www.dunglac.org
HỒI ỨC MỘT ĐỜI NGƯỜI: NHƯ LÁ VÀNG BAY
Kỳ 1:
* Xuân Vũ TRẦN ÐÌNH NGỌC
Tôi vừa đi biển về tới nhà. Sáng hôm nay thứ bảy đẹp trời, đêm hôm qua ngủ sớm nên tôi rủ nhà tôi cùng ra biển sớm.
Đó là thói quen của chúng tôi từ nhiều năm nay ở vùng biển này mà chúng tôi đã lựa chọn khu vực khi mua nhà.
Bãi cát Corona del Mar (Vương Miện Của Biển) tại quận Cam, California trắng phau. Sáng sớm, những con hải âu lượn qua lượn lại kiếm mồi. Chúng lao xuống mặt nước mỗi khi nhìn thấy con mồi đang lởn vởn bơi ngay dưới mặt nước, lúc chúng quay ngược đầu lên là y như trong mỏ có ngậm một con cá trắng muốt. Trái với cảnh tấp nập kiếm ăn của đàn hải âu phi xứ, dăm con chàng bè lông nâu nhạt mỏ dài đứng thờ ơ nhìn những triều sóng bọt tung trắng xóa vỗ vào ghềnh đá y như những triết gia đang suy tư về cuộc đời phù du, ảo thực lẫn lộn. Những làn sóng xô vào bờ xong lại rút ra xa, rồi lại cuồn cuộn xô vào bờ, đều đều một nhịp điệu. Vài cánh buồm trắng tận ngoài khơi in trên nền trời xanh đồng mầu với nước biển. Những con còng ra khỏi lỗ kiếm ăn trên những cọng rong rêu vàng, xanh đủ loại. Thoáng thấy bóng người, chúng lại rút nhanh vào lỗ làm mấy cháu bé xắn quần lội bắt, vồ hụt y như những bóng dáng hạnh phúc mà con người mải mê tìm kiếm, chụp bắt.
Mặt trời đã hừng ở phía Đông, trên mặt biển. Những áng mây hồng, tím và xám đục loé sáng từ bên trong bởi những tia nắng đầu ngày từ quả cầu tròn sáng loé trông rực rỡ và đẹp lạ! Không một họa sĩ nào có thể lột tả hết cái đẹp của bình minh do bàn tay thiên nhiên. Năm ngoái, khi đi du lịch Grand Canyon, Arizona, hai chúng tôi cũng đã dậy sớm để ngắm bình minh ở đó, phải chịu rằng cảnh đẹp không có thể vẽ, chụp, tả làm sao cho hết cái đẹp mà Hoá công đã chấm phá tạo nên. Bình minh ở biển Corona Del Mar có cái đẹp khác với bình minh ở Grand Canyon vì hai nơi núi, biển khác nhau nhưng với tôi, cả hai cảnh đều đẹp.
Sau khi đi dạo trên bãi để ngắm bình minh một lúc, đùa với những con dã tràng xe cát để chúng chạy trốn vào những cái tổ mỏng manh (mà có lẽ chúng nghĩ là an toàn, con người đâu khác chúng!); rồi mặt trời lên hơi cao, khoảng 10 giờ, chúng tôi ngồi nghỉ một lát nhìn mấy đứa trẻ đua diều. Khoảng 11 giờ, nước đã ấm, chúng tôi thay quần áo xuống biển ngâm mình dưới làn nước mát. Sóng hôm nay nhẹ, mỗi người một phao, chúng tôi nằm ngửa trên phao nhìn trời xanh, mây bay mặc cho sóng đưa tới đưa lui.
Đồng hồ ở ngôi nhà thờ gần đó điểm 12 giờ trưa, cảm thấy đói, chúng tôi lên tắm nước ngọt và thay quần áo rồi ra xe về.
Nhà tôi gợi chuyện:
“Biển hôm nay hơi vắng hả anh?”
Tôi ngồi vào ghế tài xế:
“Buổi chiều chắc đông hơn vì hôm nay ban chiều khá nóng. Em vẫn thích tắm biển vắng mà?”
“Đúng, biển vắng em mới xuống tắm với anh chứ biển đông em chỉ đứng trên bãi nhìn cho thiên hạ với anh tắm.”
Tôi cười:
“Em hơi nhát. Cứ nhào đại xuống tắm bừa cho vui chứ!”
Nàng cũng cười với tôi:
“Em chưa bắt chước được cái bạo của anh.”
“Tập dần đi là vừa!”
Cho xe vào garage xong, tôi ra thùng thư coi xem có thư từ gì không vì khu tôi, ông đưa thư đi khoảng 10 giờ mỗi ngày kể cả thứ bảy.
Một bao thư dầy, người gửi là Mai Thanh Thuý. Tôi nhớ ra cô bé tên Mỹ là Lisa đã gặp nhà tôi và tôi nhiều lần. Hiện Thuý còn đang học Đại học San Francisco, cách nơi tôi ở khoảng 400 miles. Tôi đưa bao thư vào nhà, trong khi nhà tôi làm thức ăn trưa, tôi mở bao thư ra đọc. Lá thư nhỏ gửi cho vợ chồng tôi viết như sau:
Kính thăm chú cô Vũ,
Như bữa trước cháu đã thưa với chú cô trên điện thoại, cháu xin gửi mấy chục trang nhật ký về quãng đời khá gian truân của cháu đến chú. Với văn tài là một Nhà văn kiêm Nhà thơ của chú, cháu nhờ chú viết lại và đưa chuyện cháu lên trang giấy hay trang NET. Đó là ý nguyện từ lâu của cháu. Biết đâu trong những gấp khúc, không may cuộc đời của cháu lại giúp cho dăm, ba bạn trẻ như cháu nhìn thấy một vài điều ích lợi nào đó, chẳng hơn là cháu cứ giữ sự im lặng mãi sao. Phải không, cô chú?
Cháu kính chúc chú cô dồi dào sức khoẻ và mọi sự may mắn. Riêng chú sáng tác hăng say làm đẹp cho Văn chương Việt Nam.
Kính thư
Cháu: Lisa Thanh Thuý Mai
o0o
Mai Thanh Thuý sang Hoa Kỳ lúc còn nhỏ nên không được học Việt ngữ bao nhiêu, chính tả có những chữ vẫn sai nhưng những chi tiết của câu chuyện và những cảm xúc được Thuý ghi lại khá đầy đủ. Nhiều chữ, nhiều câu, Thuý không thể diễn tả bằng chữ Việt, Thuý đã dùng tiếng Anh. Dù sao tôi đã hiểu trọn vẹn câu chuyện của Thuý nên trình bày lại cho có thứ tự và xuôi xắn để cống hiến bạn đọc giải trí.
Sau khi viết xong, tôi nhờ nhà tôi đọc cho Thuý nghe để xem Thuý có muốn thêm bớt và chúng tôi đã làm đúng như ý Thuý.
Riêng với cháu Thuý, với ý nguyện của cháu, chú cô hi vọng đây là món quà tinh thần chú cô gửi tặng cháu và bố mẹ cháu. Hãy cố gắng vươn lên dù cuộc đời nhiều khổ luỵ mà ai cũng phải chịu, không nhiều thì ít. Nên nhớ còn rất nhiều người kém may mắn hơn cháu. Hãy học thành tài và mang cái khả năng đó ra phụng sự xã hội, nhất là những người nghèo, bạc phước, kém may mắn.
Chú cô luôn nghĩ đến cháu và mong cho cháu bền tâm, trì chí đạt tới mục tiêu.
Thương cháu nhiều,
Chú cô XV/TĐN
o0o
- Ðó là biển. Biển của tôi.
(Từ đây là đoạn tự thuật của Thúy rút từ những trang Nhật ký Thuý đã ghi từ ngày còn ở Sàigòn.)
Phải, biển của tôi. Tạm thời tôi nghĩ biển là của tôi, cho riêng tôi và tôi sung sướng với ý nghĩ đó.
Không biết tôi đã yêu biển từ bao giờ. Có lẽ ở tuổi nhỏ lắm. Năm, sáu, bảy, tám hay chín mười tuổi gì đó mà chẳng bao giờ tôi cần lục lọi trong trí để nhớ.
Khởi đầu từ bố tôi đem tôi ra biển Vũng tàu cho tôi tắm. Không ở bãi Trước, bãi Sau, hay bãi Dâu mà ở Ô Quắn, tôi thấy người ta gọi thế, nghĩa là một nơi ít người xuống tắm vì có tiếng là sóng dữ.
Hôm ấy có mẹ tôi. Mẹ đòi ra Bãi Sau nhưng bố nói bố thích tắm ở đây và tập cho mẹ con tôi ở những nơi sóng dữ cho quen. Mẹ có vẻ không vui vì hơi sợ sóng nhưng biết tính bố khó lay chuyển, đành chiều.
Hôm ấy bố tập cho tôi bơi. Tôi bị uống mấy ngụm nước, sặc sụa dữ, nước lên cả mũi, rồi ho nhưng bố bảo không sao, sẽ quen đi. Quả nhiên, ngày hôm sau, tôi đã giữ cho thân mình nổi được, có bị uống một lần, nhưng ít. Sau ba, bốn lần đi Vũng tàu, tôi đã bơi được một đoạn ngắn, kiểu bướm là kiểu thông dụng cho con gái, hai kiểu nữa mà bố tập cho là bơi sải và bơi ngửa. Sau đó, tôi không bị uống nước nữa. Bố bảo biết bơi chút ít, đi sông nước không quá lo.
Năm tôi mười hai tuổi, một biến cố lớn xẩy ra. Miền Nam sắp sửa rơi vào tay những người lính CS từ ngoài Bắc tràn vào.(Sau này, khi đọc báo chí ngoại quốc, tôi mới biết rằng nguyên nhân đầu mối là do người Mỹ, Đồng Minh mạnh mẽ của chúng tôi đã bỏ chúng tôi, nhường miền Nam Việt Nam cho hai nước CS là Nga và Tàu).
Lúc đó là đầu năm 1975, khoảng tháng 3, ngày mồng 10, mất Ban mê Thuột. Bố tôi là sĩ quan cấp tá đang đóng ở Huế.
Ở Sàigòn chỉ có hai mẹ con tôi trong một căn nhà thuộc cư xá sĩ quan Chí Hoà. Mẹ cuống cuồng không biết bố ra sao, vào Bộ Tổng Tham Mưu hỏi, họ nói các phương tiện thông tin bị cắt, chính họ cũng không rõ tình hình. Mẹ lại càng bấn loạn!
Cho tới giữa tháng 4-1975, bố vẫn không về. Sài gòn náo loạn. Sàigòn lên cơn sốt. Sài gòn như một con bệnh nặng đã nhìn thấy tử thần cầm cái hái đứng ở đầu giường. Người chạy tứ tung, nhốn nháo, kiếm đường đào thoát vì Quân đội Mỹ bỏ, Quân lực Việt Nam Cộng hòa hết đạn, hết xăng. Radio ra rả nói rằng 300 triệu đô-la viện trợ quân sự khẩn cấp Hành Pháp Mỹ xin để đối phó với tình hình cực kì khẩn trương đã bị Quốc Hội Mỹ bác bỏ. Đồng Minh duy nhất đã bỏ chúng tôi, đã quay lưng với chúng tôi vì một cuộc đổi chác quốc tế mà sau này đọc báo Mỹ tôi mới hay.
Quân, dân miền Trung rã ngũ, bỏ hết tài sản đang làm ăn sinh sống ùn ùn xuống tầu, xuồng, xà lan, thuyền bè hoặc chen chúc leo lên máy bay trực thăng chạy vào Sàigòn như thác chảy.
Người chạy trên đường thì chết trên đường vì đạn lớn nhỏ bắn bừa vào. Người nhảy xà lan rớt xuống sông xuống biển, người đeo trực thăng bị dưới bắn lên, bị trên đạp xuống, rớt như sung rụng. Toàn miền Trung sôi lên sùng sục như trong một cái nồi súp-de máy tầu chạy hơi nước. Những đứa trẻ tuột tay bị rớt xuống sông cha mẹ đứng nhìn cho con trôi đi mà không làm gì được. Những cha mẹ già yếu hoặc đang bị bệnh con cái phải bỏ lại để thoát thân vì thoát được người nào hay người ấy; những thảm cảnh ai nhìn cũng ứa nước mắt!
Vậy mà vẫn không thấy bố về. Mẹ và tôi lo quýnh quáng đến điên khùng nhưng lo mà không làm nên công chuyện gì ngoài việc đi nghe ngóng tin tức nhưng càng nghe thì càng lo.
Mẹ tôi trước kia học trung học ở Couvent des Oiseaux, Ðàlạt, có quen với bà Sơ Catherine làm Giám thị trong tư thục này. Sơ là người Pháp, còn khá trẻ, chỉ hơn mẹ chừng dăm tuổi. Khi mẹ thôi học ở Couvent, Sơ vẫn còn làm việc ở đó nhưng hơn năm sau, Sơ đuợc đổi về bệnh viện St Paul làm việc.
Vậy là Sơ với mẹ cùng ở Sàigòn, rất gần nhau nên càng thân thiết hơn trước, có thể nói thân thiết như chị em ruột thịt vì hai người hợp tính hợp tình nhau lắm. Mỗi năm mẹ tổ chức ngày sinh nhật cho Sơ tại nhà và mời Sơ ra, có năm có bố cùng dự, có năm không. Rồi những bữa party sinh nhật cho mẹ và tôi, mẹ cũng mời Sơ ra dự, cũng như lễ Noel cuối năm và Tết dương lịch. Chính vì những gắn bó đó mà bây giờ, tình hình hỗn loạn quá, mẹ đến vấn kế Sơ vì chẳng còn biết trông cậy vào ai. Cha mẹ đôi bên của bố và mẹ đều đã mất cả, bà ngoại tôi mất sau cùng lúc tôi lên tám tuổi.
Sàigòn càng ngày càng hỗn loạn thêm. Cứ sau một đêm, sáng ra lại thấy mọi chuyện đổi khác. Hàng xóm thưa dần, không ai bảo ai mà gia đình nào cũng gấp rút chỉ lo một chuyện: ra đi, nhưng đi đâu và có trót lọt không thì không ai trả lời được.
Súng vẫn nổ lẻ tẻ xung quanh Sàigòn. Đêm nghe đại bác nổ thật gần lẫn trong tiếng súng máy. Phi cơ trực thăng vần vũ trên bầu trời cả ngày và đêm. Người ta đồn quân Bắc Việt về đến Củ Chi, quân BV và quân mình đang đánh nhau lớn lắm ở Long Khánh, cửa ngõ vào Sàigòn. Người ta đồn sẽ có tắm máu, có trả thù, có tự tử, có đủ mọi thứ kinh hoàng làm người chỉ nghe cũng đủ điên đầu.
Mẹ rối ruột quá. Nhiều đêm mẹ không ngủ, ăn không ra sao lại quá lo nghĩ nên người mẹ gầy rạc hẳn xuống, hai mắt quầng đen, áo quần xơ xác, tiều tụy. Tôi nhìn mẹ mà ứa nước mắt. Nhưng nào tôi có hơn gì. Hai cổ tay tôi đeo cái vòng ngọc thạch mẹ mua cho trước vừa, nay rộng rinh là tôi biết tôi sút xuống trông thấy. Quần áo cũng có vẻ rộng hơn, kiếm bộ nào cũ cũ, xấu xấu mà mặc chứ không dám diện như mọi khi. Tôi chợt nghĩ nếu quân BV vào đây thì tôi còn phải ăn mặc tồi tàn xấu xí nữa bởi tôi nghe bác Tám gái nhà bên cạnh nói, họ rất ghét con cái những người trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà, những người họ cho là có nợ máu với họ.
Sáng hôm đó, mẹ đun nước sôi nấu cho hai mẹ con hai tô mì gói. Ăn gần xong, mẹ bảo:
“Con thay quần áo, đi với mẹ!”
Tôi ngước mắt nhìn mẹ:
“Đi đâu hả mẹ?”
Giọng mẹ hơi gắt:
“Đến Sơ Catherine chứ còn đi đâu nữa!”
Vài bữa trước, mẹ đã đưa chuyện này ra bàn bạc với tôi.
“Mẹ nghĩ Sơ có giúp được mình gì không?”
“Thì cứ đi cầu may. Ngồi mãi trong nhà chịu chết sao con?”
Mẹ tôi vừa dứt lời thì có tiếng gõ cửa. Mẹ ra mở. Anh Trình là con bác Thượng, ở cùng cư xá. Bác Thượng lớn tuổi hơn bố tôi, khi xưa làm Đại đội phó cho bố tôi, vài năm nay xin chuyển về Hậu Nghĩa chỉ huy lính Địa phương quân. Anh Trình đứng ở cửa bảo với mẹ tôi:
“Cô ơi, bố con bị trúng đạn chết hôm qua, xác chưa đưa về được. Có người ở Hậu Nghĩa sáng sớm đến báo tin cho mẹ con như thế. Mẹ con bảo đến báo tin cho cô.”
Nói xong anh khóc òa lên. Mẹ và tôi đứng trong nhà, anh phía ngoài cửa, nhìn thấy anh khóc, mủi lòng quá cũng khóc. Mẹ tôi chưa nói được lời gì khuyên anh thì anh quệt nước mắt:
“Con báo tin cho cô hay vậy. Thôi, con phải đi đã. Chào cô.”
Anh Trình đi rồi, hai mẹ con tôi đưa cái Honda Dame từ trong nhà ra. Mẹ nổ máy, tôi ngồi lên yên sau, chiếc xe từ từ ra cổng.
Không thể tả được cảnh hoang tàn đổ nát của phố phường Sàigòn. Một thành phố vừa bị cướp hơn là một thành phố chiến tranh. Con đường Lê văn Duyệt đã nhỏ bây giờ lại thấy nhỏ hơn vì xe cộ đủ loại nằm ngổn ngang, cả xe đạp và xe gắn máy, cả xe Jeep, xe vận tải nhà binh và xe dân sự, xe xích-lô, ba-gác, xe Lam, xe có chủ ngồi đó, xe vô chủ. Còn quần áo, giầy nón, dân sự và nhà binh, cả đồ đạc bàn ghế hầm bà làng không thiếu thứ gì ngổn ngang trên đường trông vô cùng thảm hại. Đường xá như thế nên xe hai bánh luồn lách dễ hơn là xe bốn bánh.
Mẹ tôi nói cho tôi hay, mẹ chỉ sợ bị cướp xe, cái phương tiện duy nhất cho hai mẹ con bám víu mà sống. Nhờ ơn Trời Phật, mẹ con tôi cũng đến được nhà thương Saint Paul.
Hai mẹ con vào ghi tên ở cổng, viết rõ ý định là muốn gặp Sơ Catherine. Người gác cổng bảo ngồi chờ. Hai mẹ con tôi chờ khoảng hai mươi phút, Sơ Catherine ra mời vào phòng khách. Mẹ tôi vào đề ngay:
“Chị ơi! - Mẹ tôi vẫn xưng hô với Sơ như vậy - Tình hình nguy hiểm quá. Chị có đường nào đi cho mẹ con em đi với. Nhà em còn ở ngoài Trung không có tin tức gì!”
(còn tiếp)
Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
|