Mời gọi hoán cải –
Dụ Ngôn cây vả Fx. Vũ Phan Long
1.- Ngữ
cảnh
Đoạn Tin Mừng chúng ta
đọc hôm nay nằm trong phân đoạn độc
đáo nhất của TM Lc (9,51–19,27):
cuộc hành trình lên Giêrusalem. Cuộc hành trình này
trước tiên là một chuyến đi đến cái
chết: các lời loan báo Thương Khó song song với các
TM Nhất Lãm khác đều nằm trong phân
đoạn này (Lc 18,31-34), nỗi khắc khoải
của Đức Giêsu trước “phép rửa”
Người sắp phải chịu (12,50), loan báo số
phận của Người tương tự số phận
các ngôn sứ (13,32-33), lời khẳng định Con
Người phải chịu đau khổ (17,25).
Tuy nhiên, chuyến đi này còn hàm chứa những
yếu tố sư phạm như: a) Các lời dạy
về đời môn đệ: cầu nguyện (11,2-13;
18,1-8), từ bỏ (12,51-53; 14,26-27), tiền bạc
(12,13-30; 14,28-33…), làm chứng cho Đức Giêsu (12,1-12),
tỉnh thức trông chờ Đức Giêsu trở lại
(12,35-48); b) Và như trong bài đọc hôm nay: lời kêu
gọi lấy quyết định khi đối diện
với Đức Giêsu và cuộc phán xét đang đến
(12,54–13,9; 13,22-30…).
Những câu truyện
được kể trong đoạn TM hôm nay chỉ
có trong TM Lc mà thôi.
2.- Bố
cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Mời
gọi hoán cải nhân các biến cố chính trị xã
hội (13,1-5);
2) Mời
gọi hoán cải qua dụ ngôn Cây vả không trái (13,6-9).
3.- Vài điểm chú giải
- máu dổ ra hòa lẫn với máu tế
vật (1): Bởi vì “tế vật” (thysiai)
chỉ được dâng tại Giêrusalem, hẳn đây là
những người đang có mặt tại sân tư
tế của Đền Thờ. Cũng có thể đây là
dịp dâng chiên Vượt Qua. Những
người Galilê đây hẳn là các khách hành hương
đã về Giêrusalem để dự lễ. Sự
cố này không được ghi lại trong bất cứ
tài liệu nào ngoài TM Lc. Sử gia Ph. Gioxép có nói
đến những sự cố sau: (1) Một cuộc
tàn sát người Samari gần núi Garidim (chứ không
phải là “người Galilê”) bởi tay quan Philatô vào
năm 35 sau CN, và cũng không nói đến “tế vật”
(x. Ant. 18.4,1 §86-87); (2) Quan Philatô đưa các hình
tượng của hoàng đế vào khiến các
người Giêrusalem ái quốc đã nổi loạn (JW.
2.9,2 §169-174); (3) Quan Philatô lấy quỹ Đền Thờ
để xây một đường cống dẫn
nước vào Giêrusalem (JW. 2.9,4 § 175-177), khiến
người “Do Thái” (chứ không phải là “người
Galilê”) bất mãn; (4) Vua Áckhêlao đã giết ba ngàn
người tại Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua (JW.
2.1,3 §8-13); (5) Vua Alexanđê Giannê (103-76) đã giết sáu ngàn
người “Do Thái” vì họ đã ném chanh vào ông trong
dịp mừng lễ Lều (JW. 13.13,5 §372).
Ta không biết đích xác là tác giả Luca
đang ám chỉ đến biến cố nào. Tuy nhiên, lịch sử cho biết Phongxiô Philatô làm
tổng trấn Giuđê từ năm 26 đến năm
36. Các tác giả Do Thái nhận định ông là con
người “không nhượng bộ và tàn nhẫn” (đây
là câu vua Hêrôđê Ácríppa I viết trong thư
gửi cho hoàng đế Caligula, được triết
gia Philon ghi lại, x. Legatio ad Caium, 38).
- chịu số phận đó vì họ tội
lỗi hơn (2): Người Do Thái
thường tin rằng các tai họa xảy đến
trong đời là kết quả của tội lỗi
đã phạm trong quá khứ (x. G 4,7; 8,4.20; 22,5; Xh
20,5c; Ga 9,2-3). Đức Giêsu không
đặt vấn đề về niềm tin này, nhưng
lợi dụng cơ hội để kêu gọi hoán
cải.
- tháp Silôác (4): Theo sử gia Ph. Gioxép, có
một cái tháp ở bức tường thứ
nhất của thành Giêrusalem cổ; tháp này ở phía đông
quay về hướng nam và nằm bên trên suối Silôác (JW.
5.4,2 §145). Nhưng nay thì chẳng còn dấu
tích gì về cái tháp này. Ph. Gioxép cũng không nói gì
về tai nạn này.
- một cây vả trồng trong vườn nho (6):
Việc trồng cây vả trong vườn nho có trong Mk
4,4. Có thể Đức Giêsu đang lấy lại một
cách ví von của Cựu Ước, coi cây vả là
biểu tượng của Giuđa hay Israel (x. Hs
9,10; Mk 7,1; Ge 1,7; Gr 8,13;
24,1-10).
- năm nay
nữa (8): Thời gian ân huệ trước khi
mọi chuyện chấm dứt được diễn
tả bằng hình ảnh “năm nay”, nhằm nói lên sự
giới hạn.
4.- Ý nghĩa của bản
văn
* Mời gọi hoán cải nhân các
biến cố chính trị xã hội (1-5)
Phân đoạn này là một truyện
kèm lời công bố, do có lặp lại các câu hỏi và bài
học của Đức Giêsu.
Người Pharisêu dạy: “Không có hình phạt
nếu không có tội lỗi”. Nếu Thiên Chúa
để cho một số người Galilê bị
giết là vì họ là những kẻ tội lỗi. Đức Giêsu đã được nghe kể
về số phận của những người Galilê
đã bị quan Philatô giết. Đức
Giêsu loại trừ mọi liên kết giữa cái chết
của những người Galilê ấy và tội lỗi
của họ. Thay vào đó, Người
vận dụng biến cố để kêu gọi hoán
cải. Người cũng nhắc lại cái
chết của mười tám người bị tháp Silôác
đè, và kết luận rằng biến cố ấy là
một thúc bách những người còn sống hoán
cải, canh tân đời sống, tức là lấy
đức tin mà chấp nhận lời cứu độ
của Thiên Chúa được Đức Giêsu đến
loan báo. Cái chết có thể đến gặp bất
cứ người nào cũng nhanh như đã gặp
những người xấu số trên đây, bất
cứ lúc nào: thậm chí ngay đêm nay, “mạng sống” có
thể bị “đòi” để chịu xét xử (x. Lc
12,20). Cần biết
nhận ra một lời mời gọi hoán cải.
*
Mời gọi hoán
cải qua dụ ngôn Cây vả không trái ( 6-9)
Phân đoạn này là một dụ
ngôn, nhưng không có một áp dụng minh nhiên (áp
dụng hàm chứa trong các câu 3 và 5). Dù sao, ta
vẫn có thể coi đây là một dụ ngôn về
lòng thương xót hoặc thậm chí, một dụ
ngôn về “khủng hoảng”, chứa một lời
mời gọi hoán cải trước khi quá muộn, lúc
đầu được ngỏ trực tiếp cho
những người đồng hương của
Người. Nhưng rồi bài cũng
được gửi cho các Kitô hữu phải đối
diện với viễn tượng là một kết
cục cuộc sống bất ngờ.
Bài dụ ngôn này nhắc nhớ bản chất
“nguy kịch” của cuộc sống con người: lúc này
là giờ cuối cùng, thời gian ân
huệ cuối cùng trước khi chịu phán xét. Cây
vả không trái trở thành biểu tượng của
một cuộc sống con người không sản sinh hoa
trái thiêng liêng. Như một nối tiếp vào
những lời nói của Đức Giêsu mời gọi
canh tân đời sống, bài dụ ngôn đưa ra
một “mũi nhọn” mang tính răn đe. Những
người Galilê hẳn là đã chết vì sự
độc ác của vài người, mười tám
người Giêrusalem hẳn là đã chết vì không may (có mặt tại chỗ không nên vào
giờ không đúng), nhưng con người không biết
đón nhận lời Đức Giêsu kêu gọi sẽ
chết chắc chắn vì không hoạt động và không
sinh hoa trái. Cái lỗi do sự trì trệ ươn ái
của chính mình thì trầm trọng hơn cái điều
tệ hại là chết vì tay của ai
khác hoặc vì tai họa bất ngờ.
+ Kết
luận
Trước các biến cố, Đức Giêsu
cung cấp một giải thích mang tính tôn giáo
để mời gọi các thính giả suy nghĩ: thời
cuối cùng đã bắt đầu, những gì đang
xảy ra trong thời gian này chỉ là một gợi
ý về thời điểm chấm dứt mọi sự.
Do đó, mỗi người phải lấy lập
trường đúng đắn. Cũng như Gioan Tẩy
Giả, Đức Giêsu công bố rằng cần phải
hoán cải, đừng có trì hoãn, bởi vì thời gian
mỗi người đang có đã là thời gian triển
hạn rồi. Lời Đức Giêsu còn mang tính cấp
bách hơn, bởi vì Người là chính là Đấng mà
Thiên Chúa đã giới thiệu trên núi cao là “Con Ta”, và
mời chúng ta “hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).
5.- Gợi ý suy niệm
1. Giải thích các biến
cố là một việc rất tế nhị, nhất là
khi biến cố ấy gây tai họa cho
người khác chứ không phải cho chính ta. Đọc
cho ra ý nghĩa các “thời điềm” (= dấu chỉ
thời đại) là việc phải làm trong tinh thần
siêu nhiên, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần,
và với tinh thần Giáo Hội. Chỉ khi
đó, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa
của các “thời điềm” đó và chọn cho mình
một lập trường tương ứng,
cũng như giúp người khác chọn lựa đúng
đắn.
2. Có những người
chủ trương rằng bạo lực là phương
thế duy nhất để tái lập công lý. Thật ra, sức mạnh chẳng bao giờ
đưa lại điều tốt, chẳng bao giờ
giải quyết được các vấn đề; nó
chỉ làm phát sinh những vấn đề mới nghiêm
trọng hơn. Đức Giêsu không
muốn dính líu với những người cứ
nguyền rủa chửi thề. Người không vô
cảm trước đau khổ hoặc các tai nạn hay
nỗi bất hạnh, nhưng Người biết
rằng hận thù, giận dữ và trả thù chỉ làm cho
các vấn đề thêm trầm trọng.
3. Có những Kitô hữu suy
nghĩ như người Pharisêu, cho rằng may mắn và
sức khỏe là những phúc lành Thiên Chúa ban cho
người tốt, còn đau khổ là một sự
nguyền rủa Ngài giáng xuống kẻ ác. Không phải
thế! Quả thật, có điều xấu do con
người xấu gây ra, có những điều xấu
xảy ra do sự thiếu quan tâm. Nhưng mưa không
thuận gió không hòa, hỏa hoạn, tai
nạn, bệnh tật, là những điều ta không
được đổ cho Thiên Chúa. Chúng
xảy ra vì thế giới chúng ta là như thế. Dù vậy, không có điều gì xảy ra mà ở
ngoài chương trình của Ngài. Không biến
cố nào, tốt hay xấu, tình cờ hay có kế
hoạch, mà vuột khỏi tình yêu của Ngài. Ngài
để cho vũ trụ đi theo dòng
sinh hoạt của nó, cho thiên nhiên vâng theo luật lệ
của chính nó. Ngài cho phép người ta tự do hành
động và điều hành các vấn đề sao cho
ngay cả những chuyện xấu vẫn đưa
đến một điều tốt.
4. Theo dụ ngôn Cây vả không
trái, chúng ta hiểu rằng mình dường như vẫn
đang làm cho Chúa Cha (= chủ vườn nho) phải
thất vọng, vì đã phí phạm bao nhiêu ân
huệ cao quí Ngài ban cho. Và thời gian chúng ta
còn đang có trước mắt chính là một “thời
gian gia hạn”. Người biết suy
nghĩ thì biết cách tận dụng “thời gian gia
hạn” cho ích lợi, khi mà mình đã phung phí thời gian dài
đã có trước đây. Một sự
phung phí như thế cũng rất có thể đã gây
ảnh hưởng tiêu cực trên những người
khác.
5. Hôm nay chúng ta vẫn có một
Đấng chuyển cầu có thế giá trước
nhan Chúa Cha, đó là Đức Giêsu. Người vẫn
đang xin Chúa Cha ban thêm ơn cho chúng ta, vẫn xin Chúa Cha
“triển hạn” để chúng ta có thể sinh hoa quả
xứng với tình thương của Chúa Cha. Lẽ nào chúng ta có thể tiếp tục lạm
dụng tình thương cao vời đó mãi?
6. Mùa Chay
là thời điểm thích hợp để suy
xét xem liệu chúng ta có chậm trễ đưa ra
những thay đổi quan trọng trong đời
sống của mình hay không. Dụ ngôn cây
vả không sinh trái gợi lên một dấu chỉ của
niềm hy vọng. Cây vả được cho
một năm hồng ân nữa; thêm một cơ hội,
với sự chăm sóc chu đáo và
tận tình hơn hầu có thể đơm bông kết
trái. Tuy nhiên, vẫn còn đó một lời
cảnh báo khắc nghiệt là nếu không sinh hoa trái thì nó
sẽ bị chặt đi. Mùa Chay
nhắc nhở về lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn
dành cho chúng ta và ta có đủ thời gian để đón
nhận lòng nhân hậu ấy, và tiếp đó phải
thực hiện những đổi mới quan trọng
để sắp xếp lại cuộc đời của
chúng ta. Tuy vậy, nếu chúng ta không hành
động trong thời hạn được trao này thì
sẽ phải lãnh một hậu quả bi thảm. Ngày cuối cùng sẽ ập đến bất
ngờ với bất kỳ ai trong chúng ta.
|