www.conggiaovietnam.net
Hồng Y George Pell - 15/07/2008
Chuyển ngữ: Mỹ Hạnh Ezekiel 37:1-14; Tv 23; Gal. 5:16-17, 22-25; Lc 8:4-15 Chúng ta ai cũng biết Đức Kitô Chúa chúng ta thường được gọi là Chúa Chiên Lành như trong bài thánh vịnh đáp ca hôm nay. Chúng ta được bảo là Ngài dẫn chúng ta đến bên nguồn nước trong lành, Ngài phục hồi tâm trí mệt mỏi của chúng ta, và làm cho chúng ta được nghỉ ngơi yên lành. Trong một dịp khi nhắc đến hình ảnh này, Đức Giêsu giải thích rằng một người mục tử như vậy sẽ sẵn sàng bỏ 99 con chiên để đi tìm chỉ 1 con chiên lạc. Ngày nay ít có người chăn chiên ở nước nào mà chỉ phải trông coi có 20 hoặc 30 con chiên mà thôi, và tại Úc Châu với những nông trại rộng lớn mênh mông và những đàn gia súc đông đảo thì lời khuyên của Chúa Giêsu có vẻ không mấy thực tế. Nếu con chiên lạc mà quý giá và mạnh khỏe, thì còn có lý khi bỏ thì giờ ra đi tìm nó về. Nhưng thường là nó sẽ bị bỏ rơi hoặc thậm chí là không ai biết nó đã bị lạc mất. Đức Giêsu có ý nói rằng cả Ngài và Cha Ngài đều không giống như vậy, bởi vì Ngài biết rõ mỗi một con chiên trong đàn, và như một người cha nhân hậu Ngài sẽ đi tìm con chiên lạc Ngài yêu mến, nhất là khi con chiên đó đang đau yếu, đang gặp khó khăn, hoặc không thể tự bảo vệ cho nó. Trong phần nhập lễ cha đã chào mừng tất cả các con đến với tuần lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, và bây giờ cha lập lại lời chào mừng đó một lần nữa. Nhưng cha không bắt đầu lời chào mừng với 99 con chiên mạnh khỏe, là các con những người đã mở tâm hồn cho Chúa Thánh Thần, và có thể đã là những chứng nhân trung kiên của đức tin và tình yêu nữa. Cha bắt đầu lời chào mừng và khích lệ đến với bất cứ những ai, đang ở bất cứ nơi đâu, đang nghĩ rằng mình bị lạc phương hướng, đang bị đau đớn khổ sở, đang mất niềm hy vọng, hay ngay cả đang tuyệt vọng. Già hay trẻ, nam hay nữ, Đức Kitô mời gọi những ai đang đau khổ bệnh tật đến cùng Ngài để được chữa lành, như Ngài vẫn đang kêu gọi từ hai ngàn năm nay. Nguyên nhân gì gây ra những vết thương chỉ là điều thứ yếu, cho dù đó là ma túy hay rượu chè, sự đổ vỡ hôn nhân, sự quyến rũ của xác thịt, nỗi cô đơn, hay sự sinh ly tử biệt. Mà cũng có thể là nỗi trống rỗng của sự thành công nữa. Lời mời gọi của Đức Kitô là dành cho tất cả những ai đang gánh nặng và ưu phiền, chứ không chỉ dành cho tín hữu Công Giáo hay Kitô Giáo, và đặc biệt dành cho những người vô tôn giáo. Đức Kitô đang mời gọi những người đó trở về mái ấm gia đình; về với tình thương yêu, hàn gắn, và về với tập thể cộng đồng. Bài đọc 1 hôm nay là trích từ sách tiên tri Ezekiel, với Isaia và Jêrêmia một trong ba nhà tiên tri lớn nhất của Do-thái. Nhiều vùng trên đất Úc vẫn đang trong tình trạng hạn hán, cho nên người dân Úc đều hiểu một thung lũng đầy xương khô là như thế nào. Nhưng trước hết, viễn cảnh khắc nghiệt này là dành cho bất kỳ những ai đang muốn than thở rằng “tôi không còn hy vọng gì nữa, tôi sống cũng như chết mà thôi.” Điều này không bao giờ đúng sự thật nếu chúng ta vẫn còn cơ hội lựa chọn. Khi nào còn sống là bao giờ cũng còn hy vọng, và niềm hy vọng Kitô Giáo mang lại đức tin và tình yêu. Cho đến giây phút sau cùng trong đời chúng ta luôn luôn có quyền chọn lựa và hành động. Viễn cảnh của một thung lũng đầy những bộ xương khô, một cảnh tượng hãi hùng nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, được đưa ra khi cánh tay Thiên Chúa giơ ra cho tiên tri Ezekiel khi người Do-thái còn đang bị cầm giữ tại Babylon, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Trong khoảng 150 năm đó tình hình chính trị của người Do-thái đã trở nên ngày càng bất ổn, lúc đầu là do tay người Asirian. Sau đó vào năm 587 trước Công Nguyên người Do-thái đã bị thua trận thê thảm lần sau cùng và rồi bị rơi vào cảnh lưu đày. Người Do-thái lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không có cách gì để thay đổi tình hình. Đó là bối cảnh lịch sử của viễn tượng kinh hoàng mà tiên tri Ezekiel mô tả những người chết la liệt, những bộ xương trắng hếu đã bị dã thú rúc rỉa hết da thịt từ lâu. Đó là một cánh đồng bao la đầy dẫy những xác chết không được chôn cất. Một ông Ezekiel do dự và ngần ngại đã được Thiên Chúa thôi thúc tuyên sấm trên các xương đó, và khi ông làm như vậy thì các bộ xương xích lại gần và ráp lại với nhau một cách ầm ĩ, kèm theo một cuộc động đất. Gân cốt mọc lên nối các khớp xương lại với nhau, rồi thịt và da mọc lên bao bọc lấy xương. Một tiến trình khác đã xảy ra tiếp theo đó và làn hơi thở - có nghĩa là Thánh Linh – đã thổi đến từ khắp bốn phương trời và các xác chết bỗng được “hồi sinh và đứng thẳng lên, một đạo quân đông vô số kể.” Ngày nay chúng ta hiểu cảnh tượng này là một điềm tiên báo của việc xác chết phục sinh, nhưng vào thời ông Ezekiel thì người Do-thái không thể nào tin nổi một khái niệm về đời sau như vậy. Đối với họ thì đạo quân đông đảo được hồi sinh đó là tượng trưng cho tất cả dân Do-thái, những người từ vương quốc phương bắc bị đem đến Assiria, những người còn ở lại và những người ở Babylon. Họ phải được phục hồi lại như một dân tộc trên chính quê hương họ và họ biết rằng chỉ có một Thiên Chúa đích thật đã từng làm như vậy. Và rồi những việc đó cũng trôi vào quên lãng. Trải qua các thế kỷ tín hữu Kitô Giáo chúng ta đã dùng đoạn Kinh Thánh này trong Phụng Vụ mùa Phục Sinh, đặc biệt trong các lễ rửa tội cho tân tòng trong đêm Thứ Bảy Tuần Thánh, và dĩ nhiên đây là một biểu tượng mạnh mẽ của quyền năng tái sinh đời này và vĩnh cửu của một Thiên Chúa đích thật. Sự khôn ngoan trần thế cho rằng những cái đốm trên mình loài báo thì không bao giờ có thể thay đổi được, nhưng tín hữu Kitô Giáo chúng ta tin rằng sức mạnh Chúa Thánh Thần có thể biến đổi và cảm hóa con người từ ác sang thiện, từ sợ hãi và bất an sang tin tưởng và hy vọng. Viễn cảnh của tiên tri Ezekiel cổ vũ lòng tin của các tín hữu, bởi vì chúng ta hiểu sức mạnh của lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, khả năng của Đức Kitô và của truyền thống Công Giáo trong việc làm thăng hoa những sự sống mới ngay cả trong những tình huống vô vọng. Cũng sức mạnh đó, như đã được diễn tả lướt qua trong viễn cảnh của tiên tri Ezekiel, được hứa ban cho chúng ta hôm nay, cho tất cả chúng ta không trừ một ai. Các con, những người hành hương trẻ tuổi có thể hướng về tương lai tràn đầy hứa hẹn đang mở rộng trước mắt các con. Dụ ngôn về người gieo giống nhắc các con phải nắm bắt ơn gọi của mỗi người và sản sinh một mùa gặt dồi dào, một vụ thu hoạch nhiều gấp trăm. Các Thánh Mát-thêu, Mác-cô và Luca đều đặt đoạn dụ ngôn người gieo giống vào phần mở đầu trong các dụ ngôn của Chúa Giêsu mà các ngài ghi lại. Điều này cho thấy các sự thật căn bản về những thử thách của tông đồ Kitô Giáo và cũng liệt kê những cách thức khác nhau để đạt đến một đời sống Kitô hữu đầy thành quả. Lòng trung thành không phải tự nhiên mà có hoặc không phải chắc chắn ai cũng có được. Có một chi tiết làm cho dụ ngôn này đáng tin cậy hơn, là vì những người Do-thái vào thời Chúa Giêsu hay quăng vung vãi các hạt giống trên mặt đất trước khi cày xới, cho nên điều đó giải thích rõ hơn một chút về việc có những hạt giống lại bị rơi vào vệ đường hay bụi gai thay vì rơi xuống luống cày. Chúng ta có phải là những người mà đức tin đã bị tước đoạt bởi ma quỷ, như Chúa Giêsu đã diễn tả qua hình ảnh chim trời ăn mất những hạt giống vàng hay không? Không một ai đang tham dự Thánh Lễ này là thuộc vào thành phần đó. Một số người có thể giống như những hạt rơi trên sỏi đá không thể đâm bông kết rễ. Những người hiện diện nơi đây thuộc vào thành phần thứ hai này thì rất có thể đang cố gắng hết sức mình để bắt đầu lại một cuộc sống thiêng liêng mới, hay ít nhất cũng đang suy xét đến khả năng làm việc đó. Nhưng phần đông những người đang hiện diện nơi đây là thuộc vào thành phần thứ ba và bốn, tức là những hạt giống rơi vào đất hoa mầu và đang sinh sôi nảy nở; nếu không thì chúng ta có nguy cơ chết nghẹn vì những suy tư lo lắng trong cuộc sống. Tất cả chúng ta, kể cả những người không còn trẻ trung gì nữa, đều phải cầu xin ơn khôn ngoan và lòng kiên nhẫn. Cha tin là Chúa Giêsu đã giải thích tận tường dụ ngôn này cho các môn đệ gần gũi Ngài, và chắc là Ngài đã nhiều lần được các môn đệ xin giải thích dụ ngôn đó. Nhưng những câu hỏi của các môn đệ lại dẫn đến một lời giải đáp gây ngạc nhiên, khi Chúa Giêsu chia những người đang lắng nghe Ngài thành 2 nhóm; một nhóm thì thấu hiểu được những mầu nhiệm Nước Trời và đối với nhóm kia thì dụ ngôn cũng chỉ hoàn là dụ ngôn mà thôi. Nhóm thứ 2 này được tiên tri Isaia miêu tả là những người “thấy mà không nhận thấy, nghe mà không giác ngộ”. Có thể lý do của việc này là vì sự ngạc nhiên của các môn đệ khi thấy một số đông người nghe đã không chấp nhận được những giáo huấn của Ngài. Tại sao điều này vẫn còn đúng cho đến ngày nay? Chúng ta phải làm gì để được thuộc vào thành phần thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời? Ơn gọi của Thiên Chúa Đích Thật vẫn còn là một điều huyền nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh đương thời khi mà nhiều người lương thiện ngay lành vẫn cảm thấy khó mà tin vào Đức Giêsu. Ngay cả trong thời đại của các tiên tri nhiều người nghe lời tiên tri vẫn bị câm điếc và đui mù về tinh thần, trong khi một số khác qua các thời đại mặc dù cảm phục những tinh hoa trong các giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng vẫn chưa bao giờ có hành động gì để đáp lại lời mời gọi của Ngài. Sứ mạng của chúng ta là mở rộng tâm hồn cho quyền năng của Chúa Thánh Thần, để Thiên Chúa của những sự ngạc nhiên có thể tác động lên chúng ta. Động lực hành động của loài người thật phức tạp và kỳ bí, bởi vì đôi khi có những tín hữu Công Giáo ngoan đạo, hay những Kitô hữu ngoan đạo khác, họ có thể là thường xuyên ăn ở ngay lành và chuyên tâm cầu nguyện, nhưng lại không mấy quyết tâm trong việc dấn thân dù là chỉ thêm một bước nữa. Ngược lại, có những tín hữu khác của Đức Kitô, mặc dù có thể họ kém xa về lòng sốt sắng và trung thành, nhưng họ lại biết cởi mở cõi lòng để sẵn sàng hoán cải, để thay đổi tốt đẹp hơn bởi vì họ nhận biết sự bất xứng và bất toàn của họ. Vậy thì các con thuộc hạng người nào? Bất kỳ trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải cầu nguyện để biết cởi mở tấm lòng, biết sẵn sàng tiến thêm một bước nữa, ngay cả khi chúng ta sợ hãi vì phải mạo hiểm quá xa. Nếu chúng ta nắm lấy tay Chúa, Ngài sẽ lo liệu tất cả. Vấn đề là chúng ta có tin tưởng Ngài hay không. Thiên Chúa sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúng ta phải làm sao để tránh khỏi bị trượt từ thành phần cuối cùng và cũng là thành phần tốt nhất của những người nảy sinh hoa trái, đến thành phần những người “bị bóp nghẹt bởi những nỗi lo lắng sự đời và những bả vinh hoa phú quý”, và vì thế chẳng sinh hoa kết trái được bao nhiêu. Bài đọc hai trích từ thư Thánh Phaolô Tông Đồ gởi tín hữu Ga-lát đã chỉ cho chúng ta hướng đi đúng đắn, đã nhắc nhở tất cả chúng ta là mỗi người phải nhìn nhận rằng mình đang ở trong trận chiến muôn thưở giữa thiện và ác, giữa cái mà Thánh Phaolô gọi là xác thịt và Thánh Linh. Làm một người khách qua đường bàng quan, hay chỉ đứng trung hòa ‘giữa hai chiến tuyến’ không thôi thì chưa đủ. Cuộc sống bắt buộc chúng ta phải chọn lựa, và từ đó phá hủy tất cả những sự trung dung khả thể. Chúng ta sẽ mang đến hoa trái tươi tốt bằng cách tìm hiểu ngôn ngữ của Thập Giá và khắc ghi vào tâm hồn. Ngôn ngữ của Thập Giá đem lại cho chúng ta hoa quả của Chúa Thánh Thần - như Thánh Phaolô đã liệt kê ra – khiến chúng ta được hưởng bình an và hoan lạc, biết luôn luôn nhân hậu và quảng đại với tất cả mọi người. Đi theo Chúa Giêsu không phải là không có cái giá của nó, không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì điều đó đòi hỏi chúng ta chiến đấu chống lại cái mà Thánh Phaolô gọi là “xác thịt”, là bản ngã cao ngạo, là tính ích kỷ muôn thưở của chúng ta. Cuộc đời là một trận chiến đấu không ngừng, kể cả đối với những người già cả như Cha đây! Đừng sống cuộc đời các con theo kiểu ngồi giữa hai hàng chiến tuyến, muốn bắt cá hai tay, bởi vì chỉ có lòng quyết tâm mới đem lại sự hoàn thiện. Hạnh phúc đến từ việc hoàn thành trách nhiệm, từ việc chu toàn bổn phận, nhất là trong những điều nhỏ nhặt thường ngày, để từ đó chúng ta có thể vươn lên mà vượt qua những thử thách khó khăn hơn. Nhiều người đã tìm được ơn gọi của cuộc đời tại các kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Làm môn đệ của Đức Giêsu đòi hỏi phải tuân theo kỷ luật, nhất là kỷ luật bản thân; điều mà Thánh Phaolô gọi là sự tự chủ. Thực hành tự chủ sẽ không biến các con thành những người hoàn hảo (Cha cũng vậy), nhưng tính tự chủ rất cần thiết để làm phát triển và bảo tồn tình yêu thương trong lòng chúng ta, và để giữ cho những người khác, đặc biệt là gia đình bạn bè chúng ta, khỏi bị tổn thương bởi sự hiểm ác hay lười biếng của chúng ta. Cha cầu xin rằng qua quyền năng của Chúa Thánh Thần tất cả các con sẽ được tham gia vào đạo quân đông đảo của các Thánh, của những người được chữa lành và được tái sinh, như đã được ông Ezekiel tiên báo, những người đã làm phong phú lịch sử nhân loại qua không biết bao nhiêu thế hệ, và được tưởng thưởng trên thiên đàng vào đời sau. Cha muốn kết luận bằng cách mượn một trong những lời giảng sâu sắc nhất của Thánh Augustinô, vị thần học gia ưu tú nhất của thiên niên kỷ thứ nhất và là một giám mục tại Hippo – một thành phố nhỏ ở Bắc Phi Châu vào khoảng 1600 năm về trước. Cha cầu mong là trong năm ngày tới đây, qua các buổi cầu nguyện và lễ lạc, tinh thần của các con sẽ dâng cao, cũng như tinh thần của Cha vậy, trong niềm hân hoan của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ này. Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều lấy làm vui mừng là chúng ta đã đến nơi đây để tham dự đại hội, bất chấp chi phí mắc mỏ, bất chấp các khó khăn trở ngại và bất chấp đường xá xa xôi diệu vợi. Trong tuần này chúng ta có quyền tự hào và ăn mừng vì đã ăn năn và được giải phóng khỏi tội lỗi, vì đã được trẻ trung hóa đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi mở rộng tâm hồn cho quyền năng Chúa Thánh Thần. Đối với các bạn trẻ Cha cũng nhẹ nhàng nhắc nhở các con là dù có vui vẻ hăng hái và phấn khởi đến mấy đi chăng nữa nhưng các con cũng đừng quên lắng đọng và cầu nguyện! Nhiều người trong các con đã phải đi một chuyến rất xa mới đến đây, đến nỗi các con có thể nói là đã thật sự đặt chân đến tận cùng trái đất! Nếu quả như vậy thì, cũng tốt thôi, vì Chúa Giêsu đã bảo với các môn đệ tiên khởi rằng họ sẽ là chứng nhân của Ngài tại Giêrusalem và cho đến tận cùng trái đất. Điềm tiên báo đó đã được thực hiện bởi sự hiện diện của các nhà truyền giáo trên mảnh đất lục địa miền nam bao la này, và điềm tiên báo đó lại một lần nữa được thực hiện bởi sự hiện diện của các con nơi đây. Tuy nhiên những ngày đại hội vui vẻ sẽ mau chóng trôi qua, và tuần sau thì chúng ta sẽ trở về với thế giới thực tại. Mới đầu thì một vài người trong các con sẽ cảm thấy thế giới thực tại ở gia đình, ở giáo xứ, nơi làm việc hay trường học, sao mà nhạt nhẽo và chán nản quá. Chẳng bao lâu, quả thật là chẳng bao lâu nữa, thì các con cũng sẽ rời khỏi Sydney. Hiện thời chúng ta đang ở Sydney ngay tại trung tâm của thế giới Công Giáo, nhưng tuần sau thì Đức Thánh Cha sẽ trở lại Rôma, dân Sydney sẽ trở về giáo xứ của mình, và các con – hiện giờ là khách hành hương – sẽ trở về quê hương của các con từ khắp các chốn xa gần. Nói một cách khác vào tuần sau chúng ta sẽ chia tay nhau. Nhưng khi chúng ta xa nhau sau những ngày vui vẻ này, xin cho chúng ta đừng bao giờ xa lìa Thiên Chúa nhân từ của chúng ta và Đức Giêsu Kitô Con yêu dấu Ngài. Và xin Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta cầu xin trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kỳ này với danh hiệu Đức Mẹ Chòm Sao Nam Thập Tự, củng cố chúng ta trong quyết tâm này. Và Cha cầu nguyện như sau. Xin hãy đến, xin hãy đến hỡi Thánh Linh Thiên Chúa, từ bốn phương trời, từ khắp các quốc gia và các dân tộc trên trái đất, và xin chúc phúc cho Lục Địa Miền Nam Bao La của Thánh Linh Chúa. Xin ban sức mạnh để chúng con cũng trở thành một đạo quân đông đảo những tôi tớ khiêm nhu và những chứng nhân trung thành. Chúng con dâng lời nguyện này lên Thiên Chúa nhân danh Đức Kitô Con yêu dấu Ngài. Amen. Hồng Y George Pell Tổng Giám Mục Sydney
|