Phiên tòa của Lòng Thương xót
(Suy niệm của Lm. GB.
Trần Văn Hào)
Ông Nietzche, một triết gia vô thần
đã từng ngạo mạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã
chết rồi”. Trong xã hội hiện nay,
nhiều người ngay cả những kẻ mang danh Kitô
hữu cũng đang dần khai tử Thiên Chúa bằng
chính cuộc sống vô thần trong thực hành của
họ. Chính lối sống mang sắc
thái duy vật như thế sẽ làm mất đi cảm
thức về tội lỗi. Nhiều
bạn trẻ buông mình vào một lối sống
hưởng thụ, sơ cứng lương tâm và đang
dần đào thải Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống
mình. Ông Nietzche còn khuyên lớp thanh niên:“
Các bạn đừng tin có tội lỗi, các bạn hãy
mạnh dạn tống khứ ý niệm tội lỗi ra
khỏi đầu óc của các bạn”.
Nhưng chúng ta hãy lắng nghe
sứ điệp trọng tâm mà các bài đọc trong
phụng vụ hôm nay gợi nhắc để nhớ
rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân.
Hãy can đảm nhìn thẳng vào nội tâm của lòng mình
để khám phá ra biết bao những bẩn thỉu và
xấu xa mà chúng ta không thể nào che giấu khi đến
trình diện trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta
đừng vội vã kết án
người này người nọ, giống như đám
đông vây quanh người phụ nữ. Chúa nói với
họ, đồng thời Chúa cũng đang nói với
chúng ta hôm nay: “Ai trong các ông vô tội, cứ việc ném
đá chị ấy đi”.
Phiên tòa thứ nhất: Xét xử người đàn
bà tội lỗi.
Người phụ nữ này bị bắt
quả tang đang phạm tội ngoại tình. Không
biết chị ta phạm tội cách cố ý hay chỉ vì
hoàn cảnh bắt buộc phải bán trôn nuôi miệng. Thánh Luca không quan tâm đến điều đó.
Thánh ký chỉ mô tả lại phiên tòa như một
truyền thống theo tập tục Do
thái. Một đám đông bao quanh người phụ
nữ, trên tay mỗi người lăm
lăm vài cục đá để chờ ném vào tên tội
phạm cho hả dạ. Tình cờ, Chúa Giêsu
cũng được mời đến tham dự. Có lẽ các đầu mục Do Thái đã mời
Chúa đến để thử xem Ngài xử trí ra sao.
Họ đặt ra một tình huống rất
khó xử. Nếu Chúa Giêsu hành xử theo
luật, thì có khác gì họ. Còn nếu không, thì
Chúa lại không tôn trọng luật lệ của tiền
nhân, thứ luật mà người Pharisiêu rất trọng
thị và tuân giữ tỉ mẩn. Nhưng,
Chúa Giêsu hoàn toàn thinh lặng. Ngài không nói
một lời và lặng lẽ cúi xuống viết trên
đất. Dường như động thái của
Chúa nhằm nhắc nhở mọi người, hãy nhớ
thân phận bụi đất và đầy tội lỗi
nơi mình, đừng kết án kẻ
khác. Cuối cùng, khi mọi người từ già
đến trẻ tuần tự ‘biến’ một cách có
trật tự, Chúa mới nhẹ nhàng nói với chị ta:
“ Tôi không kết án chị đâu, hãy về đi và từ
nay đừng phạm tội nữa”.
Phiên tòa thứ 2: Tòa án của
Philatô
Phiên tòa mà Thánh Luca thuật lại hôm nay
khởi dẫn chúng ta đến với phiên tòa thứ 2:
tòa án của Philatô. Trong
phiên tòa thứ nhất, Chúa được mời thủ
vai chánh án, còn nơi phiên tòa thứ 2, Chúa đứng
trước vành móng ngựa như một tên tội
đồ. Ở phiên tòa đầu tiên, phạm nhân
bị bắt quả tang đang phạm tội với nhân
chứng vật chứng rõ ràng. Còn nơi phiên tòa sau, Chúa
bị điệu đến như một can phạm, cho
dù Ngài hoàn toàn vô tội. Trong cả 2 phiên tòa
Chúa đều im lặng tuyệt đối. Sự thinh lặng mà Chúa biểu tỏ là một
loại hình ngôn ngữ phong phú nhất diễn bày lòng
thương xót vô hạn đối với các tội nhân.
Đồng thời, đó cũng là sự im
lặng trong vâng phục sâu thẳm để Thánh ý Chúa Cha
được nên trọn. “Ngài hiền lành như
một con chiên bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở
miệng” (Is 53,7). Con chiên vô tội
ấy gánh lấy tội lỗi của cả trần gian
và đã bị phân thây, hầu khai mở kỷ nguyên ơn
cứu độ. Cả 2 phiên tòa này hoàn toàn tương
phản nhau, nhưng có một mẫu số chung.
Đó là những phiên tòa bày tỏ lòng thương xót vô
bờ của Thiên Chúa đối với con người
tội lỗi, là chính chúng ta.
Phiên tòa thứ 3: Tòa cáo giải.
Đây là phiên tòa do chính Đức Giêsu
thiết định. Ngài đã tham dự phiên tòa thứ
nhất để nói với đám đông: “Ai trong các ông vô
tội cứ việc ném đá đi”. Ngài đã bị xét
xử cách oan ức trong phiên tòa thứ 2 để
đồng phận với con người tội lỗi
và mở toang một chân trời mới, đem lại
ơn công chính hóa và sự giải án tuyên
công cho những tội nhân. Ơn cứu
độ ấy được diễn bày cách cụ
thể nơi phiên tòa thứ 3 là chính tòa giải tội.
Đây là phương thức tuyệt hảo
để tái diễn lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong phiên tòa này, chúng ta được mời
đến như những phạm nhân, còn chính Chúa Giêsu
sẽ đóng vai thẩm phán để xét xử. Phán quyết cuối cùng trong phiên tòa này luôn là
sự tha bổng, tha một cách tuyệt đối và vô
điều kiện. Việc đền tội
được đưa ra không phải là một hình
thức đái tội lập công do công sức của con
người, nhưng chính là tâm tình hoan vui và cảm tạ
vì chúng ta đã được tha thứ. Không phải chúng
ta đọc một vài kinh chiếu lệ để
‘đền tội’ theo ý niệm thông
thường, nhưng đúng hơn chúng ta dâng lên Thiên Chúa
những tâm tình tạ ơn vì tội lỗi chúng ta được
xóa sạch do lòng yêu thương và tha thứ vô điều
kiện của Ngài.
Nhiều người trong chúng
ta từng tham dự các phiên tòa ngoài xã hội. Có những tội rất nặng, nhưng con
người dễ luồn lách dựa vào kẽ hở
của luật pháp. Hoặc có không ít các vị quan tòa
bẩn thỉu đã nhận ăn
hối lộ trắng trợn để giảm án
hoặc tha bổng cho phạm nhân. Nhưng, cả 3 phiên tòa
chúng ta vừa nêu trên không hề có những trò mánh khóe hay
bịp bợm giống như vậy. Nơi các
phiên tòa ấy đều có sự hiện diện của
Đức Giêsu. Dung mạo của Ngài lúc nào cũng
phản chiếu lòng thương xót của Chúa Cha. Điều quan trọng nhất, là chúng ta phải
nhìn ra thân phận tội lỗi xấu xa nơi mình và tín
thác tuyệt đối vào tình yêu tha thứ của Thiên
Chúa. Chúng ta đừng vội kết án
người khác giống như đám người Do Thái
đang toan tính ném đá chị phụ nữ cho đến
chết. Chúng ta cũng đừng hèn hạ và nhu
nhược như Philatô, đã kết án
một con người hoàn toàn vô tội chỉ vì sợ
đám đông. Chúng ta vẫn thường
đeo nơi mình 2 cái bị, một cái phía trước
đựng những lỗi lầm của người khác
và cái bị phía sau chất đầy tội lỗi to
đùng của chính mình. Chúng ta cứ
thích bới tìm nơi cái bị trước mặt
để bới móc tha nhân và ít khi chịu ngoái cổ
lại phía sau để lục soát những tội lỗi
tầy đình của chính chúng ta. Chúng ta nhớ
lại lời nhắc nhở của Thánh Giacôbê tông
đồ: “Chỉ có một Đấng ra lề luật
vàxét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và
tiêu diệt. Còn bạn là ai mà dám xét đoán tha nhân (Gia 4,12).
Kết
luận.
Mỗi lần tham dự thánh
lễ, việc đầu tiên mà Giáo hội mời gọi
mọi người là hãy biểu tỏ tâm thức sám
hối. Chúng ta vẫn đấm ngực thình
thịch và đọc thật to: “Lỗi tại tôi,
lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Nhưng, nhiều khi vừa bước chân ra khỏi nhà
thờ chúng ta lại vội ‘đấm nhầm’ qua
ngực người khác, bằng việc chỉ trích, nói
hành nói xấu và kết án anh em. Trong mùa chay, chúng ta hãymạnh dạn lục soát
lương tâm, bới tìm những rác rưởi và bẩn
thỉu nơi nội tâm của cõi lòng. Có
khiêm tốn tín thác tuyệt đối vào Chúa, chúng ta
mới hưởng được Lòng Thương xót và ơn
tha thứ nơi Ngài.
|