HiẾn tẾ Tình yêu
Mt 26, 14-27,66
Lm Jos. Phạm Ngọc
Ngôn, Csjb
Chúng ta
đang sống trong những ngày trọng đại nhất
của niên lịch phụng vụ. Cùng với
Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh- kỷ niệm
ngày Chúa Giêsu vinh hiển tiến vào thành thánh Giêrusalem, chịu
Khổ nạn, chịu chết và sống lại.
Chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu trên đường
thập giá để cảm nghiệm mầu nhiệm Tình
yêu tự hiến mà Chúa Cha đã ân ban cho
nhân loại.
Từ bàn Tiệc ly- Bí tích Tình yêu…
Chúa Giêsu- hơn ai hết,
hiểu rằng vâng theo thánh ý Cha là chấp nhận hy sinh,
chấp nhận sự chà đạp, khinh bỉ, nhục mạ
và đánh đập đến “thân tàn ma dại” do con
người - vốn dĩ được Người hết
mực yêu thương- gây ra. Người còn biết rằng
trong số những môn đệ bước theo Người,
đại bộ phận cũng chỉ là những con
người hết sức tầm thường, nếu
không muốn nói là những người rồi đây sẽ
trở thành những kẻ nhút nhát, run sợ khi chứng kiến
sự bách hại đến với Thầy và, tệ
hơn, còn là những kẻ lừa Thầy phản bạn
như trường hợp của Giuđa Ítcariốt. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn hết mực yêu
thương và lo lắng cho họ. Chính vì thế,
trước khi bước vào con đường Khổ nạn,
chính Người đã trao lại cho các ông Bí tích Tình yêu, thiết
lập giao ước mới hầu đảm bảo việc
Người sẽ hiện diện mãi mãi giữa lòng nhân loại.
Vâng, những lầm lỗi do nhút nhát hay vì phản bội
của các môn đệ không ngăn nổi trái tim chan chứa Tình yêu của Chúa Giêsu. Chúng ta
có thể thấy việc Người cúi xuống rửa
chân cho từng môn đệ, rồi ánh mắt diệu hiền
trả lời câu hỏi của Giuđa Ítcariốt, đến
lời tiên báo nhẹ nhàng cho Phêrô,… tất cả đều
phát xuất từ trái tim thấm đượm tình yêu. Đó chính là những dấu ấn khó phai trong tâm
trí các môn đệ. Đây cũng chính là điều
khiến các ông không ngừng làm chứng và loan báo cho muôn dân
về dấu ấn Tình yêu vĩ đại
ấy.
Đến đồi Gôngôtha- Hiến tế Tình yêu
Chúng ta biết,
Khổ nạn và Phục sinh đều được các
thánh sử ghi lại nhưng trong từng chi tiết, mỗi
thánh sử có một cái nhìn tương đối khác biệt.
Sở dĩ như vậy là vì các tác giả
thánh muốn làm nổi bật một ý nghĩa riêng mà mình
muốn trình bày. Nếu như Máccô diễn tả cuộc
Thương khó của Chúa Giêsu cách trần trụi,
nghĩa là có sao nói vậy; Luca trình bày cuộc Thương
khó như một bài suy niệm; còn Gioan thì trình bày Đấng
chịu nạn như vị Vua oai nghiêm tiến đến
ngai vàng thì thánh sử Mátthêu lại giới thiệu Chúa
Giêsu là người Công chính, bị bách hại để ứng
nghiệm lời Kinh thánh.
Rõ ràng thánh sử Mátthêu nhìn cuộc Thương khó của
Chúa Giêsu dưới cái nhìn tiên báo của kinh thánh Cựu
ước nhằm nhắn gửi cho độc giả
Kytô giáo gốc Dothái thông điệp: Chúa Giêsu chính là Đấng
Mêsia mà họ đang mong chờ. Với cách
nhìn này, Chúa Giêsu bước vào cuộc Thương khó với
nhiều hình ảnh khá sống động. Sự phản
bội của Giuđa khi bán đứng Thầy mình với
giá 30 đồng: Chúa Giêsu bị người đời ruồng
bỏ, bị xem như người nô lệ (x. 26,15); Trong
vườn Ghếtsêmani, khi bị bắt, các môn đệ
chạy trốn: Chúa Giêsu như người mục tử
bị đánh đập khiến cho đàn chiên môn đệ
tan tác như Ngôn sứ Dacaria loan báo (x. 26, 56b; Dcr 13,7); Khi
đứng trước Thượng hội đồng
Dothái, Chúa Giêsu minh chứng chính Người là Con Người
- nhân vật mà Ngôn sứ Đanien đã loan báo thưở
xưa (x. 26, 64; Đn 7,13); Trên đồi Gôngôtha, khi chịu
treo trên thập giá, Chúa Giêsu như Người Tôi trung,
như Chiên Vượt qua chịu sát tế - làm của lễ
Hiến tế tình yêu dâng lên Cha hầu nhân loại được
cứu độ.
Chúng ta thấy gì khi chiêm ngắm hiến tế
Tình yêu mà Chúa Giêsu đã dâng hiến trên đồi Gôngôtha
xưa? Thánh Tôma Aquinô đã khẳng quyết rằng : “Không có gương nhân đức
nào mà không có nơi Thập giá Chúa Giêsu”. Theo
đó, nếu chúng ta tìm gương bác ái ư? Hãy nhìn vào Thập giá- nơi treo Đấng hy sinh
vì bạn hữu. Đi tìm gương nhẫn
nhục ư? Hãy nhìn vào Thập giá- nơi được
sánh ví như Chiên con bị xén lông, bị đem đi xẻ
thịt mà không một lời kêu ca. Hay chúng ta đi tìm
gương khiêm nhường? Hãy nhìn vào Thập
giá- nơi treo Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng
Ngài đã tự hạ, vâng lời cho đến chết.
Một tấm gương khinh chê của cải
ư? Hãy nhìn vào Thập giá - nơi treo Đấng trần
truồng, bị nhục mạ chế giễu, khinh khi…
Như thế đã rõ, khi chiêm ngắm
đường Thương khó Chúa, người kytô hữu
lại được đồng hành và chia sẻ những
đớn đau mà Chúa phải trải qua; đây còn là dịp
để chúng ta nhận ra tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ
Chúa dành cho nhân loại. Chiêm ngắm cuộc Khổ nạn
của Chúa, chúng ta được mời gọi bước
theo Thầy Chí Thánh trong vâng phục và yêu thương, đồng
thời không ngừng rao giảng và làm chứng cho thế
giới này biết thế nào là tình yêu tự hiến, là tặng
phẩm Thần linh mà Thiên Chúa ưu ái dành cho nhân loại.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
|