Tha thứ
trong thinh lặng
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Phiên tòa
xử người đàn bà phạm tội ngoại tình
diễn ra khi Chúa Giêsu bắt đầu bài giảng của
Ngài. Thánh Gioan không nói rõ nội dung của bài giảng
của Chúa Giêsu, nhưng khi đặt phiên tòa vào khởi
đầu của bài giảng của Chúa Giêsu, thánh nhân
hẳn đã muốn nêu bật một cung cách rất
đặc biệt trong sự giảng dạy của Chúa
Giêsu. Khi các biệt phái đưa người đàn bà
bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình
đến trước mặt Chúa Giêsu và hỏi ý kiến
Ngài. Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng.
Ngài không còn nói nữa mà lại cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Từ hàng bao
thế kỷ qua, các nhà chú giải Kinh Thánh đã nhọc
công nghiên cứu mà vẫn không ra, đối với thánh
Gioan, người ghi lại biến cố này, điều
quan trọng không phải là nội dung của những
lời Chúa Giêsu đã viết ra mà chính là sự thinh
lặng của Ngài.
Cử
chỉ không lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng
hôm nay cũng có thể được xem như một bài
dụ ngôn bằng hành động mà Ngài muốn dạy cho
dân chúng. Ngài muốn cho dân chúng thấy
rằng những gì Ngài làm còn quan trọng hơn là những
lời Ngài nói. Chúa Giêsu đã dạy
bằng nhiều dụ ngôn. Có những
dụ ngôn bằng lời nói nhưng cũng có những
dụ ngôn bằng hành động. Khi Ngài đến
ngồi đồng bàn với các tội nhân, khi Ngài quỳ
xuống rửa chân cho các môn đệ, đó là những
dụ ngôn bằng hành động, qua đó Ngài muốn nói
lên tình yêu của Thiên Chúa đối với con
người.
Chỉ trong
thinh lặng, con người mới có thể trở
về với cõi lòng và nghe được tiếng nói
của Chúa trong lương tâm. Đây là
sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với các biệt
phái và đám đông đến nghe Ngài giảng dạy.
Người ta ồn ào và hung hãn bao nhiêu khi lôi người
đàn bà ngoại tình tới trước mặt Chúa, thì
giờ đây trong thinh lặng do Ngài gợi lên
người ta lại càng nhận ra chính bản thân tội
lỗi của mình hơn. Trước đó, người
ta càng mạnh bạo để kết án
người khác bao nhiêu, thì giờ đây người ta
lại càng rụt rè xấu hổ bấy nhiêu.
Có thinh lặng con
người mới đi sâu vào cõi lòng mình. Có thinh
lặng con người mới nhận ra thân phận
tội lỗi bất toàn của mình. Có thinh lặng con
người mới có thể tha thứ cho người
khác. Có thể đó là bài học mà đám đông dân chúng
đã tiếp thu được trong
phiên tòa xử người đàn bà phạm tội
ngoại tình ngày hôm đó.
Mọi
người đều rút lui, bắt đầu từ
những người lớn tuổi. Họ
rút lui trong thinh lặng. Có lẽ đây
là lần đầu tiên đám đông dân chúng ra về trong
thinh lặng. Họ đã nắm bắt
được nội dung của bài giảng ngày hôm đó.
Hôm ấy Chúa Giêsu không chỉ tha thứ và
giải cứu cho người đàn bà ngoại tình.
Ngài cũng đã loan báo chính số phận của Ngài,
rồi đây Ngài cũng bị điệu ra trước
tòa án để xét xử. Nhưng
như Ngài đã cúi xuống và thinh lặng trong phiên tòa
xử người đàn bà ngoại tình, Ngài cũng
phải giữ thinh lặng trong suốt phiên tòa của
Ngài. Và tuyệt đỉnh của
sự thinh lặng ấy là cử chỉ tha thứ
của Ngài khi bị treo trên thập giá. Ngài
đã thể hiện sự tha thứ bằng thinh
lặng. Không phải chỉ có ấn phẩm mới
đáng kể, im lặng cũng là nói lên một cách phát
biểu, đó là im lặng của cái chết, im lặng
của phẩm cách, im lặng của tĩnh tâm, im lặng
của quá trình tăng trưởng, im lặng của
thận trọng và nhất là im lặng của tha thứ.
Ngày nay, có quá
nhiều những lời nói suông. Trong nền văn
minh tràn đầy những ấn phẩm và trào ứa thông
tin, những thứ tiếng ồn ào phát ra từ các
phương tiện truyền thông, từ lãnh vực thương
mại và chính trị. Ngay cả tình yêu
cũng được diễn tả bằng những
lời nói suông.
Trong
những ngày này, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi vào
thinh lặng của cõi lòng và lắng nghe sự thinh
lặng của Chúa Giêsu trên thập giá. Từ
trên thập giá Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở về
với cõi lòng để nhận ra thân phận tội
lỗi của chúng ta, để nghe được lời
tha thứ của Ngài và nhất là để tha thứ cho
người khác.
|