Schönstatt, khi còn sống đã hoàn toàn tin tưởng phó thác mọi công tác Mục Vụ của ngài cho Mẹ Maria. Năm 1914, cùng với một số thanh niên thiếu nữ, ngài đã thiết lập «Hội liên kết bác ái», trong đó mọi thành viên của hội đã tự nguyện thánh hiến mình cho Mẹ Maria. Chính đây là giờ phút khởi đầu của Phong trào Tu hội Schönstatt mà hiện nay số thành viên đã lên tới hàng ngàn Nữ Tu, hoạt động trong các lãnh vực của xã hội. Mục đích nhằm tới của các thành viên là đào sâu tinh thần đời sống Kitô giáo của mình dựa theo những lời chỉ đạo của đấng sáng lập: «Kinh Mân Côi là một phương tiện để biến đổi cuộc sống của chúng ta thành cuộc sống Mẹ Maria!»
• Ông Bartolo Longo, người Ý, là một người ít ai biết đến, mãi cho tới vào năm 2002, Năm Kinh Mân Côi, khi ĐTC Gioan Phaolô II viết Tông thư về Kinh Mân Côi «Rosarium Virginis Mariae» và trong đó ngài có nhắc đến tên ông. Bartolo Longo là một luật sư, ông đã phải trải qua cơn khủng hoảng đức tin một cách khủng khiếp và khi cơn khủng hoảng đạt tới cao điểm của nó thì Bartolo Longo chạy đến với Mẹ Maria, Đấng bầu chữa mọi kẻ có tội, với hai dòng nước mắt đầm đìa. Sau khi đã củng cố lại được đời sống đức tin của mình, Bartolo Longo đã nổ lực hết sức trong việc truyền bá việc lần hạt Mân Côi. Và ông đã qua đời khi tay còn ôm cầm lấy Thánh Giá và tràng chuỗi Mân Côi.
Tiếp đến, tác giả Luwig Gschwind còn nêu danh một số nhà chính trị có lòng yêu mến việc lần hạt Mân Côi, như: Hoàng đế Karl V; Tướng chỉ huy trưởng Tilly; Hoàng hậu Maria Theresia; bà Rosa Kennedy, thân mẩu TT Mỹ John Kennedy; Thủ tướng Áo quốc Julius Raab cũng như Luwig Windthorst, người đối lập của Bismarck. Đó là những người khi gặp phải những thử thách cực kỳ gian nan nguy khó trong cuộc sống đã tìm gặp được niềm an ủi và lòng tin tưởng phó thác qua việc lần hạt Mân Côi.
Chính André-Maria Ampère, nhà toán học và vật lý học thời danh người Pháp - một người đã cống hiến cho thế giới những ý niệm như «điện trở», «điện từ» hay «điện thế» - luôn xác tín một cách chắc chắn rằng, khoa học không phải là tất cả và trong khi còn sinh thời ông đã rất ham chuộng việc lần hạt Mân Côi.
Kinh Mân Côi, nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà nghệ sĩ
Chúng ta biết rằng các nhà nghệ sĩ thường có một cảm xúc hết sức đặc biệt về những điều siêu nhiên vô hình. Vì thế người ta không còn lấy làm ngạc nhiên khi bắt gặp trong số họ nhiều người có tinh thần cầu nguyện rất sâu xa. Ví dụ: Danh họa Albrecht Dürer và các văn hào Clemens Brentano, Reinhold Schneider cũng như các nhạc sư Christoph Willibald, joseph Haydn và Wolfgang Amadeus Mozart. Tất cả họ đều đã đi tìm kiếm niềm an ủi và sự đỡ nâng cho cuộc sống cá nhân cũng như nguồn cảm hứng cho những sáng tác của mình trong kinh Mân Côi.
Vậy, qua những dẫn chứng cụ thể trên đây về những nhân vật đã nhận chân được khả năng con người thật của mình và nhất là biết đánh giá đúng đắn được sức mạnh thiêng liêng vô song của việc lần hạt Mân Côi, chắc hẳn chúng ta sẽ thêm lòng yêu mến Mẹ Maria hơn và hăng hái đáp lại lời hiệu triệu khẩn thiết của Mẹ ở Fatima là «hãy siêng năng sốt sắng lần hạt Mân Côi mỗi ngày!»
___________________
Chú thích:
1. Luwig Gschwind: Perlen für Maria: die Kraft des Rosenkranzes. St. Ulrich Verlag. Augsburg 2008.
2. Franz Werfel: Das Lied der Bernadette. Stockholm 1941.
3. Cô Kordula Wöhler: Sinh ngày 7.6.1945 tại Mecklenburg, Đức quốc. Ngày 10.7.1870 được gia nhập GH Công Giáo, ba ngày sau được chịu phép Thêm Sức và ngày 16.7. 1870 cô vô cùng sung sướng được rước lễ lần đầu tiên. Sau đó cô lập gia đình. Cô qua đời vào ngày 6.2.1916 với tên Kordula Schmid.
Lm Nguyễn Hữu Thy
|