NIỀM VUI
- THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ
Suy niệm
Lễ Lá
(Lc 22,
14-23, 56)
Với Chúa nhật
Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể
Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành
trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô, chúc tụng
vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những
lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu
lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu
vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Dọc
đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người
đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả
đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về
mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng
Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và
vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19, 36-38). Giờ
đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa
đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân
chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi
khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng
mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái
cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử
nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên
bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những
người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng
quên, những người không đáng kể gì trong xã hội.
Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm
than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa
lành những vết thương thể xác cũng
như tâm hồnvà tỏ lòng từ bi đối
với họ.
Đúng như lời
ngôn sứ I-sai-a nói : “Người đã mang lấy các tật
nguyền của ta và gánh lấy các bệnh
hoạn của ta” (Mt 8,17). Đó là
tình thương cao cả của Chúa
Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi
vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy
hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất
cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của
dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa,
sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập
giá bao trùm, những lời của Tiên tri
Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và
những bài đọc phụng vụ khác dẫn
đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và
cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta
hình ảnh của một người bị đánh đòn
và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời
đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ
rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối
của Chúa Giêsu trên thập giá (Lc 23,44-45). Nơi bài đọc
II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa
hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là
Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy
trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ,
trở nên giống phàm nhân, sống như người trần
thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết
trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua
cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi
theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền
lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người
không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua
trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống
trị; Người vào thành để chịu đánh
đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo
(x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão
gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của
Người là đối tượng cho sự nhạo
cười; Người vào để bước lên đồi
Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem
để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là
ngai vàng của Người, Người mang lấy
Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự
nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả
tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình
thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy
rửa cho sạch. Vì thế, Thập
giá được Chúa Giêsu đón nhận với
tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn,
nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được
cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo
hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành
trình tiến lên đồi Canvê với thập
giá và sự sống lại của Người. Sống
Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của
Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con
người
Lúc sinh thời,
Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường,
với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người
đơn sơ để họ ở với và tiếp tục
sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần
Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa
Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu
thương ấy.
Chúa Giêsu không sống
cách thụ động tình thương dẫn đến
hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể
tránh được; Người không che giấu sự sao
xuyến sâu xa như một con người trước cái
chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha.
Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết,
để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa
đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm
được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã
yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi
người chúng ta có thể nói: Người đã yêu
thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu
trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những
đau khổ của nhân loại nói chung và những đau
khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội,
đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người
không thể chịu được như : sự bất
công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ
và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải
chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ
rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ
cho tất cả và mang đến cho con người ý
nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với
Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm
Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết
và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức
mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội
có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và
bằng những việc làm tốt của những con cái
mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha
được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu
Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch
sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người
là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà
đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ
Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa
Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn
tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập
giá với niềm thanh thản và yêu thương bước
theo Chúa, để đạt được niềm vui của
lễ Phục Sinh. Amen.
Lm. Antôn
Nguyễn Văn Độ
|