BÀI 38: NHẬN RA THẬP GIÁ.
Nhìn vào cuộc sống chúng ta thấy tràn lan thập giá. Thế nhưng không phải ai cũng nhận ra ý định tốt đẹp của Thiên Chúa trong đời mình. Qua cái chết và Phục Sinh của Đức Kitô thập giá trở thành một dụng cụ thiết yếu nhắc đến sự cứu rỗi của chúng ta. Thập giá không còn là một sự ô nhục và điên rồ và sợ hãi nữa ! Nhưng trở thành một đòi buộc và là một tước hiệu của vinh quang đối với Đức Kitô, tiếp đến là vinh quang đối mọi người chúng ta: Niềm vinh dự của chúng ta là Thập giá Chúa Kitô. Quả thật, Thập giá là nguồn mạch trường sinh; máu cùng nước thanh tẩy thế giới cũng vọt ra từ bên cạnh sườn Người, chúng ta cũng đã được đón nhận tự do trở lại chức vị làm con cái Chúa và cũng được hưởng nhờ cây ban sự sống đời đời; cửa thiên đàng cũng đã mở ra và sự chết bị quật ngã...
Chính Chúa Kitô đã chiến thắng một lần dứt khoát cho tội lỗi. Thập giá là chiến tích là sự đau khổ bởi vì Người đã tự nguyện chết trên đó là chân tính của Thiên Chúa, ma quỷ đã bị đánh bại và Thập giá trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho toàn thế giới. Thập giá đã nâng Người lên, chính Ngài đã tiên báo trước: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ds 21, 4b-9 và Ga 3, 13-17). Thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lội” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội nhân” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, thầm kín khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh, để nhìn thấy thân thể nát tan của
Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, óc thống trị, sự phản bội, sự bất trung, và của những lời tố cáo vô cớ, của vụ án gian dối; đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên Ngôi Vị;
và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn đi đến hận thù, hận thù đi tới tận cùng là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”). Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng!
Trong cuộc sống thường nhật của Kitô hữu, con người cũ đã chịu đóng đinh vào Thập giá với Đức Kitô (Rm 6, 6) đến độ nó đã hoàn toàn giải thoát khỏi tội lỗi. Án luận phạt nó đã biến dạng nhờ sự khôn ngoan của Thập giá.
Chúng ta phải chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá, để nhận ra thập giá đời mình, không phải để sợ hãi chay trốn, ẩn núp. Nhưng cùng với Mẹ Maria, dưới chân thập giá chúng ta được Mẹ sinh ra chúng ta một lần nữa qua Chúa Giêsu: “Hỡi Bà, này là con Bà… Này là Mẹ anh” (Ga 19,26b.27). Đó là giờ khai trương cho một thế giới mới, con người mới, con người biết nhận ra thập giá đời mình.
Raphael Trân Xuân Nhàn.
|