MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Anh Ba Đen
Thứ Năm, Ngày 24 tháng 7-2008

Nguồn: Hiệp Thông 342

Anh Ba Đen 

Truyện ngắn của  Tụy Hiền

1.     

      Trời vào thu. Cảnh vật  như chìm sâu trong cõi ảm đạm và tê tái. Những chiếc lá vàng úa  không còn sức sống, sẽ rơi rụng khi cơn gió nhẹ thổi tới.

      Rồi mùa đông trở về. Cây cối trơ trụi và xơ xác. Những bông tuyết bắt đầu rơi và phủ kín mặt đất bằng một màu trắng trinh nguyên. Mọi sinh hoạt đều ngưng đọng với cái lạnh chết chóc.

      Bồ nông mẹ xòe cánh như muốn ôm trọn lũ chim non vào lòng để truyền cho chúng chút hơi nóng của mình trong chiếc tổ không còn đủ ấm. Đưa mắt nhìn vào khoảng không gian băng giá, cặp mắt long lanh như muốn khóc, đầu óc bồ nông mẹ nặng trĩu nỗi lo âu :

      - Phải làm sao cho đàn con thoát khỏi mùa đông nghiệt ngã này.

      Từ sáng cho đến bây giờ, lũ chim non vẫn chưa được một chút gì bỏ vào miệng. Và thế là chúng đồng thanh kêu lên :

      - Chíp, chíp, chíp…

      Tiếng kêu chíp chíp của lũ chim non đã làm cho bồ nông mẹ giật mình, những toan tính còn đang mơ màng bỗng tan biến, để rồi phải đối diện với một thực tế phũ phàng :

      - Cái đói.

      Bồ nông mẹ lẩm bẩm :

      - Phải, cái đói. Thế nhưng ta nhất quyết không để cho cái đói cướp đi đàn con bé bỏng của ta.

      Buồn bã nhìn lũ chim non, bồ nông mẹ khẽ nói :

      - Nào chóng ngoan, mẹ đi kiếm mồi về cho các con ăn nhé.

      Lũ chim non nhao nhao :

      - Chíp, chíp, chíp…

      Bồ nông mẹ ra khỏi tổ và tung cánh bay. Không để ý tới cái rét căm căm, bồ nông mẹ bay mãi bay hoài, nhưng chỉ thấy tuyết và tuyết.

      Mấy tháng trước, chỗ này là đồng cỏ xanh, không thiếu gì châu chấu và cào cào, món ăn bổ dưỡng cho lũ chim non, nhưng bây giờ chỉ là tuyết trắng.

      Chỗ kia là dòng suối nhỏ, suốt ngày chảy róc rách, vang lên một âm điệu tươi vui, chứa đầy những tôm cá, món ăn khoái khẩu cho lũ chim non, nhưng bây giờ chỉ là băng giá.

      Đối với bồ nông mẹ, tuyết trắng không còn mang lấy một vẻ đẹp hấp dẫn nữa, nhưng đã trở nên một giải khăn tang  khổng lồ, tưởng chừng trải dài đến vô tận và chụp lên mọi cảnh vật.

      Còn đâu nữa những cánh bướm rực rỡ. Còn đâu nữa những bông hồng khoe sắc. Còn đâu nữa những tiếng chim hót véo von. Có chăng chỉ là màu xám nhạt nhòe và sự thinh lặng chết chóc.

      Mệt mỏi và rét run, nhưng lại chẳng tìm được chút mồi nào cả. Có bay đi nữa, thì cũng chỉ là uổng công vô ích mà thôi. Uể oải và chán nản, bồ nông mẹ lập cập bay về tổ. Một vị đắng giống như viên thuốc vỡ tan trong cổ họng.

      Vừa mới chui đầu vào tổ, lũ chim con đã mừng rỡ reo lên :

      - Chíp, chíp, chíp…

      Hai giọt lệ rơi xuống từ khóe mắt, bồ nông mẹ đứng lặng nhìn lũ chim non mà cõi lòng thì tan nát :

      - Tôi phải làm gì đây để cho đàn con tôi được sống ?

      Một đốm sáng lóe lên trong đầu óc, nhanh chóng tỏa lan thành một đám cháy và ngọn lửa hừng hực bốc lên. Khuôn mặt bồ nông mẹ đanh lại cho một quyết định dứt khóat.

      Lũ chim con vẫn cứ vô tình kêu :

      - Chíp, chíp, chíp…

      Bồ nông mẹ thầm nghĩ :

      - Tôi sẵn sàng chết để cho đàn con tôi được sống.

      Nghĩ thế rồi, bồ nông mẹ dùng chiếc mỏ của mình đâm mạnh vào lồng ngực. Đau nhói, buốt lên tận óc. Bồ nông mẹ lại mỏ một lần nữa. Những chiếc lông rơi rụng. Rồi lại một lần nữa… Và lần này thì chiếc mỏ đã đụng tới trái tim. Toàn thân bồ nông mẹ bủn rủn như muốn quị xuống. Bồ nông mẹ rút chiếc mỏ đầy máu của mình ra khỏi lồng ngực. Lũ chim non không còn kêu chíp chíp nữa, nhưng tranh nhau nhảy lên để đớp lấy những giọt máu.

      Máu nóng từ chiếc mỏ của bồ nông mẹ nhỏ xuống từng giọt, từng giọt. Bồ nông mẹ lại lùa chiếc mỏ của mình vào trong lồng ngực và những giọt máu nóng lại nhỏ xuống.

      Lũ chim non được no nê thứ lương thực tuyệt vời này. Và khi chúng bắt đầu thiếp ngủ, thì cũng là lúc bồ nông mẹ ngã rơi vào hôn mê. Hơi thở yếu dần. Bồ nông mẹ đã chết, nhưng ánh mắt vẫn còn lóe lên một niềm hy vọng dạt dào :

      - Đàn con tôi sẽ được sống.

 2.

          Tôi không biết câu truyện trên là một ngụ ngôn hay là một huyền thoại. Và nếu là một ngụ ngôn, thì tôi cũng không biết ai là tác giả của nó. Tôi chẳng nhớ mình đã đọc câu truyện ấy ở đâu, hay do ai đã kể lại cho tôi nghe. Tôi cũng chẳng hay câu truyện ấy đã in vào tâm khảm tôi từ lúc nào. Chắc hẳn từ hồi tôi còn tấm bé.

      Hình ảnh bồ nông mẹ cứ bàng bạc trong tâm trí tôi. Dù chỉ là một câu truyện tưởng tượng, nhưng tôi cũng rất cảm động trước sự hy sinh cao cả của bồ nông mẹ.

      Khi học Việt văn, có lần thầy giáo đã cắt nghĩa hai chữ “đoạn trường” trong câu “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” cho chúng tôi nghe như sau :

      Đoạn trường có nghĩa là đứt ruột, ám chỉ những chuyện đau thương tột cùng hay những sự việc quá bi thảm, khiến cho người ta, khi nghe qua, cảm thấy như ra đứt từng khúc ruột và tan nát cả cõi lòng.

      Sách “Sưu Thần Hậu Ký” kể lại rằng : Có một người thợ săn, bắt  được một chú khỉ con, đem về nhà làm thịt. Khỉ mẹ trông thấy, cứ ở trên cây, kêu la thảm thiết, rồi buông tay té xuống đất mà chết.  Khi mổ bụng ra, người thợ săn nhìn thấy ruột của khỉ mẹ đã đứt ra từng khúc.

      Dù là những con vật, nhưng giữa mẹ và con cũng đã có được một sự hiệp thông thật sâu xa đến nỗi đã coi niềm đau của con là chính niềm đau của mình, một tình yêu thật đậm đà đến nỗi đã dám hy sinh cả mạng sống của mình vì đàn con.

      Thế giới động vật là như vậy. Còn thế giới con người thì   sao ?

 3.

          Họ là một đôi vợ chồng trẻ thật nghèo, được xếp vào hạng nghèo mạt kiếp, nghèo nhất trong thôn làng này. Sản nghiệp của họ không có gì cả ngoài một túp lều tranh.

      Người ta không biết họ từ đâu mà đến. Kẻ trước người sau, họ đã có mặt trong thôn làng này. Ăn nhờ ở đậu, làm thuê gánh mướn, không nề hà bất cứ một công việc nặng nhọc nào.

      Rồi họ đã đến với nhau bằng một tình yêu chân thành của những kẻ cùng chung cảnh ngộ. Một người tốt bụng đã cho họ mượn  miếng đất nhỏ sau thửa vườn và mấy anh em thanh niên đã giúp họ cất lên một túp lều. Đây chẳng phải là một túp lều lý tưởng, nhưng đích thực là một tổ ấm, vì lúc nào cũng phảng phất hơi nóng của tình yêu.

      Hai vợ chồng cùng nai lưng, làm quần quật suốt ngày. Ai thuê, ai mướn, họ đều ưng thuận. Ban tối, họ như những cánh chim tìm về tổ ấm. Người vo gạo, kẻ đun nước. Họ cùng thổi,  cùng đun và cùng nấu với nhau. Bữa ăn của họ thật đơn sơ và đạm bạc : Một niêu cơm nóng và mấy cọng rau xanh, nhưng ngập tràn những yêu thương.

      Họ trải một manh chiếu cũ, ngồi xuống và cùng ăn với nhau dưới ánh trăng vàng. Còn những hôm trời tối, họ thắp lên ngọn đèn dầu nhỏ, được gọi là đèn  Hoa Kỳ, ánh sáng leo loét, nhưng vẫn đủ để họ nhìn thấy nhau mỉm cười.

      Họ sẵn sàng tiếp giúp cho các gia đình, mỗi khi có đám xá, như ma chay, cưới hỏi…Vì thế, họ được mọi người đùm bọc và coi như là con dân của ngôi làng này.

      Cuộc sống nơi đồng ruộng thật êm ả và thanh bình. Những biến cố chính trị hay những xáo trộn ngoài xã hội không mấy ảnh hưởng tới những người nông dân đơn sơ và chất phác. Tây đi hay Nhật về cũng vẫn vậy mà thôi : lam lũ và cực nhọc.

      Tình yêu của đôi vợ chồng trẻ được kết đọng, để rồi một cháu bé đã mở mắt chào đời. Tiếng khóc và tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ đã làm cho túp lều tranh sống động hẳn lên. Từ ngày có cháu bé, người chồng vẫn tiếp tục những công việc được thuê mướn. Còn người vợ thì ở nhà để chăm sóc cho cháu bé.

      Khi chiều xuống, người chồng háo hức trở về, bỏ lại sau lưng những mệt mỏi mà không một lời than trách. Thế nhưng, ánh mắt của người chồng luôn sáng lên một niềm vui khôn tả. Người chồng giang rộng vòng tay bồng ẵm cháu bé, quơ quơ trước mặt cháu bé một món quà nào đó. Có khi là một chiếc kẹo. Có khi là một chiếc bánh ú. Người chồng hôn lên trán cháu bé một nụ hôn đầy trìu mến.

      Đôi lúc vào đêm khuya, tiếng ru con của anh chồng, khàn khàn và đục đục, chẳng giống ai, nhưng cũng đã làm dứt cơn khóc và đưa cháu bé vào giấc ngủ thần tiên :

      - Ru con, con ngủ cho lành,

        Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.

        Muốn coi, lên núi mà coi,

        Có bà quản tượng cưỡi voi cầm cờ.

      Nhưng rồi một đám mây đen đã đổ xuống trên thôn làng hiền hòa này, cũng như trên nhiều thôn làng khác của miền Bắc. Mùa màng thất bát. Sưu cao thuế nặng. Người dân như bị phá sản, không còn gì để nuôi sống bản thân và gia đình.

      Lúc đầu người ta còn ăn một bữa no và một bữa đói. Rồi sau đó là hai bữa cháo. Thóc hết và gạo cũng chẳng còn. Người ta bắt đầu ăn rau, ăn khoai. Thậm chí còn đào cả củ chuối để ăn thay cơm. Nhưng củ chuối đào mãi cũng hết. Mảnh vườn xơ xác. Không một ngọn cỏ. Không một cọng rau. Dân làng lũ lượt kéo nhau ra đi để tìm đường sống.

      Đôi vợ chồng trẻ cũng lâm vào cảnh túng quẫn như những gia đình khác. Túp lều tranh của họ, từ chỗ xiêu vẹo đã trở thành rách nát, mùa xuân không đủ che mưa, mùa hè không đủ che nắng và mùa đông không đủ ngăn chặn từng cơn gió lạnh.

      Nhà nhà đều đói, nên chẳng còn ai thuê mướn họ nữa. Tiền chẳng có, mà gạo cũng không. Cho dù đã gắn bó với thôn làng này như quê hương thứ hai, họ vẫn không thể nào bình thản ngồi chờ cái chết, đành phải bồng bế dắt dìu nhau cất bước.

      Họ ngoái nhìn lại phía sau, thôn làng quen thuộc với lũy tre xanh nhạt nhòe trong nước mắt. Ngước nhìn phía trước, thì chỉ là một tương lai mù mịt và bấp bênh.

      Suốt dọc những đoạn đường đã đi qua, họ đều nhìn thấy những thây ma, những xác chết xạn đen vì dãi dầu mưa nắng và chỉ còn da bọc xương. Những người này nằm xuống ban đêm vì kiệt sức và không bao giờ chỗi dậy được nữa. Ban sáng người ta chất những thi thể xấu số ấy lên chiếc xe bò, chở đến những hố chôn tập thể. Chẳng có áo quan và cũng chẳng có lấy một manh chiếu để bó lại.

      Đôi vợ chồng trẻ thay nhau ẵm bế cháu bé. Họ ăn tất cả những gì có thể ăn mà họ kiếm được. Họ phó mặc tương lai cho số mạng. Nhưng rồi sự gì phải đến đã đến.

      Vào một đêm mưa phùn gió bấc. Đôi vợ chồng trẻ rét run, nép mình vào nhau dưới gốc cây đa đầu làng. Người vợ ôm chặt đứa con vào lòng như muốn san sẻ một chút hơi ấm. Người chồng dường như đã kiệt sức. Giọng nói phều phào và đứt quãng :

      - Anh mệt lắm rồi, không thể nào tiếp tục được nữa.

      Người vợ đặt bàn tay gầy guộc lên vầng trán nóng hổi đang lên cơn sốt của người chồng và an ủi :

      - Không sao đâu anh, Trời Phật sẽ nâng đỡ cho chúng ta kia mà.

      - Anh luôn tin tưởng, nhưng anh cũng biết sức mình. Khó lòng mà qua khỏi.

      Người vợ nghẹn ngào như năn nỉ :

      - Anh cố gắng sống với mẹ con em chứ.

      - Trời Phật sẽ phù trợ cho con chúng ta.

      Người chồng bỗng ho lên rũ rượi. Toàn thân co giật và cặp mắt thì đờ đẫn, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Gío vẫn rít lên từng cơn. Một vài ngôi sao lấp lánh đón nhận linh hồn người chồng vào chốn vĩnh hằng.

      Ban sáng. Mặt trời vẫn còn ngái ngủ chưa muốn thức. Thi thể người chồng được đặt lên chiếc xe bò và chở tới nơi an táng. Đám tang thật lặng lẽ. Không một giải khăn xô. Không một tiếng khóc nức nở. Có chăng chỉ là những giọt lệ đớn đau âm thầm chảy xuống trong cõi lòng người vợ. Người vợ đứng nhìn chiếc xe bò lăn bánh, vang lên những âm thanh lộc cộc và khuất dần sau rặng tre xanh.

      Ngậm ngùi nhưng chẳng làm gì được. Người mẹ lại lên đường. Chiếc bị khoác hờ hững trên bờ vai và cháu bé bên cạnh sườn trong vòng tay gầy guộc. Người mẹ tìm đường lần bước tới một xứ đạo nào đó, bởi vì những kẻ tha phương cầu thực thường nói với nhau rằng :

      - Tại sân nhà thờ vào ban sáng, mỗi người thường được phát một nắm cơm nhỏ, gọi là nắm cơm chim với hy vọng cầm cự sống qua ngày.

      Người mẹ thầm nghĩ :

      - Dù chỉ là một nắm cơm chim, thì cũng thật quí hóa. Lá lành đùm lá rách. Một miếng khi đói còn hơn cả một gói khi no.

      Xứ đạo đã trở thành niềm hy vọng duy nhất cứu thoát đối với người mẹ và đứa con. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Người mẹ hỏi thăm tìm đường tới xứ đạo. Đầu óc thì muốn đến thật nhanh để may ra được cứu sống, nhưng đôi chân lại từ khước.

      Những ngày đầu, người mẹ còn bước đi nhanh nhẹn, nhưng rồi bước chân cứ chậm lại dần và mỗi lúc một thêm nặng nề. Cuối cùng, người mẹ đành phải  kéo lê đôi bàn chân mệt mỏi của mình. Gặp những đoạn đường trơn trượt, người mẹ đã lảo đảo té ngã nhưng  vẫn ôm chặt cháu bé. Vào những buổi trưa nắng gắt, dù khát khô cổ họng, người mẹ vẫn cứ phải cất bước., tiến lên phía trước.

      Dọc đường người mẹ ngửa bàn tay xin những kẻ qua lại làm phúc bố thí. Họ cho gì thì ăn nấy. Tuy nhiên nhiều khi suốt cả một ngày mà cũng chẳng có cái gì bỏ vào bụng. Đối với người mẹ, thì còn cắn răng chịu đựng, nhưng đối với đứa con, hễ đói là kêu khóc. Tiếng khóc não nuột như xé nát cả tâm can.

      Tới một hôm, người mẹ không thể nào tiếp tục cuộc hành trình đầy gian khổ của mình được nữa. Bà nằm bẹp xuống bên vệ đường. Đứa con lại cất tiếng khóc. Người mẹ nắm lấy bàn tay bé bỏng của nó và dỗ :

      - Con ơi, con nín đi con nhé.

      Đứa con vẫn cứ khóc vì đói :

      - Chút nữa mẹ khỏe lại, mẹ sẽ đi xin cơm cho con ăn.

      Khuôn mặt đứa con bỗng trở nên xám ngắt. Nó vẫn cứ khóc. Tiếng khóc như nấc lên từng cơn.

      Mặc dù hơi thở chỉ còn thoi thóp, nhưng đầu óc người mẹ rất tỉnh táo. Bà suy nghĩ xem có cách nào để đứa con được sống thêm, dù chỉ một ngày. Một ngày mà thôi.

      Suy nghĩ và làm ngay. Bà liền cắn vào cổ tay, nhưng hai hàm răng không còn đủ sức để làm trầy xước lớp da nhăn nheo và khô cằn. Sau đó, bàn tay bà quờ quạng lục lọi trong chiếc bị. Vài bộ quần áo rách vá chằng vá chịt và một con dao nhỏ. Phải rồi, con dao bà vốn thường dùng để xẻ những lá trầu, bổ những trái cau mỗi khi đi tiếp đám.

      Như một ngọn đèn dầu bừng lên trước khi phụt tắt, người mẹ cầm con dao, dùng hết sức lực của mình cứa vào cổ tay, rồi đưa lên miệng đứa con. Bà hy vọng đứa con sẽ bú những giọt máu cuối cùng của  mình thay dòng sữa đã khô cạn từ lâu, mà kéo dài thêm sự sống.  Và biết đâu nó sẽ được cứu thoát.

      Niềm hy vọng mong manh ấy đã đưa người mẹ sang thế giới bên kia.

 4.

       Nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã qua đi như một cơn ác mộng. Rất tình cờ tôi được nghe kể lại câu chuyện về “Anh Ba Đen” như sau :

          Buổi sáng hôm ấy, cha xứ đi ngang qua đường. Ngài thấy một đứa bé bò bên xác người mẹ. Vết cắt nơi cổ tay người mẹ đã khô máu. Cặp mắt đứa bé ngơ ngác. Nó nào có biết mẹ nó đã chết. Cha xứ ẵm lấy đứa bé và nói :

          - Nếu như người mẹ này tới sớm được hơn một chút, thì đâu đến nỗi nào.

      Từ chỗ người mẹ chết đến ngôi nhà thờ trong làng, nơi phân phát những nắm cơm chim, chỉ là một đoạn đường ngắn.

      Mấy ngày sau, cha xứ gửi đứa bé vào một nhà dòng, để được nuôi dưỡng và chăm sóc. Vì không biết quê quán, cha mẹ và tên tuổi đứa bé, hơn nữa với nước da ngăm ngăm, nên mọi người đã gọi nó là “Ba Đen”.

      Ăn cơm nhà dòng và sống trong nhà dòng, từ “thằng Ba Đen”, nó đã trở thành “Chú Ba Đen”, rồi “Anh Ba Đen” sau khi lập gia đình.

      Hồi còn nhỏ thằng Ba Đen thường theo xe anh Lý đi chợ mua thức ăn cho nhà dòng hay xách đồ nghề cho cụ phó Quang đi sửa chữa những chỗ hư hỏng trong nhà. Lớn lên Chú Ba Đen thường làm những công việc nặng nhọc như bổ củi, nuôi lợn…

      Nghe xong câu chuyện, tôi thầm nghĩ :

      - Trên chốn cao xanh, hẳn người mẹ đã mỉm cười vì ước vọng của mình đã trở thành sự thật. Và sự hy sinh của mình đã không luống công vô ích. Đứa con mình đã mang nặng đẻ đau, đã chắt chiu nuôi dưỡng và hơn thế nữa, đứa con ấy là kết tinh của một tình yêu mặn nồng…đã được cứu sống.

      Tôi còn nhớ một câu danh ngôn :

      - Thượng Đế đã dựng nên nhiều điều kỳ diệu trong vũ trụ. Tuy nhiên, điều kỳ diệu nhất chính là trái tim của một người mẹ.

      Hay nói cách khác :

      - Tác phẩm tuyệt vời nhất của Thượng Đế chính là trái tim mẹ hiền.

      Và tôi nghe văng vẳng tiếng hát ngọt ngào từ bên nhà người hàng xóm vọng qua. Tiếng hát ngọt ngào ấy thấm vào mọi ngõ ngách tâm tư và gợi lên những hình ảnh không bao giờ quên :

      " Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

        Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.

        Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.

        Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu."

-----------

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thông Điệp Tình Yêu Của Đức Mẹ Maria Từ Medjugorje, Nam Tư, Bài #15 (7/26/2008)
Thông Điệp Tình Yêu Của Đức Mẹ Maria Từ Medjugorje, Nam Tư, Bài #14. (7/26/2008)
Thánh Gioankim Và Thánh Anna (7/26/2008)
Bố Cười Bằng Mắt (7/25/2008)
Thông Điệp Mới Nhất Ngày 25/7/2008 Của Đức Mẹ Maria Từ Medjugorje, Nam Tư. (7/25/2008)
Tin/Bài cùng ngày
Thông Điệp Tình Yêu Của Đức Mẹ Maria Từ Medjugorje, Nam Tư, Bài #13. (7/24/2008)
Thông Báo Về Năm Thánh Phaolô -year Of St. Paul- Và Ơn Toàn Xá. (7/24/2008)
Video Clip #4: Hiện Tượng Lạ Tại La Vang (7/24/2008)
Ave Maria ... Kính Mừng Maria (7/24/2008)
Mái Hiên Nhà Trời: Một Cuộc Đời Qua Ba Cuộc Chiến (7/24/2008)
Tin/Bài khác
Nô Lệ Tình Dục – Cũng Một Kiếp Người (7/24/2008)
Câu Chuyện Cánh Tay Cụt (7/23/2008)
Thông Điệp Tình Yêu Của Đức Mẹ Maria Từ Medjugorje, Nam Tư, Bài #12 (7/23/2008)
M63: Tâm Thân An Lạc (7/22/2008)
Bút Ký: Trái Sầu Riêng (Vườn Ô - Liu 4) (7/22/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768