MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nợ Tình
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 5-2019
NỢ TÌNH

 

Là con người, không ai lại không mắc nợ, dù ít hay nhiều. Có thể không mắc nợ về vật chất nhưng ai cũng mắc nợ về tinh thần – nợ cha mẹ, nợ anh em, nợ bạn bè, nợ thầy cô, nợ xã hội,... Nói chung, mắc nợ gì cũng... khổ. Món nợ càng to thì nỗi khổ càng lớn, không an tâm, thậm chí là mất ăn mất ngủ.

 

Món nợ đơn giản nhất là nợ cá nhân – riêng giữa hai người với nhau, món nợ cũng có thể mang tính xã hội, mang tầm vóc quốc gia hoặc quốc tế. Chính khách John Adams (1735-1826, tổng thống thứ nhì của Hoa Kỳ) nói: “Có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh kiếm. Cách thứ hai là bằng nợ nần”. Thật là nguy hiểm với “khổ nhục kế” như thế – không chỉ khổ mà còn nhục. Thế nên, cứ “thà lên giường ngủ không ăn tối còn hơn thức dậy với nợ nần” (chính khách Benjamin Franklin (1706-1790, một trong các vị khai sinh Hoa Kỳ). Tại sao vậy? Bởi vì “người mắc nợ chẳng khác nào nô lệ” (văn thi sĩ Ralph Waldo Emerson, 1803-1882). Nợ nần khổ thật!

 

Nhưng mắc nợ vì hoàn cảnh khó khăn đã đành, đáng quan ngại là mắc nợ vì “bóc ngắn, cắn dài” hoặc “vung tay quá trán”. Đôi khi tự làm mình mắc nợ vì thói đua đòi hoặc khoe mẽ, ưa bề ngoài. Đó chính là dạng mắc nợ mà Benjamin Franklin đã cảnh báo: “Mua thứ mình không cần rồi sẽ phải bán thứ mình cần”.

 

Tránh được nợ thì lòng thanh thản. Nhưng có món nợ không tránh được, thậm chí là nên mắc nợ nhau, đó là NỢ TÌNH, như Thánh Phaolô nói: “Đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8).

 

Cuộc sống có đủ loại tình với nhiều cấp độ. Cuộc đời không có tình yêu thì không có sức sống, y như trái đất không có ánh nắng vậy. Tình yêu thương như một điệp khúc của bài trường ca vô tận, luôn được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại, đến nỗi có thể có người cảm thấy nhàm chán vì nghe hoài, nghe mãi, nghe suốt năm phụng vụ, thậm chí nghe hằng ngày. Cứ nghe mãi như vậy mà chúng ta vẫn chẳng thực hiện được bao nhiêu, mặc dù Thánh Gioan nói “nhẹ” thế này: “Các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1 Ga 5:3). Quả thật, Đạo Chúa chỉ là một chữ Yêu, rất ngắn gọn và đơn giản – theo Việt ngữ chỉ có 3 mẫu tự, ấy thế mà lại nhiêu khê. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì tình yêu vẫn mãi mãi vĩ đại và cao cả vô cùng!

 

Thật vậy, tình yêu kỳ diệu đến nỗi đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, người Pháp) đã minh định: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Rất kỳ lạ. Chỉ có người đã từng yêu hết lòng thì mới khả dĩ hiểu được mà thôi. Yêu là một dạng điên, càng yêu sâu đậm càng điên dữ dội. “Điên” ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực chứ không “bệnh hoạn” theo kiểu điên rồ!

 

Chúa Giêsu bảo chúng ta phải nên hoàn thiện (Mt 5:48), yêu thương cả kẻ thù (Mt 5:44), học nơi Ngài nhân đức hiền lành và khiêm nhường (Mt 11:29). Nói chung, chúng ta phải nên giống Ngài. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Làm sao nhận diện? Thánh Angela Merici (1474-1540, người Ý) cho biết: “Muốn biết một người có nên giống Chúa Giêsu hay không, phải coi họ chấp nhận sự khinh mạn sỉ nhục như thế nào”. Chúa Giêsu vẫn yêu cuồng si dù biết chúng ta phụ tình Ngài. Yêu là như thế đó. Yêu không chỉ “chết trong lòng một ít” mà phải te tua, tơi tả, và “chết thật” chứ không thể cứ tà tà. Chán lắm, ngán lắm, ớn lắm, và sợ lắm! Thế nhưng vẫn có những người thích kiểu “không giống ai” như vậy. Hầu như người đời không thể hiểu hết ý nghĩa chữ “yêu” theo kiểu “ngược đời” như thế, chỉ những ai có niềm tin vào Chúa-Giêsu-chịu-đóng-đinh thì mới khả dĩ hiểu!

 

Mọi thứ luôn liên quan lẫn nhau, cái này liên quan cái kia – trực tiếp hoặc gián tiếp. Sách Công vụ cho biết có những người từ miền Giuđê đến dạy thế này: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê thì anh em không thể được cứu độ” (Cv 15:1). Khi đó, hai ông Phaolô và Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề đang tranh luận này. Tranh luận để hiệp nhất thì đó là điều cần, nếu không thì thật đáng quan ngại.

 

Tác giả sách Công Vụ cho biết rằng bấy giờ các tông đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antiôkhia với ông Phaolô và ông Banaba. Đó là ông Giuđa (biệt danh là Basaba) và ông Xila, những người có uy tín trong Hội Thánh. Họ trao cho phái đoàn bức thư có nội dung thế này: “Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Banaba và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giuđa và ông Xila đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh” (Cv 13:24-29). Con người thời nào cũng có “máu” dễ sa đà lắm, thế nên luôn phải nhớ lời tiền nhân căn dặn: “Cẩn tắc vô ưu”.

 

Cẩn trọng là khôn ngoan – một nhân đức quý giá, bởi vì “khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn 3:15). Thật vậy, “Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban” (Kn 7:14). Đó là kho báu vô giá: “Trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7:9).

 

Có nhiều thứ phải cẩn trọng, đặc biệt là miệng lưỡi – ngôn ngữ, bởi vì lời nói có thể làm hại người khác: “Nhất ngôn xuất, tứ mã nan truy”. Tác hại khôn lường vì cái lưỡi! Chắc hẳn chúng ta cũng đã biết điều này: “Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật”. Luật phục vụ con người chứ con người không phục vụ luật. Có con người rồi mới phát sinh luật. Luật cũng cần thiết để giúp con người hoàn thiện, nhưng theo luật phải vì yêu mến thật lòng, chứ chỉ khư khư giữ luật vì luật mà không vì yêu mến thì hóa vô ích. Thánh Augustinô đã nói: “Cứ yêu đi, rồi muốn làm gì cũng được”. Người nào dám yêu thì không hề sợ bất cứ điều gì, kể cả cái chết, vì tình yêu còn mạnh hơn cả Tử Thần.

 

Yêu thương là đường lối của Thiên Chúa, là chân lý của Ngài, là niềm khao khát vĩnh hằng của Ngài, và không chỉ là quy luật mà còn là mệnh lệnh của Ngài. Ai cũng phải cố gắng sống yêu thương, và không ngừng cầu xin: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3). Đồng thời cũng phải biết chân thành mong muốn: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này. Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài” (Tv 67:5-6).

 

Chắc chắn ai cũng mắc món nợ ân tình – cả ân nghĩa và tình cảm. Nhưng vì yêu mến Thiên Chúa mà người ta càng muốn mắc món nợ đó, món nợ không bao giờ trả hết ở đời này. Ước vọng đó là niềm khao khát khôn nguôi của những người tin vào Thiên Chúa, và cầu chúc cho nhau điều tốt lành nhất: “Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:8).

 

Mệnh danh Tông Đồ của Tình Yêu và tự xưng là “môn đệ được Chúa yêu”, Thánh trẻ Gioan là con người can đảm, vì yêu mà ngài dám đứng dưới chân Thập Giá, và rồi được Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ. Thánh nhân kể về thị kiến: “Đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ítraen. Phía Đông có ba cửa, phía Bắc có ba cửa, phía Nam có ba cửa và phía Tây có ba cửa. Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21:10-21).

 

Thị kiến là sự khác thường, thần bí, vượt ngoài tầm nhìn phàm nhân. Thánh Gioan là thị nhân thần bí như vậy vì được Thiên Chúa mặc khải nhiều điều rất lạ lùng. Thánh nhân cho biết thêm: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi” (Kh 21:22-23). Ôi, cuộc thị kiến quá đỗi lạ lùng! Nhưng đó cũng là những điều Chúa hứa ban cho những ai dám yêu Ngài hết lòng, hết sức, và hết trí khôn – nghĩa là tất cả đều nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài.

 

 

 

Một hôm, tông đồ Giuđa (cũng gọi là Giuđa Nhiệt Thành hoặc Tađêô, không phải Giuđa Ítcariốt) hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” (Ga 14:22). Nghe hỏi vậy, Đức Giêsu đáp ngay: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:23-24). Một loạt các mối liên kết của tình yêu, như một đa giác có các cạnh và các góc không thể tách rời nhau – kể cả các đường trung tuyến hoặc đường cao. Một hệ lụy tất yếu đối với tình yêu thương thật kỳ diệu!

 

 

 

Chúa Giêsu là Con Đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha, và cũng là Cửa Chuồng Chiên duy nhất, Ngài căn dặn các đệ tử: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:25-26). Ngài hứa ban Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống. Đó là tặng phẩm vô giá mà Chúa Giêsu muốn dành cho mỗi chúng ta. Tại sao? Vì Ngày rất yêu thương mỗi chúng ta, đến nỗi tên mỗi người đều được Ngài khắc vào lòng bàn tay (Is 49:16), đã cứu chuộc chúng ta bằng giá máu và mỗi chúng ta đều là của riêng Ngài (Is 43:1).

 

Ngài luôn muốn chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10:10), và Ngài vừa hứa hẹn vừa động viên: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27). Ngài xác định: “Thầy ra đi và đến cùng anh em. Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (Ga 14:28-29). Bất cứ điều gì cũng được Ngài nói trước để không ai bất ngờ mà ngỡ ngàng. Thế mà… Ôi chao!

 

Hôm nay, Thầy chí thánh Giêsu dạy chúng ta hai điều quan trọng. Thứ nhất là về tình yêu thương: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34; Ga 15:12); thứ nhì là về lòng can đảm: “Đừng sợ!” (St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Xh 20:20; Đnl 31:6; Is 7:4; Is 8:12; Is 10:24; Is 35:4; Is 37:6; Is 40:9; Is 41:10; Is 41:13-14; Is 43:1; Is 43:5; Is 44:2; Is 44:8; Is 51:7; Is 54:4; Gr 1:17; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Gs 10:25; Xp 3:16; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Cv 18:9; Kh 1:17-18; và còn nhiều nữa...).

 

Thật kỳ lạ: Mệnh lệnh cách “Đừng Sợ” được đề cập 365 lần trong Kinh Thánh, với các sắc thái khác nhau. Như vậy, mỗi ngày chúng ta đều được Thiên Chúa động viên – mỗi ngày một kiểu cho suốt năm. Có hai điều này liên quan lẫn nhau: Yêu thì phải can đảm, nghĩa là không sợ, còn nếu sợ thì không thể yêu. Hệ lụy tất yếu là thế!

 

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu Vĩnh Hằng và Thương Xót Vô Tận, xin cho chúng con biết can đảm để có thể sống trọn tình yêu thương như Con Một Ngài – Người Tôi Trung Đau Khổ. Xin Tình Yêu của Đức-Kitô-chịu-đóng-đinh biến đổi cuộc sống của mỗi chúng con ngày càng trở nên hoàn thiện qua tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ đó mà chúng con xứng đáng là những Kitô hữu đích thực. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

 

TRẦM THIÊN THU

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Tâm Chúa Giêsu Và Người Công Giáo (5/30/2019)
Máu Và Nước Từ Thánh Tâm Chúa Giêsu (5/30/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng -- Chúa Nhật 7 Phục Sinh -- Lễ Chúa Thăng Thiên C (5/30/2019)
Cửa Nước Trời (5/28/2019)
Hẹn Tái Ngộ (5/27/2019)
Tin/Bài khác
Yêu Như Chúa Yêu --- Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh Năm – C (5/17/2019)
Mức Độ Yêu Thương (5/16/2019)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Chúa Nhật 5 Phục Sinh C (5/16/2019)
Được Tạo Dựng Vì Chân Lý, Không Vì Tà Thuyết (5/16/2019)
Tôn Vương Tôn Chúa Giêsu Làm Vua Gia Đình Phần #5/12)--5. Kinh Dâng Hiến: Cam Kết Sống Trong Tình Yêu (5/13/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768