Chúa Nhật 20.07.2008
Lm. Đỗ Vân Lực, op.
GIỚI TRẺ HÔM NAY - GIỚI TRẺ NGÀY MAI (Mt 13:24-43) Ngày Giới Trẻ Thế Giới đang trình bày một hình ảnh đẹp về giới trẻ hôm nay. Theo đài TV Sky News của Australia, các bạn trẻ đã đến “tận cùng Trái Đất.” Có tới hơn 140,000 người đến từ 170 quốc gia và hàng chục ngàn thị dân Sydney, những con người hạnh phúc, tràn trề niềm hy vọng và chắc chắn đói khát ý nghĩa”[1] cuộc sống.
Theo ông Kevin Rudd, Thủ tướng nước Úc, thường giới trẻ tụ họp để chiến tranh, nhưng giờ đây giới trẻ quy tụ để tìm kiếm hòa bình và niềm hy vọng. Từ khắp các nẻo đường thế giới, họ cùng đến Sydney để làm chứng giữa một thời đại tràn ngập niềm thất vọng hôm nay, Kitô hữu vẫn tìm thấy niềm hy vọng nơi Ðức Kitô. Ðúng thế, ÐGH Bênêđictô xác quyết: “Trong một thế giới đang bị đủ mọi hình thức bạo động gian ác đe dọa, các người có tôn giáo cần hiệp nhất tiếng nói để thúc đẩy các dân tộc và các cộng đồng giải quyết những tranh chấp qua đường lối hòa bình và với lòng đầy kính trọng nhân phẩm.”[2] Niềm hy vọng đó bắt nguồn từ cái nhìn đầy lạc quan của Chúa Giêsu về cuộc đời. Ðứng trước đồng lúa chen lẫn cỏ lùng, Chúa vẫn thúc đẩy các môn đệ tin vào mùa gặt đầy hứa hẹn trong tương lai. Thực tế, làm sao có thể lạc quan và kiên nhẫn như Chúa để chấp nhận đồng lúa chen cỏ lùng, tức là chung sống với những người ác trong cuộc sống hiện tại ? THIỆN ÁC ÐÁO ÐẦU Chúng ta đang sống trong một thế giới tràn ngập sự ác. Nhiều nơi thiếu phương tiện. Thời đại toàn những người lãnh đạm, vô thần thực tiễn. Các phong trào tôn giáo hay giáo phái khác thành công, trong khi Tin Mừng và Giáo Hội Công Giáo thiếu hiệu năng. Phải chăng đã đủ lý do để chúng ta thối chí, tuyệt vọng ?
Ngày xưa, các tông đồ cũng đã trải qua những cám dỗ như thế. Bởi đó, Chúa Giêsu mới dùng những dụ ngôn đơn sơ, nhưng sâu sắc để trả lời các ông.
Qua dụ ngôn cây lúa và cỏ lùng, trước tiên Chúa Giêsu cố ý giúp chúng ta chống lại tính bất kiên và bất khoan dung, đồng thời mời gọi chúng ta học hỏi những bài học kiên nhẫn của tình yêu, một trong những bí nhiệm nơi cung lòng Thiên Chúa.
Dù thừa biết sự dữ và những phức tạp tràn ngập trong cuộc sống, Chúa Giêsu không bao giờ đầu hàng trước sự dữ. Người chữa lành kẻ bệnh tật, phục sinh kẻ chết, trả lại công lý cho người bị áp bức. Người nói với tội nhân : “Hãy về, đừng phạm tội nữa !” Người kêu gọi chúng ta lớn lên. Ðó là cách Người yêu thương chúng ta.
Khi đến ngày mùa, ngày chung thẩm, phải đứng thẳng trước Thiên nhan. Không ai đùa giỡn với tình yêu, nhất là tình yêu đầy đòi hỏi của Thiên Chúa. Với một cái nhìn đầy nhân ái, Chúa Giêsu biết kiên nhẫn chờ đợi. Người cho chúng ta thời gian để trưởng thành và lớn lên qua những giai đoạn lẫn lộn xấu tốt.
Thiên Chúa vô cùng kiên nhẫn và đầy lòng thương xót, nên Người không bao giờ thất vọng về bất cứ tạo vật nào. Người luôn thấy mầm hy vọng. Làm sao chúng ta có cái nhìn của Thiên Chúa để thấy mầm mống sự thiện, sự thật, và tình yêu trong mỗi giai đoạn cũng như trong mỗi cuộc sống. Nếu Chúa Kitô không xét đoán, chính vì Người thấy trong mỗi người, kể cả tội nhân, một lời hứa đầy niềm hy vọng. Thực sự tâm hồn con người, dù tội lỗi tới đâu, bao giờ cũng vĩ đại hơn thái độ bên ngoài của họ. Ngay cả trong tâm hồn của một cô điếm, cũng có nơi bí ẩn để thưa với Chúa : Lạy Cha chúng con ...
Thực tế, giữa cuộc đời lẫn lộn xấu tốt, dụ ngôn hạt cải thành cây cao bóng cả mở ra trước mắt chúng ta một niềm hy vọng lớn lao. Dù dáng vẻ bên ngoài thế nào, cuộc đời vẫn đang phát triển, dưới sức tác động của Chúa Thánh Linh và sự cộng tác của chúng ta.
Nơi dụ ngôn nắm men, hạt cải, Chúa mời gọi chúng ta tái khám phá sự sung mãn đích thực của Tin mừng, cuộc sống và Hội Thánh. Ngày nay, trong khi xã hội ưu tiên cho của cải, hiệu năng, chúng ta dễ chán nản khi thấy Tin Mừng và Hội Thánh có ít ảnh hưởng. Nhưng thực tế, bên trong thế giới đầy những tiến bộ kỹ thuật, vẫn ẩn giấu những tâm hồn đang ngấm ngầm chờ đợi và kiếm tìm Thiên Chúa. Phải chăng quyền lực, thành công lúc nào cũng là những tiêu chuẩn chắc chắn để đánh giá giá trị cuộc sống và Nước Trời ?
Nơi trần gian, những công trình vĩ đại của Thiên Chúa thường khởi sự âm thầm, rất bé nhỏ và nghèo nàn. Nhưng vì âm thầm mở lòng đón nhận quyền lực Chúa Thánh Thần, cuộc sống đầy lòng tin yêu có thể trở thành những nắm men để vực dậy cả thế giới và chữa lành hàng ngàn nỗi đau thương. Nếu cuộc sống các dân tộc là cuộc chiến giữa các lực lượng thiện ác, thì từ khi Chúa Giêsu phục sinh, cuộc chiến không còn tương xứng. Sự ác đã bị đánh bật gốc. Cũng thế, dù dáng vẻ bên ngoài có ra sao, lịch sử nhân loại vẫn đang hướng dần tới cuộc chiến thắng của ánh sáng và tình yêu.
Trước nhan Thiên Chúa, hình như các bậc thang giá trị bị đảo lộn. Ðối với Chúa, những người nhỏ bé và nghèo khó đang gây xáo trộn những người khôn ngoan và quyền thế để chiếm lấy trung tâm lịch sử cứu độ. Bởi thế, thánh Phaolô nói : “Chính trong sự yếu đuối mà quyền năng Thiên Chúa được tỏ bày.”
Trong Tin Mừng, nơi các tông đồ chắc chắn có một nghịch lý soi sáng cuộc sống hôm nay và đem lại một chiều kích phi thường. Chúa Giêsu từng gọi các môn đệ là “đàn chiên bé nhỏ,” nhưng cũng là “muối đất và ánh sáng thế gian.” Cũng như họ, vì mỏng dòn yếu đuối, tất cả chúng ta chẳng có gì trong tay. Thế nhưng, nhờ Thánh Linh biến cải dần dần, chúng ta trở thành hạt cải và men biến đổi mặt đất. Chủ yếu sứ mệnh của chúng ta không phải là làm những việc phi thường, nhưng trong khiêm tốn và quyền lực Thánh Linh, chúng ta trở nên những biểu tượng của Tình Yêu Thiên Chúa.
Muốn thế, chúng ta cần phải tin tưởng vào lời hứa của Chúa Kitô, bất chấp sự dữ tràn ngập trần gian. Chắc chắn sự dữ là một vấn nạn lớn nhất con người nêu lên để chống lại Thiên Chúa. Chúng ta biết điều đó qua Truyện ông Gióp. Ngày qua ngày, mỗi người chúng ta đều phải trải qua những đau khổ vì bệnh tật trong thân xác, vết thương trong lòng, cắn rứt trong lương tâm, và phải đối phó với những phức tạp trong tương quan giữa con người nơi gia đình, việc làm và trên toàn thế giới . NIỀM HY VỌNG VẪN CÒN ÐÓ Nếu không đủ kiên nhẫn và tin tưởng, Giáo Hội không thể đứng vững và tiếp tục công cuộc cứu độ muôn dân. Giữa nhân loại tràn ngập sự ác hôm nay, Giáo Hội hiện diện như “bí tích tình yêu Thiên Chúa.”[3] Nhờ đó, Giáo Hội có thể trở thành người bạn đồng hành để chia sẻ mọi nỗi lo buồn với nhân loại. Giáo Hội có thể hiện diện với họ mọi lúc mọi nơi để phấn đấu cho con người ngày càng sống xứng đáng với nhân phẩm hơn và “tìm được sự hỗ trợ trong tình yêu cứu độ của Chúa Kitô.”[4]
Giáo Hội hiện diện như một mầm hy vọng giữa nhân loại. Lý do vì “từ Ðức Tin vào ơn cứu đô toàn vẹn, niềm Hy vọng vào công lý trọn hảo và Tình Yêu biến toàn thể nhân loại trở thành anh chị em trong Chúa Kitô,”[5] Giáo Hội có thể tìm thấy những giải đáp cho các vấn đề, cống hiến “những phân biện, phán đoán và các quyết định đáp ứng với thực tế, để tình liên đới và niềm hy vọng có ảnh hưởng lớn hơn trên những hoàn cảnh phức tạp hiện tại.”[6] Trên cánh đồng nhân loại với bao giả trá và hận thù hôm nay, Giáo Hội vẫn cần cù và trung thành ra đi gieo những hạt giống chân lý và tình yêu. Từ những bước chân trên sỏi đá, cả một mùa công lý sẽ nở hoa cho muôn dân vang dậy tiếng reo hòa bình.
Làm sao Giáo Hội có khả năng thực hiện được một điều vĩ đại đó ? Thưa, “chính từ nguồn suối tình yêu sâu thẳm, những giá trị chân lý, tự do và công lý đã phát sinh và lớn lên.”[7] Giáo Hội chỉ có thể chu toàn sứ mệnh cao cả và thực tiễn đó, khi lạc quan trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Ðúng vậy, “thực tế, Kitô hữu nhìn vực thẳm tội lỗi trong ánh sáng của niềm hy vọng. Niềm hy vọng này vĩ đại hơn bất cứ sự ác nào, vì trong công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, tội lỗi và sự chết bị tiêu hủy.” (x. Rm 5:18-21; 1 Cr 15:56-57)[8] Ðó là nền tảng của niềm hy vọng. Nhờ đó, Kitô hữu yên tâm dấn thân làm chứng cho Chúa giữa một xã hội đang tự hủy vì thuyết tương đối và vô thần.
Nếu hoàn toàn khép kín trong những truyền thống luân lý tương đối và bi quan về cuộc sống, con người không bao giờ có thể đón nhận được chân lý, nguồn phát sinh niềm vui, hy vọng và sự sống. Trái lại, khi cởi mở đón nhận mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô, con người sẽ thấy niềm hy vọng vẫn còn đó cho những ai mong chờ sự giải thoát nơi Người. Ðứng trước cánh đồng nhân loại cháy khô vì những lý thuyết bất lực và hết sức sống hôm nay, hẳn những người thiện chí phải kêu lên trong niềm hy vọng : “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương,
mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính;
đất mở ra đi cho nẩy mầm ơn cứu độ,
đồng thời chính trực sẽ vươn lên.” (Is 45:8) Sự công chính vẫn là niềm mơ ước của bao thế hệ. Dù chìm ngập trong đêm tối và hư ảo trần gian, muôn loài cùng với toàn thể nhân loại vẫn hy vọng sẽ được giải thoát khỏi cảnh hư nát (x. Rm 8:18-22). Giáo Hội không bao giờ thất vọng, vì luôn tin tưởng vào Chúa Giêsu, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Niềm tin đó chính Thánh Linh đã khơi lên để Giáo Hội có thể vượt qua nỗi sợ mà hoàn thành sứ mệnh trong thời đại.
Sứ mệnh đó chủ yếu là phục vụ con người. Quả thực “thăng tiến phẩm giá của từng nhân vị là ‘công tác chủ yếu Giáo Hội được kêu gọi thực hiện để phục vụ gia đình nhân loại.’”[9] Phải chăng công cuộc phục vụ đó có thể hoàn thành nhờ cơ cấu tổ chức chặt chẽ trong Giáo Hội ? Không ! “Ðể đảm nhận công tác này, trước tiên phải cam kết và nỗ lực canh tân bản thân tận bên trong, vì lịch sử nhân loại không do định mệnh vô hồn điều khiển, nhưng hình thành nhờ những hành vi tự do của nhiều chủ thể khác nhau trong trật tự xã hội. Trước khi cam kết cải tiến xã hội ‘theo tinh thần Giáo Hội, trên cơ sở vững chắc của công lý và bác ái xã hội, ‘Kitô hữu phải canh tân tinh thần ' tận nội tâm.’”[10] Thực tế và nguyên tắc đều đòi hỏi như thế.
Ðúng vậy, “có sám hối tận cõi lòng, mới có thể quan tâm và yêu thương tha nhân như anh chị em. Mối quan tâm này giúp chúng ta hiểu biết bổn phận và cam kết hàn gắn các định chế, cơ cấu và các hoàn cảnh sống trái ngược với nhân phẩm. Bởi đó, giáo dân vừa phải cải hóa nội tâm và cải tiến các cơ chế hoạt động, vừa quan tâm tới những hoàn cảnh lịch sử và dùng những phương tiện hợp pháp để nhân phẩm của mỗi người được thực sự kính trọng và thăng tiến trong các định chế.”[11] Sau khi cải hóa nội tâm, phải “mặc lấy Chúa Kitô,” giáo hữu mới có thể trở thành men hay muối đất mà làm chứng cho Chúa trong các môi trường. DẤN THÂN LÀM CHỨNG Trong hoàn cảnh thế giới hôm nay, nhất là tại Việt Nam, ai cũng biết nhân quyền là một đề tài nóng bỏng. Sống giữa kìm kẹp của cơ chế bất công, làm sao có thể hiên ngang làm chứng và tranh đấu cho nhân quyền ? Trong dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008, tgm Chaput không ngại nói sự thật với các bạn trẻ : “Kẻ thù đáng kể nhất của các Tông Đồ là sự sợ hãi. Thực ra, sợ hãi là một nguy hiểm bị người ta đánh giá thấp nhất, nhưng lại nguy hiểm chết người nhất trong thời đại chúng ta, nhất là đối với thế hệ chúng con.”[12] Sự sợ hãi đã ngăn cản đà tiến của Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới.
Bước đầu tiên là phải vượt qua nỗi sợ. Nhưng làm cách nào vượt qua nỗi sợ để can đảm làm chứng cho Chúa và tranh đấu cho nhân quyền ? Theo tgm Chaput, “can đảm có nghĩa là thắng sợ hãi bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, như Thánh Phaolô và các nhà truyền giáo vĩ đại đã làm, bởi vì chân lý của Chúa Giêsu Kitô phải được công bố với bất cứ giá nào.”[13]
Trong hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam, tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo là công bố chân lý của Chúa. Quả thực, “tôn trọng nhân quyền đòi mọi người phải nhìn nhận chiều kích tôn giáo của con người. Ðây không phải chỉ là một đòi hỏi liên quan tới những vấn đề đức tin, nhưng là một đòi hỏi gắn chặt với thực tế của từng người. Việc công nhận quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo thực sự là một trong những thiện ích cao cả nhất và là một trong những bổn phận nghiêm trọng nhất của bất cứ ai thực sự muốn cho thiện ích cá nhân và xã hội được bảo đảm.”[14] Do đó, tranh đấu cho nhân quyền là làm chứng cho Chúa Kitô một cách hữu hiệu nhất.
ÐGH thôi thúc bạn trẻ đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong việc đoàn kết và kiên trì hoạt động cho nhân quyền. Quả thế, ÐGH cho thấy nước Úc, “giải đất diễm lệ,” đã đề cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Người giải thích : “Tự do tôn giáo là một quyền căn bản. Nếu được tôn trọng, tự do tôn giáo sẽ khiến công dân có thể hành động dựa trên những giá trị bắt nguồn từ những niềm tin sâu xa, góp phần vào việc tạo an sinh xã hội. Như thế, cùng với các thành viên các tôn giáo khác, các Kitô hữu cộng tác vào việc thăng tiến nhân phẩm và tình huynh đệ giữa các dân tộc.”[15] Ðược vậy, chắc chắn các dân tộc sẽ tiến bộ và phát triển rất nhanh.
ÐGH không quên nhắc nhở : “Các giá trị trên đặc biệt quan trọng đối với công cuộc giáo dục giới trẻ. Các bạn trẻ rất hay bị lôi cuốn theo lối nhìn đời như một thứ tiện nghi. Chúng tôi khuyến khích mọi người, nhất là các bạn trẻ, hãy biết ngạc nhiên trước vẻ đẹp cuộc đời, hãy tìm ý nghĩa tối thượng của cuộc sống, và hãy cố gắng tối đa để đạt đến điều đó.”[16]
Một gương sáng tranh đấu cho nhân quyền là Nữ Á Thánh Mary MacKillop. Trong Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới, bà được ÐGH Bênêđictô XVI miêu tả như là “một trong những khuôn mặt nổi bật nhất” trong lịch sử Úc. ÐGH nói:
“Tôi biết bà kiên tâm khi đứng trước gian nan thử thách, khi đòi hỏi công lý nhân danh những người bị đối xử bất công. Trong thực tế, tấm gương thánh thiện của bà đã trở thành nguồn hứng khởi cho mọi người dân Úc. Các thế hệ có nhiều lý do để chịu ơn bà."
[17] Khi lắng nghe về bà, chắc chắn giới trẻ phải nhận ra việc mình phải làm trong môi trường sống thực tế.
Nhưng khi trở về môi trường thực tế, liệu họ có thoát khỏi ảnh hưởng của những tà thuyết không ? Ðó là điều ÐGH thẳng thắn vạch ra cho các bạn trẻ : "Cha hỏi chúng con, khi đối diện với các nạn nhân đang thực sự đau khổ vì bạo lực và bị khai thác tình dục, có ai lại ‘giải thích’ các thảm cảnh đó như là trò tiêu khiển hay không ?”[18]
Giới Trẻ lắng nghe Vị Ðại Diện Chúa Kitô trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 Theo Đức Giáo Hoàng, thuyết tương đối bừa bãi gán giá trị ‘hầu như cho mọi sự,’ và đề cao ‘kinh nghiệm’ tới mức tuyệt đối. “Thế nhưng, một khi không được đánh giá là tốt hay đúng, kinh nghiệm cũng có thể dẫn tới tự do giả hiệu, lẫn lộn luân lý và tri thức, hạ thấp tiêu chuẩn, mất lòng tự trọng và niềm hy vọng nữa. Từ đó, tự do và lòng khoan dung thường bị tách biệt khỏi chân lý. Tệ hại hơn nữa, ngày nay nhiều người chủ trương không có chân lý tuyệt đối hướng dẫn cuộc đời chúng ta.”[19] Sống trong tình trạng hoang mang như thế, nhiều bạn trẻ sẽ co rút lại trong vỏ ốc ích kỷ, mặc bao người nghèo khổ đang cần đến họ.
Tuy thế , ÐGH tràn ngập niềm hy vọng: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới làm tôi đầy tin tưởng đối với tương lai Giáo Hội và tương lai thế giới. Cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở đây lại càng đặc biệt thích hợp, vì Giáo Hội tại Châu Úc, một châu lục trẻ trung nhất so với bất cứ lục địa nào, cũng là một trong những lục địa có tính quốc tế nhất. Kể từ ngày những người Âu Châu đầu tiên đến đây định cư vào cuối thế kỷ 18, xứ này đã trở thành nhà không những của nhiều thế hệ người Âu Châu mà còn là nhà của rất nhiều người từ bốn biển năm châu tìm đến”[20]
Nói tóm, trong thế giới cũng như giữa đồng lúa, vẫn tràn ngập những thế lực gian ác. Nhưng nếu tin tưởng vững chắc vào kế hoạch Thiên Chúa thiết lập Nước Chúa ở trần gian, môn đệ Chúa Kitô không bao giờ thối chí nản lòng trước quyền lực sự ác. Trái lại, họ cần kiên nhẫn mới thấy được chiến thắng cuối cùng của Nước Chúa. Lạy Chúa, xin cho các bạn trẻ hôm nay luôn tin tưởng vào sức mạnh Thánh Linh và can đảm vượt qua mọi nỗi sợ để làm cho mọi người biết tôn trọng nhân quyền, nhất là tự do tôn giáo. Amen.
Đỗ lực 20.07.2008
|