MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Lăng Xăng Với Chuột
Thứ Tư, Ngày 8 tháng 1-2020
LĂNG XĂNG VỚI CHUỘT

 

Năm Canh Tý có con số đẹp là 2020, giống như con số nhị phân có thể chia đôi, đặc biệt là giống nhau – 20 và 20. Năm nay là năm Con Chuột, người ta thường cho rằng “Chuột chạy vào nhà sẽ làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta.” Ôi chao, đó là điều tất nhiên, thế nhưng khổ nỗi là người ta lại mê tín dị đoan, tin đó là “điềm gở” về điều gì đó xui xẻo. Thật là vớ vẩn – và (nói thẳng) là… ngu xuẩn!

 

Tại sao tin “Chuột chạy vào nhà làm xáo trộn cuộc sống” là vớ vẩn? Chẳng phải ngày Tết mà ngày nào cũng vậy, Chuột vào nhà sẽ phá phách, làm đồ ăn vương vãi, cắn quần áo và đồ đạc, khiến “khổ chủ” cảm thấy khó chịu, bực bội. Đơn giản thế thôi, chẳng có gì liên quan điềm báo tâm linh chi cả. Vậy mà người ta vẫn sợ nhắc tới “ông Chuột” hoặc “chú Tý”. Đúng là vớ vẩn, là Kitô hữu mà còn tin nhảm như thế thì thật đáng trách.

 

Kinh Thánh có là một “điệu lý” vang lên trong Dc 2:11-12 thế này:

 

Tiết đông giá lạnh đã qua,

Mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.

Sơn hà nở rộ hoa tươi,

và mùa ca hát vang trời về đây.

 

Đông qua nghĩa là Xuân tới – quy luật bất biến của Tạo Hóa – Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình. Một ngày, một tuần, rồi một tháng, cứ nối nhau cho đầy một năm.

 

Cứ khởi đầu rồi kết thúc, những khoảng “mở – kết” đó được gọi là thời gian. Trong đó chia thành bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mỗi mùa mỗi vẻ. Nhưng thời gian là của Chúa: “Ngày là của Chúa, đêm cũng là của Chúa; chính Ngài sắp đặt tinh tú cùng thái dương; chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất, thời hạ tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập.” (Tv 74:16-17)

 

Tứ thời, bát tiết. Hết Đông rồi vào Xuân. Cái này đi, cái khác tới. Quy luật tất yếu: “Bao lâu đất này còn thì mùa gieo mùa gặt, trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông, ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi.” (St 8:22) Mùa Xuân khởi đầu, Kỷ Hợi kết thúc cũng là lúc Canh Tý khởi đầu. Năm mới là ngày Tết, đó là dịp tốt, là cơ hội thuận tiện để người ta nghỉ ngơi và bày tỏ tình nghĩa với nhau, đặc biệt là dành thời gian cho Chúa nhiều hơn.

 

Đầu năm, cùng với Chuột lăng xăng một chút cho vui chứ không lăng nhăng. Chuột ít được nhắc tới trong Kinh Thánh. Cựu Ước đề cập vài lần, Tân Ước không đề cập lần nào. Trong các loài vật, chuột là loài ô uế, nghĩa là luật cấm đụng vào nó hoặc ăn thịt nó. Đây là một số câu Kinh Thánh đề cập loài chuột:

 

Lv 11:29-30 – “Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế: CHUỘT CHŨI, CHUỘT NHẮT, mọi thứ thằn lằn, tắc kè, kỳ đà, cắc ké, kỳ nhông, thạch sùng.”

 

1 Sm 6:1-5 – Hòm Bia Đức Chúa ở trong lãnh thổ người Phi-li-tinh bảy tháng. Người Phi-li-tinh mời các tư tế và thầy bói đến và hỏi: “Chúng tôi phải làm gì với Hòm Bia Đức Chúa? Xin cho chúng tôi biết phải trả Hòm Bia về chỗ cũ bằng cách nào.” Họ đáp: “Nếu anh em trả lại Hòm Bia Thiên Chúa Ít-ra-en, thì đừng trả lại không, nhưng phải nộp cho Người một của lễ đền tội. Bấy giờ anh em sẽ khỏi bệnh và sẽ biết tại sao tay của Người đã không tha anh em.” Người Phi-li-tinh hỏi: “Của lễ đền tội chúng tôi phải nộp cho Người là gì?” Họ đáp: “Năm cái khối u bằng vàng và năm CON CHUỘT bằng vàng, tính theo số các vương hầu người Phi-li-tinh, vì cũng một tai họa đã giáng xuống trên tất cả anh em và trên các vương hầu của anh em. Anh em hãy làm những hình ảnh các khối u của anh em, và hình ảnh các CON CHUỘT đang phá phách xứ sở, và hãy tôn vinh Thiên Chúa Ít-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với anh em, với các thần của anh em và xứ sở anh em.”

 

1 Sm 6:11 – “Chúng đặt Hòm Bia Đức Chúa lên xe, cùng với cái tráp đựng các CON CHUỘT bằng vàng và hình ảnh các khối u của chúng.”

 

1 Sm 6:17-18 – “Đây là các u bướu bằng vàng người Phi-li-tinh đã nộp cho Đức Chúa làm lễ đền tội: một cho Át-đốt, một cho Ga-da, một cho Át-cơ-lôn, một cho Gát, một cho Éc-rôn. Ngoài ra còn có các CON CHUỘT bằng vàng, tính theo số tất cả các thành người Phi-li-tinh thuộc về năm vương hầu, từ thành kiên cố cho đến làng bỏ ngỏ. Tảng đá lớn trên đó người ta đã đặt Hòm Bia Đức Chúa là bằng chứng cho đến ngày hôm nay, trong cánh đồng ông Giơ-hô-su-a người Bết Se-mét.”

 

Is 2:17-20 – “Người phàm tự kiêu sẽ bị khuất phục, và con người ngạo nghễ rồi sẽ bị hạ xuống; ngày đó, chỉ một mình Đức Chúa được suy tôn. Các tà thần sẽ đồng loạt biến đi. Người ta sẽ chui vào hốc đá, vào khe đất, để tránh nỗi kinh hoàng Đức Chúa gây ra, tránh oai phong lẫm liệt của Người, khi Người đứng lên làm cho đất hãi hùng. Ngày đó, con người sẽ ném cho CHUỘT CHÙ, cho dơi những tà thần bằng bạc, tà thần bằng vàng của họ mà họ đã làm ra để thờ.”

 

Is 66:17 – “Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm và THỊT CHUỘT, đều sẽ chết cả lũ.”

 

Trong cuộc sống, ai cũng biết Chuột là loài phá phách, làm hư hỏng bất cứ thứ gì. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có bài thơ Tăng Thử (Ghét Chuột). Loài chuột luôn bị ghét, vì chúng không chỉ phá hại đồng ruộng mà còn ẩn nấp, tìm cơ hội để làm điều khuất tất, gian dối, xảo trá, lừa bịp,... Đây là một đoạn trích trong bản dịch của Ngô Lập Chi:

 

Chuột lớn kia bất nhân,

Gậm khoét thật thâm độc,

Đồng ruộng trơ lúa khô,

Kho đụn hết gạo thóc,

Nông phụ cùng nông phu,

Bụng đói miệng gào khóc,

Mệnh người dám coi thường,

Chuột mi sao tàn khốc?

Ỷ thành xã làm càn,

Thần, nhân đều hằn học.

 

Chí sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nhắm vào “chuột súc vật” mà ông còn nhắm vào đám “chuột người” – tức là lũ tham quan, ô lại, chỉ lo vinh thân phì da, hại dân hại nước, hứa hẹn đủ điều hay nhưng chẳng làm được gì. Vô tích sự mà thôi!

 

Năm nay là năm có con số đẹp – 2020, nhưng con vật đại diện lại… không đẹp – xấu đủ thứ, từ vóc dáng tới tính nết. Thật vậy, chuột là loài sống chui rúc ở những nơi tối tăm, biểu hiện sự gian xảo, ranh ma, chờ cơ hội để phá phách, gặm nhấm bất cứ thứ gì. Con người cũng tương tự. Những kẻ ở trong bóng tối là những kẻ mờ ám, xấu xa, độc ác. Người ta luôn phải cố gắng diệt chuột để bảo vệ tài sản của mình thế nào thì đối với những ác ý của con người cũng phải nỗ lực triệt tiêu như vậy – và còn phải dứt khoát hơn mới được.

 

Lạy Thiên Chúa chí thánh, xin tẩy rửa chúng con để chúng con không còn ô uế, được trở nên thanh sạch trước Thánh Nhan Ngài. Xin thánh hóa chúng con để chúng con không còn hôi hám như loài chuột, và xin biến đổi chúng con để chúng con sống hữu ích chứ đừng gặm nhấm tha nhân vì thói tham lam ích kỷ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thiên Chúa Là Mọi Nhu Cầu Của Chúng Ta (1/16/2020)
Lời Hằng Sống (1/16/2020)
Không Thể Làm Thinh (1/16/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 2 Tn A (1/16/2020)
Xuân Một Tết Ba (1/14/2020)
Tin/Bài cùng ngày
Tẩy Rửa (1/8/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Cn Lễ Chúa Chịu Phép Rửa A (1/8/2020)
Tin/Bài khác
Hiệp Sống Tin Mừng Cn Lễ Hiển Linh (1/3/2020)
Gia Đình – Ngôi Đền Của Sự Sống (1/3/2020)
Đừng Sợ ! (12/29/2019)
Thính Thị (12/29/2019)
Thiên Ý Nhiệm Mầu (12/29/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768