MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Hồi Ký: Như Lá Vàng Bay (kỳ 2)
Thứ Tư, Ngày 6 tháng 8-2008

www.dunglac.org

HỒI KÝ: NHƯ LÁ VÀNG BAY (KỲ 2)

 *Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC

Bà  Sơ Catherine trả lời bà cũng sẽ di tản và lần gặp này là lần cuối giữa mẹ với bà vì sẽ chẳng còn gặp nhau nữa. Bà không có cách gì giúp mẹ con tôi được vì danh sách nhân số của Cô nhi viện (manifest) đã thiết lập đầy đủ để đưa qua Toà Đại sứ Hoa Kỳ xin chấp thuận và sắp chuyến máy bay.

Ngày mốt là đi rồi!

Dù mẹ và tôi có đến bà sớm hơn cũng không sao giúp được vì tình hình thay đổi từng phút, phương tiện vận chuyển lại ngặt nghèo vì mọi sự chuyển biến quá nhanh chưa kịp sắp đặt.

Mẹ hỏi bà đi đâu thì bà nói, không được biết rõ (hay bà muốn giấu), chỉ được lệnh ngày mốt lên máy bay. Dù chẳng phải họ hàng ruột thịt, nhưng mẹ tôi rất xúc động  khi nghe bà nói bà sẽ không còn gặp nữa. Hình như trong lúc quá hỗn loạn đó, bất cứ một sự che chở yêu thương nào dù nhỏ bé đến mấy cũng mang lại cho con người niềm hi vọng, an ủi như kẻ chết đuối nhìn thấy mảnh ván trôi.

Mẹ tôi, mặt dài ra vì thất vọng chán chường, kéo tay tôi đứng lên từ biệt để ra về vì bà nói bà đang rất bận thì đột nhiên, một bà Sơ lớn tuổi từ ngoài sân đi vào, tay cầm một tờ giấy. Hai bà nói chuyện với nhau, chỉ trỏ trên tờ giấy và sau đó bà Sơ già đi ra.

         Sơ Catherine bảo mẹ tôi:

         “Em ngồi xuống mấy phút nữa. Chị có việc cần thảo luận với em.”

         Mẹ tôi và tôi trở lại cái băng dài. Bà Catherine vào đề:

         “Chị được mẹ bề trên giao phó thiết lập danh sách các em cô nhi di tản ngày mốt, tức 18-4. Vì có ba em có người nhà đến trình giấy tờ ra xin cho các em đó ở lại với họ và bằng lòng nuôi chúng vì còn họ xa, chị còn duy nhất một chỗ trống trên máy bay. Có nhiều người muốn lắm nhưng chị nghĩ tình chị với em lâu ngày, anh ấy không biết sống chết ra sao, chị cho em chỗ này đặc biệt cho con  Thanh Thúy. Mẹ con em nghĩ sao, phải trả lời gấp vì chị không còn giờ?”

         Quá ngỡ ngàng vì tin vui đến đột ngột, hai mẹ con tôi xúc động đến lặng người đi, chưa biết phải tính ra sao. Hơn tháng nay, sau khi nghe Sàigòn sẽ mất, lính miền Bắc sẽ vào, sẽ có chém giết trả thù, mẹ đã đi dò hỏi chỗ cho hai mẹ con đi ra ngoại quốc. Nhưng còn một điều khó khăn là bố vẫn chưa thấy tăm hơi, mẹ bảo đi thế này khi bố về không thấy hai mẹ con sẽ bối rối lắm. Hay là để mẹ kiếm cách cho tôi đi một mình. Thoát được người nào hay người ấy. Mới đầu tôi không chịu nhưng nghe mẹ nói mãi những sự lợi hại nên rốt cuộc tôi bằng lòng. 

         “Kìa, em trả lời chịu hay không chịu để tôi còn làm việc. Tôi không còn giờ!”

         Bà Catherine gắt lên chứng tỏ trong lòng bà nhiều rối rắm lắm. Bà dợm bước ra khỏi phòng khách. Mẹ phải nắm lấy tay bà:

         “Em bằng lòng cho cháu đi. Trăm sự em nhờ chị.”

         Bà Catherine dừng lại:

         “Hai mẹ con em nghe kĩ đây. Hễ làm sai ráng chịu đừng có đổ thừa cho tôi. Biên tên, ngày sinh, nơi sinh, tên cha mẹ ra miếng giấy này. Làm ngay đi, mười phút nữa tôi trở lại lấy để điền vào danh sách. Xong về, trưa mai 12 giờ trở lại đây với cái xách tay đựng vài bộ quần áo thay đổi. Tối mai ngủ ở đây. Ðêm lên máy bay. Nào, nghe kịp không?”

         “Dạ, thưa kịp.”

              Đúng mười phút sau, Sơ Catherine trở lại. Mẹ tôi đưa miếng giấy đã ghi cẩn thận lí lịch của tôi. Sơ bảo mẹ tôi:

              “Em may lắm đấy. Em phải tạ ơn Chúa. Bà Bề trên vừa đưa cho chị một danh sách 5 đứa nhỏ để chị chọn lấy 1 điền vào chỗ trống nhưng chị nói chị đã có rồi. Bà hỏi em quen với tôi ra sao? Tôi phải nói thân thiết như ruột thịt bà mới chịu. Rất nhiều người muốn cho con đi lắm, mấy ngàn chỗ cũng hết và bỏ bao nhiêu tiền họ cũng chịu. Thôi, mẹ con em về sửa soạn. Nhớ trước 12 giờ trưa mai phải có mặt, giông bão cũng phải đến nghe chưa?”

            Mẹ tôi cầm tay bà Catherine:

            “Em cám ơn chị thật nhiều. Mai cháu sẽ đến khoảng 11 giờ.”

         Hai mẹ con tôi ra về. Tôi lại trèo lên yên sau chiếc Honda Dame. Chiếc xe này mẹ mua lại của cô Long Biên để mẹ đi làm. Trường tiểu học mẹ dạy đã cho học sinh nghỉ hơn tuần nay vì tình hình chiến sự gay cấn quá. Không một ai ở Sàigòn có thể ngồi yên làm việc trong lúc này. Phố xá nhốn nháo, các cửa hàng đa số đóng cửa, người chạy qua, kẻ chạy lại tất ta tất tưởi, mặt mày người nào cũng khẩn trương, vội vã, hấp tấp, sợ hãi, thật không thể tả xiết tình trạng hoang mang lúc này ở Sàigòn, nhất là sau khi một số đồng bào miền Trung liều chết chạy vào Sàigòn, bỏ lại cả gia tài cơ nghiệp, nhà cửa, ruộng vườn.

         “Mẹ muốn đưa con đi  ăn một món gì con thích.”

         “Thôi mẹ ạ,” tôi sắp xa mẹ, làm sao tôi có thẻ ăn được, nhưng tôi nói tránh đi, “Mẹ để dành tiền đi kẻo thiếu thốn. Con không cần ăn đâu.”

         “Không, con ăn đi kẻo sang ngoại quốc không có thức ăn Việt. Vả lại, mẹ cũng ăn với con cho vui. Nhà chả còn gì ăn. Nọ nay mẹ có đi chợ đâu. Con thích gì? Phở nhé!”

         “Dạ”

         Mẹ biết tôi thích hai món “ruột” như hai môn học “tủ” tôi thường đứng nhất, nhì trong lớp là Việt văn và Anh ngữ. Bún chả thì lúc nào mẹ rảnh, hoặc như xưa kia bố được xuất trại 24 giờ, mẹ đi mua thịt về ướp, rau thơm, bún và đốt than hơ thịt. Tôi chỉ có nhiệm vụ dọn bàn và rửa rau. Còn phở thì phải đi tiệm, Sàigòn khi xưa không ai nấu được phở ở nhà vì không làm sao có bánh phở. Chỉ hàng phở mới có bánh phở. Phở gà đến Trương tấn Bửu hoặc Hiền Vương, phở bò đi Lý thái Tổ hoặc Công lý. 

         Từ nhà thương Saint Paul ra, nơi gần nhất là Hiền Vương. Mẹ luồn lách mấy con đường, chở tôi đến đó. Tiệm phở đóng cửa im ỉm, trên cửa còn để miếng giấy”Tạm đóng cửa một tuần” cũng chẳng nói ngày mở lại. Mẹ chở tôi đi một tiệm nữa, cũng đóng cửa nên đành phải về.

         Khi cuộc sống đã bị xáo trộn, tất cả mọi toan tính của con người đều vuột khỏi tầm tay. Mẹ tìm trong tủ lạnh được hai quả trứng, dúm tôm khô và một quả mướp đã héo. Mẹ đặt nồi cơm điện rồi đi kiếm cho tôi cái túi xách cũ. Hai bộ quần áo, cái khăn mặt, đôi dép, bàn chải và kem đánh răng, một cái lược, quyển sổ nhỏ xíu bằng ba ngón tay  ghi vài địa chỉ để liên lạc sau này. Hai mẹ con ngồi ăn nhưng nuốt không trôi mặc dù mẹ đã nấu canh mướp với tôm khô, lấy cái mà chan cơm. Mẹ dặn tôi đủ thứ, nào học cho giỏi, cho ngoan, liên lạc về ngay cho mẹ hay, phải cẩn thận kẻo đau ốm vv... Mãi gần sáng, hai mẹ con mới thiếp đi được một lúc.

         Khoảng gần trưa, cho tôi ăn một khúc bánh mì với trứng xong, mẹ bảo tôi lên xe để mẹ chở đến Saint Paul như hôm qua bà Catherine dặn.

Tôi đi thay quần áo, nhưng lúc cầm cái xách tay, tôi không muốn đi nữa. Chưa bao giờ tôi sống xa mẹ. Chưa bao giờ tôi đi đâu mà không có mẹ. Nhất là đi ngoại quốc, một nơi xa xôi vạn dặm hầu như chẳng bao giờ được gặp bố mẹ nữa. Ở lại nhà thì khổ thật nhưng tôi còn có mẹ, và rồi bố về, có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, xưa nay tôi không phải là đứa đua đòi. Còn đi như thế này, coi như ngàn thu vĩnh biệt. Làm sao tôi có thể ra đi?

Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế trong phòng, thừ mặt ra.

          “Xong chưa Thúy?”

          Mẹ gọi tôi từ phòng khách. Không nghe trả lời, mẹ vào bên cửa, thấy tôi ngồi một đống trên ghế.

           “Ði, con. Kẻo trễ!”

           “Con không đi nữa mẹ ạ!”

           Mẹ thực sự hoảng hốt:

           “Ủa, sao con lại không đi nữa?”

            “Con nhớ mẹ, nhớ bố. Con không thể xa bố mẹ được.”

            “Không, con ơi!” Mặt mẹ tôi nhăn nhó đến thảm hại, “Cơ hội ngàn năm một thuở. Không phải ai cũng có cái may như con đâu. Chán vạn con người ta mất tiền triệu để đi mà không được đó.”

            “Thì để cho họ đi! Họ có thể xa cha mẹ chứ con, con biết con không xa bố mẹ được. Con sang đó những nhớ bố mẹ mà con bệnh, con chết. Còn học hành gì được?”

            “Không, con. Con phải nghe mẹ. Con đi mẹ cũng nhớ con lắm chứ nhưng tình thế này dù con có ở nhà thì bố mẹ và con chưa chắc đã ở với nhau. Con đi mai sau con có thể giúp đỡ bố mẹ nhiều thứ. Nguyên việc con được học hành nên người, đỡ lo cho bố mẹ cũng là giúp bố mẹ nhiều rồi. Ði, đứng lên đi kẻo trễ. Ðường xá nhốn nháo, cướp bóc, đâu có an lành như mọi khi đâu con!”

             Tôi vẫn ngồi yên không đụng đậy. Mẹ tôi quì xuống nền nhà, nắm hai tay tôi áp vào má, khóc làm tôi cũng khóc:

             “Thúy ơi, mẹ nói hết với con rồi.  Vui vẻ ra đi cho mẹ yên lòng. Con có biết xa con, bố lại chưa biết sống chết ra sao, mẹ khổ lắm không? Con đừng làm mẹ khổ thêm, nữa con!”

             Câu cuối cùng của mẹ và những giọt nước mắt nóng hổi từ đôi mắt mẹ làm ướt đôi má của tôi. Vị mặn từ những giọt nước mắt thương yêu ngấm vào môi, vào lưỡi làm tôi đau đớn quá sức. Tôi không thể cưỡng lời người mẹ đã quá yêu thương tôi hơn cả chính thân xác của  mẹ.

             Tôi đứng lên, cầm tay giỏ xách. Hai mẹ con ra khỏi nhà.

             Ðường xá hỗn loạn hơn hôm qua. Xe cộ qua lại như mắc cửi, kẻ đi ngang người đi dọc, xe leo cả trên lề dành cho người đi bộ. Ðặc biệt chỉ thấy người và xe chứ không thấy chuyên chở đồ đạc. Hầu như người ta chỉ tìm một con đường sống, cái xe là phương tiện, còn mọi thứ đều vô nghĩa. Quần áo, giầy dép, xách tay, sách vở, đủ thứ liệng đầy đường nhưng chẳng ai thèm nhặt. Tôi nghe người ta nói với nhau hai chiếc trực thăng của Quân đội đụng dây điện rớt ở Ngã Bảy và trong Chợ lớn. Mẹ chỉ chăm chú lái đưa tôi đến St Paul, bắt chước người ta chạy cả trên lề dành cho bộ hành, bỏ qua tất cả những chướng ngại cùng náo loạn dọc đường. Rồi mẹ con tôi cũng đến được nhà thương St Paul lúc 11giờ10.

            Sơ Catherine ra đón chúng tôi sau khi được báo từ người gác-dan ở cổng, mẹ con tôi không phải chờ. Rồi Sơ bảo mẹ tôi về. Mẹ cầm tay tôi rơm rớm nước mắt, hai mẹ con đều nghẹn ngào không nói nên lời. Chỉ cho có năm phút, Sơ kéo tôi vào dẫy nhà bên trong và bảo mẹ tôi:

         “Thôi, em về đi!”

               Mẹ tôi lại nói lời cám ơn bà một lần nữa nhưng chẳng kịp nói hết câu thì bà đã ngoắt đi. Tôi nghĩ bà cũng sợ cảnh biệt li. “Cảnh biệt li sao mà buồn vậy!”

         Tôi đi theo bà còn ngoái cổ nhìn lại mẹ. Tôi thấy mẹ muốn khuỵu xuống đó nhưng chẳng biết làm sao. Mẹ đã nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần và tôi cũng phải nhắc đi nhắc lại để giữ vững tinh thần:

“Biết bao người muốn đi như con mà không được. Con có nhiều may mắn lắm rồi, còn mong gì nữa?”

Nhưng tôi vẫn cảm thấy đau khổ khi xa mẹ mà tôi nghĩ có còn khi nào gặp lại mẹ và bố không? Nếu không có bà Catherine nắm tay tôi lôi đi, có lẽ trong một lúc thảng thốt, tôi đã chạy bay lại với mẹ:

”Nhất định con không đi nữa, mẹ. Con ở lại với mẹ. Mẹ sống, con sống. Mẹ chết, con chết.” Nhưng tôi không làm được, cổ tay tôi bị bà nắm chặt và đau quá, tôi suýt phải la lên. Có lẽ bà đã từng kinh nghiệm những đứa trẻ “đổi lòng” ở những phút sinh tử đó. Vả lại nét mặt buồn khổ của mẹ còn hằn rõ và những giọt nước mắt như vẫn còn thấm vị mặn trên đầu lưỡi của tôi làm tôi tự nhủ phải phấn đấu để mẹ vui lòng.

         Sơ Catherine đẩy tôi vào một phòng lớn trong đó cả trăm đứa trẻ đang ngồi trên những cái băng dài. Ðứa nhỏ nhất năm, sáu, đứa lớn nhất hơn tôi vài ba tuổi, đứa nào cũng đeo ở ngực một miếng vải có số to như hai cái bàn tay. Cạnh chúng, những cái túi xách lép kẹp chứng tỏ chẳng có bao nhiêu ở trong. Sơ Catherine giao tôi cho một bà Sơ trẻ, bà này đeo lên ngực tôi một miếng vải với số thứ tự 78. Bà bảo tôi:

         “Em phải nhớ con số này. Khi điểm danh, người ta chỉ gọi số, không gọi tên, nghe không?”

              “Dạ.”

         Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi được hướng dẫn xuống phòng ăn. Mỗi đứa lãnh một cái khay như khay cho bệnh nhân ở nhà thương và thìa muỗng. Ði qua mấy người múc đồ ăn, có cơm, rau luộc, nước chấm, một miếng cá nhỏ và một cái bánh ga-tô. Xong đem đến bàn, bà Sơ Bề trên đọc kinh, tất cả đọc theo, rồi ăn. Bà Sơ  dặn xin cơm ra là phải ăn cho hết không được bỏ mứa, đổ đi, có tội. Tôi biết không ăn được nhiều nên chỉ xin một muôi mỗi thứ.

         Ðược một giờ tắm rửa, làm vệ sinh. Sau đó bà Sơ trẻ hướng dẫn đọc kinh tối 15 phút, rồi đi ngủ. Những đứa cô nhi thuộc kinh làu làu, trái lại, tôi chỉ ngồi nghe. Nào tôi có được học kinh học sách bao giờ! Vả lại, bố mẹ chưa chắc đã cho tôi theo Thiên Chúa giáo vì mẹ tôi rất sùng đạo Phật dù gần suốt cuộc đời học sinh, mẹ học với các bà Sơ.

         Những cái poncho nhà binh được trải ra, đặt sát vào nhau, mỗi đứa chiếm một khoảng không gian vừa đủ cho mình. Ngủ. Nhưng trước khi ngủ, Sơ Catherine còn điểm danh lần chót. Khi bà gọi tới số thì phải thưa ”Présent” bằng tiếng Pháp. Bà cũng dặn sáng sớm  nghe tiếng còi là phải dậy liền, có 30 phút vệ sinh, sau đó lên xe.

         Ðèn tắt tối thui, chỉ có một ngọn lờ mờ ở cửa ra vào. Tôi không sao nhắm mắt, cứ nghĩ mãi về mẹ, về bố, về cái gia đình mỗi người mỗi nơi. Tôi không khóc nữa nhưng cảm thấy buồn, một nỗi buồn sâu lắng cho thân phận của mình. Rồi tôi lại tự an ủi, có biết bao nhiêu con nhà giầu có, muốn được đi như tôi mà không được mặc dù cha mẹ họ có thể bỏ tiền triệu ra cho họ đi. Súng đại bác nổ gần, lại nghe cả tiếng liên thanh bắn từng tràng. Rồi mệt quá, tôi thiếp đi.

         Tiếng còi ré lên làm tôi nhỏm dậy, nhanh nhẹn ra nhà vệ sinh, đã có một số ra trước tôi rồi. Không rềnh rang gì hết, sau đó là gọi tên lên xe. Năm, sáu chiếc xe GMC nhà binh đậu trong sân, cứ 25 đứa một chiếc. Rồi xe lăn bánh.

(còn tiếp)

Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Video Clip #74: Medjugorje, Các Hình Ảnh Tại Linh Địa Và Bài Hát Ca Ngợi Mẹ Maria. (8/7/2008)
Các Cuộc Hiện Ra Và Thông Điệp Đức Mẹ Kibeho (nước Rwanda, Năm 1981) (3) (8/7/2008)
Cảm Giác Được Yêu Thương (8/7/2008)
Kỷ Niệm 63 Năm Bom Nguyên Tử Ném Xuống Trên Thành Phố Hiroshima Và Nagasaki, Nhật Bản (8/7/2008)
Năm Thánh Phaolô: Thư Thật Gửi Người Thật (8/7/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Khi Kẻ Ác Làm Người Dẫn Đường (8/6/2008)
Chỉ Có Mười Xu (8/6/2008)
Một Điểm Tựa Duy Nhất Trên Cõi Đời (8/6/2008)
Nhận Ra Chúa Trong Những Cơn Giông Tố Cuộc Đời (8/6/2008)
Lễ Khấn Của Các Đan Sĩ Thiên An- Huế (8/6/2008)
Tin/Bài khác
video Clip #72, Tantum Ergo, Chầu Thánh Thể Với Đức Cố Giáo Hoàng Và Đức Giáo Hoàng Benedicto Xvi (4/11/2015)
Medjugorje Bài 207: Mừng Sinh Nhât Mẹ Maria, (8/5/2008)
Các Cuộc Hiện Ra Và Thông Điệp Đức Mẹ Kibeho (nước Rwanda, Năm 1981) (2) (8/5/2008)
St. Mary Major - A Dream Come True! Đức Mẹ Maria Xuông Tuyết, Ngày 5 Tháng 8 Năm 352 (8/5/2008)
Sự Khôn Ngoan Của Thiên Chúa Và Sự Dại Khờ Của Con Người (8/5/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768