Nhận ra lòng Chúa xót
thương và hoán cải
(Suy niệm của
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Phụng
vụ hai Chúa nhật đầu Mùa Chay cả ba năm A, B,
C đều trùng hợp nhau ở đề tài sự
lựa chọn của Chúa Giêsu trước tên cám dỗ, và
Chúa biến hình. Bước vào Chúa nhật thứ III Mùa
Chay năm C, bài Tin mừng chú trọng đến
đề tài "hoán cải" với lời kêu gọi
cảnh tỉnh. Ca nhập lễ nhắc nhớ chúng ta
lời cầu nguyện nổi tiếng của các Giáo
phụ trong sa mạc: "Lạy Chúa Giêsu, xin thương
con, vì con là kẻ có tội!". Sau hai
tuần sám hối tội lỗi, chúng ta nên lấy
những lời trên làm của mình, và can đảm
nhiệt thành cùng với Chúa Giêsu bước vào trong sa
mạc của Mùa Chay, ý thức mình là những kẻ
tội lỗi nghèo hèn, nhưng chúng ta, "hướng
cặp mắt" lên Chúa là Đấng giầu lòng
thương xót, Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi Vực
thẳm âm ty, và thưa: "Mắt tôi hướng nhìn Chúa
không biết mỏi, vì chính Người sẽ gỡ chân
tôi khỏi dò lưới. Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót
thương con, vì thân này bơ vơ cùng
khổ" (Ca nhập lễ).
Tin
tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa không
phải là dễ, vì khi có biết bao chuyện buồn
đẫm lệ trước mắt chúng ta như bão
tố, lũ lụt, động đất sóng thần
cướp đi bao sinh mạng con người, và gần
đây nhất, vụ sập nhà thờ Ngọc Lâm làm 3
người chết, hơn 59 người bị
thương. Chúng ta vẫn hát với niềm tin rằng : "Chúa nhân từ và thương
xót." Có người hỏi, lòng nhân từ và tình
thương xót của Chúa ở đâu, khi trái tim con người bị tan nát bởi
những cái chết đau thương của người
thân, của anh em đồng loại... thật là khó
để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương nhân
loại và muốn tốt cho nhân loại.
Vấn
nạn giả thiết rằng sự bất hạnh
xảy đến với con người là đáng. Vì
vậy, khi chúng ta thấy những người bị
bệnh hoặc bị cuốn đi, bởi một cái
chết đột ngột, người đời nói
về họ: "Như thế nào, họ đã làm gì sai?". Như là có sự
trừng phạt tức khắc giữa trách nhiệm
đạo đức và đau khổ mà chúng ta hứng
chịu. Đó không phải là điều Chúa Kitô nói
trong Tin Mừng khi người ta mang đến và hỏi
Chúa: "Ai phạm tội? Anh mù này hay cha mẹ của anh
ta? (Ga 9, 2) Chúa Giêsu trả lời: "Không phải anh
cũng không phải cha mẹ" (Ga 9, 3) thực tế,
anh đã mù bẩm sinh không phải là sự trừng
phạt do lỗi của bất cứ ai.
Vì
vậy, làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận và
sống sự khác biệt giữa lòng thương xót
của Thiên Chúa và sự bất hạnh của con
người? Chúng ta còn nhớ việc Thiên
Chúa giải thoát dân Ngài ra khỏi Ai Cập và làm cho dân chúng
đi qua Biển Đỏ ráo chân không? Liệu có
nhớ Thiên Chúa dẫn dắt dân Ngài qua sa
mạc, nuôi dân bằng bánh bởi trời, và uống
nước từ tảng đá vọt lên để dân
đi đến tận Đất Hứa? Chỉ cần
nhớ lại những hành động Thiên Chúa trợ giúp
con người, Như thư I Côrintô, Thánh Phaolô tiên báo
trước đời sống Kitô hữu mà chúng ta đang
sống, giống như Môi-se dân qua Biển Đỏ,
những người đã được rửa tội
trong Chúa Kitô là Đá tảng tuôn trào mạch nước
sự sống và nuôi dưỡng bằng bánh của
trời. Nhưng làm thế nào để chúng ta tin vào lòng
trung thành của Thiên Chúa và giúp chúng ta tin vào tình yêu của
Thiên Chúa khi bất hạnh tấn công con người?
Thánh Luca kể lại cho chúng ta bình
luận của Chúa Giêsu về hai biến cố thời
sự lúc đó. Biến
cố thời sự thứ nhất là cuộc nổi
loạn của vài người Galilê bị quan Philatô đàn
áp giết chết; biến cố thứ hai là việc
một ngọn tháp tại Giêrusalem bị sập ngã làm cho
18 người thiệt mạng; hai biến cố bi
thảm này khác nhau, một do con người tạo ra, và
một do tai nạn. Người đương thời
Chúa Giêsu thường có tâm thức nghĩ rằng tai nạn đã đổ xuống trên các
nạn nhân, bởi vì họ đã phạm lỗi trầm
trọng. Nhưng Chúa Giêsu ngược lại đã nói
như sau: "Các người cho rằng những nạn
nhân người Galilêa kia là những kẻ tội lỗi
hơn tất cả mọi người Galilêa ư?... Hoặc 18 nạn nhân kia
là những kẻ lỗi phạm hơn tất cả
mọi người dân Giêrusalem chăng? (Luca 13,2.4). Thay vì kết luận đơn giản
coi sự dữ như là hình phạt của Thiên Chúa,
đức Giêsu hồi phục lại hình ảnh chân
thực của Thiên Chúa là Đấng tốt lành và không
thể nào muốn sự dữ; Người còn yêu cầu
đừng coi những tai hoạ đó như là kết
quả trực tiếp của tội lỗi cá nhân.
Người nói: "Các ông tưởng rằng những
người Galilê ấy là những kẻ tội lỗi
nhất ở xứ Galilê cho nên mới đáng hình phạt
như vậy ư? Và Chúa Giêsu đã kết luận cho
cả hai trường hợp như sau: "Không phải
thế. Tôi nói cho các người biết, nếu các
người không ăn năn hối
cải, các người cũng sẽ phải chết
như vậy." (Luca 13,3.5). Vậy,
Chúa Giêsu muốn dẫn những kẻ lắng nghe Ngài
đến kết luận về sự cần thiết
phải ăn năn trở lại.
Khi
cái chết tấn công chúng ta, đức tin không cho chúng ta
những lời giải thích hoặc an ủi chúng ta yên tâm,
nhưng đức tin hỏi chúng ta: chúng ta đã làm gì trong
cuộc đời khi chúng ta đang phải đối
diện với cái chết vây quanh ta, bất hạnh và
đau khổ tấn công và chạm đến ta.
Để làm rõ lời kêu gọi hoán
cải, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả. Đã ba năm nay, cây không
sinh quả. Như chúng ta, những người đã
được hưởng lợi quá lâu từ ân sủng của Thiên Chúa mà không đáp
trả cách hào phóng? Chủ vườn đòi
hỏi chúng ta rằng điều này đã quá đủ.
Và bây giờ người làm vườn chưa ưng
nhận sự phán xét của Thầy nên trả lời:
"Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa,
tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả
chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó
đi " (Lc 13: 9), đúng là năm án treo, một năm
hồng ân. Trong hội đường Nazareth, chính Chúa Giêsu hiện
diện với sứ mạng được ủy thác
ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia. Ngài được sai đến
để công bố một năm hồng ân, một
năm ân xá. Mỗi năm chúng ta sống
là một năm mà chúng ta được tự do.
Sự chết không tấn công một
cách mù quáng, nhưng là lời mời gọi chúng ta hoán
cải đời sống. Đây là lý do tại sao phụng vụ cung cấp cho
chúng ta bài suy niệm này ở trung tâm của Mùa Chay, khi chúng
ta tiếp tục cuộc hành trình 40 để hướng
tới việc cử hành lễ Vượt Qua, và chúng ta
được mời đi tiếp Chủ Nhật
tới để canh tân phép rửa của chúng tôi,
nguồn nước hằng sống trào dâng từ trái tim
của Chúa Kitô.
Vâng,
lạy Chúa, khi con nhìn thấy những gì xảy ra trên
thế giới, các tệ nạn gây đau đớn cho
nhân loại và đau khổ đến anh em của con, con
nghe thấy giọng nói của Chúa nói với con: "Hãy sám
hối ngay ngày hôm nay. Tận dụng năm ân
sủng, năm ân xá này, năm nay Ta vẫn chăm sóc con
để con có thể sinh trái. "Amen.
|