MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Giêsu Hiển Dung - Lm Px Vũ Phan Long ----
Thứ Bảy, Ngày 16 tháng 3-2019
Đức Giêsu hiển dung - Lm PX Vũ Phan Long

Cựu Ước không có ý nghĩa nếu không có Đức Giêsu, còn chính Người, nếu không có Cựu Ước, thì chỉ là một mầu nhiệm đối với chúng ta.

 

1 - Ngữ cảnh

Đây là biến cố cuối cùng trong thời gian hoạt động tại Galilê (Lc 3,1–9,50): Đức Giêsu đang ở tại một khúc quanh quan trọng trong sứ mạng; công việc rao giảng tại Galilê đã kết thúc; Phêrô mới đây đã tuyên xưng Người là "Đấng Kitô của Thiên Chúa" (9,20) và nhân dịp đó, Người đã củng cố thêm hiểu biết của các môn đệ bằng cách loan báo cuộc Thương Khó (9,22). Cũng giống như ở Mc 9,2-8, truyện Hiển Dung của Đức Giêsu trong TM III (9,28-36) đi theo sát lời Đức Giêsu nói về đời môn đệ và dường như trả lời một loạt các câu hỏi về chân tính của Đức Giêsu (x. 9,7-9.18-22). Cuộc Hiển Dung cho các môn đệ được thấy trước vinh quang của Đấng Phục Sinh, vinh quang Nước Trời. Truyện giới thiệu tư cách thuộc thiên giới của Đức Giêsu đối lại với hai dung mạo Cựu Ước và thúc bách các Kitô hữu lắng nghe Người như lắng nghe Con Một của Thiên Chúa và Đấng được Thiên Chúa ưu tuyển.

 

2 - Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

1) Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (9,28);

2) Cuộc Hiển Dung (9,29-35):

a) Lý do (cc. 29-32),

b) Cuộc đối thoại (cc. 33-35);

3) Kết thúc cuộc Hiển Dung (9,36).

 

3 - Vài điểm chú giải

- dung mạo Người đổi khác (29): Cụm từ này đã thay thế cho động từ "được biến hình" (metamorphôthê) trong Mc (9,2) và Mt (17,2) để tránh những truyện về hóa thân, hóa kiếp trong thần thoại ngoại giáo.

- có hai nhân vật (30): Vì được giới thiệu là "hai nhân vật, hai người đàn ông" (andres dyo), ta có thể nghĩ đến "hai người đàn ông y phục sáng chói" trong truyện Phục Sinh (Lc 24,4) hoặc "hai người đàn ông mặc áo trắng" trong truyện Thăng Thiên (Cv 1,10). Như thế, quả thật Môsê và Êlia là hai chứng nhân của Đức Giêsu, nhưng ở đây, hai vị có mặt trong tư cách là những nhân vật thuộc thiên giới, nhằm loan báo vinh quang tương lai của Đức Kitô. Và nếu vậy, quang cảnh này trước hết là một hình ảnh báo trước cuộc Lên Trời (x. Cv 1,9: đám mây).

- Xuất hành (31): Rất có thể tác giả Lc coi toàn bộ Thương Khó – Phục Sinh – Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Giêrusalem cứng tin (# Ai-cập) mà vào Vinh quang của Thiên Chúa (# Đất hứa).

- ngủ mê mệt (32): Dịch sát là "bị đè nặng trong giấc ngủ" (bebarêmenoi hypnô).

- vinh quang (32): Tác giả Lc là tác giả duy nhất sử dụng từ "vinh quang" ở đây. Kiểu ngài nối kết Khổ Nạn với Vinh quang ở đây rất gần với truyện Ga 12,27-28 (vẫn được coi như tương tự với truyện Hiển Dung trong các TMNL).

- thật là hay (33): Hay cho ai? Chúng ta không rõ. Dù sao, ta hiểu là Phêrô không hiểu rõ hoàn cảnh, nhưng cảm thấy vui, nên mơ ước kéo dài tình trạng này.

- đám mây (34): Phải chăng đám mây bao phủ cả các môn đệ, nên các ông mới sợ (sợ chết?)? bao phủ ba nhân vật kia không? Nhưng bản văn lại nói là "từ đám mây có tiếng phán ra". Vậy có lẽ các môn đệ ở ngoài đám mây. Nhưng dù thế nào, đám mây thường đi liền với cuộc thần hiển (x. Xh 16,10; 19,9.16; 24,15-16; Lv 16,2; Ds 11,25) và được coi như nơi ở (shơkinâh trong sách Talmud, có nghĩa là "sự hiện diện của Thiên Chúa") của Thiên Chúa. Khi thấy đám mây xuất hiện và dường như còn bao trùm lấy mình, các môn đệ kinh hãi.

- Người được Ta tuyển chọn (35): Xem các "Bài ca về Người Tôi Trung" (Is 42,1; 49,7).

- trong những ngày ấy (36): nghĩa là trong thời gian Đức Giêsu đi hoạt động. Công thức này đối lại những gì được kể sau này, sau khi Đức Giêsu đã sống lại.

 

4 -Ý nghĩa của bản văn

Khung ảnh của bản văn này như sau: Ngay trước bài tường thuật này là các giáo huấn về đời môn đệ (Lc 9,23-27) và ngay sau bài, là truyện Đức Giêsu chữa lành một em bé bị quỷ ám (9,37-43). So với các Tin Mừng khác, ta thấy tác giả không kèm theo mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong khi các ngài xuống núi (x. Mc 9,9-10; Mt 17,9), cũng không có lời nói về ngôn sứ Êlia (x. Mc 9,11-13; Mt 17,10-13).

Độc giả đã thấy giáo huấn về đời môn đệ "vác thập giá" và thị kiến về "vinh quang" được nối kết chặt chẽ trong kinh nghiệm về cuộc Hiển dung. Không thể hiểu được ý nghĩa của biến cố huyền nhiệm này nếu không đặt nó vào bên trong hai chiều tư tưởng thần học chủ đạo: sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu, yêu cầu đi theo Người trên con đường thập giá, và ánh sáng vinh quang của sự phục sinh của Người.

 

* Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (28)

Chỉ tác giả Lc xác định biến cố xảy ra vào "khoảng tám ngày sau khi (Đức Giêsu) nói những lời ấy" (c. 28), tức là các giáo huấn về đời môn đệ (cc. 23-27). Cả ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê vừa chứng kiến Đức Giêsu làm cho con gái ông Gia-ia sống lại (Lc 8,51-56), nay Người đưa các ông đi ra khỏi tình trạng ồn áo huyên náo của cuộc sống thường ngày và đưa các ông lên núi (không được xác định), biểu tượng của thế giới Thiên Chúa. Mới trước đó, Người yêu cầu "vác thập giá mà theo" Người, bây giờ Đức Giêsu quyết định "đem theo" ba môn đệ và kết hợp các ông vào sứ mạng của Người, để các ông có thể chia sẻ kinh nghiệm vinh quang nhằm đi tới chỗ hoàn tất trong Ngày Phục sinh.

Điều đáng ghi nhận: tác giả cho biết mục tiêu Đức Giêsu nhắm không phải là tỏ mình ra cho các môn đệ, nhưng là "cầu nguyện". Việc cầu nguyện được đặc biệt nêu bật trong TM III.

 

* Cuộc Hiển Dung (29-35)

Đang khi Người cầu nguyện, thì "dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà" (c. 29): cuộc hiển dung xảy ra như là kết quả của việc cầu nguyện. Tác giả không dùng động từ metamorphousthai (= biến hình) có trong Mc và Mt (x. Mc 9,2; Mt 17,2). Theo một vài nhà chú giải, tác giả Lc muốn tránh làm cho độc giả hiểu đây giống như những cuộc hóa thân của thần thánh ngoại giáo; có những tác giả khác lại cho rằng đây là một gợi nhắc đến biến cố Môsê đã trải qua trên núi Sinai (Xh 24,29-30): trong bản văn này có nói rằng dung mạo Môsê phản ánh vinh quang của Đức Chúa. Tầm quan trọng được gán cho biến cố huyền nhiệm này đưa độc giả đến chỗ nghĩ rằng Đức Giêsu đang tự mạc khải ra như là Đấng sống lại và đang ở trong thế giới siêu việt và vinh quang của Thiên Chúa.

Vậy, vẻ rạng rỡ của dung mạo và nét trắng tinh chói lòa nơi y phục của Người cho biết Người thông dự vào đời sống của Thiên Chúa, Người có bản tính Thiên Chúa, và báo trước cuộc Phục sinh. Các môn đệ nhận ra rằng dung mạo quen thuộc con người trần gian của Đức Giêsu lâu nay không diễn tả hết tất cả thực tại của Người; các ông hiểu rằng Người không bị khóa kín trong những giới hạn của thực tại trần gian. Đàng sau dung mạo phàm trần của Đức Giêsu, có ẩn giấu thực tại siêu phàm thần thiêng của Người.

Không những các giới hạn của thực tại trần thế bị vượt quá, các biên cương của thời gian cũng bị lướt qua. Bên cạnh Đức Giêsu, xuất hiện hai ông Môsê và Êlia, hai dung mạo nổi bật trong lịch sử dân Israel (cc. 30-31). Môsê nhà giải phóng Dân tộc, cũng là trung gian đón nhận Luật Sinai. Êlia là vị ngôn sứ đã bảo vệ tôn giáo độc thần và tái lập giao ước của Thiên Chúa với Dân. Các ngài đại diện cho mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa và cuộc chiến đấu của Người cho dân tộc này. Các ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm bị từ khước và bị bách hại. Nay hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về "cuộc xuất hành" Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem (c. 31). Tác giả Lc coi toàn bộ Thương Khó–Phục Sinh–Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Giêrusalem cứng tin (# Ai Cập) mà vào Vinh quang (# Đất hứa). Nhưng toàn bộ cuộc Xuất Hành mới này liên hệ đến lịch sử Israel (đại diện bởi Môsê và Êlia); Đức Giêsu sẽ đưa lịch sử của những mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa đối với dân Người đến chỗ hoàn tất.

Đáng tiếc là các môn đệ nặng nề trong giấc ngủ (c. 32). Khi Thầy làm phép lạ, hoặc khi đám đông hoan hô Người, các ông thức, nhưng khi Người bắt đầu nói đến chương trình của Thiên Chúa, việc hiến dâng mạng sống, phục vụ người nghèo, thì họ từ khước hiểu biết, họ nhắm mắt lại và ngủ. Sau này, tại núi Ô-liu, các ông cũng ngủ (Lc 22,45), bởi vì các ông chờ đợi được vỗ tay hoan hô và tôn vinh, chứ không hiểu vai trò của thập giá mà Thầy đang đi tới. Tuy nhiên Phêrô còn tìm ra sức mà lên tiếng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều..." (c. 33). Ông mong muốn kéo dài mãi mãi kinh nghiệm về vinh quang này, tương quan đặc biệt này giữa thiên quốc và trần gian, một nếm cảm trước sự viên mãn cánh chung, thiết lập tức khắc Triều Đại Thiên Chúa trên mặt đất (G. Rossé). Chi tiết "dựng ba cái lều" vừa có tính lịch sử (Nhà Tạm của Hòm Bia Chứng Ước trong cuộc xuất hành qua sa mạc) vừa mang tính phụng vụ (Lễ Lều: Lv 23,42; Dcr 14,16-19). Thật ra, ông không biết mình đang nói gì" (c. 33). Ông chỉ dừng lại với một khoảnh khắc sống ở bình diện cá nhân chứ không nghĩ đến được số phận cánh chung của toàn thể Dân Giao ước. Ông không hiểu giá trị của cuộc Hiển dung trong chương trình cứu độ phổ quát.

Quang cảnh hiển vinh đột nhiên bị một đám mây che phủ. Khi đi vào trong hoàn cảnh mới này, các môn đệ hoảng sợ (c. 34), điều này cho hiểu là con người mỏng dòn đang tiếp cận với mầu nhiệm của sự thánh thiêng. Đám mây là sự chấm dứt kinh nghiệm về vinh quang, vừa là nơi phát ra tiếng nói thiên quốc. Đây là vai trò biểu tượng của đám mây (x. Xh 19,9.16; 24,15-18; 40,34t; 2 Mcb 2,8; Cv 1,9). Tiếng nói bảo: "Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người" (c. 35). Khẳng định được liên kết với mạc khải trong Phép rửa (Lc 3,22), nhưng khác biệt ở chỗ tại Phép rửa, tiếng nói ngỏ lời trực tiếp với Người Con, còn ở đây, mạc khải được gửi đến các môn đệ, với lệnh vâng nghe lời Người (autou akouete: lưu ý vị trí nhấn mạnh của đại từ. Diễn ra như sau: "Chính Người, anh em hãy nghe lời!"). Mạc khải từ trời đã tổng hợp hai trích dẫn Tv 2,7, nhằm nói về tư cách Con Thiên Chúa của Đức Kitô, và Is 42,1 nhắc đến sứ mạng ngôn sứ của Người Tôi tớ Đức Chúa, phải chịu đau khổ khi loan báo Lời Chúa. Đức Giêsu vừa có tư cách vừa mang sứ mạng được hai bản văn này giới thiệu. Mạc khải kết thúc với lời kêu gọi rút từ Đnl 18,15 nhắc nghe lời ngôn sứ Môsê (x. Cv 7,37). Từ nay, không còn phải là Môsê hoặc các ngôn sứ mà các môn đệ phải vâng lời, nhưng là chính Con Thiên Chúa, Đấng có uy quyền vượt xa uy quyền của mọi người từ xưa cho đến tận thế. Cách nào đó lời này phi bác ý muốn của Phêrô là thiết lập ngay từ bây giờ Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Cần phải hiểu là sứ mạng Mêsia của Đức Giêsu vượt quá những nỗi niềm chờ mong Đấng Mêsia của dân Israel cà những nguyện vọng trần tục của các môn đệ.

Thế rồi bản văn Lc kết thúc đơn giản, so với Mc (Mc 9,8). Tiếng nói đã ngưng, các nhân vật Môsê và Êlia không còn ở đó nữa, chỉ còn lại Đức Giêsu và các môn đệ (c. 36). Tác giả không nhắc đến lệnh im lặng Đức Giêsu truyền cho các môn đệ (x. Mc 9,9; Mt 17,9), nhưng ghi nhận rằng các ông "nín thinh". Đây là hậu quả của một kinh nghiệm đã ghi dấu sâu sắc trong lòng ba chứng nhân, họ nội tâm hóa biến cố này, họ không để lộ ra bên ngoài bao lâu Đức Giêsu còn ở với họ ("Trong những ngày ấy").

 

* Kết thúc cuộc Hiển Dung (36)

Sau đó, các môn đệ giữ thinh lặng, không tiết lộ gì về những chuyện đã xảy ra trên núi. Ghi nhận sự thinh lặng này đúng ra là một câu tóm truyện Mc (Mc 9,9-13). Các ông cứ giữ thinh lặng như thế cho đến khi Đức Giêsu đã sống lại.

+ Kết luận

Biến cố Hiển Dung là trạm trung chuyển giữa ánh sáng loé lên quá mau của Phép Rửa và ánh sáng chói lọi của sáng ngày Phục Sinh. Trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu thấy mình được tiếng Chúa Cha chuẩn nhận trong sứ mạng Mêsia chịu đau khổ: Người sẽ thực hiện chương trình cứu độ qua thân phận bị sỉ nhục và thât bại. Nhưng qua lời giới thiệu của Chúa Cha, chúng ta biết Đức Giêsu là Lời mà ta phải lắng nghe, là vị hướng đạo chắc chắn trong cuộc Xuất Hành cuối cùng đưa đến cuộc sống viên mãn. Điều này được làm rõ ở cuối biến cố, khi tác giả nói là "chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu: Mục tiêu của Cựu Ước là dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vâng phục chương trình cứu độ của Chúa Cha. Sau Phục Sinh, biến cố Hiển Dung sẽ có một vị trí quan trọng trong truyền thống Hội Thánh, vì được coi là một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong kinh nghiệm Kitô hữu (x. 2 Pr 1,16-28).

 

5 - Gợi ý suy niệm

1. Tác giả TM III cho biết vì sao Đức Giêsu lên núi: để "cầu nguyện" (c. 28). Người dành nhiều thì giờ mà cầu nguyện. Chỉ nhờ thế, Người mới dần dà hiểu được những gì sẽ xảy ra, đâu là nơi Cha Người đang dẫn Người đến. Giống như ba môn đệ ngày hôm ấy, chỉ khi để cho Đức Giêsu dẫn đưa vào nơi thanh vắng và đến gần Thiên Chúa, chúng ta mới ở trong hoàn cảnh thích hợp, thuận lợi, mà hiểu rõ hơn mầu nhiệm bản thân Đức Giêsu và chương trình của Thiên Chúa. Nhờ có Người làm trung gian, chúng ta biết mọi điều mà Thiên Chúa có ý làm cho chúng ta và chúng ta biết cách xử sự với Thiên Chúa.

 

2. Trong khi cầu nguyện, dung mạo của Đức Giêsu "đổi khác" (c. 29). Tác giả không nói là "biến hình" như các Tin Mừng khác. Điều xảy ra trong truyện này không nhắm trước tiên cho Đức Giêsu, nhưng là cho ba môn đệ. Không phải Người là Đấng phải thực hiện một kinh nghiệm hoặc phải biết một điều gì mới, nhưng chính các ông mới phải tiến tới trong việc hiểu biết Người và tin tưởng vào Người. Ánh sáng trên dung nhan Đức Giêsu cho chúng ta hiể trong khi cầu nguyện, Người đã hiểu chương trinh cứu độ của Cha Người và đã chấp nhận chương trình đó. Hy sinh của Người sẽ không phải là một thất bại, mà là một bước tiến tới sự phục sinh và vinh quang.

 

3. Sự kiện Đức Giêsu xuất hiện giữa Môsê và Êlia và hai ông đàm đạo với Người cho các môn đệ một bằng chứng nữa để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai: Người thuộc về thế giới Thiên Chúa. Nhưng Người cũng thuộc về lịch sử dân Chúa, một lịch sử được Thiên Chúa hướng dẫn. Người phải đưa sứ mạng của Môsê và Êlia đến chỗ hoàn tất; Người cũng đáng được trân trọng và nhận biết như hai người tôi tớ đại này. Đức Giêsu không xuất hiện bất ngờ như một sao băng không hề có liên hệ gì với quá khứ, nhưng Người tháp vào trong lịch sử dài gồm những săn sóc ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và đưa lịch sử này đến chỗ hoàn tất.

 

4. Quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa không phải là một vấn đề lý thuyết, không quan trọng gì bao nhiêu đối với đức tin và lối sống Kitô hữu. Phải nói là chính trong tương quan này mà bản chất của tương quan của Người đối với loài người chúng ta cũng được làm sáng tỏ, cả ý nghĩa của Người đối với chúng ta, những chờ đợi mà chúng ta có thể có nơi Người, những bổn phận phát xuất từ tương quan này đối với chúng ta.

 

5. Cho tới nay, Israel đã nghe lời Môsê và Êlia, nay họ phải nghe lời Đức Giêsu. Tất cả Sách Thánh của Israel đều dẫn tới Đức Giêsu. Bằng bản thân, bằng hoạt động và bằng lời nói của Người, Đức Giêsu đưa đến cho dân chúng sứ điệp chung kết của Thiên Chúa. Cựu Ước không có ý nghĩa nếu không có Đức Giêsu, còn chính Người, nếu không có Cựu Ước, thì chỉ là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Vào ngày Phục Sinh, để cho các môn đệ có thể hiểu ý nghĩa của cái chết và sự sống lại của Người, Người sẽ phải giải thích Cựu Ước cho họ (x. Lc 24,17).


 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hoàn Toàn Tín Thác Nơi Thiên Chúa. (trích Trong ‘suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia) ----- (3/17/2019)
Hai Ngọn Núi. (3/17/2019)
Hãy Vui Lên – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm. (3/17/2019)
Hành Trình Đức Tin – Lm Giuse Nguyễn Hữu An (3/17/2019)
Giao Ước (3/17/2019)
Tin/Bài cùng ngày
Đỉnh Núi Vinh Quang. (trích Trong ‘tin Mừng Chúa Nhật’) (3/16/2019)
Đau Khổ Và Vinh Quang. (3/16/2019)
Đau Khổ (3/16/2019)
Con Đường Của Mọi Thăng Hoa Biến Thái (trích Trong ‘lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest) (3/16/2019)
Chúa Hiển Dung – R. Veritas (trích Trong ‘mỗi Ngày Một Tin Vui’) (3/16/2019)
Tin/Bài khác
Chúa Giêsu Hiển Dung - Hugues Cousin ---- (3/15/2019)
Giao Ước (3/15/2019)
Chúa Biến Hình - Mccarthy (3/15/2019)
Biến Hình (2) (3/15/2019)
Biến Hình - Đtgm. Ngô Quang Kiệt. (3/15/2019)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768