GIA ĐÌNH
– NGÔI ĐỀN CỦA SỰ SỐNG
Thánh Phaolô xác định:
“Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời,
dưới đất.” (Ep 3:15) Thật vậy, dù là
Thiên Chúa Ngôi Hai, khi chấp nhận mặc xác phàm làm người,
Chúa Giêsu cũng sinh sống trong một gia đình bình thường:
“Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội
đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người
được mười hai tuổi, cả gia đình
cùng lên đền, như
người ta thường làm trong ngày lễ.” (Lc 2:41-42) Không chỉ vậy, Ngài vẫn giữ đạo làm con
là “hằng vâng phục cha mẹ.” (Lc 2:51)
Ngày 9-10-2010, tại TP Cedar Lake (Indiana, Hoa Kỳ),
TGM Robert J. Carlson, TGP St. Louis, đã khánh thành Đền Thờ Thánh Gia.
Đền thờ này
tọa lạc tại một
khu đất rộng và hướng ra một hồ nước, và đó là lời mời gọi mọi người
sùng kính Thánh Gia, gương mẫu yêu thương và các nhân đức (đối thần và
đối nhân), bằng cách tạo bầu không khí cầu nguyện ngay trong gia
đình và giúp nhau suy niệm về đời sống gia đình của Thánh Gia.
Bức tượng Thánh Gia (hình)
do điêu khắc gia Cynthia
Hitschler tạo hình bằng
đồng, nặng khoảng 360 kg. Bức tượng có
phong cách “lạ”, nhìn rất “hồn nhiên”, thể hiện sự thân
thiện của các
thành viên gia đình: Thánh Nhi Giêsu (khoảng 9-10 tuổi), Đức Thánh Maria và Đức Thánh Giuse. Bức tượng được
tạo hình lớn bằng
người thật, và được đặt giữa phòng
để mọi người
có thể ngắm nhìn
từ mọi hướng.
Gia đình rất giản dị nhưng lại
vô cùng quan trọng.
Trong Anh ngữ, “gia đình” là FAMILY. Có thể coi từ đó được ghép bởi các mẫu tự đầu của các
chữ trong một câu
nói: “Father And Mother, I Love You
– Thưa cha mẹ, con
yêu cha mẹ.” Một cộng đồng nhỏ
mà chan hòa tình yêu thương như vậy thì thật là tuyệt vời!
Gia đình Kitô giáo lại càng quan trọng hơn vì là “mô hình thật” của Thánh Gia, luôn
phải được canh
tân và được
thánh hóa. Thánh hóa gia đình phải khởi đầu từ mỗi thành viên gia
đình, vì mỗi người
“là thân thể Đức
Kitô và là một bộ
phận.” (1 Cr 12:27) Thánh Phaolô đã đặt vấn đề: “Nào
anh em chẳng biết
rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cr 3:16) Dạng nghi vấn như
vậy là dạng xác
định được
nhấn mạnh. Như vậy, gia đình đúng là
“ngôi đền của sự
sống”. Tại sao? Vì mỗi thành viên là một
đền thờ sống động của Chúa Thánh
Thần.
Cha là “phần cứng”, mẹ là
“phần mềm”, con cái
là những “phai” yêu thương
(files of love) được
sản sinh bởi “phần cứng” và “phần mềm” đó. Cha – Mẹ – Con là ba phần riêng biệt, nhưng là “bộ ba” tạo thành một tổng thể gia đình,
là hình ảnh sống động
của Chúa Ba Ngôi. Phần
nào cũng có vị trí
quan trọng nhất định,
không thể thiếu
phần nào trong mỗi
gia đình. Cha thâm trầm
như sóng ngầm, không
thể hiện ra ngoài;
mẹ “sôi nổi” như sóng cồn, là cách thể hiện riêng. Loại “sóng” nào cũng cần để tạo thành
biển – biển yêu
thương. Thật vậy,
cả cha và mẹ
đều yêu thương con cái hơn cả chính mình. Chuyện kể rằng…
Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có
đủ cơm
ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình
chia đều cho các
con. Mẹ bảo: “Các
con ăn nhanh đi, mẹ
không đói!” Đó là lần đầu tiên mẹ nói dối!
Khi cậu bé lớn
dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những
ngày nghỉ cuối
tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về để con ăn cho đủ
chất. Cá rất
tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên
nhằn đầu cá,
lấy lưỡi liếm
những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát
mình sang bát mẹ. Mẹ
không ăn, lại
dùng đũa gắp
trả miếng cá về bát cậu
bé. Mẹ bảo:
“Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá.” Mẹ nói dối lần thứ hai.
Lên cấp II, để nộp đủ tiền học phí
cho cậu bé và
anh chị, mẹ vừa
làm thợ may vừa
nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi dán vào mỗi tối, để kiếm
thêm chút tiền
chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa Đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn
còng lưng dán vỏ
bao diêm bên cạnh
chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: “Mẹ à, mẹ
đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai,
đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!” Mẹ nói
dối lần thứ
ba.
Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm. Ngày
nào cũng đứng
ở cổng trường thi để làm “chỗ dựa tinh thần” cho cậu
bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng cháy khét
tóc. Người mẹ
nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy
tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang
lên. Mẹ nghiêng
người đưa
cho cậu bé bình nước, dỗ dành cậu bé uống.
Bình trà nồng
đượm, tình mẹ còn nồng
đượm hơn. Nhìn bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà
trong tay mời mẹ
uống. Mẹ bảo: “Con uống nhanh lên con. Mẹ không khát!” Mẹ nói dối lần thứ tư.
Sau khi cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm
mẹ vừa làm
cha. Vất vả với
chút thu nhập ít
ỏi từ nghề
may vá. Ngậm
đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú sửa đồng hồ dưới
chân cây cột
điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc
nhỏ chú đều
tìm cách qua giúp một
tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ
đâu phải cây
cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Xóm giềng biết chuyện đều
khuyên mẹ tái
giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng
qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết không đi “bước nữa”. Mọi người
khuyên thế nào
mẹ vẫn kiên
quyết không
nghe. Mẹ bảo: “Mẹ
không yêu chú ấy.” Mẹ
nói dối
lần thứ năm.
Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp
đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn
tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để
duy trì cuộc sống.
Các con biết chuyện
thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ.
Mẹ kiên quyết
không nhận. Tất
cả tiền con gửi về, mẹ đều gửi
trả. Mẹ bảo: “Mẹ có tiền mà. Vả lại mẹ có chi tiêu gì
đâu!” Mẹ
nói dối lần
thứ sáu.
Cậu bé ở
lại trường dạy hai năm, sau đó thi
đỗ học bổng
học thạc sĩ ở một trường đại
học danh tiếng tại Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp
cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời
gian, khi đã có chút điều kiện, cậu muốn đưa mẹ qua Mỹ
sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn.
Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo:
“Mẹ không quen!” Mẹ nói dối lần thứ bảy.
Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng
bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già
đi nhiều và
yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày
vò đến thập
tử nhất sinh, thấy con trai đau đớn vì
thương xót mẹ.
Mẹ lại bảo: “Con trai, đừng khóc, mẹ không đau
đâu.” Và đó là lời nói dối cuối cùng của mẹ!
Những “lời nói dối dễ thương” của mẹ, nói dối vì yêu con! Chuyện kể về mẹ như
vậy, nhưng cũng có ý nói về cha. Gia đình là thế đó! Gia đình
được nối kết
bằng chữ YÊU. Việt
ngữ “độc đáo” lắm. Chữ Y như “chạc ba”, xuất phát và
quy tụ từ ba hướng:
Hướng Cha, hướng Mẹ và hướng Con. Tất cả PHẢI quy về
một mối mới khả dĩ tạo gia đình
thành một Tổ Ấm thực
sự.
ĐGH Phanxicô đã có lần nói về gia đình: “Trong gia
đình, người
ta không xâm lấn nhau
nhưng biết xin phép. Trong gia đình người ta không ích kỷ nhưng tập nói tiếng cám ơn.
Trong gia đình, khi người ta nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi thì gia
đình ấy có an
bình và niềm
vui.” Đạo của Thiên
Chúa là Đạo Yêu Thương,
gia đình phải là
chiếc nôi ươm
mầm yêu thương,
muốn vậy thì mỗi thành viên phải sống yêu thương.
Trong thông điệp “Deus Caritas Est” (Thiên
Chúa là Tình Yêu, 25-12-2005), ĐGH Biển Đức XVI đã phân biệt ba cấp độ yêu thương
dựa theo Hy ngữ:
1. EROS – tình yêu nhục thể. Tình yêu này biểu lộ nơi tình yêu
nam nữ trong tương
quan vợ chồng.
2. PHILIA – tình yêu lý tưởng. Tình yêu này là tình bạn, lòng yêu nghệ thuật, lòng ái quốc.
3. AGAPE – tình yêu siêu thoát. Tình
yêu này vượt qua các
quy định của con người
(sự khác biệt giới
tính, văn hoá, xã hội,
giai cấp, tôn giáo,...) để vươn tới chính Thiên Chúa.
Gia đình là “ngôi đền của sự sống”, tức
là phải đầy ắp
tình yêu thương. Đó là sống tình yêu thương của Chúa Ba Ngôi, là hiện thân của
Thiên Chúa tình yêu, là chứng
nhân của Thiên
Chúa tình yêu giữa cuộc
đời này. Đồng
thời đó cũng là cách mỗi người tự hoàn thiện theo lời dạy của Chúa
Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện
như Cha trên trời
là Đấng hoàn
thiện.” (Mt 5:48)
Với những người làm
con, sách Châm Ngôn nhắn nhủ:
“Lệnh cha truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ khuyên,
chớ bỏ ngoài
tai.” (Cn 6:20) Cũng vậy,
Thánh Phaolô khuyên: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của
Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có
kèm theo lời hứa:
để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” (Ep
6:1-3)
Với những người làm
cha mẹ, Thánh Phaolô
khuyên: “Những bậc
làm cha mẹ,
đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6:4) Nếu cần thì có thể trừng phạt, nhưng
phải trừng phạt trong tinh thần yêu thương
chứ không trừng phạt như kẻ thù.
Về bổn phận vợ chồng,
Thánh Phaolô khuyên: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng
cũng vậy.” (Ep
7:3) Thánh Phaolô còn nói thẳng
luôn chứ chẳng “úp
mở” chi cả: “Vợ
chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người
đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để
chuyên lo cầu
nguyện; rồi hai người lại ăn ở với
nhau, kẻo vì hai người không tiết
dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ.” (Ep 7:5)
Như chúng ta đã biết, gia đình được liên kết bằng “sợi dây yêu thương”,
vì thế gia đình phải tràn đầy tiếng cười của sự
bình an. Nếu không
có yêu thương thì gia đình trở thành vùng sỏi
đá, miền khô
cằn hoặc hoang địa
(sa mạc). Và từ
đó có thể nảy
sinh cái xấu, thậm
chí là tội lỗi. Nếu
thấy một thành viên nào có biểu hiện của cái xấu thì mọi thành
viên khác phải cương
quyết ngăn chặn ngay, đừng để cái
xấu trở thành “lối mòn” thì khó mà uốn nắn lại. Cha mẹ
đừng ảo tưởng về con cái – dù trai hay
gái, vì chúng có thể “ra vẻ”
ngoan ngoãn ở nhà,
nhưng ra ngoài thì chúng như “ông trời con”, như “đại ca” vậy. Ngay trong xã
hội Việt Nam cũng
đã có nhiều trường
hợp như vậy. Từ “chuyện nhỏ” sẽ nảy
sinh “chuyện lớn”. Tấm “gương mờ” trong Cựu
Ước còn đó: Vì tham lam sinh ích kỷ, vì ích kỷ sinh đố kỵ, vì đố kỵ sinh ghen ghét, vì ghen ghét sinh hận thù, vì hận thù sinh tội lỗi, do đó mà Ca-in đã nhẫn tâm giết chính đứa em máu mủ ruột rà với mình. Đúng như tiền nhân đã cảnh báo: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.”
Sau khi Ca-in phạm tội sát nhân, Thiên
Chúa đã hỏi Ca-in: “Em
của ngươi đâu?” (St 4:9) Tất nhiên Ca-in không thể trả lời, muốn im lặng
làm ngơ mà không được nên đành phải chối quanh. Thế nhưng vải thưa không
thể che mắt thánh!
Vì thế, chúng ta đừng để Thiên Chúa
phải lên tiếng hỏi chúng ta lời lẽ như vậy, chắc
chắn chúng ta cũng không thể trả lời được đâu!
Một gia đình có hơi ấm yêu thương, dựa trên nền tảng yêu thương của Thiên Chúa, gia đình
đó sẽ tốt lành.
Chắc hẳn chúng ta
còn nhớ câu chuyện “bảy mẹ con tử
đạo” (2 Mcb 7:1-31). Nhìn các con lần lượt bị giết, nhưng
người mẹ đó vẫn hiên ngang và động viên đứa
con út không tham sanh úy tử,
can đảm liều chết để vinh danh Chúa,
vì người mẹ này
tin rằng “chết là
một mối lợi” (Pl
1:21), là biến đổi,
là bước vào
sự sống vĩnh hằng.
Một người mẹ đạo đức như vậy
thì chắc chắn bà
cũng giáo dục con cái
sống đức tin vững
vàng. Đó là minh chứng
hùng hồn về một
“ngôi đền của
sự sống”, tức là gia đình.
Cuộc đời các Kitô hữu là hành trình đức tin, là sống đức tin, thế nên
chúng ta rất cần biết
thân thưa với Chúa:
“Xin dạy chúng
con đếm tháng
ngày mình sống, ngõ
hầu tâm trí
được khôn
ngoan” (Tv 90:12). Thánh Vịnh
gia chân thành khuyên chúng ta: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào
Người, Người
sẽ ra tay.” (Tv
37:5)
Sống đức tin là cố gắng tự hoàn
thiện để nên
thánh ngay trong môi trường
gia đình, tức là
sống các nhân đức (đối thần và
đối nhân). Nhưng
thế nào là nhân đức? Thánh nữ Faustina giải thích: “Bản chất của nhân
đức là Ý
Chúa. Ai trung tín thực
hiện Ý Chúa thì cũng thực hành các nhân đức.” (Nhật
Ký, số 678) Mối
liên kết thật kỳ
lạ!
Triết gia Chu Hi (Zhū Xī, Trung Hoa,
1120-1200) nói về
đời sống gia đình và xã hội: “Cách trị nhà cốt ở hoà thuận, cách mưu sinh cốt ở siêng năng.”
Đúng là “nhân chi sơ tính bổn thiện”, thế nên tâm địa người tốt rất gần
với Thiên Chúa, Đấng
nhân lành tuyệt đối.
Nói về cuộc sống,
Amelia Mary Earhart (1897-1939, nữ phi công kiêm văn sĩ,
Hoa Kỳ) có nhận xét liên quan gia
đình: “Người
ta càng làm nhiều,
thấy nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều, và càng biết đánh giá chân thực về những điều
cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng
hành.”
Người ta không chỉ sống mà còn phải bảo vệ sự sống, tức
là bảo vệ các
thai nhi, vì mầm sống
được bắt đầu từ gia đình.
Ngoài ra, về tâm linh,
cầu nguyện là sức sống của đời
sống Kitô hữu.
Tuy nhiên, đôi khi người ta hiểu cầu nguyện theo “nghĩa hẹp” là
XIN, và thường chỉ
xin cho mình, đúng ra còn phải xin cho người khác, đặc biệt là phải biết chúc tụng, tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta hãy
nghe Thánh tiến sĩ Thomas
Aquinas phân tích: “Chúng ta cầu xin Chúa, không phải để Ngài biết nhu cầu và ước muốn của chúng ta, mà
để chúng ta
biết cần
phải đến với Chúa để xin ơn phù trợ.”
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Sau khi đặt sự thiện và sự dữ trong khả năng
của chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quyền tự do để lựa
chọn. Người
không chấp nhận
những gì miễn cưỡng, nhưng đón nhận những gì tự nguyện.” Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do nên Ngài luôn
tôn trọng tự do của
chúng ta. Chính vì Ngài tôn trọng tự do của chúng ta nên chúng ta mới đáng quan ngại. Nghĩa là tùy ý chúng
ta, nếu sống tốt
thì được tưởng
thưởng, nếu sống xấu thì bị trừng phạt, đó là
quyền tự do của chúng
ta, không thể biện minh
là “tại, vì, nếu, giá mà, phải chi,…”
Tóm lại, mỗi thành viên gia
đình viên-đá-quý-đức-tin
và đóa-hoa-tươi-yêu-thương, phải luôn biết quên mình mà “sống vì”, “sống cho” và “sống với” – nghĩa là hãy sống sao cho gia đình trở thành “ngôi đền của sự sống” thực
sự sống động. Điều đó phải thực hành suốt cuộc đời của
chúng ta, cho đến
lúc nhắm mắt xuôi
tay.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng
con biết noi gương
Thánh Gia và biết
không ngừng cố
gắng trở nên những viên-đá-yêu-thương sống động để xây
dựng những Ngôi
Đền của Sự
Sống, nơi có Thiên Chúa ngự trị. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG
số 401, tháng
01-2020, DCCT xuất bản tại
Hoa Kỳ]
|