Ăn năn
sám hối
Bài Tin Mừng kể lại hai câu
chuyện thời sự và một dụ ngôn. Chúa Giêsu đã dùng hai mẩu thời
sự này để dạy một bài học về
việc phải ăn năn sám hối.
Rồi Chúa kể dụ ngôn “cây vả” để nhấn
mạnh thêm yếu tố: phải khẩn trương ăn năn sám hối.
Câu chuyện thời sự thứ
nhất do dân chúng kể cho Chúa, đó là một sự kiện mới
xảy ra tại Giêrusalem: một nhóm người xứ
Galilê đến tế lễ, đã bị tổng trấn
Philatô ra lệnh tàn sát. Có lẽ đây là một nhóm
người quá khích tranh đấu cho một nước
Do thái độc lập, thoát ách ngoại bang Rôma, bằng
phong trào “cứu thế” chống đế quốc ngay
tại đền thờ Giêrusalem. Tổng trấn Philatô vì
có trách nhiệm với Rôma, nên đã thẳng tay
tiêu diệt nhóm phản loạn. Ông ra lệnh sát hại
họ và lấy máu của họ hoà trộn
với máu của con vật được dùng làm của
lễ rồi đem tế thần.
Nghe câu chuyện này, Chúa Giêsu nhắc tới
một sự kiện khác, đó là vụ 18 người
bị tháp Silôac đổ xuống đè chết.
Chúng ta thấy: sau khi nghe người ta kể câu chuyện
trên cũng như sau khi chính Chúa Giêsu kể câu chuyện sau,
Ngài đều kết luận giống y như nhau:
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ bị
giết chết y như vậy”. Do đó, chúng ta thấy rõ
ràng điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là ăn năn sám hối.
Sau đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn “cây
vả” để củng cố thêm cho chủ
đích của Ngài và nhấn mạnh một chi tiết
nữa: không những phải sám hối mà còn phải
khẩn trương sám hối nữa. Chúa dùng hình ảnh
cây vả để khích lệ người Do thái ăn năn sám hối. Người Do thái
được ví như cây vả lâu ngày không sinh trái, nên
chủ vườn là Thiên Chúa định chặt đi,
nhưng người làm vườn là Chúa Giêsu xin khất
một hạn kỳ: nếu sau đó mà vẫn không sinh hoa
trái thì sẽ bị đốn bỏ. Cây vả được
gia hạn kia chính là hình ảnh
người Do thái: nếu các ông không chịu sám hối, thì
chính các ông cũng sẽ chết y như những
người Galilê bị Philatô giết, hoặc như
những người bị tháp Silôac đè chết. Hiện thời các ông còn đứng đó chưa
chết, là các ông đang ở trong tư thế cây vả
được gia hạn. Nếu cây
vả vẫn không sinh trái, nó sẽ bị chặt đi.
Nếu các ông không chịu sám hối, các ông
cũng sẽ bị huỷ diệt.
Bài học đã quá rõ ràng, nhắc
nhở chúng ta hai điều: phải ăn
năn sám hối và phải khẩn trương chứ
đừng chần chừ, chậm trễ. Chúng ta có thấy bài học này cần thiết cho
mình không? Trước hết, chúng ta cần phải
ăn năn sám hối, vì tất cả chúng
ta đều là những kẻ có tội. Điều này
thật rõ ràng. Có ai dám cho mình không có tội
không? Chắc chắn là không, vì chúng ta đều là con
cháu Adong Evà: ai cũng sinh ra trong tội. Rồi
mỗi người đã phạm thêm những tội cá
nhân nữa. Có phải chúng ta càng thêm
tuổi lại càng thêm tội không? Do đó, việc
ăn năn sám hối chúng ta phải làm
mà còn phải làm thường xuyên nữa.
Tiếp đến, việc ăn năn sám hối là việc khẩn
trương, chúng ta phải làm ngay, không được
chần chừ hay chậm trễ. Chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ
“đâm lao theo lao”. Lỡ yếu
đuối sa ngã phạm tội, rồi
cho lỡ luôn, cứ kéo lê cuộc sống trong lầm
lỡ đó. Hoặc là chúng ta cũng đừng ru ngủ mình bằng ý tưởng:
“Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn chay
đền tội còn kịp chán. Tên ăn
trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi mình”. Chúng ta có chắc mình sống tới già không? có chắc tuổi già cô đơn, bệnh
tật cho phép chúng ta dễ dàng ăn năn không? Hay là “Trẻ đi đàng nào, già đi đàng
đó”, “Cây ngả chiều nào sẽ đổ chiều
ấy”. Thời gian gần đây, không
hiểu tại sao người ta chết bất ưng,
chết bất đắc kỳ tử, chết không
kịp ngáp… nhiều quá. Quả thực,
không ai biết mình sẽ sống bao lâu, và cũng không ai
biết được khi nào mình hết sống. Mỗi người đều có thể phải
đối diện với Đấng phán xét bất cứ
lúc nào. Bởi vậy, ngày nào, giờ nào, phút nào
cũng mang tính khẩn trương: có thể đó là ngày
cuối, giờ cuối, phút cuối đối với tôi
chăng?
Vì thế, lời Chúa hôm nay là lời
thức tỉnh chúng ta: đừng đấm ngực
người khác, hãy đấm ngực mình và sám hối cho
thật, cho mau kẻo trễ: trông người mà nghĩ
đến ta, phận mình tội lỗi liệu mà ăn năn.
|