Sám hối và canh tân
- Lm. GB. Trần Văn Hào
Ý thức
về tội lỗi
Con
người chúng ta ai cũng có tội. Nhưng
nhắc đến những tội đã phạm, ai ai
cũng khó chịu, thà đừng nói tới thì hơn.
Khi bị người khác bới lại những vết
đen trong quá khứ, chúng ta cảm thấy nhức
nhối, đôi khi còn muốn lồng lộn lên để
phản kháng, mặc dầu có những chứng cớ
sờ sờ trước mắt.
Trong
bài Tin mừng hôm nay, Chúa không muốn để chúng ta an phận cách giả tạo. Chúng
ta đừng nghĩ rằng tôi có tội, nhưng các
tội tôi phạm chẳng đến nỗi nào, vì
thiếu gì những người tội lỗi còn nhiều
hơn tôi gấp bội. Đây là một tâm lý bình an
giả hiệu, tự ru ngủ mình trong
một pháo đài ngụy tạo để cố thủ
và chẳng thích người khác bới móc cuộc sống
tư riêng nơi mình. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã nhân cái
chết của những người bị tháp Silôe
đổ xuống đè chết, và Chúa còn mượn
cả tiếng thét gào ai oán của những thường
dân vô tội bị Philatô sát hại để cảnh
tỉnh chúng ta. Sứ điệp mà Đức Giêsu công
bố rất nghiêm khắc và mạnh mẽ: “Nếu các
ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi
sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,5).
Sự an phận giả tạo
Triết
gia Lavator đã nói: “Trong các sinh vật trên mặt
đất, khuôn mặt đẹp đẽ nhất chính
là nét mặt con người. Nhưng khuôn
mặt xấu xa bỉ ổi nhất cũng chính là bộ
mặt nơi mỗi người chúng ta”. Con
người vốn rất xinh đẹp vì
được dựng nên giống họa ảnh của
Thiên Chúa là Đấng Chân, Thiện, Mỹ, nhưng chân dung
thánh thiện tuyệt vời ấy lại bị méo mó và
hoen ố do tội lỗi gây ra. Ý niệm về tội
đang bị con người ngày hôm nay dần dần đào
thải. Là những Kitô hữu, chúng ta rất dễ rơi
vào thái độ an phận một cách
giả tạo và tưởng rằng dù tôi có tội
nhưng chẳng đến mức bị Thiên Chúa
đầy xuống hỏa ngục đâu. Vả
lại, chúng ta được nghe nói rất nhiều
về lòng thương xót của Thiên Chúa, vậy chẳng
lẽ Thiên Chúa lại quá độc ác và tàn nhẫn
trừng phạt chúng ta. Quả thật,
lòng thương xót của Chúa thì vô bờ, nhưng khi con
người cố chấp và không mở lòng đón nhận
sự tha thứ, thì Thiên Chúa cũng đành chịu thua.
Thánh Augustinô đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa,
Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa muốn
cứu rỗi con, lại cần có con cộng tác”. Nỗi sỉ nhục lớn nhất đối
với Thiên Chúa là chúng ta đóng khép lòng mình lại, và
chối từ lòng thương xót của Ngài. Chúa Giêsu
đã từng nói: “Mọi tội lỗi đều
được tha thứ, nhưng tội phạm
đến Thánh Thần sẽ chẳng bao giờ
được tha” (Mc 3,29). Tội
phạm đến Thánh Thần chính là sự cố chấp
và chai lỳ trong tội lỗi và đó là tình trạng
sống an phận cách giả tạo. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn dùng tiếng
thét ai oán của những người lâm nạn để
thức tỉnh lương tâm chúng ta. Ngài còn dùng
cả tiếng búa rìu chát chúa chặt vào gốc cây
để lay động lương tâm
mỗi người. Đừng bao giờ ngủ quên trên
sự an phận giả dối nơi
lòng mình.
Thinh
lặng để lục soát lương tâm
Một
đạo sỹ nọ quy tụ những học trò
của ông trong một cái sân rộng trước nhà
để chỉ giáo. Giữa sân ông
để một thau nước. Ông
khuấy cho thau nước sóng sánh và nói các đệ
tử hãy nhìn vào. Từng đứa học trò ngoan
ngoãn làm theo. Sau đó, ông hỏi xem
họ đã nhìn thấy gì. Các học trò đáp: “Thưa
thầy, chúng con chỉ thấy lờ mờ gương
mặt của chúng con”. Mười lăm phút sau, khi thau
nước trở nên phẳng lặng, ông nói họ hãy nhìn
lại một lần nữa và cũng hỏi lại câu
hỏi trên. Các học trò trả lời: “Bây giờ chúng con
đã thấy thật rõ khuôn mặt của chính chúng con”.
Bấy giờ vị đạo sỹ mới giải thích
rằng, chỉ khi nào biết trở về trong tĩnh
lặng nội tâm, chúng con mới có thể nhìn rõ con
người mình. Đúng vậy, Giáo hội vẫn thường
tổ chức những cuộc tĩnh tâm để giúp
chúng ta đi vào sự thinh lặng, đặt mình
trước mặt Chúa hầu có thể nhìn lại bản
thân. Chúng ta không thể nào lục soát
lương tâm cách thấu đáo, nếu tâm hồn chúng ta
bị nhiễu sóng bởi những tiếng đông ồn
ào bên ngoài. Đó là những tiếng xào
xạc của tiền bạc. Đó cũng là
những cuốn hút ầm ĩ của một lối
sống hưởng thụ, khiến đôi tai
nơi cõi lòng của chúng ta bị bịt kín, không thể
nghe được tiếng nói của Chúa đang ngỏ
trao. Khi tâm hồn chúng ta đầy những
chộn rộn và vướng bận của cơm áo
gạo tiền, hoặc đầy ắp nhưng so đo
tính toán để lo làm giầu, chúng ta không thể nào nhìn rõ
được chính mình.
Sám
hối và canh tân
Có một
câu chuyện dí dỏm đăng trên một tuần báo. Một
anh chàng thanh niên kia rất bặm
trợn, lảng vảng đến khu vực nhà xứ
để phá phách. Cha xứ gặp anh ta và
cũng chào hỏi thân tình. Chàng thanh niên chỉ chuyên
đi nghịch ngợm, còn việc đạo đức
thì khá lơ là, mỗi tuần chỉ vác xác đến nhà
thờ một lần cho có lệ. Anh chàng chào Cha xứ và
nói: “Thưa Cha, đêm hôm qua con có một giấc mơ
tuyệt vời, vì con thấy cả con và Cha cùng
được đưa về Thiên đàng”. Cha xứ kiên
nhẫn và lắng tai nghe tiếp xem anh
ta muốn nói gì. Anh nói tiếp:“Thưa
Cha, đúng như vậy, cả Cha và con mỗi
người trèo lên một cái thang bắc tới trời.
Trên cái thang đó, các thiên thần ghi lại những
tội đã phạm, thang của Cha ghi tội của Cha,
thang của con ghi tội của con. Thiên thần phát cho
mỗi người một hộp phấn, dùng để
xóa đi những vết tích tội lỗi ghi trên 2
chiếc thang. Con đã trèo lên khá cao, sau khi đã lấy
phấn bôi xóa gần hết những tội của con.
Một lát sau, Cha vẫn còn lẹt đẹt tít phía
dưới và gọi với lên: “Con còn phấn không, cho Cha
xin đỡ mấy cục, hộp phấn của Cha
hết sạch rồi”. Kể xong câu chuyện, chàng thanh
niên chuồn thẳng, còn Cha xứ đứng đó
tủm tỉm cười.
Tất cả mọi người chúng
ta đều là tội nhân, từ các anh em linh mục, tu
sĩ hay giáo dân. Có nhiều linh mục đã sống rất thánh
thiện và gương mẫu, nhưng hỏa ngục không
phải là nơi vắng bóng các Cha đâu.
Sống hoàn thiện ơn gọi nên
thánh của tất cả mọi người chúng ta luôn
khởi đầu với việc ý thức sâu xa thân
phận tội lỗi nơi mình.
Kết luận
Trong năm thánh Lòng Thương Xót Chúa,
chúng ta bày tỏ sự tín thác tuyệt đối nơi
Ngài. Chúng ta
hãy học lấy thái độ của người
đầu tiên được Chúa Giêsu trực tiếp tuyên
thánh khi Ngài bị treo trên Thập giá. Đó
là một tên trộm, suốt cả một đời
ngập đầy tội ác. Người trộm này
đã nhận ra lầm lỗi của mình khi anh ta thốt
lên: “Phần chúng ta bị như thế này thật thích
đáng”, và anh ta đã đăm đăm nhìn vào ánh
mắt đầy yêu thương của Chúa. Vâng, khởi
đầu của việc nên thánh là khi chúng ta biết
nhận ra những vết đen trong quá khứ và
đặt niềm tin tuyệt đối vào lòng
Thương xót của Đấng đã chết vì chúng ta.
|